Bệnh Phình động mạch chủ ngực

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Nguyễn Thị Nhuần

Phó Giám đốc Chuyên môn

Phình động mạch chủ ngực là tình trạng sức khỏe nghiêm trọng, có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Chứng bệnh này có liên quan đến xơ vữa động mạch, yếu tố di truyền, đột biến rối loạn mô liên kết hoặc một số thói quen sinh hoạt kém khoa học khác. Biến chứng bóc tách hoặc vỡ khối phình xảy ra có thể dẫn đến tử vong nếu không điều trị kịp thời. 

Tổng quan

Phình động mạch chủ ngực (Thoracic Aortic Aneurysm - TAA) là tình trạng động mạch chủ sưng phình to ở vùng ngực. Tình trạng này kéo dài có thể gây bóc tách hoặc vỡ động mạch chủ, gây nguy hiểm đến tính mạng. Mức độ phình và đường kính động mạch càng lớn, nguy cơ biến chứng càng cao.

Phình động mạch chủ ngực là tình trạng xảy ra khi động mạch chủ bị phình to ở vùng ngực

So với phình động mạch chủ bụng, phình động mạch chủ ngực ít gặp hơn. Tuy nhiên, mức độ nguy hiểm là như nhau. Nếu mức độ phình nhỏ, chỉ cần điều trị bảo tồn và theo dõi, còn nếu khối phình lớn và phát triển nhanh cần phẫu thuật để giảm nguy cơ biến chứng tử vong.

Theo thống kê, có khoảng 6 - 10/100.000 ca mắc phình động mạch chủ ngực. Đây chỉ là con số ước lượng vì còn rất nhiều trường hợp mắc bệnh nhưng không có triệu chứng. Bệnh có liên quan mật thiết đến tiền sử gia đình (tỷ lệ khoảng 20%). Số ca tử vong do vỡ và bóc tách phình động mạch chủ ngực khoảng 30.000 ca tại Hoa Kỳ mỗi năm.

Phân loại

Có 2 loại phình động mạch chủ ngực gồm 2 dạng gồm:

  • Type 1: Động mạch chủ lên là phần động mạch chủ đi lên từ tim;
  • Type 2: Động mạch chủ xuống là phần chạy xuống ngực và bụng;

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Xơ vữa động mạch được xác định là nguyên nhân phổ biến nhất gây phình động mạch chủ ngực. Đây là tình trạng tích tụ mảng bám dày theo thời gian và làm suy yếu thành động mạch chủ, thúc đẩy sự phát triển của phình động mạch chủ ngực.

Các nguyên nhân gây phình động mạch chủ ngực như yếu tố di truyền, rối loạn mô liên kết, hút thuốc hoặc cao huyết áp

Ngoài ra, có rất nhiều yếu tố nguy cơ được xác định làm tăng nguy cơ phát triển chứng bệnh này. Bao gồm:

  • Tuổi tác: Tình trạng này chủ yếu xảy ra ở người lớn tuổi, trên 60 tuổi.
  • Rối loạn di truyền: Một số rối loạn di truyền như hội chứng Ehlers-Danlos, hội chứng Loeys-Dietz, hội chứng Marfan, hội chứng Turner,... làm tăng nguy cơ khởi phát phình động mạch chủ ngực.
  • Tiền sử gia đình: Nguy cơ phát triển chứng bệnh này cao hơn khi bố mẹ hoặc anh chị em ruột có người mắc bệnh. Trong đó, đột biến gen ACTA2 là dạng đột biến phổ biến nhất, khiến thành động mạch chủ giãn rộng ra khi máu lưu thông qua vị trí này.
  • Hút thuốc lá: Khói thuốc lá có thể làm tổn thương thành động mạch, suy yếu đến mức khỏi phát các triệu chứng phình động mạch chủ ngực.
  • Huyết áp cao: Bệnh nhân bị cao huyết áp dễ làm suy yếu thành động mạch chủ.
  • Ảnh hưởng từ các bệnh lý khác: Chẳng hạn như viêm động mạch chủ, van động mạch chủ hai mảnh, bệnh động mạch vành...

Xem thêm: Xơ Vữa Động Mạch Não: Biến chứng và Biện pháp phòng ngừa

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng 

Đa số trường hợp bị phình động mạch chủ ngực thường không có triệu chứng đặc hiệu nên rất khó phát hiện. Nhưng ở giai đoạn nặng hơn, bệnh nhân có thể gặp một số triệu chứng sau:

Đau lưng, đau ngực, khó thở, khó nuốt... là những dấu hiệu điển hình do khối phình đè lên các cơ quan lân cận

  • Đau ngực, hàm, cổ hoặc vùng lưng trên;
  • Khó nuốt, đau nhức khi nuốt do khối phình động mạch đè lên thực quản;
  • Khàn giọng do khối phình động mạch đè lên dây thần kinh ảnh hưởng đến thanh quản;
  • Ho khan dai dẳng, khó thở do khối phình đè lên khí quản;

Trường hợp bị vỡ hoặc bóc tách khối phình mạch, đây là trường hợp cấp cứu y tế nghiêm trọng, gây ra các triệu chứng đột ngột và cần được chăm sóc y tế ngay lập tức. Hãy nhập viện nếu xuất hiện các triệu chứng sau:

  • Đau nhức dữ dội, đột ngột ở lưng, ngực, cảm giác như bị đâm, hoặc xé rách;
  • Tim đập nhanh;
  • Tức ngực, khó thở, hụt hơi;
  • Hoa mắt, chóng mặt, cảm giác lâng lâng;
  • Đổ nhiều mồ hôi;
  • Lú lẫn, khó nói;
  • Suy giảm thị lực;
  • Yếu cơ hoặc liệt một bên cơ thể;

Cơ hội sống sót của bạn khi mắc phải chứng bệnh này giảm đi sau mỗi phút, mỗi giờ. Do đó, hãy tìm kiếm biện pháp chăm sóc y tế kịp thời để kiểm soát triệu chứng, bảo toàn tính mạng.

Chẩn đoán

Nhiều trường hợp phình động mạch chủ ngực được phát hiện sớm là do chẩn đoán tình cờ, thông qua các xét nghiệm thăm khám định kỳ, kiểm tra sức khỏe toàn diện. Trường hợp đã có những triệu chứng bất thường, bác sĩ sẽ khai thác tiền sử y tế đầy đủ và kiểm tra thể chất.

Chẩn đoán phình động mạch chủ ngực thông qua các xét nghiệm hình ảnh như chụp MRI, CT scan và siêu âm tim

Một số xét nghiệm cận lâm sàng được chỉ định cho bệnh nhân thực hiện như:

  • Chụp cắt lớp vi tính CT scan: Xét nghiệm này kết hợp tia X và công nghệ máy tính để tạo ra hình ảnh lát cắt của cơ thể. Kỹ thuật này cho phép quan sát hình ảnh chi tiết của bất kỳ cơ quan trên cơ thể, giúp xác định kích thước và vị trí phình động mạch chủ ngực.
  • Chụp cộng hưởng từ MRI: Xét nghiệm này kết hợp giữa sóng vô tuyến và máy tính nhằm tạo ra hình ảnh chi tiết về các cơ quan và cấu trúc bên trong cơ thể. Tương tự chụp CT scan, nhằm xác định kích thước và vị trí khối phình động mạch chủ.
  • Chụp X quang ngực: Xét nghiệm hình ảnh này cho thấy phần giữa ngực (trung thất) giãn rộng hơn bình thường. Phương pháp này sử dụng các chùm năng lượng điện từ vô hình để tạo ra hình ảnh của các mô xương, cơ quan bên trong cơ thể.
  • Siêu âm tim: Sử dụng sóng âm thanh để đánh giá lưu lượng máu di chuyển qua tim và các mạch máu, bao gồm cả động mạch chủ. Kỹ thuật này sử dụng một ống siêu âm dẫn xuống cổ họng vào trong ống nối miệng với dạ dày. Cho phép chẩn đoán hoặc sàng lọc phình động mạch chủ ngực.
  • Angiogram: Đây là hình ảnh X quang của các mạch máu được dùng để đánh giá các tình trạng bất thường như thu hẹp/ tắc nghẽn mạch máu và cả chứng phình động mạch. Kỹ thuật này sử dụng một loại thuốc cản quan được tiêm vào ống mỏng, linh hoạt đặt trong động mạch. Khi nhìn trên hình ảnh tia X, thuốc nhuộm làm cho các mạch máu hiển thị rõ ràng.

Biến chứng và tiên lượng

Phình động mạch chủ ngực được cảnh báo là một tình trạng y tế nghiêm trọng. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể gặp phải các biến chứng sau:

  • Bóc tách động mạch chủ;
  • Vỡ khối phình động mạch;
  • Hở van động mạch chủ;
  • Hình thành cục máu đông tại vị trí phình động mạch và di chuyển sang nhiều nơi khác trong cơ thể, tăng nguy cơ đột quỵ hoặc thiếu máu cục bộ mạc treo;

Người lớn tuổi bị phình động mạch chủ ngực có thể gây biến chứng bóc tách hoặc vỡ xuất huyết dẫn đến tử vong nếu không điều trị kịp thời

Biến chứng nghiêm trọng nhất của phình động mạch chủ ngực là tử vong. Tỷ lệ tử vong khá cao khi vỡ khối phình động mạch chủ. Khả năng sống sót phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm kích thước và mức độ nghiêm trọng tiến triển bệnh.

Ước tính có khoảng 65% người bị phình động mạch chủ ngực lớn, có thể sống sót sau 1 năm chẩn đoán dù không điều trị. Trường hợp điều trị y tế tích cực chỉ có 20% trường hợp còn sống sau 5 năm.

Điều trị

Mục tiêu điều trị phình động mạch chủ ngực nhằm cải thiện triệu chứng và sửa chữa tổn thương phình động mạch chủ ngực. Phác đồ điều trị bao gồm các phương pháp sau:

Điều trị nội khoa

Đối với những trường hợp bị phình động mạch chủ ngực không quá nghiêm trọng, bệnh nhân sẽ được chỉ định áp dụng các biện pháp sau:

  • Thường xuyên theo dõi bằng kỹ thuật CT Scan hoặc MRI để kiểm tra, đánh giá vị trí, kích thước và tốc độ phát triển của chứng phình động mạch;
  • Quản lý nghiêm ngặt các yếu tố rủi ro như bỏ hút thuốc, ăn uống đủ chất, vận động điều độ, kiểm soát lượng đường trong máu, duy trì cân nặng...;
  • Dùng thuốc kiểm soát cholesterol hoặc huyết áp cao;

Điều trị phẫu thuật

Phẫu thuật là phương pháp được chỉ định điều trị dứt điểm chứng phình động mạch chủ ngực. Tùy mức độ tổn thương, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện phương pháp khác nhau, bao gồm:

Phẫu thuật là phương pháp điều trị hiệu quả đối với các tổn thương phình động mạch chủ ngực

  • Phẫu thuật mổ hở truyền thống: Được thực hiện bằng cách sửa chữa phình động mạch chủ bằng cách tạo một vết rạch ở giữa ngực. Sau đó, tiến hành loại bỏ phần tổn thương của động mạch chủ và thay thế bằng một ống ghép.
  • Phẫu thuật sửa chữa nội mạch phình động mạch chủ ngực (TEVAR): Đây là tùy chọn xâm lấn tối thiểu nhằm điều trị chứng phình động mạch chủ. Bác sĩ phẫu thuật sẽ tạo các vết cắt nhỏ gần háng nhằm tiếp cận động mạch đùi. Sau đó, tiến hành đặt một ống thông để di chuyển mảnh ghép đến vị trí phình động mạch và đặt nó vào đúng vị trí.
  • Phẫu thuật thay gốc động mạch chủ: Phẫu thuật này nhằm điều trị chứng phình động mạch ở gốc động mạch chủ (đây là phần động mạch chủ gắn vào tim). Thủ thuật này được tiến hành bằng cách thay van động mạch chủ.

Phòng ngừa

Chủ động phòng ngừa phình động mạch chủ ngực là điều rất quan trọng giúp duy trì sức khỏe và bảo vệ tính mạng. Sau đây là một số cách cơ bản giúp giảm thiểu rủi ro mắc phải chứng bệnh này:

Duy trì lối sống lành mạnh, cai thuốc lá và kiểm soát huyết áp để phòng ngừa phình động mạch chủ ngực

  • Luôn giữ cho huyết áp trong ngưỡng ổn định, tránh làm suy yếu động mạch chủ, giảm nguy cơ phình sưng.
  • Cai thuốc lá và tránh tiếp xúc với khói thuốc lá để giảm đáng kể nguy cơ phát triển phình động mạch chủ ngực.
  • Kiểm soát cân nặng phù hợp thông qua chế độ ăn uống khoa học và tập thể dục điều độ.
  • Ăn uống lành mạnh và dùng thuốc cần thiết nhằm kiểm soát mức cholesterol giảm tích tụ mảng bám trong động mạch.
  • Thăm khám sức khỏe định kỳ, kiểm tra toàn diện và tầm soát các bệnh lý về mạch máu, tim mạch, di truyền giúp phát hiện sớm các dấu hiệu phình động mạch chủ ngực.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Tôi đột ngột bị đau lưng, đau hàm, cổ, tức ngực, khó thở, ho khan, khàn tiếng là bệnh gì?

2. Nguyên nhân tại sao tôi mắc chứng phình động mạch chủ ngực?

3. Tôi cần làm những xét nghiệm nào để chẩn đoán xác nhận phình động mạch chủ ngực?

4. Kích thước và tiến triển của chứng phình động mạch chủ ngực của tôi như thế nào?

5. Những biến chứng tôi có thể gặp phải nếu không điều trị phình động mạch chủ ngực?

6. Có những phương pháp điều trị phình động mạch chủ ngực nào hiệu quả? Tôi nên áp dụng phương pháp nào?

7. Toa thuốc điều trị của tôi có thể dùng trong bao lâu? Có gây ra tác dụng phụ nào không?

8. Tôi có cần thay đổi chế độ ăn uống để cải thiện triệu chứng không?

9. Những thành viên trong gia đình tôi có cần khám tầm soát phình động mạch chủ ngực không?

10. Tôi cần làm những gì để phòng ngừa tái phát phình động mạch chủ ngực trong tương lai?

Bệnh nhân mắc phải chứng phình động mạch chủ ngực có thể gây ra một loạt các triệu chứng nghiêm trọng, thậm chí dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Ngay khi phát hiện các dấu hiệu bất thường như đau tức ngực, khó thở, đau lưng... cần tìm kiếm biện pháp chăm sóc y tế ngay lập tức để cải thiện triệu chứng và giảm nguy cơ tiến triển nặng của bệnh.

Có thể bạn quan tâm:

Chia sẻ:
Bệnh Cơ Tim Phì Đại
Cơ tim phì đại là tình trạng cơ tim dày lên khiến quá trình bơm máu khó khăn và gây rối loạn hệ thống điện của tim. Đa phần nguyên…
Bệnh Tim Bẩm Sinh
Tim bẩm sinh là một trong những dị tật phổ…
Bệnh Phình động mạch chủ
Phình động mạch chủ là bệnh mạch máu phổ biến,…
Bệnh Rối Loạn Lipid Máu
Rối loạn lipid máu có tỷ lệ mắc ngày càng…
Bệnh Nhồi Máu Cơ Tim

Nhồi máu cơ tim có liên quan mật thiết đến cơn đau tim xảy ra do tắc nghẽn động mạch…

Bệnh Suy Tim

Suy tim là một trong những bệnh lý tim mạch nguy hiểm nhất hiện nay và cũng là nguyên nhân…

Bệnh Nhịp Tim Chậm

Nhịp tim chậm là một trong những dạng rối loạn nhịp tim thường gặp. Chứng bệnh này có thể xảy…

Bệnh Thấp Tim

Thấp tim là bệnh lý tự miễn đặc trưng bởi tình trạng viêm sau các đợt nhiễm khuẩn đường hô…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Nguyễn Thị Nhuần

Phó Giám đốc Chuyên môn

[ads_sidebar]
Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua