Xơ Vữa Động Mạch Não: Biến chứng và Biện pháp phòng ngừa
Xơ vữa động mạch não là căn bệnh tiến triển từ từ, có thể xuất hiện từ rất sớm, thậm chí ngay từ thời thơ ấu, qua nhiều năm phát triển, bệnh gây hẹp hoặc tắc động mạch, dẫn đến nhiều bệnh lý nghiêm trọng, nguy hiểm cho sức khỏe như tai biến mạch máu não hay hội chứng mạch vành cấp. Xơ vữa động mạch não cần được hiểu rõ để sớm nhận biết và có biện pháp phòng ngừa phù hợp.
Xơ vữa động mạch não là gì?
Động mạch não là hệ động mạch có cấu trúc phức tạp, đóng vai trò vô cùng quan trọng thực hiện chức năng cung cấp máu giàu oxy và dưỡng chất để nuôi dưỡng các tế bào não. Hệ động mạch não gồm hai động mạch cảnh cùng hai động mạch đốt sống. Trong đó:
- Động mạch não trước có nhiệm vụ cung cấp máu cho các phần trong của thùy đỉnh, thùy trán và thể chai
- Động mạch não giữa có nhiệm vụ cung cấp máu cho bề mặt thùy đỉnh, thùy trán và thùy thái dương
- Các nhánh của động mạch não trước, nhánh của động mạch não giữa cung cấp máu cho hạch nền cùng phần trụ trước bao trong
- Các động mạch nền và động mạch đốt sống có nhiệm vụ cung cấp máu cho tiểu não, thân não và vỏ não nằm phía sau và thùy thái dương dưỡng
- Các động mạch não sau tách ra từ động mạch nền cung cấp máu cho đồi thị, thùy chẩm, thùy thái dương giữa, các thể vú và thể gối.
Xơ vữa động mạch não là hiện tượng lớp mô mềm nội mạc của các động mạch não bị tổn thương, tạo điều kiện cho các tế bào có dạng hạt tích tụ, tạo nên các đám phía dưới tế bào nội mô. Tình trạng này tích lũy theo năm tháng, khiến cho các tiểu cầu, cholesterol bám dính sẽ gây ra các mảng xơ vữa khiến thành mạch dày lên, xơ cứng, mất đi độ đàn hồi, lòng thành mạch cũng bị thu hẹp lại.
Lâu ngày, các mảng xơ vữa này có thể bị nứt, vỡ ra, tạo thành các mảnh nhỏ đi vào hệ thống tuần hoàn. Dẫn đến hiện tượng hồng cầu, tiểu cầu bám dính trên mảng xơ vữa bị nứt này, tạo nên các cục máu đông, có thể gây ra tình trạng thuyên tắc mạch máu não, tạo nên hiện tượng thiếu máu não đột ngột thoáng qua hoặc nhồi máu não làm xuất hiện cơn đột quỵ nghiêm trọng.
Khi lớp nội mạc trong động mạch não bị tổn thương, mạch máu cũng trở nên yếu, dễ phình vỡ hơn. Khi có áp lực đột ngột sẽ gây ra hiện tượng vỡ mạch máu não dẫn đến cơn đột quỵ não do xuất huyết não. Dù là đột quỵ não ở dạng não cũng đều rất nguy hiểm, gây tổn thương nghiêm trọng cho não do các tế bào thần kinh thiếu oxy và dưỡng chất, bị chết đi, hoại tử. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời thì nguy cơ tử vong, tàn tật là cực kỳ cao.
Quá trình hình thành của mảng xơ vữa động mạch não
Thông thường, trong lòng động mạch não sẽ có một lớp nội mô mềm, còn được gọi là lớp nội mạc, giúp cho hệ thống mạch máu hoạt động trơn tru. Lớp nội mạc này mang điện tích âm, do đó, sẽ không xảy ra hiện tượng ngưng kết, lắng đọng các thành phần hữu hình trong lòng thành mạch. Hơn nữa, những tế bào nội mạc này còn có khả năng sản xuất chất chống xơ vữa động mạch là nitric oxide (NO).
Tuy nhiên, khi lớp tế bào nội mạc này tổn thương, thường liên quan đến sự rối loạn huyết động trong cơ thể, thì khả năng sản xuất NO giảm sút đáng kể. Điều này tạo điều kiện cholesterol – LDL lắng đọng, tạo nên các vệt mỡ trên bề mặt nội mạc. Hơn nữa, chúng sẽ bắt giữ các tế bào đơn nhân và đại thực bào, oxy hóa, biến để thành các tế bào bọt thâm nhiễm vào thành mạch. Các tế bào này cơ trơn cũng sẽ di chuyển từ lớp giữa ra lớp nội mạc, tạo nên mảng xơ vữa động mạch.
Theo thời gian, tình trạng lắng đọng của các tế bào dạng hạt gồm cholesterol, canxi, tế bào viêm tại vị trí bị nội mạc bị tổn thương càng nhiều. Động mạch não lúc này không chỉ bị xơ cứng mà lòng thành mạch cũng hẹp đi đáng kể. Quá trình này được gọi là quá trình xơ vữa động mạch não. Khi mảng xơ vữa hình thành, rất dễ gây ra hiện tượng rối loạn cân bằng lipoprotein, dẫn đến ứ trệ, tích lũy mỡ và các hạt lắng đọng ở thành mạch.
Nguyên nhân gây ra tình trạng xơ vữa động mạch não
Theo các chuyên gia, đến nay, các nghiên cứu khoa học vẫn chưa thể xác định được chính xác nguyên nhân xơ vữa động mạch não. Tuy nhiên, căn nguyên khởi nguồn của căn bệnh này chính là những tổn thương của các tế bào nội mạc, có liên quan đến hiện tượng rối loạn huyết động trong cơ thể. Sự tổn thương của các tế bào nội mạc chính là điều kiện tiên quyết, dẫn đến sự lắng đọng các chất ở lòng thành mạch, khởi động cho quá trình hình thành, tích tụ các tế bào dạng hạt, làm phát triển căn bệnh xơ vữa động mạch não.
Thông thường, tình trạng xơ vữa không xảy ra ở những động mạch nhỏ mà chủ yếu xuất hiện ở các động mạch lớn, nhất là những nơi thường xuyên chịu áp lực cao, nhất là các vùng có vùng xoáy, chỗ gấp khúc hay các chỗ chia đôi, nơi sản sinh ra các tuần hoàn bàng hệ. Hơn nữa, mảng xơ vữa cũng không xuất hiện đơn độc mà xảy ra ở nhiều nơi trên động mạch, đồng thời còn có thể xuất hiện ở nhiều động mạch.
Các yếu tố gia tăng nguy cơ xơ vữa động mạch
Được biết, căn bệnh này có thể xuất hiện từ sớm, ngay từ thời thơ ấu, đến khi mức độ hẹp, tắc nghẽn lòng mạch ở mức nghiêm trọng thì mới gây ra các dấu hiệu bất thường rõ ràng. Các yếu tố nguy cơ có thể làm gia tăng, phát triển căn bệnh xơ vữa động mạch não này thường là:
- Chế độ ăn uống không lành mạnh: Những người thường xuyên ăn nhiều dầu mỡ, tinh bột, nội tạng động vật, da động vật, thức ăn nhanh, đồ ăn chiên rán… thường có nguy cơ mắc xơ vữa động mạch cao. Lý do là trong các thực phẩm này có chứa nhiều cholesterol xấu, có thể ảnh hưởng và gây lắng đọng cholesterol ở thành mạch.
- Tăng huyết áp: Tăng huyết áp có thể là nguyên nhân khiến lớp nội mạc trong thành mạch bị tổn thương, dẫn đến sự tích tụ của các tế bào dạng hạt. Hơn nữa, đây còn là yếu tố khiến lớp nội mạc giảm sản sinh NO, làm giảm khả năng ngăn ngừa sự hình thành của mảng xơ vữa. Đồng thời, nó còn khiến các mảng xơ vữa phát triển nhanh hơn, dễ bị nứt vỡ tạo thành cục máu đông di chuyển gây bít tắc lòng mạch máu não.
- Tăng cholesterol: Khi nồng độ cholesterol xấu LDL tăng cao, nồng độ triglyceride cao và cholesterol tốt HDL giảm thì sẽ thúc đẩy hình thành và gia tăng sự tích tụ của mảng xơ vữa động mạch.
- Hút thuốc lá: Khói thuốc lá chứa nicotine, có thể làm tăng nhịp tim, tăng huyết áp, carbon monoxide trong khói thuốc lá còn có thể làm giảm khả năng đàn hồi của thành mạch. Không chỉ vậy, nó còn là nguyên nhân gây gia tăng triglyceride, LDL và giảm nồng độ HDL trong cơ thể.
- Thừa cân, béo phì: Những người thừa cân, béo phì thường có chế độ ăn uống kém lành mạnh, dung nạp quá nhiều cholesterol trong cơ thể. Cân nặng quá mức cũng gây chèn ép lên mạch máu, dễ bị mỡ máu, khiến bệnh xơ vữa động mạch não phát triển nhanh hơn.
- Tiểu đường: Người bị tiểu đường dễ bị cao huyết áp, khi độ nhớt của máu tăng, sự lắng đọng và bám dính của các tế bào mỡ vào thành mạch cũng gia tăng, tình trạng xơ vữa động mạch cũng tiến triển nhanh hơn.
- Thói quen xấu: Một số thói quen xấu có thể gây gia tăng nguy cơ xơ vữa động mạch như uống nhiều rượu bia, sử dụng quá nhiều muối, nhiều đường, thức khuya, ngủ quá nhiều, lười vận động…
Dấu hiệu nhận biết xơ vữa động mạch não
Như đã đề cập, đây là căn bệnh tiến triển âm thầm, ở giai đoạn sớm của bệnh, thường không gây ra triệu chứng đặc trưng. Chỉ đến khi mức độ xơ vữa nghiêm trọng, xuất hiện cục máu đông hoặc lòng thành mạch bị hẹp nhiều thì mới xuất hiện các triệu chứng rõ ràng, cụ thể. Tuy nhiên, lúc này, bệnh đã tương đối nghiêm trọng, bệnh nhân có nguy cơ gặp phải các biến chứng nguy hiểm rất cao.
Các dấu hiệu nhận biết căn bệnh này có thể kể đến như:
- Thường xuyên gặp phải các triệu chứng như đau đầu, ù tai. Cơn đau đầu gây ra hiện tượng kéo căng ở vùng thái dương – trán, hay xuất hiện vào buổi sáng.
- Đau đầu có thể kèm theo các triệu chứng như chóng mặt, khả năng tập trung suy giảm, trí nhớ kém
- Bệnh nhân có thể gặp một hoặc nhiều triệu chứng cùng lúc, thường được gọi là thiểu năng tuần hoàn não do lượng máu lên não kém
- Đột quỵ thoáng qua với các triệu chứng như đau đầu dữ dội, thị lực giảm sút, chân tay yếu đột ngột, cơ thể mệt mỏi, rối loạn ngôn ngữ bất thường… các triệu chứng kéo dài dưới 1 tiếng cũng có thể là dấu hiệu của xơ vữa động mạch não.
Ngoài ra, đột quỵ não cũng được xem là dấu hiệu của xơ vữa động mạch. Các triệu chứng của đột quỵ não bao gồm méo miệng, không thể giơ hai tay qua đầu cùng lúc, không thể lặp lại một câu nói đơn giản, giảm hoặc mất thị lực, tê yếu hoặc liệt một bên cơ thể, rối loạn trí nhớ, đau đầu dữ dội, rối loạn ngôn ngữ, chóng mặt, ngất xỉu…
Thông qua các nghiên cứu, người ta nhận thấy các biểu hiện lâm sàng của xơ vữa động mạch não theo giai đoạn như sau:
- Giai đoạn xơ vữa nhẹ: Huyết áp tăng nhẹ hoặc huyết áp thấp, xuất hiện các triệu chứng như giảm trí nhớ, giảm khả năng tập trung, tâm lý biến đổi nhẹ, điện não có tần số không ổn định trong khi các dây thần kinh sọ não vẫn bình thường.
- Giai đoạn xơ vữa nặng: Bệnh nhân thường xuyên bị đau nhức đầu, rối loạn ý thức ở dạng sa sút trí tuệ. Đáy mắt có hiện tượng xơ cứng mạch máu, đôi khi bị liệt nửa người nhẹ, huyết áp tăng hoặc có khi giảm. Đường kính các động mạch lớn và trung bình thay đổi, điện não tần số dao động không đều, có hiện tượng giảm tưới máu từng ổ.
- Ở giai đoạn nghiêm trọng: Các triệu chứng trên rõ rệt hơn, nổi bật là hiện tượng sa sút trí tuệ không hồi phục, người bệnh rơi vào trạng thái trầm cảm, thay đổi tâm lý, dễ bị hoảng sợ…
Các biến chứng nguy hiểm thường gặp
Xơ vữa động mạch não gây ra hiện tượng hẹp lòng động mạch khiến lưu lượng máu đến não giảm đi đáng kể, ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của não bộ. Mảng xơ vữa còn có thể bị nứt vỡ dẫn đến sự hình thành của cục máu đông trong lòng mạch. Đây là nguyên nhân chính gây bít tắc mạch máu, dẫn đến các cơn đột quỵ thoáng qua và đột quỵ não nguy hiểm. Ngoài ra, khi bị xơ vữa, thành động mạch bị suy giảm độ đàn hồi đáng kể, khi lưu lượng máu gia tăng đột ngột, sẽ rất dễ bị phình, vỡ gây xuất huyết não.
Các biến chứng nguy hiểm của xơ vữa động mạch não đến sức khỏe người bệnh có thể kể đến như:
- Ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống: Ở mức độ nhẹ, bệnh gây ra hiện tượng suy giảm trí nhớ kèm theo các cơn đau nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt thường xuyên. Người bệnh bị suy giảm sức khỏe, suy giảm khả năng tập trung, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng công việc lẫn cuộc sống.
- Gây thiểu năng tuần hoàn não: Xơ vữa động mạch làm hẹp các mao mạch dẫn máu, làm chậm thậm chí tắc quá trình lưu thông máu. Tình trạng thiểu năng tuần hoàn não do xơ vữa động mạch não chiếm tới 60 – 80% các ca bệnh. Người bệnh thường có các triệu chứng như đau đầu có tính lan tỏa hay xuất hiện ở trán, gáy, chóng mặt đột ngột, dễ bị hoa mắt, tối sầm mặt mày khi thay đổi tư thế, suy giảm trí nhớ, mất ngủ, khó ngủ, hay nghe tiếng ù bên tai…
- Gây ra các cơn đột quỵ thoáng qua: Đột quỵ thoáng qua là hiện tượng thiếu máu não cục bộ với các triệu chứng xuất hiện trong thời gian ngắn, thường kéo dài dưới 1 giờ. Đột quỵ thoáng qua là một dạng đột quỵ nhưng với mức độ nhẹ hơn, xảy ra khi mạch máu não bị bít tắc trong thời gian ngắn và có thể tự tái thông trở lại.
- Đột quỵ não: Là biến chứng nguy hiểm và nghiêm trọng nhất của xơ vữa động mạch. Tình trạng xơ vữa của động mạch não có thể gây ra cả 2 dạng là đột quỵ nhồi máu não và đột quỵ xuất huyết não. Căn bệnh này có tử lệ tử vong cực cao, nếu có thể được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ giảm thiểu được nguy cơ tử vong. Tuy nhiên, người bệnh cũng sẽ phải đối mặt với những di chứng nặng nề và nghiêm trọng do bệnh gây ra.
Phương pháp chẩn đoán và điều trị
Xơ vữa động mạch não và xơ vữa động mạch cảnh có liên quan mật thiết với nhau. Đây đều là những căn bệnh nguy hiểm, có nguy cơ gây tai biến mạch máu não rất cao. Chính vì vậy, chúng ta nên thường xuyên thăm khám, kiểm tra sức khỏe để phát hiện các bệnh lý trong cơ thể một cách kịp thời, sớm nhất. Đặc biệt, nếu thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ cao hoặc có các dấu hiệu bất thường như hay bị đau nhức đầu, suy giảm trí nhớ, chóng mặt, choáng váng thì nên sớm thăm khám để được tầm soát bệnh.
Phương pháp chẩn đoán
Xơ vữa động mạch não rất khó điều trị, vì thế cách tốt nhất là chúng ta nên thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ. Khi người bệnh có các yếu tố nguy cơ cao, sau khi thăm khám lâm sàng, tìm hiểu về tiền sử bệnh lý, bác sĩ có thể chỉ định cho bệnh nhân thực hiện một số phương pháp như:
- Điện tâm đồ
- Xét nghiệm công thức máu (để phát hiện nồng độ cholesterol)
- Siêu âm Doppler xuyên sọ
- Chụp động mạch (CT)
- Siêu âm động mạch cảnh đoạn ngoài sọ
- Siêu âm nội mạch
- Chụp cộng hưởng từ mạch máu (MRA)
- Chụp mạch máu số hóa xóa nền
Phương pháp điều trị
Nguyên tắc trong điều trị xơ vữa động mạch não là kiểm soát các yếu tố gây bệnh, ngăn ngừa bệnh phát triển và phòng ngừa nguy cơ đột quỵ não. Tùy vào mức độ xơ vữa của động mạch não và tình trạng sức khỏe của người bệnh mà đưa ra hướng điều trị phù hợp. Thường là:
- Điều trị bằng thuốc: Sử dụng thuốc có thể làm chậm quá trình xơ vữa, ngăn ngừa biến chứng, làm giảm sự tích tụ của các tế bào hạt trên thành động mạch. Các thuốc này thường có tác dụng hạ huyết áp, kiểm soát nồng độ cholesterol xấu, ổn định nhịp tim, hạn chế tích tụ tiểu cầu. Một số thuốc được sử dụng phổ biến có thể kể đến như thuốc chẹn kênh canxi, thuốc chẹn beta, thuốc lợi tiểu, thuốc chống ngưng tập tiểu cầu, thuốc kiểm soát cholesterol…
- Can thiệp ngoại khoa: Nếu mức độ hẹp, tắc nghẽn nghiêm trọng, bệnh nhân sẽ được chỉ định phẫu thuật nội soi loại bỏ mảng bám; nong mạch, đặt stent để tái tưới máu hoặc dùng thuốc tiêu huyết khối để loại bỏ cục máu đông
- Thay đổi lối sống: Lối sống cũng là một trong những yếu tố quyết định, giúp kiểm soát và ngăn ngừa đáng kể các biến chứng do bệnh xơ vữa động mạch gây ra. Do đó, bên cạnh việc sử dụng thuốc, điều trị theo chỉ định của bác sĩ, người bệnh cũng cần điều chỉnh lối sống, loại bỏ các yếu tố nguy cơ để ngăn ngừa bệnh tiến triển.
Biện pháp phòng ngừa hiệu quả
Xơ vữa động mạch rất khó điều trị, việc điều trị căn bệnh này chủ yếu là kiểm soát các yếu tố nguy cơ đồng thời phòng ngừa tai biến mạch máu não. Lý do là lúc này mảng xơ vữa đã hình thành, có tổn thương xuất hiện, mạch máu bị thoái hóa, độ đàn hồi kém đi, không thể phục hồi như trước được. Cách tốt nhất là cần sớm có biện pháp ngăn ngừa để tránh nguy cơ mắc căn bệnh này cũng như các biến chứng nguy hiểm do bệnh gây ra.
Có thể phòng ngừa bằng các biện pháp sau đây:
- Thay đổi chế độ dinh dưỡng, tăng cường bổ sung chất xơ, vitamin, khoáng chất cho cơ thể, ăn nhiều rau xanh, trái cây, đặc biệt là các thực phẩm có thể làm giảm cholesterol như táo, lê…
- Hạn chế sử dụng các thực phẩm nhiều dầu mỡ, thức ăn chiên rán, các thực phẩm có chứa nhiều cholesterol như da, nội tạng động vật…
- Nên sử dụng dầu thực vật, đặc biệt là dầu oliu, dầu đậu phộng thay vì dầu động vật, bơ. Hạn chế sử dụng các thực phẩm quá nhiều đường, nhiều muối, nhiều tinh bột để ngăn ngừa nguy cơ tiểu đường, cao huyết áp.
- Tăng cường vận động, luyện tập thể dục thể thao thường xuyên để cải thiện sức khỏe, tăng cường lưu thông khí huyết, phòng ngừa các bệnh lý đặc biệt là nguy cơ xơ vữa động mạch
- Từ bỏ các thói quen xấu không tốt cho sức khỏe như hút thuốc lá, uống rượu bia, ngủ quá ít hoặc quá nhiều…
- Duy trì cân nặng hợp lý, cố gắng giảm cân khoa học nếu đang gặp phải tình trạng thừa cân, béo phì
- Thường xuyên kiểm tra huyết áp, chỉ số đường huyết nếu mắc đái tháo đường, cao huyết áp, đồng thời cần tích cực điều trị các bệnh lý này theo phác đồ của bác sĩ…
- Xây dựng lối sống lành mạnh, giữ cho tinh thần vui vẻ lạc quan, cân đối thời gian nghỉ ngơi và làm việc, tránh căng thẳng, mệt mỏi quá mức
- Thăm khám, kiểm tra sức khỏe định kỳ 1 – 2 lần/năm, đặc biệt nên nhanh chóng thăm khám khi thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ xơ vữa động mạch não cao hoặc có bất kỳ triệu chứng bất thường nào khác.
Xơ vữa động mạch não là tình trạng tổn thương lớp nội mạc ở lòng động mạch não dẫn đến lắng đọng cholesterol và các tế bào dạng hạt khiến lòng động mạch bị thu hẹp, thoái hóa, kém đàn hồi. Bệnh lý này rất nguy hiểm, là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây đột quỵ não. Hy vọng những thông tin mà chúng tôi cung cấp sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về căn bệnh này để có biện pháp phòng ngừa phù hợp.
Có thể bạn quan tâm:
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!