Tầm soát xơ vữa động mạch là làm gì? Tại sao nên thực hiện?
Tầm soát xơ vữa động mạch nên được thực hiện định kỳ để sớm phát hiện và điều trị tích cực, tránh những biến chứng của bệnh. Quá trình này gồm nhiều xét nghiệm giúp xác định chính xác bệnh lý.
Tầm soát xơ vữa động mạch là làm gì?
Tầm soát xơ vữa động mạch là một quá trình kiểm tra bằng nhiều phương pháp, giúp phát hiện sớm bệnh xơ vữa động mạch và những yếu tố gây bệnh. Quá trình này cũng giúp xác định giai đoạn bệnh và các biến chứng.
Bệnh xơ vữa động mạch (mạch máu) là tình trạng tắc nghẽn động mạch và giảm lưu lượng máu, được gây ra bởi các mảng bám từ chất béo, cholesterol và một vài chất khác tích tụ trong thành động mạch.
Hệ thống mạch máu (động mạch) được lót bằng lớp tế bào nội mô, giúp máu lưu thông một cách dễ dàng. Tuy nhiên các tình trạng như tiểu đường, cholesterol trong máu cao, tăng huyết áp, hút thuốc lá… có thể khiến lớp nội mô bị tổn thương. Từ đó tạo điều kiện cho các mảng bám hình thành và bám chắc ở động mạch.
Khi những mảng bám xơ cứng lại, lỗ mở của động mạch ảnh hưởng bị thu hẹp, khiến máu lưu thông kém. Lâu ngày những mảng bám vỡ ra tạo thành huyết khối (cục máu đông) ngăn chặn dòng chảy của máu giàu oxy đến các cơ quan.
Huyết khối di chuyển đến não bộ có thể gây đột quỵ não, đến động mạch vành cung cấp máu cho tim dẫn đến nhồi máu cơ tim và gây động mạch ngoại biên nếu ảnh hưởng đến động mạch ở các chi.
ĐỌC THÊM: Xơ Vữa Động Mạch Cảnh: Dấu hiệu và Giải pháp Điều trị
Vì sao tầm soát xơ vữa mạch máu rất quan trọng?
Như đã nêu trên, xơ vữa động mạch là môt bệnh lý nguy hiểm, có thể gây ra nhiều biến chứng đe dọa đến tính mạng như nhồi máu cơ tim, đột quỵ não, phình động mạch…
Mặc khác bệnh xơ vữa động mạch có diễn tiến âm thầm, triệu chứng không rõ ràng cho đến khi bệnh tiến triển nặng và một trong những động mạch bị tắc nghẽn, gây biến chứng.
Những biến chứng có thể xảy ra do bệnh xơ vữa mạch máu gồm:
- Đau thắt ngực
- Phình động mạch
- Bệnh thận mãn tính
- Nhồi máu cơ tim
- Bệnh tim mạch vành hoặc động mạch cảnh
- Bệnh động mạch ngoại vi
- Suy tim
- Đột quỵ
- Nhịp tim bất thường.
Chính vì thế mà việc tầm soát xơ vữa mạch máu vô cùng quan trọng. Những xét nghiệm cần thiết sẽ được thực hiện giúp sớm phát hiện bệnh và có những biện pháp can thiệp kịp thời. Điều này giúp ngăn ngừa bệnh lý mạch máu cũng như những biến chứng đe dọa đến tính mạng.
Tầm soát xơ vữa động mạch gồm những gì?
Để phát hiện ra những dấu hiệu của bệnh xơ vữa động mạch, như động mạch bị thu hẹp, xơ cứng hoặc giãn rộng, bạn sẽ được chỉ định một hoặc nhiều xét nghiệm.
Dưới đây là những xét nghiệm thường được thực hiện trong tầm soát xơ vữa động mạch:
1. Xét nghiệm máu
Xét nghiệm máu được thực hiện để kiểm tra nồng độ glucose và cholesterol trong máu. Glucose và cholesterol trong máu tăng cao được cho là nguyên nhân gây bệnh xơ vữa động mạch phổ biến.
Người bệnh lưu ý không ăn, không uống bất kỳ thứ gì ngoài nước lọc trước khi tiến hành xét nghiệm máu từ 9 -12 giờ. Tốt nhất nên đến bệnh viện vào buổi sáng sớm.
2. Siêu âm Doppler
Phương pháp này được dùng để đo vận tốc dòng máu chảy ở tay hoặc chân với nhiều vị trí khác nhau. Điều này có thể giúp xác định vị trí tắc nghẽn và đánh giá mức độ nghiêm trọng.
3. Điện tâm đồ (ECG)
Điện tâm đồ (ECG) còn được gọi là đo điện tim. Phương pháp này thường được chỉ định để đánh giá hoạt động điện của tim bằng cách đo hoạt động điện của tim khi tim co bóp.
Kết quả thu được có thể giúp chẩn đoán những cơn đau tim, rối loạn nhịp tim hoặc nhịp tim bất thường, các triệu chứng liên quan đến tim như mệt, khó thở…, tắc nghẽn hoặc hẹp động mạch vành.
4. Kiểm tra gắng sức
Bệnh nhân sẽ được hướng dẫn đạp xe cố định hoặc đi bộ trên máy chạy bộ trong quá trình theo dõi hoạt động của tim. Trong khi tập thể dục, tim bơm máu nhanh và mạnh hơn các hoạt động hàng ngày. Nhờ vậy mà việc kiểm tra gắng sức có thể phát hiện các tình trạng tim.
Một số trường hợp không thể tập thể dục có thể được hướng dẫn dùng thuốc tác động đến tim. Điều này giúp tim bơm máu nhanh và mạnh giống như tập thể dục.
5. Siêu âm tim
Trong khi siêu âm tim, sóng siêu âm sẽ được dùng để hiển thị lưu lượng máu qua tim, hình dạng và kích thước của những cấu trúc qua tim. Từ đó phát hiện những bất thường liên quan đến tim do xơ vữa động mạch. Siêu âm tim có thể được thực hiện trong khi kiểm tra gắng sức.
6. Chỉ số mắt cá chân – cánh tay (ABI)
Để tầm soát xơ vữa động mạch, bác sĩ có thể chỉ định đo chỉ số mắt cá chân – cánh tay (ABI). Xét nghiệm này cung cấp những chỉ số giúp so sánh huyết áp ở cánh tay và huyết áp ở mắt cá chân. Từ đó dễ dàng phát hiện bệnh xơ vữa động mạch ngoại biên, mảng bám ảnh hưởng đến động mạch chân và bàn chân.
7. Đặt ống thông tim và chụp mạch vành
Để xem động mạch vành có bị hẹp hoặc tắc hay không, bệnh nhân sẽ được chỉ định đặt ống thông tim và chụp mạch vành. Trong quá trình này, bác sĩ sẽ đặt vào mạch máu (thường ở cổ tay hoặc bẹn) một ống mềm dài và mỏng, và dẫn ống vào tim.
Sau đó thuốc nhuộm sẽ được đưa vào cơ thể, chảy vào động mạch trong tim thông qua ống thông. Thuốc nhuộm giúp các động mạch trong tim được hiển thị rõ hơn trên hình ảnh.
8. Quét canxi mạch vành (quét tim)
Bệnh nhân được chụp cắt lớp vi tính (CT) để tìm và xác định các cặn canxi trong thành động mạch. Điều này giúp xác định bệnh động mạch vành ngay cả khi bạn chưa có triệu chứng.
Kết quả quét canxi mạch vành được thể hiện dưới dạng điểm số. Nguy cơ đau tim sẽ càng cao nếu một người có điểm canxi càng cao.
9. Các xét nghiệm hình ảnh khác
Trong quá trình tầm soát xơ vữa động mạch, bệnh nhân có thể được chỉ định chụp cắt lớp phát xạ positron (PET) hoặc chụp cộng hưởng từ mạch máu (MRA). Những xét nghiệm này giúp bác sĩ nghiên cứu động mạch, xác định những vấn đề ở động mạch lớn như tình trạng xơ cứng và hẹp động mạch, phình động mạch.
Khi nào nên tầm soát xơ vữa động mạch?
Nên kiểm tra sức khỏe định kỳ và tầm soát xơ vữa động mạch mỗi 6 tháng hoặc 1 năm. Đặc biệt là người lớn tuổi và những người có độ tuổi trung niên.
Bệnh xơ vữa động mạch mức độ nhẹ thường không gây ra triệu chứng hoặc dấu hiệu rõ ràng. Cho đến khi tắc hoặc hẹp động mạch đến mức không đủ máu lưu thông đến các cơ quan và mô, hoặc cục máu đông chặn hoàn toàn lưu lượng máu.
Bạn cần đến bệnh viện ngay lập tức khi có những dấu hiệu và triệu chứng dưới đây:
- Đau thắt ngực
- Yếu đột ngột ở tay hoặc chân
- Mất thị lực đột ngột hoặc tạm thời
- Nói lắp
- Cơ mặt bị xệ xuống
- Đau chân khi đi bộ (chứng khập khiễng)
- Huyết áp thấp ở tay hoặc chân
- Huyết áp cao hoặc suy thận.
Tầm soát xơ vữa động mạch là một việc vô cùng quan trọng, giúp đánh giá sức khỏe, xác định bệnh động mạch vành cũng như các biến chứng (nếu có). Do đó bạn cần thực hiện mỗi 6 tháng đến 1 năm 1 lần. Tìm kiếm sự giúp đỡ y tế ngay lập tức khi có những dấu hiệu bất thường.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
- Bệnh Xơ Vữa Động Mạch Có Di Truyền Không? Bác Sĩ Giải Đáp
- Có Nên Dùng Thuốc Làm Tan Mảng Xơ Vữa Động Mạch? Cần Lưu Ý Gì?
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!