Nguyên nhân gây nấm thanh quản, dấu hiệu và cách chữa trị
Nấm thanh quản là tình trạng nhiễm nấm ở thanh quản, thường không ảnh hưởng đến khoang miệng, hầu, phổi hoặc những bộ phận khác. Bệnh thường liên quan đến nấm Candida albicans và Aspergillus fumigatus.
Nấm thanh quản là gì?
Nấm thanh quản còn được gọi là viêm thanh quản do nấm nguyên phát, là thuật ngữ chỉ tình trạng viêm thanh quản do nhiễm nấm. Tình trạng này ít phổ biến hơn so với nhiễm trùng nấm ở đường hô hấp, vì thanh quản nằm ở vị trí ít tiếp xúc với những bệnh nhiễm trùng nấm của cơ thể.
Thanh quản là bộ phận hẹp nhất của đường thở, nằm ngay tại cửa ngõ đường hô hấp dưới. Nó có nhiều chức năng gồm thở, phát âm và bảo vệ phổi.
Thường có nấm sống cộng sinh ở thanh quản và vùng họng miệng. Chúng có thể phát triển dẫn đến nấm thanh quản khi một người thay đổi điều kiện sống hoặc bị suy giảm sức đề kháng. Bệnh không do lây nhiễm nấm từ người này sang người khác.
Nguyên nhân gây nấm thanh quản
Bệnh viêm thanh quản do nấm xảy ra khi lượng nấm sống cộng sinh ở thanh quản phát triển qúa mức, thường do sức đề kháng suy yếu hoặc cơ thể không kịp thích nghi với sự thay đổi điều kiện sống.
Bệnh viêm thanh quản do nấm nguyên phát thường liên quan đến 2 loại nấm gồm Aspergillus fumigatus và Candida albicans. Khi gặp điều kiện thuận lợi, chúng phát triển và gây bệnh.
Trong một số trường hợp, nấm thanh quản xảy ra do bào tử nấm từ môi trường bên ngoài xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp. Sau đó chúng phát triển và gây bệnh khi có điều kiện.
Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh:
- Sinh sống ở những nơi bị mất cân bằng sinh thái, ô nhiễm môi trường, thiên tai, lũ lụt
- Mới ốm dậy và có hệ miễn dịch suy yếu
- Dùng kháng sinh
- Dùng thuốc ức chế miễn dịch hoặc corticoid
- Có các tình trạng làm suy giảm hệ miễn dịch như ung thư và HIV/AIDS.
Bệnh không lây nhiễm từ người sang người.
Triệu chứng viêm thanh quản do nấm nguyên phát
Hầu hết các trường hợp không có biểu hiện hay triệu chứng gì đặc biệt. Tuy nhiên bạn có thể có những dấu hiệu và triệu chứng sau khi bị nấm thanh quản:
- Ho nhiều, ho khan
- Khàn tiếng kéo dài
- Ngứa họng
- Khó thở do nấm nhiều và phủ kín thanh quản
- Phù nề thanh quản, viêm xung huyết
- Sốt.
Những triệu chứng tăng dần mức độ nặng theo thời gian và gây ra nhiều khó chịu cho người bệnh.
Bệnh nấm thanh quản có nguy hiểm không?
Bệnh viêm thanh quản do nấm nguyên phát khiến người bệnh nói năng yếu ớt không rõ tiếng, khàn giọng, mất giọng. Tuy nhiên việc điều trị sớm sẽ giúp bệnh tình nhanh chóng thuyên giảm, các triệu chứng biến mất hoàn toàn.
Ngược lại nếu nấm thanh quản không được điều trị tốt, nấm có thể phát triển, lây lan đến phổi, cuống họng, thực quản cùng nhiều cơ quan khác. Sau cùng khiến sức khỏe suy yếu và đe dọa đến tính mạng của bệnh nhân.
Phương pháp chẩn đoán bệnh nấm thanh quản
Đầu tiên người bệnh sẽ được hỏi về các triệu chứng kết hợp soi thanh quản. Quá trình này có thể giúp phát hiện các màng giả ở thanh quản do nấm gây ra. Tùy thuộc vào tình trạng bệnh mà màng giả có thể khu trú ở một vùng hoặc nhiều vị trí khác nhau ở thanh quản.
Ngoài ra trong quá trình soi thanh quản, bác sĩ cũng có thể tìm thấy các mô bị tổn thương như loét, hoại tử, đôi khi xuất hiện máu dưới các màng giả.
Để chẩn đoán xác định và phân biệt viêm thanh quản do nấm với các tình trạng y tế khác (như ung thư thanh quản, lao thanh quản), người bệnh sẽ được chỉ định thêm những xét nghiệm sau:
- Xét nghiệm mô bệnh học: Bác sĩ tiến hành lấy bệnh phẩm tại vị trí tổn thương và kiểm tra trong phòng thí nghiệm. Điều này cho phép phát hiện những tế bào nấm.
- Nuôi cấy nấm: Xét nghiệm này cho phép xác định loại nấm gây bệnh, giúp lựa chọn loại thuốc điều trị tốt nhất.
ĐỌC THÊM: Nội Soi Thanh Quản Là Gì, Có Đau Không, Quy Trình Thực Hiện?
Điều trị nấm thanh quản như thế nào?
Để khắc phục bệnh viêm thanh quản do nấm nguyên phát, người bệnh sẽ được điều trị tại chỗ kết hợp toàn thân.
1. Điều trị tại chỗ
Bệnh nhân được bóc tách và gỡ bỏ giả mạc nhằm loại bỏ tổn thương và nguyên nhân gây bệnh. Điều này giúp rút ngắn thời gian điều trị, tăng khả năng và tốc độ phục hồi mà không cần phải dùng nhiều thuốc.
Hầu hết các trường hợp có thể phục hồi khả năng phát âm trong thời gian ngắn. Tuy nhiên một số trường hợp có phản xạ thanh quản khá mạnh, rất khó để thực hiện bóc tách giả mạc.
2. Điều trị toàn thân
Bệnh nhân chủ yếu được dùng thuốc kháng nấm đường uống để điều trị. Phương pháp này mang đến hiệu quả cao nhất đối với những bệnh nhân bị viêm thanh quản do nấm đơn thuần.
Liều dùng thuốc như sau:
- Viêm thanh quản do nấm Aspergillus: Uống Itraconazol 200mg/ ngày, liên tục từ 2 – 6 tuần.
- Viêm thanh quản do nấm Candida:
- Liều điều trị: Uống Itraconazol 200mg/ ngày, liên tục từ 2 – 6 tuần. Kết hợp Fluconazol 150 mg 1 viên trong 2 ngày đầu.
- Liều duy trì: 1 viên Fluconazole 150 mg/tuần, liên tục từ 2 – 4 tuần tiếp theo.
- Viêm thanh quản do nấm kèm theo suy giảm miễn dịch: Người bệnh cần được nhập viện để theo dõi, dùng thuốc kháng nấm đường tĩnh mạch. Trong đó Amphotericin B được sử dụng phổ biến với thời gian điều trị phụ thuộc vào mức độ kháng thể bị suy giảm và khả năng đáp ứng với thuốc của người bệnh.
Lưu ý:
- Dùng thuốc kháng nấm có thể ảnh hưởng đến gan.
- Nên thường xuyên kiểm tra gan. Ngừng dùng thuốc và thông báo ngay với bác sĩ nếu men gan tăng quá cao. Trong trường hợp này, thuốc kháng nấm có thể được thay đổi hoặc ngừng sử dụng cho đến khi men gan trở lại bình thường.
Cách phòng ngừa nấm thanh quản
Những biện pháp dưới đây có thể giúp phòng ngừa bệnh viêm thanh quản do nấm hiệu quả:
- Thường xuyên vệ sinh nhà cửa và môi trường làm việc.
- Thường xuyên vệ sinh mũi và họng đúng cách.
- Đeo khẩu trang khi ra ngoài hoặc khi làm việc trong môi trường nhiều bụi bặm, ô nhiễm. Điều này có thể giúp giảm nguy cơ tiếp xúc với các yếu tố gây bệnh.
- Tập thể dục, ăn uống điều độ, tăng cường bổ sung vitamin A, C để nâng cao sức đề kháng, tăng khả năng chống bệnh.
- Hạn chế thuốc lá, rượu bia.
- Không lạm dụng hoặc tự ý sử dụng các loại thuốc ức chế miễn dịch, corticoid và thuốc kháng sinh.
- Khi xuất hiện các triệu chứng, bạn cần đến bệnh viện và khám bác sĩ để được điều trị hiệu quả.
Bệnh nấm thanh quản khá hiếm gặp nhưng lại gây ra nhiều triệu chứng và biến chứng nghiêm trọng. Điều quan trọng là người bệnh cần phòng ngừa và tiến hành điều trị ngay khi có triệu chứng.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
- Các Bệnh Về Thanh Quản Thường Gặp Và Cách Phòng Ngừa
- Bị Viêm Thanh Quản Kiêng Ăn Gì Và Nên Ăn Gì Tốt?
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!