Bệnh Tràn Dịch Khớp

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Lê Hữu Tuấn

Phó Giám đốc chuyên môn

Tràn dịch khớp là hậu quả của chấn thương hoặc ảnh hưởng từ các bệnh lý xương khớp. Bất kỳ ai cũng có thể mắc bệnh, nhưng phổ biến nhất là ở người lớn tuổi. Tùy vào mức độ tràn dịch khớp mà bệnh sẽ gây ra những rủi ro, biến chứng khác nhau. Chuyên gia khuyến cáo người bệnh cần chủ động thăm khám sớm để đạt kết quả điều trị cao ngay từ giai đoạn đầu. 

Tràn dịch khớp
Tràn dịch khớp là tình trạng chất dịch nhờn tăng tiết bất thường, xảy ra phổ biến nhất ở khớp gối

Tổng quan

Bên trong các ổ khớp luôn chứa một lượng dịch nhầy nhất định nhằm bôi trơn, giảm ma sát giữa các xương khi cử động và nuôi dưỡng sụn khớp. Nhưng khi lượng dịch nhầy tăng sinh bất thường, khiến dịch trong khớp chảy ra ngoài, tích tụ xung quanh khớp được gọi là bệnh tràn dịch khớp (tên tiếng Anh là Joint Effusion).

Một trong những vị trí tràn dịch dịch khớp thường gặp nhất là khớp gối. Khớp gối là bộ phận đảm nhiệm chịu tải trọng của toàn bộ phần trên cơ thể nên rất dễ tổn thương. Các chấn thương trong đời sống hàng ngày do sinh hoạt sai tư thế, do chấn thương mô mềm, sụn khớp gối hoặc viêm khớp gối...

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Sự hình thành của bệnh tràn dịch khớp là do quá trình sản sinh và tích tụ dịch nhầy khớp quá mức. Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây ra tình trạng này gồm:

  • Nhiễm khuẩn gây viêm khớp: Sự xâm nhập và tấn công của các loại vi khuẩn, nấm, virus như Mycoplasma, lao... vào trong các khớp gây viêm nhiễm và gây ra tràn dịch khớp.
  • Chấn thương: Các chấn thương nghiêm trọng trong lao động, tham gia giao thông, chơi thể thao... nhưng không điều trị phục hồi dứt điểm khiến khớp tổn thương, kích hoạt cơ chế tiết nhiều dịch nhầy bất thường và gây tràn dịch khớp.
  • Ảnh hưởng từ các bệnh lý: Sự phát triển kéo dài của các bệnh lý xương khớp từ trước như viêm khớp, thoái hóa khớp, gout, viêm khớp dạng thấp, các bệnh tự miễn khác... cũng là nguyên nhân hàng đầu gây ra tràn dịch khớp.
  • Các yếu tố nguy cơ khác: khiến khớp bị bào mòn, chịu áp lực và tổn thương nhiều hơn, dẫn đến tiết dịch khớp quá mức, bao gồm:
    • Thừa cân béo phì
    • Tuổi tác cao, trên 55 tuổi
    • Lão hóa
    • Ăn uống thiếu chất
    • Lười vận động
    • ...

Tràn dịch khớp
Các chấn thương như bong gân, rách dây chằng, gãy xương có thể gây ra tràn dịch khớp

Triệu chứng và chẩn đoán

Tùy thuộc vào nguyên nhân và vị trí gây tràn dịch khớp mà triệu chứng được biểu hiện sẽ khác nhau. Phần lớn các trường hợp mắc bệnh lý này đều là tràn dịch khớp gối, đặc trưng với các triệu chứng sau:

  • Cứng khớp gối, khó cong gập hoặc duỗi thẳng;
  • Sờ khớp gối có cảm giác ấm nóng;
  • Xuất hiện các nốt mẩn đỏ xung quanh khớp, kèm theo phù nề, sưng tấy;
  • Đau nhức tăng nặng khi hoạt động và thuyên giảm khi nghỉ ngơi;
  • Bên đầu gối bị tràn dịch khớp to hơn bình thường so với bên còn lại;

Tràn dịch khớp
Biểu hiện đặc trưng nhất khi bị tràn dịch khớp là sưng phù khớp, đau nhức, khó cử động

Để chẩn đoán bệnh tràn dịch khớp, ngoài dựa vào quan sát và đánh giá các triệu chứng vừa nêu trên, bác sĩ cũng sẽ chỉ định cho bệnh nhân thực hiện kết hợp một số các xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán chính xác nguyên nhân và mức độ bệnh. Bao gồm:

  • Chụp X quang: giúp phát hiện các tổn thương về trật khớp, gãy xương, thoái hóa khớp, các bệnh lý u xương...
  • Chụp cộng hưởng từ MRI: giúp phát hiện các vấn đề bất thường về mô mềm và cấu trúc xương, sụn khớp, sụn chêm, hệ thống gân cơ khớp, dây chằng...
  • Xét nghiệm máu: thường áp dụng cho những trường hợp nghi ngờ tràn dịch khớp có liên quan đến viêm, nhiễm trùng, xác định chẩn đoán phân biệt các bệnh lý liên quan.
  • Chọc hút dịch khớp: dùng kim chuyên dụng đưa vào vị trí ổ khớp bị tràn dịch, hút lấy mẫu dịch khớp vừa đủ để mang đi xét nghiệm. Phương pháp này giúp đánh giá tính chất dịch khớp có bình thường không, tìm kiếm các bất thường như có lẫn tinh thể urat do bệnh gout, giả gout, có lẫn máu hay liên quan đến các chấn thương nào hay không. Từ đó loại trừ các bệnh lý này và đưa ra kết luận chẩn đoán chính xác về bệnh tràn dịch khớp.

Biến chứng và tiên lượng

Dịch khớp đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển cấu trúc và chức năng của khớp. Tuy nhiên, dịch tăng tiết quá mức trong khớp lại không hề tốt, ngược lại còn gây ra nhiều vấn đề sức khỏe và biến chứng như:

  • Nhiễm trùng khớp, thường là do phải chọc hút dịch khớp quá nhiều lần;
  • Tăng nguy cơ biến chứng xơ cứng dính khớp, nặng hơn gây phá hủy khớp;
  • Hậu quả nghiêm trọng nhất của tràn dịch khớp là bại liệt, tàn phế vĩnh viễn do không điều trị;

Tràn dịch khớp
Tràn dịch khớp kéo dài không điều trị có thể làm phá hủy cơ, gây bại liệt tàn phế

Hầu hết các trường hợp bị tràn dịch khớp khi phát hiện sớm và điều trị ngay ở giai đoạn đầu có thể chữa khỏi dứt điểm mà không để lại bất kỳ biến chứng nào. Nhưng trên thực tế, số lượng bệnh nhân thăm khám và điều trị ở giai đoạn nặng lại chiếm phần đông, đã xuất hiện biến chứng khiến quá trình điều trị trở nên phức tạp hơn.

Điều trị

Dựa theo kết quả chẩn đoán về nguyên nhân và mức độ tràn dịch khớp của từng bệnh nhân, bác sĩ sẽ xây dựng phác đồ điều trị phù hợp. Nguyên tắc điều trị tràn dịch khớp là cải thiện triệu chứng, xử lý loại bỏ nguyên nhân gây tăng tiết dịch khớp bất thường và cố gắng bảo tồn chức năng khớp.

Dưới đây là một số phương pháp điều trị hiệu quả:

1. Điều trị nội khoa

Với những trường hợp bệnh không quá nghiêm trọng, mục tiêu điều trị sẽ là kiểm soát triệu chứng bệnh bằng các cách sau:

# Dùng thuốc

Tùy mức độ cơn đau và các triệu chứng đi kèm là gì mà bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc dạng uống hoặc thuốc tiêm trực tiếp vào khớp. Các loại thuốc thường dùng cho bệnh nhân tràn dịch khớp như:

  • Thuốc giảm đau: Có tác dụng cắt giảm cơn đau khó chịu và tạm thời duy trì khả năng vận động cho bệnh nhân. Các loại thuốc giảm đau phổ biến như Acetaminophen, Ketoprofen, Tylenol, Ibuprofen...
  • Thuốc kháng sinh: Dành cho những trường hợp tràn dịch khớp có kèm nhiễm khuẩn, nhiễm virus, nấm... Thuốc có tác dụng loại bỏ viêm nhiễm, giảm sưng viêm, hỗ trợ cải thiện triệu chứng và ức chế sự lan rộng của các tổn thương.
  • Thuốc kháng viêm Corticosteroid: Thường được dùng dưới dạng tiêm trực tiếp vào khớp nhằm cải thiện sưng viêm và giảm bớt áp lực cho khớp tổn thương. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng có thể sử dụng thuốc này. Chỉ dùng khi có chỉ định của bác sĩ và với liều dùng phù hợp để tránh gây tác dụng phụ, gây chóng mặt, tụt đường huyết, suy giảm chức năng gan, thận...
  • Thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs): Những trường hợp bị tràn dịch khớp do viêm khớp hoặc chấn thương sẽ được chỉ định dùng nhóm thuốc này để cải thiện triệu chứng.

Tràn dịch khớp
Thuốc trị tràn dịch khớp thường là thuốc giảm đau, chống viêm dạng uống hoặc tiêm

Lưu ý quan trọng về việc dùng thuốc trị tràn dịch khớp đó là bệnh nhân không được tự ý mua và sử dụng bất kỳ loại thuốc nào khi chưa thăm khám cũng như chưa được bác sĩ chỉ định. Các tác dụng phụ của thuốc rất khó lường, đặc biệt là thuốc Corticoid.

# Nẹp đầu gối

Đối với tràn dịch khớp gối, bác sĩ sẽ dùng nẹp chuyên dụng để cố định đầu gối lại nhằm giảm áp lực và hỗ trợ sự vận động, di chuyển của đầu gối. Cách này giúp giảm thiểu thấp nhất các tổn thương ngoài ý muốn, gây ảnh hưởng xấu đến quá trình điều trị khớp gối.

# Vật lý trị liệu

Để góp phần hỗ trợ đạt kết quả điều trị cao hơn, bệnh nhân được khuyến khích tập luyện một số bài tập vật lý trị liệu phù hợp hàng ngày. Các bài tập này tuy không có khả năng điều trị khỏi bệnh dứt điểm, nhưng sẽ giúp cải thiện cơn đau, tăng cường khả năng vận động của khớp. Khi khớp khỏe mạnh, quá trình điều tiết sản sinh dịch nhầy cũng sẽ dần quay trở về trạng thái bình thường.

# Kết hợp chăm sóc tại nhà

Kết quả điều trị tràn dịch khớp còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác, trong đó có các yếu tố về chăm sóc tích cực tại nhà. Một số cách chăm sóc do bác sĩ chuyên khoa khuyến cáo như sau:

  • Nghỉ ngơi: Khi cơn đau khớp ập đến, hãy ngưng ngay mọi công việc, sau đó ngồi hoặc nằm xuống nghỉ ngơi. Nếu vẫn tiếp tục hoạt động, khớp sẽ tràn dịch ngày càng nhiều, gây áp lực và tổn thương nặng thêm.
  • Nằm đúng tư thế: Tư thế nằm nghỉ ngơi tốt nhất là nằm ngửa và kê gối dưới chân để nâng chân cao hơn tim, giúp tuần hoàn máu lưu thông đến khu vực này tốt hơn, giúp giảm đau nhức, sưng viêm nhanh hơn.
  • Chườm đá: Nhiệt lạnh có tác dụng ức chế sưng viêm, giảm căng cơ và xóa tan vết bầm tím khá hiệu quả, phù hợp với bệnh nhân đang bị đau cấp do tràn dịch khớp. Bọc đá vào khăn rồi chườm trực tiếp lên vùng khớp đau nhức trong vòng 15 - 20 phút.
  • Tập thể dục: Một vài bài tập tại chỗ dùng lực ít và không gây áp lực cho khớp gối như yoga, bơi lội, thể dục nhịp điệu dưới nước... cũng là một cách hiệu quả giúp hỗ trợ cải thiện các triệu chứng tràn dịch khớp và phục hồi sự linh hoạt của cơ khớp, cơ bắp xung quanh.
  • Ăn uống khoa học: Người bệnh tràn dịch khớp cần có chế độ ăn uống phù hợp để hỗ trợ cải thiện triệu chứng và ngăn bệnh tiến triển nặng.
    • Nên ăn: các loại thịt trắng (như thịt gà, thịt vịt, thịt lợn), cá giàu omega-3 (cá hồi, cá ngừ...), rau xanh, củ quả, trái cây tươi, ngũ cốc...
    • Kiêng ăn: nội tạng động vật, các loại thịt đỏ, đồ xôi, nếp, thức ăn chiên xào, nhiều dầu mỡ, thực phẩm chế biến sẵn, các chất kích thích...

Tràn dịch khớp
Chườm lạnh là liệu pháp hiệu quả giúp giảm tạm thời cơn đau, sưng viêm do tràn dịch khớp gối

2. Điều trị ngoại khoa

Trong các trường hợp cần thiết và cấp bách, bác sĩ sẽ cân nhắc đến các phương pháp điều trị ngoại khoa để xử lý tràn dịch khớp hiệu quả.

Tràn dịch khớp
Chọc hút dịch khớp bằng nội soi nhằm loại bỏ lượng dịch dư thừa tích tụ quanh khớp

# Chọc hút dịch khớp

Với những trường hợp tràn dịch khớp nhưng khớp vẫn còn có thể bảo tồn sẽ được áp dụng phương pháp chọc hút dịch khớp để loại bỏ bớt lượng dịch dư thừa ra ngoài. Đồng thời, kết hợp tiêm thuốc Steroid nhằm hỗ trợ giảm sưng viêm tại khớp.

Đây là phương pháp đem lại hiệu quả cao và nhanh chóng được áp dụng phổ biến. Tuy nhiên, tác dụng chỉ kéo dài trong khoảng thời gian nhất định, sau đó các triệu chứng vẫn sẽ tái phát do dịch khớp tiếp tục tăng tiết. Ngoài ra, nhược điểm của phương pháp này là có nguy cơ nhiễm trùng cao do phải chọc hút nhiều lần, kỹ thuật chọc hút không đúng, không đảm bảo vô trùng.

# Phẫu thuật

Những trường hợp tràn dịch khớp nghiêm trọng, đã điều trị nội khoa trong thời gian dài nhưng không có kết quả, thậm chí có xu hướng phát sinh biến chứng nặng sẽ được cân nhắc chỉ định phẫu thuật. Tùy theo nguyên nhân và mức độ tổn thương khớp là gì mà bác sĩ sẽ tư vấn áp dụng phương pháp mổ phù hợp.

Hiện nay, có 2 phương pháp phẫu thuật phổ biến gồm:

  • Phẫu thuật nội soi khớp: Sử dụng thiết bị ống nội soi có gắn camera vào bên trong khớp tổn thương thông qua một đường rạch nhỏ ngoài da. Hình ảnh tổn thương bên trong khớp được thể hiện rõ trên màn hình bên ngoài. Dựa vào đây, bác sĩ tiến hành giải phóng các dây thần kinh do bị dịch khớp chèn ép, sửa chữa các khớp có tổn thương, kéo chỉnh vị trí sụn khớp về vị trí ban đầu. Khi các tổn thương được xử lý xong, dịch khớp sẽ không còn tăng tiết bất thường nữa.
  • Phẫu thuật thay khớp: Thường được chỉ định cho những trường hợp bị tràn dịch khớp gối nghiêm trọng, cấu trúc khớp gối biến dạng, không còn đảm bảo chức năng. Để thực hiện phải tiến hành mổ hở trực tiếp tại khớp gối nhằm thay mới bằng khớp nhân tạo. Sau đó, kết hợp tập vật lý trị liệu thường xuyên để làm quen và phục hồi chức năng cử động, đi lại bình thường.

Phòng ngừa

Tràn dịch khớp không tự đơn thuần xuất hiện, nó xuất phát từ các tổn thương hoặc bệnh lý liên quan đến khớp. Do đó, để chủ động phòng ngừa bệnh, bạn cần có một lối sống sinh hoạt khoa học hàng ngày, đảm bảo các tiêu chuẩn sau:

Tràn dịch khớp
Tập thể dục hàng ngày với những bộ môn nhẹ nhàng giúp duy trì chức năng xương khớp khỏe mạnh, phòng ngừa tràn dịch khớp

  • Vận động, rèn luyện thể chất mỗi ngày và đảm bảo tập vừa sức với những bộ môn nhẹ nhàng, phù hợp với thể trạng sức khỏe như bơi lội, đạp xe, yoga, đi bộ...
  • Những người có tiền sử tổn thương xương khớp trước đó nên tránh những môn thể thao có tính chất đối kháng, mạo hiểm hoặc đòi hỏi sức mạnh lớn như đá bóng, bóng rổ, chạy điền kinh, bóng chuyền... để giảm thiểu thấp nhất các chấn thương ngoài ý muốn.
  • Duy trì cân nặng phù hợp hoặc giảm cân một cách khoa học (nếu cần thiết) nhằm giảm áp lực lên các khớp.
  • Hạn chế di chuyển trên những con đường gồ ghề hay di chuyển đột ngột, đứng lên ngồi xuống lặp đi lặp lại liên tục.
  • Xây dựng thực đơn ăn uống khoa học, đủ chất và ưu tiên bổ sung các nhóm thực phẩm giàu dinh dưỡng, đặc biệt tốt cho hệ xương khớp nói chung.
  • Dành thời gian nghỉ ngơi, thư giãn toàn thân sau một ngày dài làm việc mệt mỏi, giải phóng áp lực và tạo điều kiện cho các tổn thương nhẹ tự phục hồi.
  • Giữ trạng thái tinh thần vui vẻ, thoải mái, tích cực, vì stress, căng thẳng quá mức cũng là yếu tố hàng đầu gây tràn dịch khớp.
  • Thăm khám sức khỏe định kỳ hoặc tái khám theo lịch hẹn trước với bác sĩ nhằm theo dõi, kiểm tra các bất thường về sức khỏe xương khớp.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Tôi thường xuyên đau nhức khớp gối là do nguyên nhân gì?

2. Cần làm các xét nghiệm gì để chẩn đoán chắc chắn tôi bị tràn dịch khớp?

3. Tiên lượng bệnh của tôi có nguy hiểm không? Ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe và đời sống hàng ngày?

4. Phương pháp điều trị tràn dịch khớp tốt nhất dành cho trường hợp bệnh của tôi?

5. Bị tràn dịch khớp có tự khỏi không? Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi không điều trị?

6. Các loại thuốc trị tràn dịch khớp tốt nhất mà tôi có thể sử dụng?

7. Tôi cần làm gì để xử lý tác dụng phụ của thuốc?

8. Bị tràn dịch khớp nên ăn gì và kiêng gì tốt nhất cho quá trình điều trị?

9. Bị tràn dịch khớp khi nào cần phẫu thuật? Lợi ích và rủi ro liên quan?

10. Quá trình điều trị mất bao lâu để chữa khỏi dứt điểm và hồi phục hoàn toàn?

Tràn dịch khớp gối là bệnh lý xương khớp tương đối nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời. Người bệnh sẽ phải đánh đổi cả sức khỏe và khả năng vận động của mình trong suốt quãng đời còn lại. Do đó, tuyệt đối không nên chủ quan, lơ là trước bất kỳ triệu chứng bất thường nào. Chủ động đến các bệnh viện chuyên khoa để thăm khám, chẩn đoán và được tư vấn phác đồ điều trị phù hợp, an toàn.

Tham khảo thêm:

Chia sẻ:
Xẹp Đốt Sống
Xẹp đốt sống xảy ra khi các đốt sống bị xẹp xuống do ảnh hưởng bởi loãng xương và các chấn thương, bệnh lý khác. Bệnh phổ biến ở người…
Bệnh Viêm Khớp Cùng Chậu
Viêm khớp cùng chậu xảy ra do rất nhiều tác…
Bệnh thoát vị đĩa đệm Bệnh Thoát Vị Đĩa Đệm
Thoát vị đĩa đệm là bệnh lý về cột sống…
Bệnh Viêm Bao Hoạt Dịch Khớp Gối
Viêm bao hoạt dich khớp gối xảy ra do rất…
Hội chứng De Quervain

Hội chứng De Quervain hay còn gọi là viêm bao gân De Quervain. Tình trạng này liên quan đến việc…

Bệnh Loạn Dưỡng Cơ Duchenne

Loạn dưỡng cơ Duchenne là bệnh lý di truyền đặc trưng với các tổn thương và suy giảm chức năng…

Căng Cơ

Căng cơ là một trong những chấn thương mô mềm phổ biến. Xảy ra khi các sợi cơ bị căng…

Bệnh Xương hóa đá

Xương hóa đá là bệnh lý về xương hiếm gặp, thường xảy ra do di truyền. Đây là rối loạn…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Lê Hữu Tuấn

Phó Giám đốc chuyên môn

[ads_sidebar]
Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua