Tác dụng phụ của thuốc tránh thai khẩn cấp – Góc cảnh báo
Thuốc tránh thai khẩn cấp được ví như con dao hai lưỡi, mặc dù có tác dụng ngăn ngừa mang thai ngoài ý muốn hiệu quả nhưng cũng tiềm ẩn nhiều tác hại cho sức khỏe. Không ít trường hợp gặp phải tác dụng phụ của thuốc tránh thai khẩn cấp như thay đổi chu kỳ kinh nguyệt, buồn nôn, chóng mặt, chảy máu tử cung bất thường…
Tìm hiểu về thuốc tránh thai khẩn cấp
Thuốc tránh thai khẩn cấp được nhiều chị em xem như cứu cánh để ngăn chặn tình trạng mang thai ngoài ý muốn sau khi quan hệ. Tuy nhiên, không phải chị em nào cũng hiểu hết về loại thuốc này dẫn đến những nhận thức sai lầm hoặc sử dụng thuốc không đúng cách khiến cơ thể gặp nhiều tác dụng phụ ngoài ý muốn.
Thuốc tránh thai khẩn cấp là gì?
Thuốc tránh thai khẩn cấp là loại thuốc được sử dụng sau khi quan hệ tình dục để ngừa thai. Thuốc có tác dụng ngăn ngừa mang thai ngoài ý muốn cho các trường hợp không mang bao, phụ nữ chưa có ý định sinh con hoặc chị em đã sử dụng các phương pháp tránh thai khác nhưng thất bại.
Đôi khi, thuốc tránh thai khẩn cấp còn được sử dụng với các mục đích khác như:
- Giảm hiện tượng đau bụng kinh hoặc ra nhiều máu kinh
- Ngăn ngừa hội chứng tiền kinh nguyệt hay bệnh loãng xương cho phụ nữ
- Giảm tiết bã dầu trên da, hỗ trợ điều trị mụn
Cơ chế hoạt động
Chứa thành phần chính là hormone Levonorgestrel, thuốc tránh thai khẩn cấp hoạt động bằng cách ức chế quá trình rụng trứng và thụ tinh. Loại thuốc này cũng có thể khiến cho trứng đã được thụ tinh không thể làm tổ trong tử cung.
Trên thị trường hiện nay cũng xuất hiện một số loại thuốc tránh thai khẩn cấp chứa thành phần khác, chẳng hạn như Ulipristal. Khi được hấp thụ, chất này sẽ phát huy tác dụng ức chế hoạt động của các loại hormone tham gia vào quá trình thụ thai. Tuy nhiên, loại thuốc này cần được bác sĩ kê đơn trước khi dùng.
Trường hợp nào nên dùng thuốc tránh thai khẩn cấp?
Thuốc tránh thai khẩn cấp được chỉ định cho phụ nữ khỏe mạnh. Các đối tượng có thể dùng thuốc bao gồm:
– Người chưa từng dùng các biện pháp tránh thai khác
– Chị em không đáp ứng được với các phương pháp tránh thai khác
– Các trường hợp gặp thất bại khi dùng các biện pháp tránh thai. Bao gồm:
- Bao cao su bị tuột, rách trong lúc quan hệ
- Quên uống thuốc tránh thai hàng ngày từ 3 ngày trở lên
- Uống thuốc tránh thai chứa proestogen trễ hơn 3 tiếng so với thời gian quy định hàng ngày hoặc hơn 27 tiếng kể từ liều dùng cuối cùng.
- Uống thuốc tránh thai thông thường (0,75mg) trễ hơn 12 tiếng so với thời gian quy định hàng ngày hoặc hơn 36 tiếng kể từ lúc uống liều trước đó.
- Dùng thuốc tránh thai đường tiêm proestogen norethisterone enanthate (NET-EN) bị trễ 2 tuần
- Tiêm thuốc proestogen chứa depot-medroxyprogesterone acetate (DMPA) chậm trễ quá 4 tuần
- Dùng thuốc tránh thai dạng tiêm kết hợp (CIC) trễ quá 7 ngày
Chống chỉ định
Thuốc tránh thai khẩn cấp không được chỉ định cho các đối tượng sau:
- Phụ nữ tuổi từ 35 trở lên
- Người bị béo phì
- Bệnh nhân bị cao huyết áp
- Người có vấn đề về gan, thận
- Phụ nữ bị huyết khối tĩnh mạch
- Trường hợp đang bị ung thư buồng trứng
- Người bị đau đầu mãn tính
- Người có thể trạng yếu
- Đối tượng bị dị ứng với thành phần của thuốc
- Bà bầu uống thuốc tránh thai khẩn cấp có thể gây hại cho thai nhi
Uống thuốc tránh thai khẩn cấp khi nào?
Thuốc tránh thai được sử dụng sau khi quan hệ càng sớm thì hiệu quả ngừa thai càng cao. Chị em được khuyến cáo nên dùng loại thuốc này trong vòng 72 tiếng sau khi phát sinh quan hệ mà không thực hiện các biện pháp ngừa thai khác hoặc phát sinh sự cố trong lúc ân ái dẫn đến khả năng mang thai ngoài ý muốn cao.
Các loại thuốc tránh thai khẩn cấp thường dùng
Hiện nay, thị trường thuốc tránh thai khẩn cấp ở nước ta khá phong phú, cả về nhãn hiệu, xuất xứ lẫn giá cả. Chúng được chia thành 2 nhóm chính như sau:
- Thuốc tránh thai khẩn cấp 1 viên:
Khi được sử dụng trong vòng 24 tiếng, loại thuốc này cho hiệu quả ngừa thai lên đến 95%. Trường hợp uống trong vòng 24 – 48 tiếng, hiệu quả đạt 85% và nếu uống trong thời gian từ 48 – 72 tiếng sau khi quan hệ thì hiệu quả chỉ đạt trên khoảng 50%.
Thuốc tránh thai khẩn cấp 2 viên:
Đối với dạng thuốc này, sau khi quan hệ chị em có thể uống viên đầu tiên. Đợi sau 12 tiếng tiếp theo mới uống viên tiếp theo. Việc uống thuốc chậm trễ, không đúng cách sẽ làm mất hiệu lực của thuốc.
Tác dụng phụ của thuốc tránh thai khẩn cấp
Thuốc tránh thai ngừa cấp mặc dù có hiệu quả ngừa thai tốt nhưng cũng tiềm ẩn một số tác dụng phụ ngoài ý muốn, đặc biệt là khi uống thuốc không đúng cách hoặc lạm dụng quá mức. Dưới đây là một số tác hại thường gặp của loại thuốc này.
1. Rối loạn chu kỳ kinh nguyệt
Thay đổi chu kỳ kinh nguyệt là một trong những tác dụng phụ xảy ra khá phổ biến ở người dùng thuốc tránh thai khẩn cấp. Nguy cơ gặp phải phản ứng phụ này cao hơn ở chị em đã dùng thuốc nhiều đợt hoặc uống thuốc trong thời gian dài.
Nguyên nhân gây rối loạn kinh nguyệt là do thành phần của thuốc. Các thuốc tránh thai đường uống được bào chế từ những chất có thể gây ức chế hormone sinh dục nữ, đồng thời ảnh hưởng đến chu kỳ rụng trứng. Điều này có thể dẫn đến hiện tượng hành kinh sớm hay trễ hơn so với những tháng trước. Tuy nhiên, bạn cũng nên thận trọng khi bị trễ kinh bởi đây có thể là dấu hiệu cảnh báo mang thai.
Cách xử lý:
Nếu chu kỳ kinh bị trễ quá 7 ngày, bạn nên mua dụng cụ thử thai về sử dụng để đảm bảo mình không bị vỡ kế hoạch. Để chắc chắn mình mang thai hay gặp tác dụng phụ của thuốc, bạn có thể đến bệnh viện làm xét nghiệm máu và tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn cách xử lý.
2. Buồn nôn hoặc nôn ói
Cảm giác buồn nôn có thể gặp trên 50% phụ nữ sau khi dùng thuốc tránh thai, một số trường hợp thậm chí còn bị ói mửa. Tuy nhiên, tình trạng này thường không kéo dài quá lâu. Nó có thể biến mất sau đó vài ngày hoặc kéo dài trong 1 – 2 tuần rồi ngưng.
Cách xử lý:
Để hạn chế cảm giác buồn nôn, nôn ói, bạn nên điều chỉnh lại chế độ ăn uống. Ăn vừa đủ , tránh dùng quá nhiều thức ăn trong một bữa. Hạn chế các thực phẩm có thể gây kích ứng như đồ chua, cay và các món ăn nhiều dầu mỡ ra khỏi thực đơn.
Trường hợp thường xuyên cảm thấy buồn nôn hoặc bị nôn ói nhiều, hãy đến bệnh viện kiểm tra để xác định lại nguyên nhân gây ra hiện tượng này, giúp phát hiện ra các vấn đề tiềm ẩn khác về sức khỏe nếu có ( chẳng hạn như viêm loét dạ dày, trào ngược dạ dày thực quản, ngộ độc thực phẩm,…)
3. Chóng mặt – Tác dụng phụ của thuốc tránh thai khẩn cấp
Khi dùng thuốc tránh thai khẩn cấp, bạn có thể bị chóng mặt. Tình trạng này có thể diễn ra ở mức độ nhẹ đến nặng tùy theo cơ địa của người dùng thuốc.
Cảm giác chóng mặt có thể khiến bạn mất tập trung khi làm việc hoặc khi điều khiển phương tiện giao thông. Một số trường hợp xuất hiện các cơn chóng mặt cấp đột ngột dẫn đến mất thăng bằng, đi lại khó khăn hoặc dễ bị té ngã.
Cách xử lý cơn chóng mặt:
- Ngồi yên hoặc nằm nghỉ trên giường cho đến khi cơn chóng mặt qua đi rồi mới tiếp tục làm việc
- Tập trung hướng ánh nhìn về một điểm cố định
- Uống nhiều nước, đặc biệt là nước chanh, trà gừng hay nước ấm pha mật ong cũng giúp cải thiện đáng kể tình trạng chóng mặt
- Đi khám hoặc thông báo cho bác sĩ biết nếu cơn chóng mặt xuất hiện với tần suất dày đặc.
4. Thuốc tránh thai khẩn cấp gây chảy máu tử cung bất thường
Nhiều người cảm thấy lo lắng khi bị ra máu tử cung sau khi dùng thuốc tránh thai khẩn cấp. Đây là một trong những tác dụng phụ thường gặp của thuốc nhưng hiện tượng này không kéo dài quá lâu. Nó chỉ diễn ra trong 1 – 2 ngày đầu và đa số đều không gây tác động tiêu cực đến sức khỏe.
Cách xử lý:
- Mang băng vệ sinh thường xuyên rửa vùng kín cho sạch sẽ. Giữ cho khu vực này luôn khô ráo
- Chú ý theo dõi về lượng máu mất, màu sắc của máu và ghi nhận các dấu hiệu khác đi kèm nếu có
- Gặp bác sĩ nếu bạn bị ra máu kéo dài quá 2 ngày.
5. Cơ thể mệt mỏi
Nếu bạn cảm thấy cơ thể thường xuyên có cảm giá mệt mỏi thì nên thận trọng bởi đây có thể là một tác dụng phụ của thuốc tránh thai khẩn cấp. Triệu chứng này thường gặp vào buổi sáng khiến trong người bạn có cảm giác khó chịu, uể oải trong người và không muốn hoạt động.
Tuy nhiên, đừng quá lo lắng. Trong phần lớn các trường hợp, cảm giác mệt mỏi chỉ diễn ra trong khoảng 1 – 2 ngày sau khi uống thuốc tránh thai khẩn cấp.
Cách xử lý
- Ăn uống đầy đủ. Bổ sung các thực phẩm giàu protein trong bữa ăn để tăng cường năng lượng cho cơ thể
- Vận động nhẹ nhàng và xoa bóp cơ thể để giảm cảm giác uể oải trong người
- Nếu tình trạng mệt mỏi kéo dài, hãy tới bệnh viện kiểm tra bởi đây có thể là dấu hiệu cảnh báo bạn đang gặp các vấn đề khác về sức khỏe.
6. Các tác dụng phụ khác của thuốc tránh thai khẩn cấp
Một số tác dụng phụ khác có thể gặp ở người dùng thuốc tránh thai khẩn cấp như:
- Tức ngực
- Tăng cân
- Đau đầu
- Rối loạn hô hấp
- Trầm cảm
- Suy giảm ham muốn tình dục
- Rối loạn huyết áp
- Đau bụng dưới
- U nang buồng trứng
- Thai ngoài tử cung
- Teo niêm mạc tử cung
- Ung thư vú
- Ung thư cơ quan sinh sản
- Mất cân bằng nội tiết dẫn đến các vấn đề về túi mật
Bạn sẽ có nguy cơ gặp tác hại của thuốc tránh thai khẩn cấp cao hơn nếu lạm dụng thuốc bừa bãi trong thời gian dài. Loại thuốc này cũng không đảm bảo được khả năng ngừa thai tuyệt đối . Vì vậy, trước khi dùng thuốc bạn nên nhờ bác sĩ, dược sĩ tư vấn kỹ, đồng thời cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ có thể xảy ra khi uống thuốc tránh thai khẩn cấp.
Làm thế nào để ngăn ngừa tác dụng phụ của thuốc tránh thai khẩn cấp?
Không có giải pháp nào giúp ngăn ngừa được tác hại của thuốc một cách tuyệt đối. Tuy nhiên, bạn có thể giảm thiểu nguy cơ gặp tác dụng phụ của thuốc bằng những cách sau:
- Chỉ dùng thuốc khi thật sự cần thiết
- Không lạm dụng thuốc liên tục trong thời gian dài, nhất là các trường hợp đang trong độ tuổi sinh sản. Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, chị em không nên uống thuốc tránh thai khẩn cấp nhiều hơn 2 lần trong 1 tháng.
- Uống thuốc khi cơ thể khỏe mạnh. Trường hợp đang có bất kỳ vấn đề nào về sức khỏe, nhất là các bệnh lý tim mạch, bệnh ở gan, thận hay cơ quan sinh sản bạn cần nhận được sự tư vấn và cho phép của bác sĩ biết trước khi dùng thuốc.
- Sử dụng thuốc đúng cách, đúng liều lượng được hướng dẫn. Việc tự ý tăng liều có thể khiến bạn có nguy cơ gặp tác dụng phụ của thuốc tránh thai khẩn cấp cao hơn.
- Không sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp nếu bạn bị dị ứng với thành phần của thuốc hoặc có các vấn đề về sức khỏe chống chỉ định.
- Trong quá trình dùng thuốc, nếu có bất kỳ tác dụng phụ nào nghiêm trọng hoặc kéo dài, hãy thông báo cho bác sĩ biết ngay.
Có thể bạn chưa biết
Bình luận (1)
Em bị tac dụng của thuốc tránh thai khẩn cấp
Chu kì kinh em 5 Tây. Hôm nay 19tây e bị lân 2
Cho e hỏi chu kì tháng sau của e tính là ngày mấy ạ