Testosterone là gì? Vai trò của testosterone với nam giới
Testosterone là hormone chính trong cơ thể nam giới. Hormone này đảm nhiệm chức năng hoàn thiện cơ quan sinh dục nam, duy trì khả năng sinh lý, thúc đẩy tăng cường cơ bắp, ổn định mật độ xương và tham gia vào quá trình chuyển hóa chất béo trong cơ thể.
Testosterone (nội tiết nam) là gì?
Testosterone là một loại hormone nhóm androgen có trong cơ thể nam giới và nữ giới (nồng độ rất thấp). Đây là loại hormone chính trong cơ thể nam giới, giữ chức năng sinh lý và ảnh hưởng đến một số cơ quan khác.
Trung bình, nồng độ testosterone trong cơ thể nam giới thường cao hơn gấp 10 lần so với nữ giới. Nồng độ nội tiết nam sản xuất mạnh nhất trong độ tuổi dậy thì đến năm 30 tuổi. Sau đó các tế bào và một số cơ quan có xu hướng thoái hóa gây rối loạn hoạt động và làm giảm quá trình sản xuất testosterone.
Cơ quan nào sản sinh testosterone?
Ở nữ giới, testosterone được sản sinh chủ yếu ở buồng trứng và tuyến thượng thận. Trong khi đó, cơ thể nam giới sản xuất hormone này chủ yếu ở tinh hoàn (chiếm khoảng 95%) và tuyến thượng thận (khoảng 4 – 5%).
Mỗi ngày, một nam giới trưởng thành có thể sản sinh ra khoảng 4 – 10 mg nội tiết nam. Tuổi 25 được đánh giá là thời điểm cơ thể nam giới có khả năng phóng thích testosterone cao nhất. Từ 30 tuổi trở lên, lượng hormone sẽ có xu hướng giảm dần theo từng năm.
Vai trò của testosterone với nam giới
Testosterone là hormone chính trong cơ thể nam giới. Vì vậy hormone này đảm nhiệm hầu hết mọi chức năng của cơ thể như sinh lý, xương khớp, hệ thần kinh, mô da, tuyến lông,…
1. Hoàn thiện cơ quan sinh dục và chức năng sinh lý nam
Khi nam giới bước vào độ tuổi dậy thì, nồng độ testosterone sẽ có xu hướng tăng cao đáng kể. Lúc này, testosterone có vai trò hoàn thiện cấu tạo của cơ quan sinh dục (kích thích lông mu phát triển, tăng kích thước tinh hoàn và dương vật).
Ngoài ra, nội tiết nam còn thúc đẩy thể trạng phát triển, tăng cường cơ bắp và ham muốn tình dục. Vì vậy trong giai đoạn này, nam giới thường có những thay đổi về sinh lý rất rõ rệt.
Theo thời gian, nồng độ testosterone giảm dần và gây ra một số vấn đề như yếu sinh lý, rối loạn cương dương, nhu cầu tình dục thấp, bất lực, xuất tinh sớm,…
2. Đảm bảo chức năng sinh sản
Testosterone là yếu tố cần thiết để thúc đẩy tinh hoàn sản xuất tinh trùng. Ở những người có nồng độ testosterone cao, chất lượng và số lượng tinh trùng thường ở mức ổn định.
Vì vậy người có số lượng tinh trùng cao thường có khả năng sinh sản tốt. Trong khi đó, nam giới có nồng độ testosterone và tinh trùng thấp thường khó khăn trong việc có con. Hơn nữa, nội tiết tố nam suy giảm còn làm tăng nguy cơ vô sinh – hiếm muộn.
3. Ổn định hoạt động của hệ thần kinh trung ương
Vùng dưới đồi ở hệ thần kinh trung ương là cơ quan có mối liên hệ mật thiết với nội tiết nam. Cơ quan này đo lường nồng độ testosterone trong cơ thể, sau đó truyền tín hiệu đến tuyến yên và tinh hoàn. Khi nhận được tín hiệu này, tinh hoàn và tuyến yên sẽ phóng thính một lượng hormone tương ứng với tín hiệu ở vùng dưới đồi.
Vì vậy với cơ thể có nồng độ testosterone ổn định, vùng dưới đồi và hệ thần kinh sẽ ít gặp phải vấn đề tiêu cực. Ngược lại khi testosterone suy giảm hoặc tăng bất thường, não bộ thường phát sinh một số hành vi như hung hăng, rối loạn giấc ngủ, mệt mỏi, trầm cảm, thiếu năng lượng, mất tập trung,…
Các nghiên cứu còn cho rằng, nồng độ testosterone ảnh hưởng đến một phần trong quá trình hình thành tính cách. Tuy nhiên yếu tố này còn bị chi phối bởi hoạt động giáo dục, môi trường và khả năng nhận thức của từng trường hợp.
4. Ảnh hưởng đến hệ thống xương và cơ bắp
Testosterone tham gia trực tiếp vào quá trình hình thành cơ bắp và xương khớp. Do đó bạn có thể nhận thấy, nam giới thường có vóc dáng cao lớn và cơ bắp khỏe mạnh hơn nữ giới.
Hormone này tham gia vào quá trình tổng hợp protein và thúc đẩy mô ở cơ bắp phát triển. Ngoài ra, testosterone còn ảnh hưởng đến quá trình sản xuất hồng cầu, tăng mật độ xương và duy trì độ dẻo dai của khớp.
Chính vì vậy ở những người cao tuổi, nồng độ testosterone suy giảm dẫn đến các ảnh hưởng tiêu cực như thiếu máu lên não, dễ gãy xương, hình thành các bệnh lý xương khớp mãn tính như viêm khớp dạng thấp, thoái hóa khớp, gout,…
5. Kích thích phát triển tóc và tuyến lông
Trong giai đoạn testosterone tăng cao, tuyến lông và tóc trong cơ thể sẽ bị kích thích và dẫn đến tình trạng tóc, lông phát triển nhanh chóng.
Ngược lại khi về già, nội tiết nam suy giảm kéo theo các vấn đề như rụng tóc, hói, tóc bạc,.. Ngoài ra một minh chứng cho ảnh hưởng của testosterone đến tuyến lông là ở nữ giới có nồng độ nội tiết nam cao thường có xu hướng phát triển lông bất thường.
6. Trì hoãn quá trình “mãn dục nam”
Testosterone là hormone ảnh hưởng đến chức năng sinh lý ở nam giới. Vì vậy khi hormone này suy giảm, nam giới sẽ bước vào giai đoạn mãn dục nam.
Quá trình này thường xảy ra ở người từ 40 – 55 tuổi và biểu hiện với các triệu chứng như mất ham muốn, mệt mỏi, tăng lượng mỡ ở bụng, giảm cơ bắp, đau lưng mỏi gối, khó cương cứng khi quan hệ, xuất tinh sớm,..
Tuy nhiên ở những người không bị suy giảm testosterone nghiêm trọng, quá trình “mãn dục nam” có thể bị trì hoãn và xảy ra chậm hơn.
7. Tham gia vào hoạt động chuyển hóa chất béo
Testosterone giúp cơ thể chuyển hóa chất béo nhanh chóng và hạn chế tình trạng hình thành mỡ thừa. Vì vậy nam giới trẻ tuổi thường có vóc dáng săn chắc và cân đối.
Trong khi đó ở những người cao tuổi có nồng độ testosterone thấp, các mô mỡ bắt đầu hình thành ở bụng, đùi và tăng phát triển tuyến vú.
Ngoài các vai trò nêu trên, testosterone còn tham gia vào hoạt động của nhiều cơ quan trong cơ thể. Vì vậy tình trạng thiếu hụt hoặc mất cân bằng nội tiết nam có thể dẫn đến hàng loạt hệ lụy nghiêm trọng.
Bài viết đã tổng hợp một số thông tin cơ bản về nội tiết nam – testosterone. Nếu bạn có thắc mắc hoặc có mong muốn tìm hiểu chuyên sâu hơn về vấn đề này, vui lòng liên hệ với bác sĩ chuyên khoa nam học để được giải đáp.
Đọc thêm:
- Các bài tập kéo dài thời gian quan hệ và nâng cao sức khỏe nam giới
- Những bệnh lý có thể gây xuất tinh sớm nam giới cần biết
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!