Phác Đồ Điều Trị Viêm Nang Lông (Folliculitis) Mới Nhất
Áp dụng đúng phác đồ điều trị viêm nang lông là cách tốt nhất giúp loại bỏ tổn thương ngoài da, ngăn chặn các biến chứng khó lường. Tham khảo phác đồ do Bộ Y tế đã đưa ra dưới đây để biết cách áp dụng điều trị phù hợp.
Tổng quan về viêm nang lông
Viêm nang lông hay còn gọi là viêm lỗ chân lông (tên khoa học là Folliculitis) là tình trạng viêm một hoặc nhiều nang lông cùng lúc. Đây là bệnh da liễu rất phổ biến có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào.
1. Nguyên nhân gây viêm nang lông
Bệnh xảy ra do nhiễm trùng, dị ứng với hóa chất hoặc do các chấn thương vật lý. Các chuyên gia xác định nguyên nhân chính gây ra viêm nang lông là tụ cầu vàng và trực khuẩn mủ xanh (Pseudomonas aeruginosa), đây đều là các loại vi khuẩn có hại ký sinh trên bề mặt da.
Bên cạnh đó, viêm nang lông còn có thể được gây ra bởi nấm (Trichophyton rubrum hoặc Malassezia folliculitis) hoặc virus Herpes simplex gây viêm nang lông xung quanh vùng miệng.
Một số nguyên nhân gây viêm nang lông không do vi khuẩn như:
- Viêm nang lông tăng bạch cầu ái toan thường xảy ra ở những người có hệ miễn dịch suy giảm;
- Giả viêm nang lông thường xuất hiện ở vùng cằm do cạo râu sai cách;
- Do người bệnh tiếp xúc với các loại hóa chất, dầu nhớt công nghiệp…;
- Người bị thừa cân béo phì, suy yếu hệ miễn dịch như ung thư hoặc bệnh HIV;
- Thói quen mặc quần áo quá chật, ẩm ướt, da tăng tiết mồ hôi, lạm dụng thuốc mỹ phẩm, thuốc bôi corticoid gây kích ứng, cào gãi mạnh… ;
2. Triệu chứng viêm nang lông
Các triệu chứng thường gặp của viêm nang lông như:
- Xuất hiện các vết sưng nhỏ màu đỏ trên da.
- Ứ mủ tạo thành nhân mụn gây đau nhức.
- Tạo vết lở loét, da nổi mẩn đỏ có mủ, ngứa ngáy, đau rát.
- Hơi sưng tấy ở vùng da bị viêm.
3. Biến chứng do viêm nang lông gây ra
- Nổi mụn nhọt dưới da.
- Hình thành sẹo thâm xấu trên da.
- Nhiễm trùng, thậm chí gây hoại tử nang lông.
- Rụng lông, tóc vĩnh viễn.
- Nhiễm trùng lây lan sang các bộ phận khác trên cơ thể.
=> XEM THÊM: Viêm nang lông da đầu: Cách nhận biết và điều trị dứt điểm
4. Chẩn đoán viêm nang lông
Lâm sàng
- Tổn thương viêm nang lông trên da là những nốt sẩn nhỏ, có vảy tiết, không đau nhức;
- Những tổn thương của bệnh có thể xuất hiện trên bất kỳ vùng da nào trên cơ thể, ngoại trừ lòng bàn tay, bàn chân;
- Tổn thương viêm nang lông nhiều hay ít còn tùy theo mức độ viêm ở từng trường hợp khác nhau;
Cận lâm sàng: Nhằm xác định nguyên nhân gây bệnh như:
- Soi da trực tiếp bằng nhuộm mực Parker.
- Nhuộm Gram tìm cầu trùng Gram dương.
- Soi tìm nấm như nấm M. furfur, nấm sợi, nấm candida…
- Xét nghiệm nuôi cấy vi khuẩn, nuôi cấy phân lập nấm.
- Soi đèn Wood nhằm dễ phát hiện nhiễm nấm.
- …
Phác đồ điều trị viêm nang lông
Phác đồ điều trị viêm nang lông dựa theo 4 nguyên tắc chính gồm:
- Loại bỏ các yếu tố gây viêm nhiễm;
- Giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ;
- Không cào gãi, chà xát mạnh lên vùng da bị tổn thương;
- Dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ;
Dựa vào các nguyên tắc này, người bệnh viêm nang lông có thể áp dụng điều trị bằng 4 phương pháp sau đây:
1. Vệ sinh sát khuẩn da
Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, hầu hết các phác đồ điều trị viêm nang lông hiện nay thường sử dụng các sản phẩm sau:
- Povidone – iodine 10%
- Dung dịch sát khuẩn chứa acid hypochlorous
- Dung dịch Chlorhexidine 4%
- Hexamidine 0.1%
Để đạt hiệu quả làm sạch da tốt nhất, người bệnh được khuyến cáo dùng dung dịch sát khuẩn từ 2 – 4 lần/ ngày.
2. Dùng thuốc kháng sinh
# Đối với trường hợp nhẹ
Những trường hợp viêm lỗ chân lông nhẹ có thể dùng các loại kem bôi, thuốc mỡ kháng sinh tại chỗ trong vòng 7 – 10 ngày.
Điển hình gồm các loại sau:
- Kem bôi, thuốc mỡ chứa axit Fusidic, liều bôi 1 – 2 lần/ ngày.
- Thuốc mỡ Neomycin, liều bôi 2 – 3 lần/ ngày.
- Thuốc mỡ Mupirocin 2%, liều bôi 3 lần/ ngày.
- Kem bôi Silver sulfadiazine 1%, liều bôi 1 – 2 lần/ ngày.
- Dung dịch Clindamycin, liều bôi 1 – 2 lần/ ngày.
- Dung dịch Erythromycin, liều bôi 1 – 2 lần/ ngày.
# Đối với trường hợp nặng
Thời gian điều trị tối đa trong vòng 7 – 10 ngày bằng các loại kháng sinh dạng uống. Cụ thể gồm:
- Cloxacilin
- Amoxicillin/ Clavulanic
- Clindamycin
- Vancomycin
Ngoài ra, những trường hợp nghi ngờ viêm nang lông do nhiễm nấm, vi khuẩn gram âm, virus herpes… sẽ được chỉ định sử dụng loại thuốc chống nấm phù hợp.
3. Các biện pháp hỗ trợ
- Vệ sinh sạch sẽ vùng da bị bệnh bằng các tắm gội thường xuyên bằng xà phòng diệt khuẩn.
- Lau sạch cơ thể sau khi tắm bằng khăn sạch, giặt sạch các loại khăn để giảm nguy cơ lây nhiễm.
- Tắm nhẹ nhàng, hạn chế kì cọ, cào gãi mạnh lên vùng da bị tổn thương.
- Đắp gạc ấm lên vùng da bị viêm để giảm ngứa ngáy, hạn chế mưng mủ.
- Tránh mặc quần áo chật chội, bó sát, bảo vệ làn da khỏi các tác nhân gây hại.
=> XEM THÊM: Kinh Nghiệm Trị Viêm Nang Lông Lâu Năm Thành Công
Phòng ngừa tái phát viêm nang lông
Để ngăn ngừa tái phát viêm nang lông, người bệnh cần giảm thiểu nguy cơ tiếp xúc với các nguyên nhân, tác nhân gây bệnh. Đồng thời, áp dụng các biện pháp sau:
- Giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ, nhất là trong trường hợp tái phát cần vệ sinh kỹ các ổ vi khuẩn nằm ở các kẽ da trên má, vùng rãnh mũi, rãnh liên mông…
- Tránh tiếp xúc với các tác nhân như môi trường nóng ẩm, hóa chất công nghiệp, dầu mỡ…
- Điều trị nhanh chóng các tổn thương trên da ngay khi phát hiện các triệu chứng bùng phát.
Phác đồ điều trị viêm nang lông do Bộ Y tế chỉ định ở từng trường hợp cụ thể sẽ khác nhau. Do đó người bệnh cần chủ động thăm khám sớm để được chẩn đoán và tư vấn hướng điều trị phù hợp. Khuyến khích chọn lựa những bệnh viện, cơ sở y tế có chuyên khoa Da liễu uy tín để được điều trị theo đúng phác đồ hiệu quả và an toàn.
Có thể bạn quan tâm:
- Viêm Nang Lông Có Tự Hết Không? Bao Lâu Thì Khỏi?
- Bị Viêm Nang Lông Nên Tắm Bằng Gì Nhanh Khỏi Nhất?
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!