Niềng Răng Bị Sưng Lợi và Giải Pháp Xử Lý, Khắc Phục Hay

Bác sĩ phụ trách

BÁC SĨ PHAN ĐÌNH LONG

Cố vấn Chuyên môn

Niềng răng là một trong những phương pháp chỉnh nha hiệu quả, được đặc biệt ưa chuộng trong những năm gần đây. Niềng răng mang đến rất nhiều kết quả tích cực nhưng cũng có những trường hợp, người bị niềng răng gặp phải các vấn đề như lợi bị sưng viêm, kích ứng, răng lung lay, không chắc chắn. Nếu bạn niềng răng bị sưng lợi mà chưa biết nên xử lý như thế nào thì đừng bỏ qua những thông tin trong bài viết dưới đây. 

Nguyên nhân khiến niềng răng bị sưng lợi 

Sưng, viêm lợi là tình trạng viêm nhiễm ở mô mềm quanh răng do vi khuẩn phát triển, xâm nhập và gây bệnh. Theo thống kê, tỷ lệ mắc các bệnh về răng miệng, đặc biệt là sưng viêm ở lợi, viêm quanh răng của người Việt Nam là khoảng 90%. Viêm lợi có thể xảy ra ở mọi độ tuổi, mọi giới tính nhưng phổ biến là người trưởng thành.

Niềng răng bị sưng lợi không hiếm gặp, có thể do nhiều nguyên nhân gây ra
Niềng răng bị sưng lợi không hiếm gặp, có thể do nhiều nguyên nhân gây ra

Niềng răng là một trong những phương pháp chỉnh nha giúp răng đều đặn cân đối bằng các khí cụ nha khoa. Thông thường, quá trình niềng răng sẽ kéo dài từ 1 – 3 năm tùy vào tình trạng răng của mỗi người. Trong quá trình niềng răng, mắc cài sẽ tạo một lực kéo vừa đủ để dịch chuyển răng từ từ về vị trí mong muốn. Sưng viêm lợi sau khi niềng răng không hiếm gặp, tuy nhiên, đây không phải là tác dụng phụ tất yếu của niềng răng.

Niềng răng không phải là nguyên nhân chính gây sưng lợi, nó chỉ là nguyên nhân gián tiếp. Các nguyên nhân thường gặp gây ra tình trạng niềng răng sưng lợi có thể kể đến như:

1. Do vệ sinh chăm sóc răng miệng không đúng cách 

Sau khi đeo mắc cài, việc vệ sinh, làm sạch răng miệng trở nên khó khăn và phức tạp hơn rất nhiều. Các khí cụ niềng răng cần được đeo trong thời gian dài, nếu bạn vệ sinh răng miệng không cẩn thận, không làm sạch các vụn thức ăn mắc trong kẽ răng và mắc cài, về lâu dài sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển.

Sự phát triển của các loại vi khuẩn trong răng miệng chính là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh lý về răng nướu như viêm lợi, viêm nha chu, viêm quanh răng… Đặc trưng nổi bật của các bệnh về nướu răng này ở giai đoạn đầu chính là tình trạng nướu sưng đỏ, chạm vào thấy mềm, dễ bị chảy máu răng khi ăn nhai, chải răng… 

2. Do bệnh lý về nướu răng chưa điều trị dứt điểm 

Niềng răng khi các bệnh lý về nướu răng như viêm quanh răng, viêm lợi chưa được điều trị dứt điểm cũng là một nguyên nhân khiến bạn có thể gặp phải tình trạng niềng răng bị sưng nướu. Nướu răng chưa được điều trị dứt điểm, kết hợp cùng việc thường xuyên tích tụ các vụn thức ăn trên răng tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập, gây ra các bệnh lý về răng miệng khiến nướu răng của bạn sưng đau. Tình trạng sưng nướu răng sau khi niềng răng có thể là dấu hiệu sớm của bệnh viêm nướu răng, viêm nha chu… 

3. Sức khỏe răng miệng kém 

Sức khỏe răng miệng của người niềng răng không tốt, nền răng yếu, nướu răng dễ bị sưng viêm khi kích thích cũng có thể là yếu tố khiến bạn bị sưng nướu khi niềng răng. Trong quá trình niềng, dây cung sẽ tác động một lực kéo vừa phải lên răng và nướu, nếu nướu răng không tốt, dễ bị kích ứng thì sẽ xảy ra tình trạng sưng lợi, chảy máu trong quá trình đeo khí cụ chỉnh nha. 

4. Do chế độ ăn uống thiếu khoa học

Sau khi niềng răng, các bác sĩ, nha sĩ sẽ hướng dẫn người bệnh chế độ ăn uống khoa học, hợp lý như dùng các thực phẩm có kết cấu mềm, dễ nhai, dễ nuốt. Tuy nhiên, do thói quen khó bỏ nên chúng ta thường sử dụng các thực phẩm hay dùng hàng ngày. Hậu quả là nướu răng bị kích ứng, các vụn thức ăn tích tụ ở kẽ răng và mắc cài khó vệ sinh. Các thực phẩm này là:

  • Thức ăn chua, chứa nhiều axit
  • Các thực phẩm quá dai, quá khô cứng
  • Thức ăn quá nóng, quá lạnh, quá ngọt… 

5. Do kỹ thuật niềng răng không đúng 

Một số trường hợp các bác sĩ nha khoa có kỹ thuật niềng răng không chuyên nghiệp, tay nghề không tốt, không phát hiện các vấn đề về răng miệng của người niềng răng cũng có thể khiến nướu răng bị sưng viêm. Hiện nay, các nha khoa “mọc lên như nấm”, có rất nhiều cơ sở kém chất lượng, tay nghề của bác sĩ không đảm bảo vẫn tiến hành niềng răng.

Trong quá trình niềng răng, nếu nền răng yếu, nướu dễ kích ứng mà bác sĩ dùng lực siết mạnh có thể gây ra tình trạng sưng lợi, đau nhức khó chịu ở răng lợi cho người niềng răng. Nghiêm trọng hơn còn khiến răng yếu đi, lung lay, có nguy cơ mất răng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng nhai và sức khỏe răng miệng. 

Dấu hiệu nhận biết niềng răng bị sưng lợi

Sưng lợi thường là dấu hiệu sớm của bệnh viêm lợi (viêm nướu răng). Bệnh lý này ở giai đoạn sớm đa phần không quá nguy hiểm, dễ bị người bệnh bỏ qua, chủ quan lơ là vì cho rằng các triệu chứng bệnh có thể nhanh chóng biến mất sau vài ba ngày. Tuy nhiên, viêm lợi nếu không được chăm sóc, can thiệp đúng mức sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng, thậm chí có thể tiến triển thành viêm nha chu, viêm lợi phì đại, áp xe  răng

Tình trạng lợi sưng viêm tấy đỏ trong quá trình đeo mắc cài niềng răng
Tình trạng lợi sưng viêm tấy đỏ trong quá trình đeo mắc cài niềng răng

Các triệu chứng điển hình giúp nhận biết sưng viêm lợi có thể kể đến như:

  • Lợi sưng đỏ, có màu nổi bật trên nướu răng khác biệt với những vùng khác
  • Chạm vào thấy mềm, có cảm giác đau đớn, khó chịu
  • Lợi dễ tổn thương, đặc biệt là khi ăn nhai, khi đánh răng, xỉa răng bằng tăm
  • Quanh răng có nhiều mảng bám, có thể hình thành vôi răng
  • Hơi thở có mùi hôi khó chịu, do mảng bám tích tụ hoặc do thức ăn phân hủy trong miệng…

Giải pháp xử lý, khắc phục khi niềng răng bị sưng lợi 

Tùy vào mức độ, tình trạng sưng nướu răng mà người bệnh có giải pháp khắc phục phù hợp. Một số phương pháp giúp cải thiện tình trạng niềng răng bị sưng lợi có thể kể đến như:

Thay đổi thói quen chăm sóc răng miệng 

Sự tích tụ của vi khuẩn và mảng bám là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến nướu bị sưng viêm sau khi niềng răng. Do đó, để tránh tình trạng thức ăn mắc ở mắc cài, kẽ răng gây bệnh, việc thay đổi thói quen chăm sóc răng miệng là điều cần thiết. Cụ thể, bạn nên:

  • Chải răng đúng cách bằng bàn chải lông mềm, chọn kem đánh răng có chứa fluor, nghiêng bàn chải một góc 45 độ, chải tất cả các mặt răng. Nên chải răng ít nhất 3 lần/ngày, thường xuyên thay bàn chải vì bàn chải của bạn dễ bị xơ tua khi mắc vào mắc cài. 
  • Sử dụng bàn chải kẽ để lấy đi các mảnh vụn thức ăn. Bẻ gập phần dây thép của bàn chải, đưa bàn chải luồn dưới dây cung, chải từ mắc cài này từ mắc cài khác. Nếu bạn muốn răng chắc khỏe đều đẹp thì kiên nhẫn là yếu tố mà bạn không thể bỏ qua. 
  • Sử dụng chỉ tơ nha khoa, để lấy nhẹ nhàng các vụn thức ăn trong các kẽ răng. Nên đưa sợi chỉ nhẹ nhàng, ôm quanh răng, kéo đi kéo lại nhiều lần ở các kẽ răng để tăng hiệu quả.
  • Có thể vệ sinh răng bằng tăm nước, dùng từ 1 – 2 phút mỗi lần. Tăm nước được đánh giá là có hiệu quả gấp 3 lần so với việc làm sạch răng niềng răng bằng bàn chải và chỉ nha khoa. 

Áp dụng biện pháp trị sưng nướu tại nhà 

Các biện pháp giảm sưng nướu răng tại nhà thường được nhiều người áp dụng do cách làm đơn giản, dễ thực hiện, hiệu quả tương đối khả quan. Bạn có thể tham khảo một số cách trị sưng nướu như:

1. Súc miệng bằng nước muối

Trong quá trình niềng răng, bạn hoàn toàn có thể súc miệng bằng nước muối. Đây là giải pháp giúp làm sạch răng miệng, đẩy vi khuẩn ra khỏi nướu răng, hỗ trợ giảm sưng viêm, làm lành các tổn thương và ngăn ngừa các bệnh lý về răng miệng. 

Khi súc miệng bằng nước muối, bạn có thể dùng nước muối sinh lý hoặc nước muối pha loãng đều được. Việc súc miệng bằng nước muối cần được kết hợp với cách chăm sóc răng miệng đã đề cập trên. Không nên vì đã súc miệng với nước muối mà lơ là việc làm sạch mảng bám trên răng. 

Lưu ý:  Tuyệt đối không ngậm muối hạt trực tiếp hoặc dùng nước muối quá đặc để súc miệng. Nước muối pha đặc hoặc chưa được hòa tan hoàn tan có thể gây mòn men răng, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe răng miệng. 

2. Dùng đinh hương trị sưng lợi 

Đinh hương là một trong những nguyên liệu dân gian quen thuộc, thường được dùng để chữa sưng nướu răng, sâu răng, viêm tủy răng… Trong tinh dầu đinh hương có chứa eugenol, có tác dụng sát trùng, gây tê, giảm đau, kháng khuẩn, hỗ trợ điều trị sưng nướu rất tốt. 

Cách thực hiện:

  • Cách 1: Lấy 1 ít nụ đinh hương cho vào miệng nhai cho đến khi các tinh chất tiết ra hết, nhổ cả bã lẫn nước ra ngoài, không nuốt, súc lại miệng với nước sạch.
  • Cách 2: Lấy bông gòn thấm vài giọt tinh dầu đinh hương, xoa nhẹ nhàng lên vị trí nướu bị sưng, sau 20 phút thì súc lại miệng với nước. 

3. Chữa sưng nướu bằng dầu dừa 

Dầu dừa là nguyên liệu thiên nhiên an toàn, quen thuộc. Có tác dụng cân bằng vi khuẩn trong miệng, làm dịu vùng nướu bị sưng viêm, cải thiện rất tốt các bệnh về nướu răng. 

Cách thực hiện: 

  • Lấy một ít dầu dừa, thấm vào bông gòn sạch, thoa nhẹ nhàng lên nướu
  • Sau 15 – 20 phút thì súc lại miệng với nước sạch, kiên trì nhiều lần mỗi ngày để thấy hiệu quả. 

Ngoài ra, bạn cũng có thể trộn tinh dầu đinh hương và dầu dừa theo tỷ lệ 1:2, dùng bông gòn thấm tinh dầu, xoa nhẹ nhàng lên nướu để giúp giảm sưng đau. Đặc biệt, cần súc lại miệng với nước ấm sau 5 – 10 phút, không nuốt. 

Thay đổi thói quen ăn uống 

Thói quen ăn uống, sử dụng các thực phẩm không phù hợp sau niềng răng cũng có thể là nguyên nhân khiến bạn gặp phải tình trạng niềng răng bị sưng nướu. Để khắc phục vấn đề này, bạn nên:

  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học, đa dạng, đầy đủ các nhóm dưỡng chất cần thiết để nâng cao hệ miễn dịch, sức đề kháng
  • Nên chọn các thực phẩm mềm, dễ nhai nuốt, không cần dùng lực nhai lớn để tránh tác động đến mắc cài, gây tác động đến răng nướu
  • Sử dụng sữa và các chế phẩm từ sữa, ăn nhiều các loại rau xanh như cần tây, súp lơ, các loại hoa quả, trái cây giàu vitamin và khoáng chất
  • Hạn chế ăn đồ ngọt, thực phẩm chứa nhiều axit, các loại thực cứng và dai dễ mắc vào kẽ răng, mắc cài gây khó khăn cho việc vệ sinh như thịt gà, thịt bò, thịt trâu…
  • Tránh đồ ăn dẻo, quá lạnh, quá nóng, các thức uống có gas, chứa nhiều đường để tránh làm mòn men răng. 
Người bị sưng nướu khi niềng răng nên hạn chế ăn các loại thịt dai, dễ dính kẽ răng, mắc cài như thịt gà
Người bị sưng nướu khi niềng răng nên hạn chế ăn các loại thịt dai, dễ dính kẽ răng, mắc cài như thịt gà

Thăm khám bác sĩ 

Khi nhận thấy tình trạng sưng nướu răng của mình có liên quan đến việc niềng răng, đặc biệt là khi nghi ngờ là do kỹ thuật niềng răng không tốt, bạn cần nhanh chóng đến các cơ sở nha khoa, bệnh viện uy tín để được thăm khám, xác định nguyên nhân và có giải pháp khắc phục phù hợp. 

Tùy vào nguyên nhân, mức độ sưng viêm mà bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị thích hợp. Thông thường, người bệnh sẽ được tháo khí cụ, lấy vôi răng, mảng bám trên răng, điều trị dứt điểm bệnh rồi mới tiếp tục mang mắc cài trở lại. Với trường hợp nhẹ thì sẽ hướng dẫn bạn vệ sinh răng miệng, dùng thuốc giảm đau, giảm viêm phù hợp. 

Trong khi đó, nếu tình trạng sưng viêm nướu răng ở mức độ nghiêm trọng, dẫn đến tình trạng tụt nướu răng, các bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật ghép mô nướu. Đây là biện pháp giúp mô nướu hồi phục, che phủ chân răng tránh tình trạng răng lung lay gây nguy cơ gãy răng, mất răng vĩnh viễn. 

Trên đây là một số thông tin về tình trạng niềng răng bị sưng lợi và các giải pháp khắc phục an toàn, hiệu quả mà bạn có thể tham khảo. Hy vọng những thông tin mà chúng tôi cung cấp sẽ giúp bạn hiểu hơn về vấn đề này và có cách xử lý phù hợp. 

Có thể bạn quan tâm:

Chia sẻ:
Thịt gà có giá trị dinh dưỡng cao, đặc biệt tốt cho sức khỏe Viêm Lợi Có Ăn Được Thịt Gà Không? Cần Kiêng Không?

Khi bị viêm lợi, người bệnh thường được khuyến nghị hạn chế một số thực phẩm nhất định để tránh…

10 cách chữa viêm lợi có mủ tại nhà hiệu quả nhất

Bệnh viêm lợi có mủ thường gây cảm giác đau nhức vô cùng khó chịu. Nếu không được kiểm soát…

5 kem đánh răng trị viêm lợi tốt nhất 2020 - Chống tái phát 5 kem đánh răng trị viêm lợi tốt nhất 2024 – Chống tái phát

Viêm lợi là một bệnh lý về răng miệng có thể xảy ra ở mọi đối tượng. Nguyên nhân chủ…

Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng viêm lợi sau khi nhổ răng Bị Viêm Lợi Sau Khi Nhổ Răng và Giải Pháp Xử Lý, Chữa Trị

Viêm lợi sau khi nhổ răng không quá hiếm gặp, đã có nhiều trường hợp người nhổ răng gặp phải…

Trồng răng sứ mất bao lâu phụ thuộc vào nhiều yếu tố Bị viêm lợi trùm răng khôn uống thuốc gì nhanh khỏi?

Sử dụng thuốc là phương pháp được áp dụng chủ yếu để điều trị cho người bị viêm lợi trùm…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chia sẻ
Bỏ qua