Đau thượng vị lan ra sau lưng là bệnh gì? Nguy hiểm không?
Đau thượng vị lan ra sau lưng là dấu hiệu của bệnh trào ngược dạ dày thực quản, viêm thực quản, loét dạ dày tá tràng, ung thư dạ dày hoặc xuất huyết tiêu hóa. Triệu chứng này kéo dài có thể gây suy nhược cơ thể, sụt cân nhanh chóng, rối loạn giấc ngủ và khiến bệnh tiến triển theo chiều hướng tiêu cực.
Đau thượng vị lan ra sau lưng là bệnh gì?
Đau thượng vị là cơn đau xuất hiện ở vùng bụng trên (kéo dài từ xương ức xuống rốn). Triệu chứng này thường là dấu hiệu của các bệnh lý liên quan đến dạ dày và một số cơ quan tiêu hóa khác.
Ngoài ra đau thượng vị còn có thể đi kèm với một số biểu hiện cơ năng khác như đầy bụng, ợ hơi, ợ chua, nóng rát dạ dày, buồn nôn, nôn mửa, khó chịu,… Trong trường hợp đau thượng vị lan tỏa ra sau lưng, bạn nên cân nhắc các khả năng sau:
1. Viêm loét dạ dày tá tràng
Viêm loét dạ dày tá tràng là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng đau tức thượng vị lan rộng ra vùng lưng và ngực. Bệnh lý này xảy ra khi niêm mạc dạ dày bị ăn mòn, dẫn đến hiện tượng loét và sưng viêm.
Ngoài triệu chứng đau thượng vị, viêm loét dạ dày tá tràng còn có thể làm phát sinh một số biểu hiện như buồn nôn, nôn mửa – đặc biệt là sau khi ăn, nóng rát dạ dày, mệt mỏi, suy nhược, chán ăn,…
2. Trào ngược dạ dày thực quản
Trào ngược dạ dày thực quản (GERD) là hệ quả do hở van dạ dày hoặc do các thói quen không lành mạnh. Bệnh lý này cũng là một trong những yếu tố kích thích cơn đau thượng vị bùng phát. Trong trường hợp dạ dày tăng tiết quá nhiều dịch vị, cơn đau thường có mức độ nặng nề và có khả năng lan ra vùng ngực và lưng.
Khác với viêm loét dạ dày tá tràng, trào ngược dạ dày thực quản đặc trưng với triệu chứng ợ nóng, ợ hơi, đầy bụng, khó tiêu, hôi miệng, đau rát họng, khàn tiếng,…
Xem chi tiết: Cách Trị Bệnh Trào Ngược Dạ Dày Gây Đau Lưng Và Biện Pháp Phòng Tránh
3. Ung thư dạ dày
Ung thư dạ dày là tình trạng xuất hiện khối u ác tính ở bên trong niêm mạc dạ dày. Thông thường khi mới hình thành, khối u này gần như không làm phát sinh các triệu chứng bất thường. Tuy nhiên theo thời gian, khối u có thể tăng kích thích và tạo áp lực lên dạ dày.
Áp lực từ khối u có khả năng gây đau thượng vị dữ dội và lan ra sau lưng, bụng dưới, ngực, gây khó thở, chán ăn, đau thắt ngực, buồn nôn, nôn mửa, người gầy yếu và sụt cân bất thường.
Ung thư dạ dày là bệnh lý có mức độ nghiêm trọng và có khả năng gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Chính vì vậy ngay khi nhận thấy các biểu hiện bất thường, bạn nên chủ động thăm khám để sàng lọc ung thư và tiến hành điều trị trong thời gian sớm nhất.
4. Xuất huyết tiêu hóa trên
Xuất huyết tiêu hóa trên đề cập đến hiện tượng chảy máu xảy ra ở thực quản và dạ dày. Xuất huyết tiêu hóa thường là biến chứng của bệnh loét thực quản, loét dạ dày tá tràng và ung thư dạ dày do một số yếu tố kích thích như sử dụng thuốc chống viêm liều cao, lạm dụng rượu bia, stress hoặc dư chấn tinh thần nghiêm trọng.
Xuất huyết tiêu hóa trên là tình trạng cấp tính nguy hiểm, có thể gây mất máu nhiều, suy hô hấp và tử vong. Thông thường, xuất huyết tiêu hóa gây cơn đau thượng vị dữ dội, có xu hướng lan tỏa lên toàn bộ vùng ngực và lan ra sau lưng. Ngoài ra tình trạng này còn gây nôn mửa ra máu hoặc dịch có màu nâu cà phê, mệt mỏi, hạ huyết áp, chóng mặt.
5. Tắc mật
Tắc mật xảy ra khi dòng chảy của mật bị tắc nghẽn dẫn đến tình trạng dư thừa mật. Lượng mật dư thừa sẽ chuyển hóa thành các sản phẩm phụ và được đào thải vào máu, gây ra chứng vàng da và vàng mắt.
Tắc mật không chỉ làm thay đổi màu da mà còn gây ra cơn đau ở vùng hạ sườn phải và đau thượng vị dữ dội. Sau đó triệu chứng có xu hướng lan rộng ra toàn bộ vùng lưng và ngực. Ngoài ra tắc mật còn gây ngứa da, sốt, nước tiểu có màu đậm, phân có màu bạc, rối loạn tiêu hóa và chảy máu dưới da.
6. Viêm thực quản
Viêm thực quản là hệ quả do lạm dụng rượu bia, hút thuốc lá, tác dụng phụ khi sử dụng thuốc hoặc có thể là biến chứng của trào ngược dạ dày thực quản. Trong trường hợp hiện tượng viêm xảy ra ở đoạn thực quản dưới, bạn có thể bị đau tức vùng thượng vị.
Cơn đau có xu hướng tăng lên và lan ra sau lưng nếu liên tục dùng rượu bia, ăn thực phẩm cay nóng, uống nhiều nước ngọt có gas và căng thẳng thần kinh.
Viêm thực quản có thể được cải thiện ngay sau khi tiến hành chăm sóc và điều trị. Tuy nhiên nếu tiếp tục duy trì các thói quen xấu, tình trạng viêm có thể tiến triển thành loét và gây chảy máu hoặc thậm chí là thủng thực quản.
7. Các nguyên nhân khác
Ngoài ra, đau thượng vị lan ra sau lưng còn có thể bắt nguồn từ những nguyên nhân sau:
- Mang thai: Phụ nữ mang thai ở những tháng cuối thai kỳ thường phải đối mặt với đau thượng vị dữ dội và có xu hướng lan ra sau lưng. Nguyên nhân là do thai nhi phát triển và đè nén lên các cơ quan tiêu hóa.
- Ăn quá no: Ăn quá no có thể làm tăng áp lực lên vùng thực quản dưới và dạ dày, từ đó kích thích cơn đau phát sinh ở thượng vị và lan ra sau lưng.
- Vận động ngay sau khi ăn: Vận động sau khi ăn có thể gây trào ngược axit và gây đau thượng vị. Với những người vận động mạnh, cơn đau có thể lan ra vùng lưng và ngực.
Đau thượng vị lan ra sau lưng có nguy hiểm không?
Đau thượng vị lan ra sau lưng có mức độ nghiêm trọng hơn so với đau thượng vị đơn thuần. Triệu chứng này là dấu hiệu cảnh báo các cơ quan tiêu hóa bị tổn thương và hư hại nghiêm trọng.
Nếu không tiến hành khắc phục, dạ dày, thực quản và gan có thể bị suy giảm chức năng, loét và xuất huyết. Ngoài ra đau thượng vị lan ra sau lưng kéo dài còn gây cảm giác khó chịu, làm giảm khả năng hấp thu chất dinh dưỡng và gây suy nhược cơ thể.
Hơn nữa nếu xảy ra vào ban đêm (thường gặp ở người bị trào ngược dạ dày thực quản), cơn đau có thể gây mất ngủ, khó ngủ và dễ thức giấc.
Cách điều trị đau thượng vị lan ra sau lưng
Ngoại trừ nguyên nhân do mang thai và các thói quen thiếu khoa học, phần lớn các trường hợp bị đau thượng vị lan ra sau lưng đều phải can thiệp điều trị y tế.
1. Điều trị y tế
Điều trị y tế đối với tình trạng đau thượng vị lan ra sau lưng phụ thuộc vào nguyên nhân cụ thể. Do đó bạn nên chủ động thăm khám để được chẩn đoán và tiến hành các biện pháp điều trị tương ứng.
- Tắc mật: Với người bị tắc mật, bác sĩ sẽ thực hiện thủ thuật ERCP nhằm dẫn lưu mật qua da. Sau đó sẽ tiến hành điều trị dứt điểm nguyên nhân gây bệnh (sỏi mật hoặc do khối u ác tính). Trong thời gian chờ đợi phẫu thuật loại bỏ khối u và sỏi, bác sĩ có thể nội soi đặt stent nhằm giải tỏa tắc nghẽn đường mật tạm thời.
- Viêm thực quản: Viêm thực quản xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, chẳng hạn như nhiễm trùng, trào ngược, do thuốc và dị ứng. Vì vậy bác sĩ sẽ chỉ định thuốc tùy thuộc vào từng nguyên nhân cụ thể.
- Loét dạ dày tá tràng/ trào ngược dạ dày: Với nguyên nhân này, bác sĩ thường chỉ định một số loại thuốc nhằm trung hòa dịch vị hoặc ức chế quá trình bài tiết axit dạ dày như thuốc nhóm antacid, thuốc chẹn H2 và thuốc ức chế bơm proton. Trong trường hợp dương tính với vi khuẩn Helicobacter pylori, kháng sinh thường được sử dụng phối hợp trong 10 – 15 ngày.
- Xuất huyết tiêu hóa: Trong trường hợp xuất huyết tiêu hóa, điều trị ưu tiên là truyền dịch nhằm cân nằng điện giải và huyết áp, sau đó nội soi cầm máu và xác định nguồn gốc xuất huyết.
- Ung thư dạ dày: Với ung thư dạ dày, bác sĩ thường chỉ định phẫu thuật với hầu hết các trường hợp có khả năng thực hiện. Tuy nhiên với những bệnh nhân không có đủ sức khỏe hoặc khối u tiến triển phức tạp, điều trị chủ yếu là hóa xạ trị.
2. Điều trị tại nhà
Điều trị tại nhà chủ yếu là cải thiện triệu chứng đau thượng vị và các biểu hiện đi kèm. Một số biện pháp khắc phục bạn có thể áp dụng:
- Uống nước muối ấm: Nước muối ấm có tác dụng làm dịu hoạt động co thắt bất thường ở dạ dày và thực quản, từ đó làm giảm mức độ cơn đau và một số triệu chứng đi kèm như ợ hơi, đầy bụng và buồn nôn.
- Chườm ấm: Ngoài ra bạn cũng có thể dùng túi chườm ấm lên vùng thượng vị để làm thư giãn cơ thực quản và dạ dày. Chườm ấm trong khoảng 15 – 20 phút có thể cải thiện cơn đau đáng kể.
- Uống trà hoa cúc: Trà hoa cúc được chứng minh là có tác dụng trong việc trung hòa axit dạ dày, làm thư giãn cơ thực quản và hạn chế tình trạng trào ngược. Vì vậy uống trà hoa cúc ấm có thể làm giảm hiện tượng đau thượng vị lan ra sau lưng, giảm buồn nôn và khó chịu.
Biện pháp làm giảm tần suất và mức độ đau thượng vị
Đau thượng vị do một số bệnh mãn tính như viêm loét dạ dày, trào ngược dạ dày thực quản và viêm thực quản có khả năng tái phát nhiều lần. Vì vậy bên cạnh việc điều trị, bạn nên thực hiện một số biện pháp phòng ngừa giúp làm giảm mức độ và tần suất của triệu chứng sau:
- Tích cực trong việc điều trị bệnh lý nguyên nhân.
- Thường xuyên luyện tập thể thao nhằm tăng sức chống chịu của cơ thể với cơn đau, cải thiện hoạt động tiêu hóa và năng cao sức đề kháng.
- Tuyệt đối không sử dụng rượu bia, hút thuốc lá, uống cà phê và bổ sung các thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ, gia vị cay nóng,…
- Uống đủ 2 – 3 lít nước/ ngày, đồng thời nên ăn nhiều rau xanh, trái cây và ngũ cốc nhằm trung hòa dịch vị dạ dày và cải thiện nhu động ruột.
- Không làm việc quá sức, thức khuya và căng thẳng. Nên làm việc trong 7 – 8 giờ/ ngày, dành thời gian nghỉ ngơi, ngủ trước 23 giờ và thực hiện các hoạt động giúp giải tỏa căng thẳng.
- Hạn chế sử dụng thuốc chống viêm và cần thông báo với dược sĩ/ bác sĩ về tình trạng sức khỏe để được chỉ định loại thuốc phù hợp.
- Tránh ăn quá no hoặc để bụng quá đói, đồng thời nên ăn chậm nhai kỹ, chia nhỏ bữa ăn trong ngày và dùng bữa tối trước 19 giờ.
Đau thượng vị lan ra sau lưng là dấu hiệu của nhiều bệnh lý. Để được chỉ định biện pháp điều trị phù hợp, bạn nên chủ động thăm khám và thực hiện các xét nghiệm cần thiết.
Bình luận (1)
e bi covid ko co trieu chứng ma sao no bi dau thượng vị yong thuoc ko có tác dụng uống giam dau cung ko het noi