Đau bụng dưới buồn nôn: Nguyên nhân và cách chữa trị
Đau bụng dưới kèm theo buồn nôn có thể khởi phát do các vấn đề ở đường tiêu hóa (đại – trực tràng), tiết niệu và cơ quan sinh dục. Để xác định bệnh lý tiềm ẩn, bạn nên căn cứ triệu chứng này với những biểu hiện đi kèm khác.
Nguyên nhân gây đau bụng dưới buồn nôn
Bụng dưới là vùng bụng nằm bên dưới rốn. Đau bụng dưới kèm buồn nôn có thể khởi phát do tổn thương ở ruột già, cơ quan sinh dục và tiết niệu.
Dưới đây là một số nguyên nhân có thể gây đau bụng dưới kèm theo triệu chứng buồn nôn, bao gồm:
1. Đau bụng kinh
Đau bụng kinh là hiện tượng xảy ra trong chu kỳ kinh nguyệt của nữ giới. Đau bụng kinh xảy ra ở vùng bụng dưới do cơ trơn tử cung co thắt mạnh nhằm đào thải máu kinh và tế bào chết ra bên ngoài âm đạo.
Đau bụng kinh có thể đi kèm với cảm giác buồn nôn, nôn mửa, chóng mặt, mệt mỏi,… Những triệu chứng này thường xuất hiện ở người có sức khỏe yếu, thường xuyên hút thuốc lá hoặc có chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt thiếu lành mạnh.
2. Hội chứng ruột kích thích
Hội chứng ruột kích thích (viêm đại tràng co thắt) là tình trạng ruột già co thắt bất thường, gây ra tình trạng rối loạn đại tiện (tiêu chảy/ táo bón), đau bụng dưới dữ dội, buồn nôn, nôn mửa, chán ăn, mệt mỏi và suy nhược.
Hiện tại, các chuyên gia vẫn chưa thể xác định nguyên nhân gây viêm đại tràng co thắt vì niêm mạc ruột già ở những trường hợp mắc bệnh đều không bị viêm hay tổn thương. Do đó mặc dù bệnh tiến triển kéo dài nhưng được đánh giá là lành tính và có thể kiểm soát bằng cách xây dựng lối sống khoa học.
3. Bệnh Crohn
Bệnh Crohn là một dạng viêm ruột tự phát – xảy ra chủ yếu ở đại tràng. Do đó bệnh lý này có thể gây ra hiện tượng đau vùng bụng dưới kèm theo cảm giác buồn nôn.
Ngoài ra, bệnh Crohn ở thể hoạt động còn gây ra một số triệu chứng đặc trưng khác như mệt mỏi, máu lẫn trong phân, sốt, tiêu chảy, giảm cân bất thường,…
Mặc dù không có phương pháp điều trị dứt điểm bệnh lý này, tuy nhiên nếu kết hợp việc dùng thuốc với lối sống lành mạnh, bạn có thể kiểm soát được mức độ ảnh hưởng và triệu chứng của bệnh.
4. Viêm ruột thừa cấp
Viêm ruột thừa cấp xảy ra khi ruột thừa bị tắc nghẽn, tạo điều kiện cho vi khuẩn, virus xâm nhập và gây ra hiện tượng nhiễm trùng.
Khi nhiễm trùng xuất hiện, các triệu chứng của bệnh sẽ khởi phát một cách đột ngột, bao gồm đau quặn vùng bụng dưới (chủ yếu là bên phải), tiêu chảy, buồn nôn, nôn mửa,…
5. Viêm túi thừa
Viêm túi thừa là tình trạng niêm mạc đại tràng bị giãn và tạo thành cấu trúc dạng túi. Các túi thừa này hầu như không gây ảnh hưởng đến chức năng ruột già và sức khỏe.
Tuy nhiên khi phân kẹt bên trong túi thừa, cơ quan này có thể bị viêm nhiễm và làm phát sinh các triệu chứng như táo bón/ tiêu chảy, đau bụng dưới (ban đầu đau thành cơn sau đau liên tục), sốt nhẹ, buồn nôn và chán ăn.
6. U nang buồng trứng
U nang buồng trứng là một trong những bệnh phụ khoa thường gặp nhất. Trong đó, u nang được chia thành 4 loại như sau: u nang tuyến, u nang bì, u nang chức năng và u nang nội mạc tử cung.
Triệu chứng điển hình nhất của u nang buồng trứng là hiện tượng đau âm ỉ ở vùng bụng dưới, chậm kinh, máu kinh có màu bất thường,… Trong trường hợp u nang phát triển lớn, bạn có thể cảm thấy buồn nôn kéo dài, nôn mửa, ngất xỉu, hôn mê, người xanh tái,…
7. Ung thư bàng quang
Ung thư bàng quang là tình trạng niêm mạc của bàng quang tăng sản bất thường và gây hình thành khối u ác tính. Bệnh lý này ít khi gây ra các triệu chứng trong giai đoạn đầu nên thường khó nhận biết.
Các triệu chứng của bệnh chỉ khởi phát khi khối u bắt đầu tăng trưởng kích thước, bao gồm: Tiểu ra máu, khó tiểu, mệt mỏi, buồn nôn, đau vùng bụng dưới và vùng lưng.
8. Nhiễm trùng đường tiết niệu
Nhiễm trùng đường tiết niệu (viêm niệu đạo, bàng quang, niệu quản và viêm cầu thận do virus/ vi khuẩn gây ra) cũng là nguyên nhân gây đau bụng dưới và buồn nôn.
Ngoài triệu chứng này, nhiễm trùng đường tiết niệu còn làm phát sinh một số biểu hiện khác như khó tiểu, tiểu buốt, tiểu ra máu, lẫn máu/ mủ trong nước tiểu, đau bụng dưới, ớn lạnh, sốt, buồn nôn,…
9. Mang thai ngoài tử cung
Mang thai ngoài tử cung là hiện tượng trứng và tinh trùng thụ tinh ở vị trí ngoài tử cung, phổ biến nhất là ở vòi trứng, buồng tử cung,… Thai ngoài tử cung hệ quả do viêm ống dẫn trứng, nạo phá thai không an toàn, mắc bệnh lậu, hút thuốc lá trong thời gian mang thai,…
Triệu chứng điển hình của tình trạng này là đau bụng dưới, rong huyết nhẹ, chóng mặt, buồn nôn, ói mửa,…
10. Viêm vùng chậu
Viêm vùng chậu là tình trạng nhiễm trùng các bộ phân trên của cơ quan sinh dục nữ, bao gồm bên trong khung chậu, tử cung, buồng trứng và ống dẫn trứng. Bệnh lý này là hệ quả do Chlamydia hoặc bệnh lậu gây ra.
Khi bị viêm vùng chậu, bạn sẽ nhận thấy vùng bụng dưới đau âm ỉ, người sốt, ớn lạnh, có cảm giác buồn nôn, dịch tiết âm đạo có màu và mùi bất thường.
11. Lạc nội mạc tử cung
Lạc nội mạc tử cung xảy ra khi niêm mạc tử cung phát triển ở bên ngoài cơ quan này. Mô nội mạc tử cung có thể xuất hiện ở niệu quản, bàng quang, ống dẫn trứng, phúc mạc, buồng trứng, ruột,…
Lạc nội mạc tử cung là bệnh lý nghiêm trọng, đặc trưng bởi hiện tượng đau vùng chậu kéo dài, đau khi đi tiểu, người mệt mỏi, buồn nôn,… Tuy nhiên ở một số nữ giới, bệnh không hề gây ra bất cứ triệu chứng bất thường nào.
12. Ung thư cổ tử cung
Ung thư cổ tử cung là loại ung thư phổ biến thứ 2 ở nữ giới – chỉ sau ung thư vú. Nguyên nhân gây ra khối u ác tính ở cổ tử cung là do nhiễm Human Papillomavirus (HPV).
Bệnh lý này có thể gây ra các triệu chứng như âm đạo xuất huyết bất thường (xảy ra ở những ngày không trong chu kỳ kinh nguyệt), đau khi quan hệ, vòng kinh không đều, dịch tiết âm đạo có mùi hoặc màu lạ, đau bụng dưới và vùng xương chậu, đau lưng, buồn nôn,…
Khi khối u phát triển lớn, bạn có thể nhận thấy những triệu chứng nặng nề khác như người gầy gò, xanh xao, sụt cân, bụng dưới đau dữ dội,…
13. Viêm vòi trứng
Viêm vòi trứng (viêm ống dẫn trứng) xảy ra khi niêm mạc vòi trứng bị sưng viêm do nhiễm trùng. Bệnh có xu hướng gặp ở người có đời sống tình dục phóng túng, mắc các bệnh viêm nhiễm phụ khoa khác, thường xuyên hút thuốc lá, uống rượu bia hoặc không vệ sinh vùng kín đúng cách.
Tổn thương ở vòi trứng có thể gây rối loạn kinh nguyệt, ngứa ngáy vùng kín, buồn nôn, nôn mửa, đau bụng dưới, tiểu buốt, máu kinh chuyển thành màu đen, có dấu hiệu đông thành cục và có mùi hôi khó chịu.
14. Viêm tuyến tiền liệt
Đau bụng dưới kèm theo triệu chứng buồn nôn ở nam giới có thể do viêm tuyến tiền liệt gây ra. Hiện tượng viêm ở cơ quan này thường do vi khuẩn E. coli, lậu cầu, Chlamydia, vi khuẩn giang mai,… hoặc do một số nguyên nhân khác.
Với trường hợp viêm tuyến tiền liệt do vi khuẩn, nam giới có thể bị sốt, ớn lạnh, đau bụng dưới, thắt lưng, tiểu nhiều lần, buồn nôn, rối loạn cương dương, mệt mỏi,…
15. Sa sinh dục
Sa sinh dục (sa tử cung/ sa dạ con) xảy ra khi trực tràng, tử cung hoặc bàng quang sa hẳn ra ngoài âm hộ hoặc sa xuống thấp trong âm đạo. Bệnh thường gặp ở nữ giới sinh đẻ nhiều, thường xuyên làm việc nặng nhọc hoặc do di truyền.
Sa sinh dục thường gây nặng vùng xương chậu, táo bón, tiểu nhiều lần, đau khi quan hệ, đau bụng dưới, hay buồn nôn, mệt mỏi, chán ăn,…
16. Viêm tinh hoàn/ mào tinh hoàn
Viêm tinh hoàn/ mào tinh hoàn xảy ra khi hai cơ quan này bị viêm nhiễm do virus hoặc vi khuẩn xâm nhập. Bệnh thường gặp ở nam giới vệ sinh vùng kín kém, quan hệ tình dục không an toàn hoặc mắc các bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu.
Viêm tinh hoàn/ mào tinh hoàn có thể gây sưng bìu, đau rát vùng kín, đau bụng dưới, gây tiểu buốt, buồn nôn, đau khi quan hệ,…
17. Hội chứng tiền kinh nguyệt
Hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS) đề cập đến các triệu chứng khó chịu về tâm lý và thể chất ở nữ giới trước khi xảy ra kinh nguyệt từ 1 – 2 tuần. Hiện tại nguyên nhân gây ra hội chứng này vẫn chưa được biết rõ.
Các triệu chứng thường gặp nhất của hội chứng tiền kinh nguyệt là hiện tượng đau bụng dưới âm ỉ, buồn nôn, mệt mỏi, thiếu tập trung, buồn chán, dễ xúc động, mất ngủ,…
Cải thiện đau bụng dưới buồn nôn ngay tại nhà
Đau bụng dưới kèm theo buồn nôn thường gây khó chịu, mệt mỏi và giảm chất lượng cuộc sống. Vì vậy bạn có thể áp dụng một số biện pháp tại nhà để khắc phục triệu chứng này.
Các biện pháp giúp cải thiện cơn đau ở vùng bụng dưới và cảm giác buồn nôn, bao gồm:
- Sử dụng túi chườm ấm đặt lên vùng bụng dưới trong 15 – 20 phút có thể làm giảm cơn đau. Hoặc bạn có thể rang muối biển, sau đó cho vào túi và chườm trực tiếp lên bụng.
- Tắm nước ấm hoặc ngâm mình trong bồn có thể kích thích tuân hoàn máu, giúp cơ thể thư giãn và giảm mức độ đau.
- Uống trà mật ong chanh, trà gừng, bạc hà, đinh hương,… có thể làm giảm buồn nôn và cảm giác khó chịu.
- Bổ sung nhiều nước và nước ép từ rau xanh để trung hòa nước tiểu và hỗ trợ cơ thể đào thải vi khuẩn, virus gây nhiễm trùng.
- Hạn chế các thực phẩm đóng hộp, đồ ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ,… Các loại thực phẩm này có thể kích thích hiện tượng viêm và làm tăng nồng độ muối, acid trong nước tiểu.
Đau bụng dưới buồn nôn – Có cần tìm gặp bác sĩ?
Hầu hết các trường hợp đau bụng dưới kèm buồn nôn đều phải tiến hành điều trị (trừ trường hợp hội chứng tiền kinh nguyệt và đau bụng kinh).
Vì vậy nếu nhận thấy triệu chứng kéo dài hoặc đi kèm với các biểu hiện nghiêm trọng (nôn ra máu, xuất huyết âm đạo, sốt, ớn lạnh, ngất xỉu,…) bạn nên chủ động tìm gặp bác sĩ.
Trong trường hợp triệu chứng khởi phát do các bệnh nguy hiểm như ung thư cổ tử cung, lạc nội mạc tử cung hoặc viêm vòi trứng, việc phát hiện và điều trị sớm có thể làm giảm mức độ ảnh hưởng của bệnh và hạn chế các biến chứng nặng nề.
Triệu chứng đau bụng dưới, buồn nôn có thể xảy ra do các vấn đề về phụ khoa, nam khoa, tiết niệu và hệ tiêu hóa. Để chủ động bảo vệ sức khỏe, bạn nên tìm gặp bác sĩ khi nhận thấy triệu chứng kéo dài.
Có thể bạn quan tâm:
- Đau bụng trên buồn nôn: Nguyên nhân và cách trị
- Đau bụng dưới bên trái là bệnh gì? Có nguy hiểm không?
Bình luận (2)
Em bị say tàu xe nôn khan về thấy đau bụng dưới buồn nôn chán ăn mệt mỏi không biết có sao không ạ
Đau bụng dưới mệt mỏi, buồn nôn khi ăn và lúc nào cũng cảm thấy buồn nôn và đau bụng dưới. Bị khoảng 4-5 nay rồi là bị làm sao vậy bác sĩ.