Bệnh tổ đỉa ở bàn tay, ngón tay: Hình ảnh nhận biết và điều trị

Bệnh tổ đỉa ở bàn tay, ngón tay là căn bệnh mạn tính và thường tái phát theo chu kỳ. Mặc dù không đe dọa đến tính mạng nhưng bệnh gây ra nhiều triệu chứng khó chịu và làm mất thẩm mỹ.
Bệnh tổ đỉa ở tay, ngón tay là bệnh gì?
Bệnh tổ đỉa ở tay là một thể đặc biệt của bệnh chàm. Bệnh có các biểu hiện chính là sự xuất hiện các nốt mụn nước màu trắng ở lòng bàn tay, rìa ngón tay, mặt trên và mặt dưới của bàn tay kèm theo triệu chứng ngứa ngáy, khó chịu.
Những triệu chứng của bệnh tổ đỉa thường tiến triển dai dẳng và tái phát nhiều lần, gây trở ngại trong việc điều trị. Một số trường hợp có thể gặp biến chứng nhiễm trùng và mất ngủ do ngứa ngáy về đêm.
Một số hình ảnh nhận biết
Các hình ảnh thực tế về bệnh tổ đỉa ở tay:

Triệu chứng bệnh tổ đỉa ở tay
Dấu hiệu và triệu chứng đặc trưng của bệnh tổ đỉa ở tay, ngón tay bao gồm:
- Xuất hiện của các nốt mụn nước màu trắng, hình tròn có kích thước 1mm khu trú ở lòng bàn tay, rìa các ngón tay và không bao giờ vượt quá cổ tay.
- Những nốt mụn nước nằm sâu ở vùng thượng bì, thường tập trung thành từng chùm, làm da nổi gồ lên. Khi sờ cảm thấy rất chắc chắn, khó vỡ. Đôi khi, nhiều mụn nước kết lại với nhau tạo thành một bóng nước lớn.
- Mụn nước thường không tự vỡ, chúng xẹp dần và có màu hơi ngà vàng. Khi bị bong ra, để lộ nền da hồng có hình tròn hoặc đa cung với viền vảy xung quanh.
- Ngứa ngáy, ngứa tăng lên khi tăng tiết mồ hôi ở tay.
Theo các chuyên gia, tổ đỉa ở tay thường kéo dài từ 2 đến 4 tuần rồi sau đó tự bong vảy lành và tiếp tục tái phát. Trong trường hợp mụn nước vỡ mà không được xử lý rất dễ gây nhiễm khuẩn.
Khi đó, mụn hoặc bóng nước sẽ bị đục màu, sưng đỏ và kèm theo triệu chứng sưng hạch bạch huyết ở các vùng kế cận. Một số trường hợp có thể bị sốt.
ĐỌC THÊM: Bệnh Tổ Đỉa Có Chữa Khỏi Được Không? Chuyên Gia Giải Đáp
Nguyên nhân gây bệnh tổ đỉa ở tay
Theo các chuyên gia da liễu, nguyên nhân gây bệnh bệnh tổ đỉa ở ngón tay, bàn tay thường rất phức tạp. Bệnh xảy ra có thể là do các yếu tố như:
- Người bệnh tiếp xúc với hóa chất, đất hoặc nước bẩn có chứa vi khuẩn gây bệnh
- Dị ứng hóa chất trong công nghiệp hoặc trong sinh hoạt hàng ngày như nước rửa chén, xà phòng, dầu thơm, xăng, dầu, vôi,…
- Dị ứng với nấm kẽ chân
- Thường xuyên làm việc trong môi trường nóng ẩm
- Tăng tiết mồ hôi tay chân liên quan đế rối loạn thần kinh giao cảm

Yếu tố nguy cơ
Các yếu tố nguy cơ sau đây có thể thúc đẩy, làm tăng khả năng khởi phát và khiến bệnh tiến triển theo chiều hướng xấu.
- Do nhiễm trùng tụ cầu vàng
- Yếu tố trong không khí, bao gồm lông động vật, mạt bụi nhà, khói thuốc lá, đất bùn,…
- Các tác nhân tại chỗ như đổ mồ hôi nhiều, chất tẩy rửa, chất liệu của quần áo và giàu dép,…
- Thức ăn gây dị ứng: Thủy – hải sản, đồ ăn lên men, đậu nành, đậu phộng, tinh bột,…
Điều trị bệnh tổ đỉa ở bàn tay, ngón tay
Nguyên tắc chữa tổ đỉa ở tay là giảm thiểu tình trạng ngứa và làm lành da như bình thường. Để điều trị dứt điểm tổ đỉa ở bàn tay và ngón tay, ngoài việc hạn chế tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh, người bệnh nên dùng thuốc trị tổ đỉa theo đúng hướng dẫn của bác sĩ.
Điều trị tại chỗ
Điều trị tại chỗ dựa trên tình trạng gồm:
- Dung dịch thuốc tím: Người bệnh tổ đỉa ở tay có thể điều trị tại chỗ bằng cách sử dụng dung dịch thuốc tím pha loãng 1/10.000 có màu hồng để ngâm tay
- Thuốc chấm BSI 1 – 3%: Trong trường hợp bệnh chỉ có mụn nước đơn thuần, bệnh nhân có thể dùng thuốc chấm BSI 1 – 3% để cải thiện triệu chứng.
- Thuốc chống nhiễm khuẩn: Nếu tổ đỉa ở tay bị nhiễm khuẩn có mủ hay bóng nước to, người bệnh nên chích vỡ rồi dùng thuốc chống nhiễm khuẩn như eosine hay milian bôi lên. Mục đích là để sát trùng và giảm thiểu tình trạng viêm nhiễm. Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể điều trị bệnh bằng chiếu tia tử ngoại tại chỗ.

HỮU ÍCH: 6 Cách Chữa Bệnh Tổ Đỉa Bằng Dân Gian Tại Nhà Hiệu Quả
Điều trị toàn thân
- Thuốc chống nấm: Trong trường hợp nhiễm nấm, dùng thuốc chống nấm dưới dạng uống để kiểm soát triệu chứng bệnh tổ đỉa ở tay. Ketoconazole và clotrimazol là những loại thường dùng.
- Kháng sinh: Nhóm thuốc kháng sinh sẽ được sử dụng trong trường hợp nhiễm khuẩn.
- Thuốc chống dị ứng: Nếu có cơ địa dị ứng, người bệnh nên dùng phối trộn thêm một vài loại thuốc chống dị ứng khác như nhóm thuốc corticoid. Hoặc các loại thuốc kháng histamin như cetirizine, chlopheniramine và loratadine,…
Các nhóm thuốc nêu trên đều có khả năng gây tác dụng phụ, vì vậy, bệnh nhân chỉ nên sử dụng khi có sự tư vấn từ bác sĩ chuyên khoa.
Một số lưu ý khi điều trị tổ đỉa ở tay
Trong quá trình chữa bệnh tổ đỉa ở tay, bệnh nhân cũng nên lưu ý những điểm sau đây để tránh tình trạng bệnh tái phát.

- Hạn chế tiếp xúc với hóa chất: Tránh tiếp xúc với xăng dầu, xà phòng, thuốc tẩy rửa hay hóa chất. Nên mang bao tay khi giặt đồ, rửa chén hoặc tiếp xúc với các hóa chất công nghiệp khác. Nên lựa chọn những loại dầu gội, sữa tắm ít độ tẩy rửa, để làm dịu và đẩy lùi triệu chứng bệnh tổ đỉa ở tay.
- Tránh xa thức ăn gây dị ứng: Hạn chế ăn đồ tanh, thủy hải sản vì có thể gây ngứa và nổi mụn nước trên tay. Đồng thời, nên loại bỏ những đồ ăn, thức uống chứa chất kích thích ra khỏi khẩu phần ăn hàng ngày.
- Bổ sung dinh dưỡng: Tốt nhất nên bổ sung thực phẩm có nguồn vitamin C, PP và B6.
- Chú ý đến thời tiết: Bị nổi mụn nước ở tay có thể là do cơ địa dị ứng với thời tiết. Do đó, khi bị dị ứng với gió lạnh, người bệnh nên sử dụng găng tay giữ ấm để hạn chế tình trạng bàn tay tiếp xúc với tác nhân gây bệnh.
- Không bóc vảy, chọc lễ mụn hoặc gãi ngứa: Điều này giúp tránh trường hợp bội nhiễm. Tốt nhất, nên cắt ngắn móng tay, vệ sinh tay chân thường xuyên. Đặc biệt, luôn giữ lòng bàn tay khô ráo.
Bệnh tổ đỉa ở tay, ngón tay rất khó chữa trị dứt điểm. Nguyên nhân là do bàn tay và các ngón tay phải hoạt động thường xuyên và rất khó kiêng cữ. Chính vì vậy, để cải thiện triệu chứng bệnh, người bệnh cần kiên trì và tuân thủ đúng hướng dẫn từ bác sĩ chuyên khoa.
ĐỪNG BỎ LỠ
- Bị Bệnh Tổ Đỉa Nên Kiêng Ăn Gì Và Làm Gì?
- Ghẻ Nước Và Tổ Đỉa: Cách Nhận Biết, Phân Biệt, Điều Trị
