Bệnh Phong
Bệnh phong là bệnh lý nhiễm trùng do trực khuẩn Mycobacterium leprae gây ra. Bệnh đặc trưng với các tổn thương trên da, mắt và dây thần kinh. Tiên lượng bệnh thường tốt nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời bằng phương pháp đa hóa trị liệu. Nếu chủ quan không điều trị sẽ gây ra nhiều di chứng, tàn tật vĩnh viễn.
Tổng quan
Phong (Leprosy) còn được gọi là bệnh Hansen. Đây là bệnh lý nhiễm khuẩn do trực khuẩn hình que Mycobacterium leprae gây ra. Chúng gây tổn thương đến da, mắt, niêm mạc và hệ thống dây thần kinh. Bệnh nhân bị phong đặc trưng bởi các vết loét dị dạng trên da, kèm theo tổn thương thần kinh.
Bệnh phong có thời gian ủ bệnh khá lâu, trung bình khoảng 5 năm và triệu chứng có thể xuất hiện trong vòng 1 - 20 năm sau đó hoặc lâu hơn. Căn bệnh này phát triển rất chậm và rất khó lây lan từ người sang người, gây khó khăn trong việc chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa.
Bệnh nhân bị phong cần được cách ly và điều trị theo quy định. Hiện nay, điều trị bệnh phong không còn quá khó khăn, có thể chữa khỏi hoàn toàn bằng phương pháp đa hóa trị liệu, giảm nguy cơ tử vong. Bất kỳ độ tuổi nào cũng có thể mắc bệnh phong, nhưng phổ biến nhất là trẻ em từ 5 - 15 tuổi hoặc người trưởng thành > 30 tuổi.
Phân loại
Bệnh phong được chia làm 3 dạng chính gồm:
- Bệnh phong hủi (phong cùi - Lepromatous leprosy): Bệnh phong hủi còn được gọi là bệnh phong đa trực khuẩn. Bệnh đặc trưng với các tổn thương vết loét biến dạng, dễ lan rộng, kèm theo tổn thương da, niêm mạc các cơ quan, dây thần kinh... Thể bệnh này dễ lây lan, nhất là những người có khả năng đáp ứng miễn dịch kém.
- Bệnh phong lao (Tuberculoid leprosy): Thể bệnh này còn được gọi là bệnh phong Paucibacillary. Các triệu chứng bệnh phong tương đối nhẹ và ít, rải rác vài vết loét nhờ cơ chế phản ứng miễn dịch chống lại trực khuẩn phong tự nhiên của cơ thể.
- Thể phong hỗn hợp (Borderline leprosy): Là thể bệnh kết hợp giữa phong hủi và phong lao, bao gồm tất cả các triệu chứng của 2 bệnh này. Còn được gọi là bệnh phong lưỡng hình.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Mycobacterium leprae là tác nhân chính gây bệnh phong. Đây là loại trực khuẩn hình que, chiều dài khoảng 1 - 8micromet, đường kính khoảng 0.3micromet, đặc tính kháng toan, kháng cồn. Tuy nhiên, theo thống kê có đến 95% trường hợp nhiễm vi khuẩn này không thể khởi phát thành bệnh phong nhờ hàng rào miễn dịch khỏe mạnh chống nhiễm trùng.
Vi khuẩn phong xâm nhập vào cơ thể thông qua niêm mạc mũi, họng, da. Chúng trú ngụ tại đây khá lâu và phải mất ít nhất 3 - 5 năm mới gây ra triệu chứng. Các chuyên gia cho biết, bệnh phong không có khả năng lây lan mạnh, tuy nhiên vẫn có thể lây nhiễm cho người khác thông qua truyền giọt bắn chứa vi khuẩn trong không khí khi người bệnh ho hoặc hắt hơi.
Nếu chỉ bắt tay, ôm, ngồi cạnh hoặc quan hệ tình dục sẽ rất khó lây truyền vi khuẩn phong. Đây cũng là một trong những lý do vì sao tỷ lệ mắc bệnh phong rất thấp, chỉ khoảng 5% trên tổng số những trường hợp nhiễm vi khuẩn.
Ngoài ra, một số yếu tố rủi ro như đối tượng suy dinh dưỡng hoặc điều kiện sống kém, không đảm bảo vệ sinh, sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm thường có nguy cơ mắc bệnh phong cao hơn.
Triệu chứng và chẩn đoán
Triệu chứng
Sau khoảng thời gian dài ủ bệnh, vi khuẩn phát triển và khởi phát thành bệnh phong. Các triệu chứng đặc trưng của bệnh gồm:
- Xuất hiện các mảng da ửng đỏ, mất sắc tố;
- Mất cảm giác tại vùng da bị phong;
- Không đau, yếu cơ, đau khớp và có cảm giác tê ngứa;
- Da dày, cứng;
- Nghẹt mũi, chảy máu cam;
- Tổn thương dây thần kinh ngoại vi;
- Rụng lông mày, lông mi, tóc;
- Sụt cân nhanh chóng;
- Loét lòng bàn chân;
Chẩn đoán
Chẩn đoán bệnh phong trước tiên thông qua đánh giá các triệu chứng và biểu hiện lâm sàng, tiền sử bệnh cá nhân và khai thác các yếu tố nguy cơ có liên quan. Khi nghi ngờ bệnh phong, tiến hành lấy mẫu mô ở vùng da bị tổn thương để làm sinh thiết, quan sát dưới kính hiển vi để tìm kiếm sự hiện diện của vi khuẩn phong.
Một số trường hợp khác có thể thực hiện nghiệm pháp phết tế bào da. Thủ thuật này được thực hiện bằng cách cắt một mẩu da nhỏ kèm theo chất dịch lỏng của mô và quan sát dưới kính hiển vi. Cách này cũng giúp phát hiện có sự tồn tại của trực khuẩn Mycobacterium leprae.
Ngoài ra, chẩn đoán bệnh phong cần phân biệt với các bệnh lý khác có triệu chứng gần giống dễ gây nhầm lẫn như:
- Thể phong u tổn thương dễ nhầm lẫn với dị ứng thuốc;
- Thể phong củ dễ nhầm với bệnh nấm hắc lào;
Biến chứng và tiên lượng
Bệnh phong không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như:
- Mất thị lực;
- Bại liệt;
- Biến dạng mũi;
- Co rút ngón tay, ngón chân gây tổn thương biến dạng vĩnh viễn;
- Các vết loét khó phục hồi ở lòng bàn chân, dễ nhiễm trùng và ảnh hưởng thẩm mỹ;
- Teo tinh hoàn, giảm chất lượng tinh trùng gây vô sinh nam;
Bệnh nhân bị phong thường đối mặt với những ám ảnh, lo sợ và tư ti về bản thân. Nhất là khi thường xuyên gặp phải những thách thức về tinh thần khi bị phân biệt đối xử, kỳ thị, cô lập với những người xung quanh. Tình trạng này làm tăng nguy cơ trầm cảm hoặc rối loạn tâm thần đáng lo ngại.
Nếu như ngày xưa bệnh phong được xem là căn bệnh nguy hiểm, không thể chữa khỏi, hiện tại bệnh đã có thể được chữa khỏi hoàn toàn nhờ sự tiến bộ của y học hiện. Tiên lượng bệnh phong khá tốt vì đây không phải bệnh gây nguy hiểm đến tính mạng. Điều trị sớm, đúng cách sẽ khỏi bệnh sau 1 - 2 năm, nếu không điều trị sẽ để lại những di chứng, tàn tật vĩnh viễn không thể phục hồi.
Điều trị
Đa hóa trị liệu (Multidrug Therapy - MDT) là phương pháp tiêu chuẩn được Bộ Y tế khuyến cáo áp dụng trong điều trị bệnh phong. Bệnh sử dụng các loại thuốc chính gồm Clofazimin, Rifampicin và Dapsone. Tùy theo kết quả chẩn đoán lượng vi khuẩn nhiều hoặc ít, đối tượng bệnh nhân là trẻ em hay người lớn mà bác sĩ sẽ chỉ định áp dụng phác đồ điều trị phù hợp.
Cụ thể một số phác đồ trị bệnh phong như sau:
Phác đồ thuốc trị bệnh phong cho người lớn
Thể bệnh phong ít vi khuẩn (Paucibacillary - PB): Thời gian điều trị 6 tháng gồm các loại thuốc sau:
- Rifampicin liều 600mg, uống 1 tháng 1 lần;
- Dapsone liều 100mg/ngày, uống hàng ngày;
Thể bệnh phong nhiều vi khuẩn (Multibacillary - MB): Thời gian điều trị kéo dài 12 tháng với liệu trình như sau:
- Rifampicin 600mg, uống 1 tháng 1 lần;
- Clofazimin 300mg, uống 1 tháng 1 lần;
- Clofazimin 50mg, uống hàng ngày;
- Dapsone 100mg, uống hàng ngày;
Phác đồ thuốc điều trị bệnh phong cho trẻ em
Thể bệnh phong ít vi khuẩn (Paucibacillary - PB): Thời gian điều trị kéo dài 6 tháng.
- Rifampicin: Trẻ < 10 tuổi dùng liều 300mg và trẻ từ 10 - 14 tuổi dùng liều 450mg, 1 tháng uống 1 lần;
- Dapsone: Trẻ < 10 tuổi dùng liều 25mg và từ 10 - 14 tuổi dùng liếu 50mg, 1 tháng uống 1 lần;
- Dùng Dapsone duy trì mỗi ngày dao động từ 25 - 50mg tùy theo độ tuổi như trên;
Thể bệnh phong nhiều vi khuẩn (Multibacillary - MB): Điều trị trong vòng 12 tháng. Liều dùng tương tự như thể ít vi khuẩn.
Phác đồ dùng thuốc kháng sinh có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh phong hiệu quả. Tuy nhiên, một số trường hợp cũng cần kết hợp sử dụng thêm một số loại thuốc khác nhằm hỗ trợ cải thiện các triệu chứng tổn thương thần kinh như:
- Thuốc Steroid giúp giảm đau thần kinh;
- Thuốc chống viêm cải thiện triệu chứng viêm, hỗ trợ giảm đau;
Phòng ngừa
Cho đến nay, bệnh phong vẫn chưa có vắc xin phòng ngừa. Do đó, khuyến cáo mỗi người nên tự ý thức trong việc chăm sóc sức khỏe, phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh, nhất là những người có nguy cơ mắc bệnh cao.
- Giữ vệ sinh thân thể sạch sẽ, tắm gội, rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn thường xuyên.
- Đảm bảo vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, vệ sinh an toàn thực phẩm.
- Có lối sống sinh hoạt khoa học, lành mạnh và đúng giờ giấc, tránh stress, ngủ đủ giấc giúp tăng cường sức đề kháng tự nhiên chống lại vi khuẩn gây bệnh phong.
- Chế độ ăn uống đủ chất, tăng cường bổ sung nhóm thực phẩm giàu các loại dưỡng chất tốt giúp nâng cao hệ miễn dịch chống lại các tác nhân gây nhiễm trùng.
- Hạn chế hoặc tránh tiếp xúc quá gần với bệnh nhân bị phong để giảm thiểu nguy cơ hít phải các giọt bắn chứa vi khuẩn trong không khí.
- Thăm khám sức khỏe định kỳ để kiểm tra tổng quát, tầm soát nguy cơ mắc bệnh, nhất là với những người thường xuyên tiếp xúc với người mắc bệnh phong.
- Tuyên truyền rộng rãi các kiến thức về bệnh phong trong toàn dân để bệnh nhân phong có cuộc sống bình thường, không bị kỳ thị hay phân biệt đối xử.
Những câu hỏi quan trọng khi đi khám
1. Nguyên nhân tại sao tôi mắc bệnh phong?
2. Mắc bệnh phong có chết không?
3. Tôi cần thực hiện những xét nghiệm nào để chẩn đoán bệnh phong?
4. Tôi mắc thể bệnh phong nào? Có nghiêm trọng không?
5. Tiên lượng điều trị phong đối với trường hợp bệnh của tôi?
6. Điều trị bệnh phong bằng phương pháp nào tốt nhất?
7. Dùng thuốc kháng sinh điều trị phong trong thời gian dài có gây tác dụng phụ không?
8. Bệnh phong có lây không? Tôi có cần cách ly để tránh lây nhiễm cho những người xung quanh không?
9. Quá trình điều trị bệnh phong bao lâu thì khỏi hoàn toàn?
10. Bệnh phong có tái phát sau điều trị không?
Ngày nay, bệnh phong không còn là mối lo ngại quá lớn của cộng đồng. Tuy chưa có vắc xin phòng ngừa nhưng đã có thuốc đặc trị giúp tiêu diệt vi khuẩn gây phong. Khuyến cáo bệnh nhân nên tuân thủ các chỉ định điều trị của bác sĩ chuyên khoa và kết hợp chăm sóc sức khỏe tích cực, nâng cao miễn dịch để sớm khỏi bệnh, phục hồi trạng thái sức khỏe ổn định và sự linh hoạt trong sinh hoạt hàng ngày.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
- Bệnh phong ngứa: Nguyên nhân và cách điều trị
- TOP 8 bác sĩ da liễu giỏi ở Hà Nội, khám chữa bệnh chính xác
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!