Bệnh Giời Leo
Giời leo là tình trạng phát ban ngoài da kèm theo nổi mụn nước li ti do virus Varicella-zoster gây ra. Đây là bệnh lý da liễu phổ biến ở mọi lứa tuổi, nhưng chủ yếu xảy ra ở những người có hệ miễn dịch yếu kém, tác dụng phụ của thuốc, chấn thương hoặc khởi phát sau bệnh thủy đậu. Bệnh giời leo có tiên lượng tốt nhưng vẫn cần được điều trị tích cực ngay từ sớm để dự phòng những biến chứng khó lường.
Tổng quan
Giời leo hay bệnh zona thần kinh (Shingles) là bệnh lý nhiễm trùng do tác nhân virus thần kinh Varicella zoster (VZV) gây ra. Loại virus này thuộc nhóm Herpes và cũng là tác nhân gây bệnh thủy đậu. Chúng xâm nhập vào cơ thể và trú ngụ trong các dây thần kinh cảm giác trong trạng thái ngủ. Sau đó, sinh sôi phát triển và gây bệnh giời leo khi gặp điều kiện thuận lợi.
Bệnh lý này đặc trưng với những mảng da phát ban, mụn rộp tập trung thành từng đám, từng dải, gây đau nhức do virus di chuyển dọc theo dây thần kinh cảm giác. Căn bệnh này rất phổ biến, có thể xảy ra ở mọi đối tượng, nhưng phổ biến nhất là ở những người có hệ miễn dịch yếu kém, đang gặp chấn thương, stress, căng thẳng, đang điều trị bệnh bằng tia xạ hoặc ảnh hưởng từ các bệnh lý mạn tính gây suy giảm miễn dịch khác...
Bệnh giời leo được đánh giá khá lành tính với đặc tính riêng biệt, là bệnh ngoài da nhưng lại được khởi phát từ các tổn thương gốc ở dây thần kinh. Các triệu chứng bệnh thường chỉ xảy ra ở một bên cơ thể, cụ thể ở một số vị trí nhất định như đầu, quanh trán, mắt, vai, cổ, cánh tay...
Bệnh zona thần kinh có tính chất dai dẳng, dễ tái phát và cứ lặp đi lặp lại thường xuyên. Nếu không có biện pháp điều trị kịp thời và chuẩn xác, bệnh có thể gây ra nhiều hệ lụy xấu cho sức khỏe thể chất và tính thẩm mỹ của làn da, cùng nhiều tai biến khác ở mắt, não, xuất huyết giảm tiểu cầu...
Phân loại
Các triệu chứng zona thần kinh có thể khởi phát ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể. Một số thể bệnh zona phổ biến gồm:
- Zona ở mặt: Là thể zona phổ biến, các mảng phát ban và mụn rộp herpes thường xuất hiện ở hai má, vùng da trán và 2 má. Nguyên nhân là do da mặt khá mỏng và nhạy cảm, dễ bị tổn thương nên nếu gặp điều kiện thuận lợi sẽ rất dễ nhiễm virus zona và để lại di chứng lâu dài nếu không điều trị kịp thời.
- Zona ở miệng: Các nốt zona chứa dịch mủ nổi bên trong miệng, họng và xung quanh miệng. Ban đầu chúng chỉ có kích thước nhỏ khoảng 1 - 4mm, theo thời gian ngày càng tăng dần kích thước, vỡ ra, tạo thành vết loét và khiến bệnh nhân đau nhức trong ăn uống, nói chuyện...
- Zona ở mắt: Rất hiếm trường hợp bị giời leo ở má (chỉ khoảng 10 - 25%). Mắt là cơ quan rất nhạy cảm nên nếu vị tấn công bởi virus. Nếu không điều trị kịp thời, thể zona ở mắt có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như giời giảm thị lực, giảm thị lực, viiêm màng bồ, viêm kết mạc, gây biến chứng mù lòa vĩnh viễn.
- Zona ở tai: Còn được gọi là hội chứng Ramsay Hunt. Đặc trưng với các tổn thương zona xuất hiện ở tai gây loét tai, đau tai, liệt mặt, nổi hạch ở phía trước và sau tai, chán ăn. Nếu không điều trị kịp thời có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm vĩnh viễn.
- Các thể zona khác: Ngoài mặt, mắt, môi, tai, bệnh zona cũng có thể xuất hiện ở nhiều vị trí khác trên cơ thể như ngực, lưng, eo, cổ,...
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Virus Varicella zoster là tác nhân chính gây bệnh giời leo. Ở những người đã từng mắc bệnh thủy đậu và đã khỏi, virus này sẽ tồn tại trong các dây thần kinh giao cảm với trạng thái bất hoạt. Nhưng khi gặp các điều kiện thuận lợi như suy giảm miễn dịch, suy nhược cơ thể, tinh thần bất ổn, chấn thương..., virus sẽ tái hoạt động, tăng sinh nhanh chóng và khởi phát bệnh zona thần kinh.
Theo các chuyên gia, loại virus này có tốc độ nhân lên và lan đi nhanh chóng dọc theo các dây thần kinh, sau đó khởi phát tổn thương tại vùng da tương ứng kết nối với dây thần kinh mà virus tồn tại.
Yếu tố nguy cơ
Ngoài nguyên nhân chính trên, còn nhiều yếu tố rủi ro làm tăng nguy cơ khởi phát bệnh giời leo như:
- Đã từng thủy đậu: Những người đã từng mắc bệnh thủy đậu trước 18 tuổi thường có nguy cơ khởi phát zona cao hơn những người chưa mắc bệnh.
- Tuổi tác: Bệnh lý này thường xảy ra ở người lớn tuổi (> 50 tuổi) và tuổi càng cao nguy cơ mắc bệnh càng lớn. Theo thống kê, có hoảng 85% trường hợp bệnh nhân > 85 tuổi mắc bệnh zona, trong số đó có 5% trường hợp tái phát.
- Tác dụng phụ của thuốc: Sử dụng quá liều hoặc lạm dụng các loại thuốc điều trị bệnh lâu dài nhằm ngăn chặn thải ghép (điển hình như steroid prednisone) vô tình làm tăng nguy cơ gây bệnh zona.
- Ảnh hưởng từ các bệnh gây suy giảm miễn dịch: Bệnh nhân mắc bệnh HIV/AIDS, ung thư (ung thư vú, ung thư phổi, ung thư dạ dày, ung thư gan)... khiến hệ miễn dịch yếu kém, dễ mắc bệnh zona hơn những người có sức đề kháng mạnh. Ngoài ra, khi sử dụng tia xạ hoặc truyền hóa chất để điều trị ung thư cũng là yếu tố kích hoạt virus herpes hoạt động trở lại.
- Tiền sử phẫu thuật cấy ghép tạng: Những người đã từng thực hiện ca phẫu thuật cấy ghép nội tạng cũng có nguy cơ cao bị giời leo.
Triệu chứng và chẩn đoán
Triệu chứng
Các triệu chứng giời leo thường khởi phát ngay sau khi virus tái hoạt động trở lại. Đặc trưng với các biểu hiện cụ thể sau:
- Cảm giác ngứa rát, đau nhói như bị kim châm tại một hoặc nhiều vùng da trên cơ thể;
- Sau vài ngày bắt đầu xuất hiện các mảng da phát ban và mụn rộp xuất hiện rải rác hoặc dày đặc trên da;
- Các đốm mụn nước này ngày càng lan rộng sang nhiều vị trí khác theo đường di chuyển của các dây thần kinh;
- Mụn nước căng tròn, đỏ gây đau rát da, dịch nước đục, có lẫn mủ;
- Khi mụn nước vỡ ra sẽ để lại một lớp vảy sừng dày và rụng đi sau vài tuần;
- Sau khi các tổn thương đã khỏi hẳn, cơn đau trên da vẫn có thể xảy ra, hay còn được gọi là chứng đau sau zona ;
- Kèm theo một số triệu chứng toàn thân như yếu cơ, đau đầu, mệt mỏi, đau răng, đau miệng, sốt, rối loạn tiêu hóa... tùy theo vị trí khởi phát zona;
Chẩn đoán
Ngay khi phát hiện những triệu chứng bất thường vừa kể trên, bạn cần chủ động đến bệnh viện để thăm khám để được chẩn đoán, tư vấn các trị và chăm sóc tích cực, ngăn chặn bệnh lây lan, không để lại sẹo.
Chẩn đoán bệnh giời leo được thực hiện thông qua đánh giá các triệu chứng đặc trưng như: da xuất hiện vết phát ban đỏ, vệt dài ngoằn ngoèo, nổi mụn nước ti ti, ngứa ngáy và đau rát... Sau đó, bác sĩ bóc các lớp vảy bên trên của mụn nước, dùng dụng cụ chuyên biệt cạo lấy lớp mô ở dưới đáy để mang đi xét nghiệm, phân tích.
Ngoài ra, một số ít trường hợp cũng sẽ được chỉ định thực hiện chụp cộng hưởng từ MRI và xét nghiệm máu để loại trừ, chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý khác. Trường hợp chưa có đủ cơ sở dữ liệu để đưa ra kết luận chuẩn đoán, bác sĩ sẽ lấy mẫu dịch từ mụn nước để là xét nghiệm tìm kiếm virus Varicella zoster.
Biến chứng và tiên lượng
Giời leo là bệnh lý truyền nhiễm do virus Varicella zoster gây ra. Bệnh có khả năng lây truyền từ người sang người, bùng phát trong cộng đồng thông qua tiếp xúc trực tiếp với các đốm mụn nước trên cơ thể người bệnh. Điều đáng mừng đó loại virus này thuộc nhóm Herpes nhưng lại không gây ra mụn rộp sinh dục.
Đa số các trường hợp nổi mụn rộp zona đều không quá nghiêm trọng. Sau đợt bùng phát ồ ạt, các triệu chứng ngoài da sẽ dần được cải thiện và khỏi hẳn sau khoảng 2 - 3 tuần với điều kiện bệnh nhân phải tích cực vệ sinh da, chăm sóc sức khỏe kỹ lưỡng theo chỉ định của bác sĩ.
Tuy nhiên, cũng có không ít trường hợp mắc bệnh giời leo nhưng không được điều trị tích cực, cộng với những yếu tố nguy cơ nghiêm trọng như stress, hệ miễn dịch kém khiến bệnh ngày càng tiến triển nặng hơn. Hậu quả là gây ra các biến chứng như:
- Virus zona phá hủy các tế bào thần kinh tủy sống gây rối loạn các dây thần kinh cảm giác, làm rối loạn chức năng dẫn truyền tín hiệu từ ngoài da;
- Mụn nước zona mọc bên trong mắt có thể gây suy giảm thị lực, thậm chí mù lòa vĩnh viễn;
- Trường hợp mụn nước zona mọc trong tai có thể làm tổn thương dây thần kinh số VII, gây tê liệt, mờ mắt, rối loạn cảm giác, đau tai trong;
- Chứng đau dây thần kinh sau zona (Postherpetic neuralgia) thần kinh khiến người bệnh đau nhức dai dẳng trong nhiều tháng, nhiều năm dù tổn thương ngoài da đã lành. Thường xảy ra ở người lớn tuổi;
- Tăng nguy cơ mắc các bệnh da liễu nhiễm trùng nghiêm trọng khác nếu các đốm mụn nước không được chăm sóc và điều trị đúng cách;
- Một số biến chứng khác ít gặp hơn của bệnh giời leo như:
- Tổn thương hệ thống mạch máu, tăng nguy cơ đột quỵ;
- Các biểu hiện ngoài da nghiêm trọng gây phát tán mạnh virus vào hệ tuần hoàn và gây tổn thương nặng một số cơ quan nội tạng khác như phổi, gan, não... gây tử vong;
Điều trị
Điều trị bệnh giời leo không quá phức tạp và đa phần khi mắc bệnh đều có thể tự điều trị tại nhà bằng các biện pháp y tế tích cực như: dùng thuốc, vệ sinh da, chăm sóc sức khỏe, nâng cao thể trạng.
Điều trị bằng thuốc
Hầu hết các trường hợp bệnh giời leo mức độ nhẹ đều đáp ứng khá tốt với biện pháp điều trị bằng thuốc. Chủ yếu dùng kết hợp cả 2 loại thuốc bôi bên ngoài và thuốc uống bên trong để đạt hiệu quả điều trị cao tối đa.
Một số loại thuốc trị giời leo được sử dụng phổ biến như:
- Thuốc giảm đau: Loại thuốc giảm đau thường dùng nhất là Paracetamol dạng sủi, trường hợp đau nhiều có thể kết hợp sử dụng với Codein. Sau vài lần sử dụng thuốc, nếu không thuyên giảm hãy thông báo cho bác sĩ để chuyển sang sử dụng thuốc giảm đau thần kinh.
- Thuốc kháng virus: Điển hình là các loại như famciclovir, acyclovir, valacyclovir... Nhóm thuốc này có tác dụng ức chế và tiêu diệt virus Varicella Zoster gây bệnh giời leo. Tuy nhiên, do thuốc có tác dụng khá mạnh nên người bệnh cần hết sức thận trọng khi sử dụng để tránh gây tác dụng phụ ngoài ý muốn.
- Thuốc kháng viêm: Để tăng hiệu quả điều trị, cải thiện triệu chứng và giảm đau, bệnh nhân cũng có thể phối hợp sử dụng thuốc kháng viêm không steroid như Ibuprofen hoặc Naproxen. Thuốc có tác dụng chống viêm và hỗ trợ giảm đau.
- Thuốc xoa dịu kích ứng da: Là các chế phẩm dung dịch sát trùng da như hồ nước, xanh methylen, tím gentan, iốt hữu cơ hoặc miếng dán chứa thành phần làm dịu cảm giác ngứa ngáy đau rát trên da.
- Một số loại thuốc khác:
- Thuốc kháng histamin giảm ngứa;
- Thuốc tăng cường miễn dịch;
- Thuốc kháng sinh trong trường hợp có bội nhiễm;
- Thuốc chống co giật như pregabalin hoặc gabapentin nhằm giảm đau dây thần kinh zona;
Bệnh nhần cần lưu ý, trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc trị giời leo nào cũng phải có sự chỉ định của bác sĩ. Tuyệt đối không được tự ý dùng thuốc, thay đổi liều dùng hoặc mua thêm thuốc để sử dụng trong thời gian dài để tránh gây ra các tác dụng phụ có hại cho sức khỏe.
Chăm sóc tích cực
Các tổn thương mụn nước giời leo sẽ nhanh chóng thuyên giảm mà không để lại sẹo hay bất kỳ di chứng nào nếu bệnh nhân có một chế độ chăm sóc tích cực.
- Vệ sinh vùng da bị tổn thương zona thường xuyên bằng dung dịch sát khuẩn chuyên dụng và giữ cho làn da luôn khô thoáng;
- Trước khi bôi thuốc lên da phải rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn;
- Chườm mát vùng da xung quanh tổn thương giúp giảm xoa dịu cảm giác ngứa rát tạm thời;
- Tuyệt đối không được gãi mạnh vào vùng da tổn thương, nổi mụn nước để tránh gây vỡ mụn, giảm nguy cơ bội nhiễm;
- Không được bôi đắp các loại lá thảo dược hay các loại thuốc có tác dụng mạnh khi chưa có chỉ định của bác sĩ;
- Hạn chế ngâm vùng da bị tổn thương giời leo vào nước quá lâu hoặc trong bất kỳ loại dung dịch nào;
- Khi vết thương đóng vảy sẽ rất ngứa ngáy, người bệnh không được cào gãi mạnh vì rất dễ để lại sẹo thâm vĩnh viễn;
- Dành nhiều thời gian nghỉ ngơi, thư giãn trong quá trình chăm sóc điều trị bệnh. Ngủ đủ giấc, giữ tinh thần thoải mái, vận động nhẹ nhàng...
- Bệnh nhân giời leo nên kiêng các loại thực phẩm gây bất lợi cho quá trình điều trị bệnh, nhất là dễ tương tác với thuốc trị bệnh:
- Các loại ngũ cốc tinh chế như bánh mì trắng, gạo trắng, ngũ cốc gói dạng bột pha sẵn...;
- Thức ăn chiên xào nhiều dầu mỡ, cay nóng, chứa nhiều đường;
- Đồ uống có cồn, rượu bia...;
- Tăng cường bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất và cân bằng với các dưỡng chất khác như:
- Thực phẩm giàu kẽm (tôm, cá, cua, thịt bò, hạt lanh, hạt chia...) giúp tăng cường miễn dịch, chống lại các tác nhân gây bệnh, cụ thể là virus zona:
- Thực phẩm giàu vitamin C (ớt chuông, bông cải xanh, dâu tây, cam, ổi, kiwi...) tham gia quá trình sản xuất protein cần thiết cho hệ thống miễn dịch và tăng cường chống oxy hóa bảo vệ chức năng các tế bào miễn dịch;
- Thực phẩm giàu vitamin B (sữa, sữa chua, khoai tây, khoai lang, chuối, cá, sò, nghêu, ốc...) giúp tăng cường miễn dịch và thúc đẩy cơ chế tự chữa lành vết thương;
- Thực phẩm giàu lysine (cá, thịt gà, các loại đậu, sữa...) giúp ức chế sự phát triển và tăng sinh của virus Varicella zoster gây bệnh giời leo. Đồng thời, tăng cường đề kháng giúp khỏi bệnh nhanh hơn;
- Thực phẩm giàu protein (súp lơ, hạt óc chó, bơ, sữa, ngô,...) giúp tăng cường hệ miễn dịch, rút ngắn thời gian trị bệnh;
Liệu pháp miễn dịch
Hiện nay, điều trị bệnh zona thần kinh đã ứng dụng thêm một phương pháp mới đó là liệu pháp miễn dịch. Kỹ thuật này sử dụng các thiết bị chiếu tia sóng ngắn, laser, sóng âm, tia UVA, UVB... trực tiếp lên vùng da có tổn thương zona nhằm:
- Cải thiện các triệu chứng bệnh như ngứa ngáy, đau rát, sưng viêm, phù nề...;
- Loại bỏ các tế bào melanin hắc tố, kích thích cơ thể sản sinh nhiều collagen hơn giúp dự phòng biến chứng đau dây thần kinh sau zona và các vết sẹo lồi, sẹo thâm mất thẩm mỹ;
Tìm hiểu: Các loại thuốc bôi trị giời leo tốt nhất
Phòng ngừa
Bệnh giời leo được đánh giá là một trong những bệnh lý da liễu lành tính, không gây nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng. Tuy nhiên, bệnh vẫn gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe thể chất và nhiều khía cạnh trong đời sống người bệnh. Do đó, hãy chủ động thực hiện các biện pháp tích cực sau đây để phòng tránh bệnh:
- Tiêm phòng vắc xin ngừa bệnh thủy đậu (Varivax) và bệnh zona (Zostavax) nhằm giảm nguy cơ mắc bệnh hoặc giảm mức độ nghiêm trọng nếu vô tình mắc phải.
- Tránh tiếp xúc gần với người đang mắc bệnh zona, không sử dụng chung vật dụng cá nhân như quần áo, đồ lót, khăn tắm, chăn, grap, gối, nệm...;
- Với những người người thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao nên chủ động bảo vệ cơ thể khỏi những tác nhân gây bệnh giời leo như nhiễm độc, nhiễm khuẩn, thời tiết giao mùa...
- Tích cực điều trị các bệnh lý làm tăng nguy cơ khởi phát giời leo như các bệnh về máu, bệnh rối loạn chuyển hóa...
- Có lối sống khoa học như ăn uống lành mạnh, vận động điều độ, tích cực nâng cao thể trạng và sức đề kháng, nghỉ ngơi thư giãn, tránh stress, căng thẳng, ngủ đủ giấc...
Những câu hỏi quan trọng khi đi khám
1. Tôi bị phát ban trên da, nổi mụn nước ngứa ngáy và đau rát là dấu hiệu của bệnh gì?
2. Tôi cần thực hiện chẩn đoán nào để có thể xác định nguyên nhân gây bệnh?
3. Tại sao tôi bị bệnh giời leo (zona thần kình)?
4. Tiên lượng tình trạng bệnh của tôi có nghiêm trọng không?
5. Bệnh giời leo của tôi có thể tự khỏi không? Nếu tôi không điều trị có sao không?
6. Phương pháp điều trị bệnh giời leo tốt nhất đối với trường hợp của tôi?
7. Tôi nên dùng thuốc trị giời leo nào hiệu quả nhất?
8. Nếu dùng thuốc gây tá dụng phụ tôi cần làm gì để xử lý?
9. Điều trị bệnh giời leo nội trú hay ngoại trú?
10. Quá trình điều trị bệnh giời leo mất bao lâu thì khỏi hoàn toàn?
Giời leo là bệnh lý da liễu phổ biến và có tiên lượng không quá nguy hiểm nên người bệnh không cần phải quá lo lắng. Bệnh hoàn toàn có thể được điều trị khỏi hoàn toàn với các biện pháp hiệu quả được bác sĩ chỉ định và kết hợp với chế độ chăm sóc tích cực tại nhà. Đồng thời, nâng cao hiểu biết về bệnh zona thần kinh và thủy đậu để chủ động tiêm phòng vắc xin, giảm nguy cơ mắc bệnh.
Tham khảo thêm:
- Bệnh zona thần kinh và giời leo: Cách phân biệt, nhận biết
- Bệnh giời leo ở mắt - Nguy hiểm, chớ xem thường
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!