Bệnh bạch biến có di truyền không?
Bạch biến là căn bệnh không gây nguy hiểm đến tính mạng. Hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa xác định được nguyên nhân gây ra bệnh. Tuy nhiên, có rất nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, mã gen, di truyền chính là nguyên nhân gây bệnh.
Bệnh bạch biến có di truyền không?
Bệnh bạch biến (Vitiligo) là tình trạng các sắc tố trên da bị rối loạn, dẫn đến màu da không đồng đều.
Ở người, melanin còn có tên gọi khác là “hắc tố”, đóng vai trò quyết định màu sắc của da. Da người trên thế giới chuyển màu từ đậm sang nhạt như: da đen, da nâu, da vàng và da trắng. Theo các nhà khoa học, người da đen (Phi châu) là người có lượng sắc tố melanin trong da cao. Bên cạnh đó, người da trắng là người có lượng sắc tố melanin thấp.
Cơ chế sản sinh melanin là khi làn da tiếp xúc với ánh sáng, các tế bào sản sinh melanin sẽ liên tục tạo ra các hắc tố, khiến da đậm màu hơn. Ở người Phi châu, do vùng định cư của họ cận xích đạo, tiếp xúc với ánh sáng và sức nóng của mặt trời nhiều nên nước da của người Phi châu đen sẫm hơn người Âu châu.
Người bệnh bạch biến là người có những tế bào sản sinh melanin trên da bị chết, phá hủy hoặc ngừng hoạt động. Do đó, tại vùng da không có melanin, da sẽ bị mất màu, trở về trạng thái màu trắng bệch.
Triệu chứng của bệnh bạch biến là trên da xuất hiện những vùng da bị mất màu. Tuy nhiên, tại vùng da bị mất màu đó, người bệnh không hề có cảm giác ngứa, đau, không bị mất xúc giác,… Bệnh bạch biến thường xuất hiện ở cánh tay, mặt, ngực, bụng,… Bệnh không xuất hiện ở vùng lòng bàn tay, lòng bàn chân.
Các đám da bị mất màu này sẽ thay đổi kích thước, hình dạng. Chúng thường tăng mạnh vào mùa hè và giảm đi, thu nhỏ lại vào mùa đông.
Theo các nhà nghiên cứu, họ vẫn chưa xác định được chính xác nguyên nhân gây ra bệnh là gì.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu vẫn đưa ra giả thuyết rằng: Có khả năng rất cao, bệnh bạch biến gây ra là do yếu tố di truyền.
Nếu bạn có người thân ở thế hệ trước mắc bệnh bạch biến, bạn cũng có nguy cơ mắc bệnh do sẽ thừa hưởng phần nào gen di truyền. Trong trường hợp có người thân thế hệ trước mắc bệnh, bạn sẽ có khả năng phát bệnh bạch biến sẽ rất cao nếu bạn mắc thêm những chứng bệnh sau:
- Bệnh viêm khớp dạng thấp;
- Bệnh tiểu đường loại 1;
- Bệnh cường giáp;
- Bệnh hói đầu;
- Bệnh Lupus;
- Bệnh thiếu máu ác tính.
Chẩn đoán bệnh bạch biến
Nếu bạn nghi ngờ mình mắc bệnh bạch biến hoặc muốn kiểm tra khả năng phát bệnh, bạn có thể đến gặp bác sĩ để thực hiện xét nghiệm. Qua kết quả xét nghiệm, bác sĩ sẽ có chẩn đoán chính xác về tình trạng của bạn.
Bệnh bạch biến sẽ được chẩn đoán thông qua các xét nghiệm sau:
- Cách 1: Bác sĩ sẽ tiến hành lấy mẫu da để xét nghiệm. Khi được quan sát dưới kính hiển vi, bác sĩ sẽ thấy được tình trạng melanin trong da có ổn định không, các tế bào melanin trong da có còn hoạt động không, số lượng ra sao.
- Cách 2: Bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân thử máu để kiểm tra người bệnh có bị thiếu máu hay không, tuyến giáp có dấu hiệu hoạt động mạnh hay vẫn bình thường, có dấu hiệu của chứng tiểu đường hay không,…
Thông thường, chứng bạch biến sẽ khởi phát vào độ tuổi thanh thiếu niên. Nếu bệnh nhân đã bị mắc chứng bạch biến, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị thích hợp.
Một số phương pháp điều trị bệnh bạch biến
Bệnh bạch biến là bệnh mãn tính, không thể điều trị dứt điểm, không có thuốc. Y học chỉ có những phương pháp giúp cải thiện, khắc phục tình trạng bệnh.
Chúng tôi xin giới thiệu một số cách chữa trị, giúp cải thiện bệnh bạch biến:
1. Điều trị bằng thuốc
Người bệnh bạch biến có thể cải thiện được tình trạng bệnh bằng cách dùng thuốc uống hoặc thuốc bôi để điều trị tại chỗ.
Về thuốc uống, người dùng sẽ được bác sĩ chỉ định dùng các loại thuốc có chứa chất Psoralen. Chất này giúp cơ thể sản sinh hắc tố melanin, cải thiện tình trạng mất màu ở da. Một số tên biệt dược có chứa chất Psoralen là: thuốc Melagenin, thuốc Meladinin,…
Tuy nhiên, những loại thuốc này không thích hợp dùng cho trẻ nhỏ vì thuốc có thể gây ra một số tác dụng phụ như chán ăn, tăng men gan, vàng da,… Khi sử dụng các loại thuốc có chứa Psoralen, người dùng cần cẩn trọng và tuân theo những hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
Người bệnh bạch biến cũng có thể dùng thuốc bôi có chứa Steroid, Corticosteroid để điều trị bệnh.
2. Điều trị bằng sóng ánh sáng
Người bệnh bạch biến còn có thể điều trị các đám da bị mất màu bằng phương pháp PUVA. Phương pháp này kết hợp giữa bôi thuốc có chứa Psoralen với tia sáng UVA.
Liệu trình này diễn ra trong khoảng 30 – 50 lần điều trị thì sẽ đạt kết quả. Tuy nhiên, người bệnh có thể sẽ bị khô da, bỏng da trong quá trình điều trị. Có thể khắc phục tác dụng phụ của phương pháp này bằng cách sử dụng thêm một số loại thuốc uống, thuốc bôi kháng viêm, thuốc giảm đau,…
3. Điều trị ngoại khoa
Người bệnh bạch biến cũng có thể điều trị bằng phương pháp phẫu thuật. Tuy nhiên, phương pháp này khá tốn kém và vẫn chưa được phổ biến.
Cách điều trị như sau: Bác sĩ sẽ tách lấy những tế bào tạo sắc tố da của người bệnh để nuôi cấy. Sau khi các tế bào đã phát triển đạt chuẩn, bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật cấy ghép lên vùng da bị bạch biến, mất màu.
Người bệnh bạch biến nên làm gì?
Bạch biến không phải là căn bệnh nguy hiểm. Theo thống kê của Hội Bạch biến Hoa Kỳ, trên thế giới có khoảng 1 – 2% dân số bị mắc chứng bạch biến.
Người bệnh bạch biến có thể tự chăm sóc sức khỏe tại nhà, bảo vệ làn da đúng cách để bệnh không trở nên nặng thêm. Sau đây là một số điều người bệnh nên thực hiện:
- Bảo vệ làn da trước sự tác động của ánh sáng mặt trời;
- Tắm gội hàng ngày, giữ gìn làn da luôn sạch sẽ;
- Tránh làm tổn thương da;
- Uống nước đầy đủ mỗi ngày, giúp cơ thể giải độc, tế bào da được nuôi dưỡng;
- Có thể khắc phục tình trạng da không đều màu bằng cách dùng phấn mỹ phẩm để che;
- Thận trọng trong việc lựa chọn và dùng các loại mỹ phẩm, sữa tắm, xà phòng,…;
- Nếu có ý định phun xăm thẩm mỹ, người bệnh cần cân nhắc, chọn cơ sở thẩm mỹ có uy tín;
- Ăn uống đầy đủ chất, giúp cơ thể khỏe mạnh, sức đề kháng tốt;
- Hạn chế ăn các loại thức ăn chiên xào, nướng, cay nóng, trái cây chưa chín;
- Tránh dùng thuốc lá, cà phê, rượu, bia và các loại chất kích thích khác;
- Cần giữ tâm trạng thoải mái, lạc quan, tránh stress;
- Cân bằng giữa công việc và nghỉ ngơi.
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính tham khảo. Chúng tôi không đưa ra chẩn đoán, chỉ định phương pháp điều trị, lời khuyên,… thay cho bác sĩ chuyên khoa.
Có thể bạn quan tâm:
- Chữa bệnh bạch biến bằng củ riềng có khỏi không?
- Bệnh bạch biến có lây không, làm sao phòng ngừa?
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!