Bà Bầu Bị Viêm Nha Chu: Các Cách Chữa và Phòng Tránh
Viêm nha chu là một trong những bệnh lý về răng miệng thường gặp ở bà bầu. Bệnh do nhiều nguyên nhân gây ra, chủ yếu là do quá trình thai nghén nghiêm trọng cùng sự thay đổi nội tiết tố của cơ thể, thúc đẩy các phản ứng viêm gây bệnh răng miệng. Bà bầu bị viêm nha chu cần được điều trị đúng cách để tránh ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.
Nguyên nhân gây viêm nha chu ở bà bầu
Viêm nha chu được hiểu là tình trạng viêm nhiễm ở tổ chức quanh răng, làm ảnh ảnh đến mô mềm, nướu răng thậm chí có thể tác động đến xương ổ răng. Viêm nha chu là bệnh diễn biến thầm lặng, có thể xuất hiện ở mọi đối tượng. Đây là một trong những bệnh lý về răng miệng đặc biệt phổ biến ở bà bầu do một số nguyên nhân như:
- Thay đổi nội tiết tố
Trong quá trình mang thai, hàm lượng nội tiết tố estrogen và progesterone trong cơ thể tăng lên rõ rệt. Sự thay đổi các hormon và nội tiết tốt trong cơ thể làm ảnh hưởng đến hệ thần kinh, gây xáo trộn tâm lý của phụ nữ mang thai, khiến cơ thể dễ gặp phải các bệnh lý về tiêu hóa và răng miệng.
- Do quá trình thai nghén
Ốm nghén là tình trạng mà hầu hết các bà bầu đều gặp phải. Trong giai đoạn nôn nghén, mẹ hay có các triệu chứng như ợ hơi, ợ chua, buồn nôn, nôn khiến axit dạ dày lên miệng nhiều, làm men răng và các mô mềm trong răng bị ảnh hưởng, dẫn đến bệnh viêm nha chu và các bệnh lý về răng miệng khác.
- Do thói quen ăn uống
Thay đổi khẩu vị, thói quen ăn uống là tình trạng mà hầu như mẹ bầu nào cũng gặp phải. Chúng ta có thể ăn nhiều đồ chua hoặc đồ ngọt, cảm giác thèm hơn bình thường rất nhiều. Điều này làm chúng ta nạp một lượng lớn thức ăn quá chua hoặc quá nhiều đường vào cơ thể. Làm vi khuẩn trong miệng gia tăng, men răng và nướu dễ bị hư tổn.
- Do việc chăm sóc răng miệng chưa đúng cách
Khi mang thai, cơ thể mẹ rất dễ mệt mỏi, ngủ nhiều hơn đặc biệt là khi cơ thể nặng nề, mẹ thường ít chú ý đến việc chăm sóc sức khỏe cá nhân, đặc biệt là răng miệng. Trong khi đó, cơ chúng ta dành một lượng lớn canxi để nuôi dưỡng thai nhi. Hàng rào bảo vệ răng trở nên yếu ớt hơn rất nhiều nên dễ bị vi khuẩn xâm nhập gây các bệnh lý về răng miệng.
Ngoài ra, bà bầu bị viêm nha chu còn có thể xuất phát từ một số nguyên nhân như thiếu hụt các dưỡng chất cần thiết do chế độ ăn thiếu khoa học, hệ miễn dịch suy giảm, ảnh hưởng của bệnh tiểu đường thai kỳ…
Triệu chứng viêm nha chu ở bà bầu
Có thể thấy, viêm nha chu ở bà bầu có thể do nhiều nguyên nhân gây ra. Khi bà bầu bị viêm nha chu thường sẽ xuất hiện các triệu chứng phổ biến dưới đây:
- Có vôi răng, cao răng ở cổ răng
- Sưng nướu, lợi
- Hôi miệng
- Chảy máu ở nướu, lợi, nhất là khi nhai hoặc chải răng
- Khi đè vào nướu thấy lợi bị sưng, có thể có dịch mủ chảy ra
- Khi nhai cảm giác răng bị lung lay
- Răng thưa do bị di lệch
Viêm nha chu là bệnh tiến triển âm thầm, thường chia làm 4 giai đoạn. Ban đầu, răng sẽ hình thành nhiều vôi răng, cao răng tạo điều kiện cho vi khuẩn tích tụ gây bệnh. Tiếp đó, người bệnh sẽ mắc bệnh viêm lợi với các triệu chứng như lợi hay sưng phồng, chảy máu khi chải răng và khi nhai thức ăn. Bệnh viêm lợi không được điều trị sẽ gây viêm nha chu với các ổ vi khuẩn chứa mủ ở nướu. Viêm nha chu sẽ gây tụt lợi, phát hủy xương ổ răng, khiến răng bị lung lay và có thể gây mất răng.
Viêm nha chu ở bà bầu có nguy hiểm không?
Nhiều người thường cho rằng viêm nha chu ở bà bầu là bệnh thường gặp, có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Thế nhưng, bà bầu bị viêm nha chu nếu không điều trị đúng lúc, đúng cách có thể ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe và sự phát triển của thai nhi. Cụ thể:
1. Làm tăng nguy cơ tiền sản giật
Tiền sản giật là bệnh lý có thể gây nhiều nguy hiểm cho mẹ và thai nhi, có thể gây sinh non, thai chậm phát triển thậm chí là chết lưu trong tử cung. Tiền sản giật thường do các bệnh lý trong quá trình mai thai gây ra. Ngoài ra, có thể liên quan đến các yếu tố như thiếu máu cục bộ tử cung, thừa cân trong thai kỳ, thai phụ mắc chứng máu khó đông…
2. Gây sinh non, sinh nhẹ cân
Viêm nha chu cũng là một trong những yếu tố có thể gây ra tình trạng sinh non, sinh con nhẹ cân ở nhiều mẹ bầu. Ở phụ nữ mang thai, nội tiết tố progesterone gia tăng làm giảm sức đề kháng của cơ thể, tạo điều kiện cho các bệnh như viêm nha chu, viêm nướu phát triển.
Đã có rất nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng viêm nha chu là yếu tố nguy cơ độc lập, có thể gây ra tình trạng sinh non, sinh nhẹ cân. Đây cũng là lý do mà các bệnh viện cũng thường khuyến cáo thai phụ nên thường xuyên thăm khám răng để được điều trị nếu bị viêm nha chu.
3. Gây nguy cơ mất răng
Nhiều người thường chủ quan viêm nha chu là bệnh nhẹ, chỉ đến khi viêm nhiễm, răng lung lay mới điều trị. Thực tế, viêm nha chu là bệnh nguy hiểm, nếu không điều trị, có thể gây mất răng. Do bệnh gây ra tình trạng viêm nhiễm lan tỏa với các túi nha chu chứa nhiều vi khuẩn và mủ. Ở giai đoạn cuối của bệnh, khi xương ổ răng bị phá hủy sẽ gây tụt lợi, răng lung lay dẫn đến mất răng.
4. Nguy cơ mắc các bệnh lý khác
Viêm nha chu là bệnh tương đối nguy hiểm, là nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng mất răng thường gặp. Đây là bệnh một khi đã gây ra biến chứng thì không thể phục hồi lại như tình trạng ban đầu được. Không chỉ gây mất răng, viêm nha chu còn có thể là yếu tố thúc đẩy sự phát triển của một số bệnh lý như xơ vữa động mạch, tim mạch, đột quỵ…
Cách chữa viêm nha chu cho bà bầu
Đối với bà bầu bị viêm nha chu hoặc có các triệu chứng của bệnh viêm nha chu, lời khuyên tốt nhất cho bạn chính là hãy thăm khám bác sĩ chuyên khoa và các trung tâm nha khoa uy tín. Không nên chủ quan trước các bệnh lý về răng miệng vì nó không chỉ gây ra các vấn đề về sức khỏe cho mẹ mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Sau đây là hướng dẫn xử lý khi bị viêm nha chu mà mẹ có thể tham khảo:
1. Thăm khám nha sĩ, bác sĩ chuyên khoa
Theo khuyến cáo từ các bác sĩ chuyên khoa sản, bà bầu bị viêm nha chu và các bệnh lý về răng miệng cần phải thăm khám và điều trị để đảm bảo an toàn cho mẹ và bé. Thai phụ được khuyến khích nên thường xuyên thăm khám các nha khoa uy tín trong suốt thai kỳ. Để điều trị viêm nha chu cho phụ nữ mang thai, các bác sĩ thường sử dụng phương pháp điều trị an toàn, ngăn ngừa bệnh tiến triển là chính. Thường là:
- Đánh giá tình trạng nướu và xương hàm nhằm đưa ra chẩn đoán chính xác. Tiếp đó sẽ tiến hành cạo vôi răng, xử lý mặt gốc răng và hướng dẫn chăm sóc để loại bỏ độc tố vi khuẩn khỏi túi nướu.
- Nếu tình trạng nghiêm trọng, có thể chỉ định một số thuốc giảm đau, kháng viêm an toàn, có thể dùng được cho phụ nữ mang thai. Việc dùng thuốc phải tuyệt đối tuân theo chỉ định của bác sĩ, không được tự ý tăng giảm liều lượng để tránh ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.
Khi thăm khám, cũng cần chọn những cơ sở uy tín, chuyên môn cao, để tránh tình trạng gặp phải các bác sĩ, nha sĩ tay nghề kém, không có bằng cấp rõ ràng. Ngoài ra, bà bầu cũng có thể thăm khám tại các trung tâm Đông y, y học cổ truyền uy tín để được điều trị bằng phương pháp Đông y.
2. Áp dụng các biện pháp điều trị tại nhà
Các biện pháp điều trị tại nhà chỉ có tác dụng với trường hợp nhẹ, chỉ nên sử dụng như một phương pháp hỗ trợ. Bạn cần thăm khám bác sĩ và tham khảo ý kiến bác sĩ để biết có nên áp dụng hay không. Một số cách chữa viêm nha chu cho bà bầu có thể kể đến như:
- Súc miệng với nước muối: Lấy 1/2 thìa cà phê muối biển hòa tan với 200ml nước ấm, dùng hỗn hợp này súc miệng đều đặn mỗi ngày để thấy các triệu chứng của bệnh viêm nha chu được cải thiện.
- Dùng mật ong chữa viêm nha chu: Lấy 1/2 thìa cà phê mật ong nguyên chất, thoa trực tiếp vào vị trí bị viêm nha chu. Sau 15 phút thì súc lại miệng bằng nước ấm, kiên trì thực hiện 2 – 3 lần/ngày để thấy hiệu quả.
- Chữa viêm nha chu bằng chanh: Lấy 1 nửa quả chanh vắt lấy nước cho vào cốc chứa 200ml nước ấm, thêm một ít muối, khuấy đều cho tan. Dùng nước này ngậm súc miệng từ 3 – 5 phút, súc lại miệng với nước sạch. Kiên trì thực hiện 3 – 4 lần/tuần để thấy tình trạng viêm nha chu được cải thiện.
3. Thay đổi chế độ dinh dưỡng
Bà bầu bị viêm nha chu cần thay đổi chế độ dinh dưỡng, thói quen sinh hoạt cho phù hợp để hỗ trợ điều trị. Một trong những nguyên nhân hàng đầu gây viêm nha chu ở bà bầu là do thiếu hụt vi chất, ăn nhiều thực phẩm không tốt cho sức khỏe răng miệng. Do đó, khi bị viêm nha chu, bà bầu nên:
- Tăng cường bổ sung đầy đủ các nhóm dưỡng chất cần thiết cho cơ thể. Đặc biệt là các thực phẩm giàu vitamin C, tốt cho sức khỏe răng miệng như việt quất, nam việt quất, dâu tây, đu đủ, lựu, táo, cam quýt…
- Tăng cường bổ sung các thực phẩm giàu canxi, vì canxi là khoáng chất dễ thiếu hụt trong thai kỳ, thiếu canxi có thể khiến chúng ta dễ mắc các bệnh lý về răng miệng. Các thực phẩm giàu canxi có thể kể đến như sữa và chế phẩm từ sữa, đậu nành, tôm, rau dền, rau lá xanh (cải xoăn, rau bina, rau đay…), hạnh nhân, hạt chia, hạt dẻ…
- Tăng cường bổ sung các thực phẩm giàu vitamin D, vì vitamin D có vai trò quan trọng trong chuyển hóa canxi. Các thực phẩm giàu vitamin D có thể kể đến như cá, dầu gan cá, ngũ cốc, sò, trứng cá, nấm, chế phẩm từ đậu nành…
4. Thay đổi thói quen chăm sóc răng miệng
Thói quen chăm sóc, vệ sinh răng miệng cũng là vấn đề mà mẹ bầu không thể bỏ qua khi bị viêm nha chu và các bệnh lý về răng miệng. Như đã đề cập, trong quá trình mang thai, chúng ta dễ mắc các bệnh về răng miệng do thay đổi nội tiết tố và lơ là trong việc chăm sóc răng miệng. Mẹ cần thay đổi thói quen của mình để ngăn ngừa bệnh tiến triển và hỗ trợ điều trị căn bệnh này:
- Vệ sinh răng miệng cần thận, tốt nhất nên chải răng ít nhất 2 lần/ngày để làm sạch răng, ngăn ngừa sự tích tụ của thức ăn, mảng bám trên răng.
- Nên chọn các loại bàn chải mềm, chải nhẹ nhàng và thật cẩn thận các răng. Thay bàn chải 2 – 3 tháng một lần, kết hợp với chỉ nha khoa, chải lưỡi và nước súc miệng.
- Riêng về nước súc miệng, mẹ nên chọn các loại an toàn cho bà bầu hoặc có thể tự chế nước súc miệng với các nguyên liệu thiên nhiên an toàn để súc miệng tại nhà.
Biện pháp phòng ngừa viêm nha chu cho bà bầu
Để phòng ngừa viêm nha chu, bà bầu có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:
- Trong suốt thai kỳ, cần thường xuyên thăm khám nha khoa để theo dõi, kiểm soát tình trạng bệnh, ngăn ngừa bệnh tiến triển, đảm bảo an toàn cho sức khỏe của mẹ và sự phát triển của thai nhi.
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh, khoa học, tăng cường ăn nhiều rau xanh, chất xơ, hạn chế sử dụng quá nhiều đồ ngọt, thức ăn nhiều axit, quá cay hoặc quá mặn.
- Mẹ bầu nên ăn nhạt, không ăn thức ăn quá cứng, quá nóng hoặc quá lạnh để tránh gây tổn thương cho răng, nướu
- Vệ sinh răng miệng sạch sẽ, ít nhất 2 lần/ngày với các loại kem đánh răng phù hợp. nên kết hợp dùng chỉ nha khoa, súc miệng bằng nước súc miệng hoặc nước muối loãng để loại bỏ các mảng bám.
- Bà bầu cần uống nhiều nước, bổ sung đủ lượng nước cần thiết cho cơ thể, tổng lượng nước một ngày bao gồm nước uống, nước canh, nước ép tốt nhất nên từ 1,5 – 2 lít nước/ngày.
Tóm lại, viêm nha chu là tình trạng thường gặp, có thể xảy ra ở bà bầu do nhiều nguyên nhân. Bà bầu bị viêm nha chu tốt nhất nên thăm khám bác sĩ chuyên khoa hoặc trung tâm nha khoa uy tín, chuyên nghiệp để được chẩn đoán và có phương pháp điều trị an toàn, phù hợp.
Có thể bạn quan tâm
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!