Phẫu Thuật Nha Chu Là Gì? Nên Thực Hiện Khi Nào Là Tốt?
Phẫu thuật nha chu là giải pháp tốt nhất thường được áp dụng cho những trường hợp viêm nha chu nghiêm trọng. Đây là giải pháp loại bỏ túi nha chu viêm nhiễm nhằm kiểm soát các triệu chứng và tránh tình trạng mất răng. Cùng tìm hiểu kỹ hơn về phương pháp điều trị này trong bài viết dưới đây.
Bệnh nha chu là bệnh về các tổ chức xung quanh răng với tình trạng nhiễm trùng nướu, gồm viêm lợi và viêm nha chu phá hủy. Theo thời gian, nướu răng không còn bám chặt vào chân răng, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập và phát triển, hình thành các túi nha chu, phá hủy mô mềm và xương răng. Nếu không được can thiệp điều trị kịp thời sẽ khiến răng lung lay, người bệnh phải đối mặt với nguy cơ mất răng vĩnh viễn và nhiều biến chứng nguy hiểm khác.
Khái niệm phẫu thuật nha chu
Phẫu thuật nha chu là thuật ngữ chung để chỉ các loại phẫu thuật can thiệp lên các mô quanh răng. Phương pháp phẫu thuật này được chia làm 2 nhóm chính, tùy theo mục đích thực hiện là loại bỏ và tái tạo. Tuy nhiên, nhìn chung mục đích của phẫu thuật nha chu chính là:
- Giúp làm sạch túi nha chu, loại bỏ viêm nhiễm;
- Thúc đẩy quá trình tái tạo tự nhiên các mô mềm, xương bị tổn thương;
- Ngăn ngừa nguy cơ mất răng;
- Giảm thiểu khoảng trống nướu ở giữa các răng (hay còn được gọi là các tam giác đen);
- Phục hình các xương hàm, giúp giảm nguy cơ phát sinh vi khuẩn trong các kẽ xương;
Những trường hợp nên thực hiện phẫu thuật nha chu
Theo các chuyên gia hàng đầu chuyên khoa răng hàm mặt, phẫu thuật nha chu là điều cần thiết, nên thực hiện càng sớm càng tốt. Nhất là trong những trường hợp viêm nhiễm ngày càng nặng và có nguy cơ phát sinh biến chứng.
Phẫu thuật nha chu có thể áp dụng cho hầu hết các bệnh về nướu như viêm nha chu, viêm lợi. Trong đó:
- Viêm lợi là một trong những dạng nhẹ của các bệnh về nướu, thường xảy ra do người bệnh vệ sinh răng miệng kém, khiến các mảng bám và cao răng tích tụ dày đặc trên răng. Trường hợp nhẹ này có thể được điều trị bằng phương pháp cạo vôi răng thông thường để loại bỏ mảng bám cứng, vôi răng nhiễm khuẩn xung quanh chân răng, dưới nướu…
- Viêm nha chu được xem là tình trạng nặng trong các bệnh lý về nướu. Sự tàn phá của các ổ viêm nhiễm có thể tàn phá các mô, xương, thậm chí nướu tách hoàn toàn khỏi răng, tạo ra các khoảng trống (túi nha chu). Vi khuẩn càng có cơ hội phát triển làm hỏng răng, tiêu xương hoàn toàn. Với những trường hợp nặng cần tiến hành can thiệp phẫu thuật để ngăn chặn tình trạng răng lung lay do tụt nướu. Một số trường hợp cấy ghếp implant, phẫu thuật ghép nướu kết hợp ghép xương sẽ đem lại hàm răng thẩm mỹ không khác gì răng thật.
Các phương pháp phẫu thuật nha chu phổ biến hiện nay
Tùy thuộc vào nguyên nhân gây viêm nha chu và mức độ của bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định áp dụng phương pháp phẫu thuật phù hợp. Dưới đây là 3 phương pháp phẫu thuật nha chu được áp dụng phổ biến trong nha khoa:
1. Phẫu thuật lật vạt
Phẫu thuật lật vạt thường được chỉ định trong những trường hợp cao răng, mảng bám cứng được hình thành sâu bên trong túi nha chu. Đây là một trong những trường hợp viêm nha chu nặng với các triệu chứng như nướu sưng đỏ, chảy mủ, răng lung lay… Lúc này, nếu chỉ uống thuốc hoặc cạo vôi răng thôi sẽ chưa đủ để dứt điểm bệnh tận gốc. Thay vào đó, người bệnh sẽ được chỉ định thực hiện phẫu thuật lật vạt.
Có thể hiểu đơn giản phương pháp này là lật vạt nướu lên, nạo sạch các ổ nhiễm trùng, làm sạch vôi sâu dưới nướu. Nhờ đó loại bỏ hết các ổ vi khuẩn có hại, giúp mô nha chu dần phục hồi và lành lại. Sau khi thực hiện xong, bác sĩ sẽ khâu phần lợi khít và ôm sát vào răng.
2. Phẫu thuật ghép xương
Phẫu thuật này thường được áp dụng khi các xương ở xung quanh chân răng bị nhiễm trùng nặng, tổn thương hư hại. Đối với phần xương bị hỏng, tự tiêu đi sẽ được thay thế bằng xương mới, tùy từng trường hợp mà sử dụng xương tự nhiên hoặc xương nhân tạo. Sau khi được thực hiện phẫu thuật ghép xương, vùng xương hàm bị hư hại sẽ phục hồi và phát triển trở lại, khỏe mạnh và duy trì chức năng ăn nhai.
3. Phẫu thuật ghép mô mềm
Những trường hợp viêm nha chu bị tụt lợi, đường viền nướu thụt sâu xuống để lộ chiều dài răng quá nhiều sẽ được chỉ định thực hiện phẫu thuật ghép mô mềm để giảm thiểu tổn thương. Để thực hiện, bác sĩ sẽ lấy mô từ một phần nào đó trên cơ thể (thường là lấy từ vòm miệng) và đặt vào vị trí nướu bị tụt. Phương pháp phẫu thuật nha chu này còn giúp điều chỉnh hài hòa đường viền của nướu răng và giảm thiểu sự ê buốt khi ăn uống đồ nóng/ lạnh.
4. Phẫu thuật làm dài thân răng
Trường hợp bạn có chiều dài thân răng ngắn hoặc có phần mô nướu che phủ quá nhiều sẽ được chỉ định thực hiện phẫu thuật nha chu với kỹ thuật kéo dài thân răng.
Quy trình thực hiện phẫu thuật nha chu cơ bản chuẩn nha khoa
Quy trình thực hiện phẫu thuật nha chu thường diễn ra với các bước sau:
Bước 1: Thăm khám và tư vấn
Đây là bước quan trọng để bác sĩ tiến hành thăm khám, chẩn đoán và tư vấn cho bệnh nhân tình trạng răng miệng hiện tại. Thông thường, quá trình nãy sẽ trải qua các bước gồm:
- Thăm khám lâm sàng thông qua các triệu chứng viêm nha chu như sưng nướu, chảy máu, màu sắc, cấu trúc và vị trí nướu, kiểm tra túi nha chu, vôi răng, mảng bám, răng có lung lay hay không…
- Thăm khám cận lâm sàng bằng một số thiết bị hiện đại như máy chụp X quang, CT Scanner, Panorex…, xét nghiệm sinh hóa, cấy tìm vi khuẩn…
Bước 2: Lên phác đồ điều trị
Như đã nói, tùy theo nguyên nhân và mức độ viêm nha chu mà bác sĩ sẽ tư vấn cho bệnh nhân hướng điều trị phù hợp. Đối với những trường hợp nhiễm trùng nặng, nướu tổn thương nghiêm trọng và có nguy cơ cao mất răng sẽ được chỉ định phẫu thuật nha chu càng sớm càng tốt.
Bước 3: Tiến hành phẫu thuật nha chu
Tùy theo tình trạng tổn thương nha chu ra sao mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp phẫu thuật nha chu loại bỏ túi nha chu, tái tạo mô, ghép mô mềm hay làm dài thân răng. Và trước khi tiến hành phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được gây tê hoặc gây mê để không có cảm giác đau trong suốt quá trình điều trị.
Bước 4: Kết thúc điều trị
Kết thúc phẫu thuật, bác sĩ sẽ hoàn tất bước cuối cùng là làm sạch khoang miệng và hướng dẫn bệnh nhân cách chăm sóc cũng như những lưu ý quan trọng khi về nhà.
Các vấn đề cần biết về phẫu thuật nha chu
Bên cạnh các phẫu thuật nha chu phổ biến và quy trình thực hiện, các vấn đề dưới đây cũng được nhiều người quan tâm, thắc mắc:
1. Phẫu thuật nha chu có đau không?
Phẫu thuật nha chu can thiệp trực tiếp đến cấu trúc bên trong răng, có thể tác động đến các dây thần kinh nên sẽ gây ra cảm giác đau đớn trong quá trình thực hiện. Tuy nhiên, người bệnh không nên quá lo lắng vì đối với hầu hết các trường hợp phẫu thuật nha chu đều có sử dụng thuốc gây mê hoặc gây tê.
Mục đích của việc gây mê hay gây tê nhằm giảm bớt cảm giác khó chịu, đau nhức trong quá trình thực hiện. Điều này còn giúp tạo điều kiện cho bác sĩ thực hiện các thao tác, kỹ thuật chính xác, nhanh chóng và dễ dàng. Nhờ đó đem lại kết quả phẫu thuật cao và tránh được các biến chứng, rủi ro ngoài ý muốn.
Tùy theo từng trường hợp mà bác sĩ sẽ chỉ định gây tê hoặc gây mê, cụ thể như sau:
- Đối với gây tê: Hầu hết các trường hợp bệnh nhân có sức khỏe tốt, không có các vấn đề về huyết áp, tim mạch khi tiến hành phẫu thuật nha chu đều sẽ được gây tê. Bác sĩ sẽ tiêm thuốc tê vào vị trí răng bị viêm nha chu, đợi vài phút cho thuốc ngấm phát huy tác dụng và sẽ tiến hành quá trình phẫu thuật như bình thường.
- Đối với gây mê: Thường được áp dụng cho các trường hợp bệnh nhân có tâm lý sợ hãi quá mức, có thể phản ứng tiêu cực trong lúc phẫu thuật, bệnh nhân có tiền sử dị ứng với thuốc tê, bệnh nhân mắc các bệnh mãn tính như tim mạch, huyết áp, tiểu đường, suyễn, suy thận… sẽ được chỉ định gây mê để tránh các biến chứng nguy hiểm.
2. Thời gian thực hiện phẫu thuật nha chu
Thời gian phẫu thuật nha chu thường khác nhau ở mỗi trường hợp tùy theo thuộc vào tình trạng viêm nha chu của bệnh nhân và tay nghề, kinh nghiệm của bác sĩ. Tuy nhiên, thông thường khoảng thời gian ước chừng cho một cuộc phẫu thuật nha chu sẽ kéo dài từ 10 – 30 phút.
3. Chi phí thực hiện phẫu thuật nha chu
Chi phí phẫu nha chu cũng là một trong những vấn đề được nhiều người bệnh quan tâm. Mức chi phí này không cố định mà dao động khác nhau ở từng trường hợp bệnh nhân, cơ sở thực hiện, phương pháp và tay nghề bác sĩ thực hiện cùng các yếu tố về cơ sở vật chất, máy móc, trang thiết bị… Có những trường hợp chỉ mất khoảng 500.000 – 700.000đ nhưng cũng có người tốn phải đến hàng chục triệu đồng cho quá trình điều trị phẫu thuật nha chu.
Mức giá tham khảo đối với từng phương pháp phẫu thuật nha chu như sau:
- Nạo túi nha chu, làm láng bề mặt chân răng dao động từ 400.000 – 600.000đ đối với răng cửa, 700.000 – 900.000đ đối với răng nanh, răng hàm/ răng cối nhỏ và 1.000.000 – 1.200.000đ đối với răng nanh, răng hàm/ răng cối lớn;
- Phẫu thuật cắt nướu, làm dài thân răng, tạo hình nướu khoảng 1.000.000đ/ răng.
Hướng dẫn cách phục hồi nhanh sau phẫu thuật nha chu
Phẫu thuật nha chu là phẫu thuật điều trị ngoại trú, tức là sau phẫu thuật người bệnh không nhất thiết phải nhập viện lâm sàng. Theo các chuyên gia nha khoa, vài giờ sau phẫu thuật nha chu là giai đoạn quan trọng với các điều kiện tốt nhất để giúp bệnh nhân phục hồi nhanh chóng.
Quá trình phục hồi sau phẫu thuật nha chu cần diễn ra đúng hướng, nhằm ngăn chặn các rủi ro, biến chứng dù thực hiện bất kỳ phương pháp phẫu thuật nào. Nếu thực hiện đúng, thời gian ngắn nhất để phục hồi hoàn toàn thường mất khoảng 7 – 15 ngày tùy theo phương pháp can thiệp.
Trong quá trình này, người bệnh cần tuân thủ thực hiện các biện pháp chăm sóc cần thiết để giảm nhẹ các triệu chứng liên quan và nguy cơ biến chứng có thể xảy ra. Một số các triệu chứng thường gặp nhất sau phẫu thuật nha chu như chảy máu, đau nhức khó chịu do hết thuốc tê, bầm tím vùng má, chóng mặt, sốt, đau đầu…
Và để hạn chế sự khó chịu này, bệnh nhân cần thực hiện các biện pháp chăm sóc tại nhà như sau:
1. Chườm lạnh khi cần thiết
Ngay sau khi kết thúc quá trình phẫu thuật, bác sĩ sẽ cho bệnh nhân cắn một miếng gạc ngâm tẩm với một loại chất chống tiêu hóa. Cách này giúp cầm máu và thúc đẩy quá trình đông máu diễn ra nhanh hơn. Người bệnh nên giữ gạc tại vị trí vừa phẫu thuật xong ít nhất trong 30 phút và chú ý khép miệng chặt.
Khi máu đã ngừng chảy, người bệnh sẽ cảm nhận dần cơn đau khi hết thuốc tê. Lúc này, hãy thực hiện chườm lạnh ngay tại khu vực vừa phẫu thuật để kiểm soát cơn đau, giảm sưng mặt và mức độ viêm. Cách làm rất đơn giản, hãy dùng một chiếc khăn ngâm nước đá lạnh hoặc bọc viên đá và chườm trực tiếp lên má. Thực hiện trong vòng 15 – 30 phút sẽ giúp cơn đau dần thuyên giảm.
2. Dùng thuốc theo chỉ định
Khi đã về nhà, người bệnh cần tuân thủ tuyệt đối chỉ định điều trị của bác sĩ nha khoa, nhất là trong việc dùng thuốc. Một vài loại thuốc được dùng trong giai đoạn hậu phẫu viêm nha chu chủ yếu gồm:
- Thuốc kháng sinh giúp ngăn ngừa tình trạng nhiễm trùng vết thương;
- Thuốc giảm đau;
- Thuốc chống viêm hỗ trợ kháng viêm, giảm đau và tạo điều kiện phục hồi nhanh hơn.
Việc dùng thuốc cần tuân thủ đúng liều lượng chỉ định, bệnh nhân tránh tự nhiên tăng giảm liều hay lạm dụng quá mức các loại thuốc trên để tránh gây ra tác dụng phụ, rủi ro cho sức khỏe.
3. Vệ sinh răng miệng đúng cách
Vệ sinh răng miệng là việc làm cần thiết đối với những người vừa thực hiện phẫu thuật nha chu, tuy nhiên cần phải đúng thời điểm và đúng cách. Vài giờ sau khi phẫu thuật tốt nhất không nên chạm vào vết thương, thay vào đó bạn có thể bắt đầu vệ sinh răng miệng vào ngày hôm sau để tránh tình trạng phát triển viêm nhiễm.
Bên cạnh đó, quá trình vệ sinh răng miệng cần chú ý các nguyên tắc sau:
- Chải răng hết sức nhẹ nhàng, chọn bàn chải nhỏ và có lông mềm mại. Tốt nhất bạn nên chọn mua loại bàn chải nha khoa chuyên dụng dùng cho người sau phẫu thuật. Khi chải cần hết sức cẩn thận ở khu vực vừa phẫu thuật để tránh làm ảnh hưởng đến mũi khâu.
- Kết hợp sử dụng nước súc miệng, gel bôi, thuốc xịt… theo chỉ định của bác sĩ. Trong đó, ưu tiên chọn dùng những sản phẩm có chứa thành phần chlorhexidine digluconate vừa giúp làm sạch, bảo vệ nướu răng, giữ ẩm và thúc đẩy quá trình phục hồi.
4. Chế độ ăn uống và sinh hoạt phù hợp
Chế độ dinh dưỡng sau phẫu thuật nha chu cũng là vấn đề quan trọng bạn cần chú ý. Theo các chuyên gia, nhu cầu dinh dưỡng sau khi phẫu thuật sẽ tăng lên, vì lúc này cơ thể cần nhiều dưỡng chất hơn để đưa đến khu vực điều trị, hỗ trợ quá trình chữa lành và phục hồi tại đây.
Việc ăn uống tốt nhất cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Trong vài ngày đầu sau phẫu thuật, bệnh nhân tránh ăn các loại thực phẩm quá nóng hoặc quá lạnh vì có thể gây kích thích và khiến vết phẫu thuật lâu lành hơn.
- Thời điểm này tốt nhất nên ăn thức ăn được chế biến mềm, lỏng, những món dễ ăn và không cần nhai quá nhiều như cháo, súp, canh hầm… Tuy nhiên vẫn phải đảm bảo chứa đầy đủ dinh dưởng để thúc đẩy quá trình phục hồi.
- Tránh những món nhiều dầu mỡ, nhiều gia vị, thức ăn nhanh, thực phẩm có mùi hôi… vì sẽ làm tăng các triệu chứng viêm nhiễm cũng như gây ra các vấn đề răng miệng khác.
- Tuyệt đối không sử dụng rượu bia, cà phê, thuốc lá và các chất kích thích khác.
Đồng thời, sau phẫu thuật nha chu, người bệnh nên dành nhiều thời gian nghỉ ngơi, dưỡng sức, ngủ đủ giấc, tránh căng thẳng, làm việc quá sức… Những yếu tố này sẽ giúp cơ thể tập trung tốt nhất cho việc phục hồi vết thương sau phẫu thuật, tạo điều kiện để chữa lành hiệu quả, nhanh chóng và an toàn tối đa.
5. Thăm khám định kỳ
Lưu ý cuối cùng giúp quá trình phục hồi sau phẫu thuật nha chu tốt nhất là tuân thủ lịch khám định kỳ theo yêu cầu của bác sĩ trong vòng 1 – 2 tuần/ lần. Việc này giúp bác sĩ theo dõi sát sao quá trình phục hồi, kiểm tra tiến độ lành của nướu, cắt tháo chỉ nếu cần thiết. Và đặc biệt là sớm phát hiện các vấn đề bất thường (nếu có) và có hướng xử lý kịp thời cho từng trường hợp cụ thể.
Phẫu thuật nha chu là kỹ thuật phức tạp, đòi hỏi sự cẩn thận, tỉ mỉ và tay nghề chuyên môn cao từ người thực hiện. Do đó, người bệnh nên chọn lựa những cơ sở nha khoa uy tín để thực hiện. Đồng thời, chú ý tuân thủ các biện pháp chăm sóc hậu phẫu để phục hồi nhanh chóng và phòng tránh các rủi ro nguy hiểm cho sức khỏe.
Có thể bạn quan tâm
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!