Bị viêm âm đạo khi mang thai và cách điều trị an toàn
Viêm âm đạo khi mang thai thường liên quan đến yếu tố căng thẳng, stress, thay đổi nội tiết tố, vấn đề vệ sinh vùng kín… Cần có biện pháp điều trị kịp thời và đúng đắn để hạn chế các ảnh hưởng của bệnh tới sức khỏe thai kỳ. Tốt nhất mẹ bầu nên chủ động tìm đến sự giúp đỡ của bác sĩ.
Viêm âm đạo khi mang thai – Nguyên nhân do đâu?
Viêm âm đạo đề cập đến tình trạng vùng âm đạo của nữ giới bị tổn thương do nhiễm trùng. Thường là do nhiễm vi khuẩn, nấm candida, trichomonas và một số yếu tố khác.
Đây là bệnh lý rất phổ biến ở nữ giới, bất kể chị em phụ nữ nào cũng có thể mắc bệnh ít nhất 1 lần trong đời. Trong đó, bệnh viêm âm đạo được cho là ảnh hưởng rất lớn tới đối tượng phụ nữ trong thời kỳ mang thai.
Mang thai là khoảng thời gian rất nhạy cảm, các mẹ bầu sẽ gặp phải nhiều sự thay đổi của cơ thể. Lúc này, các vấn đề sức khỏe bất thường cũng rất dễ xảy ra do thay đổi nội tiết tố, suy giảm miễn dịch.
Bệnh viêm âm đạo khi mang thai có thể xảy ra do một số nguyên nhân sau đây:
1. Thay đổi hormone
Thay đổi hormone là yếu tố mà tất cả các bà bầu đều gặp phải trong thai kỳ. Đặc biệt là sự gia tăng rất nhanh của hormone estrogen và progesterone. Đây được cho là nguyên nhân gây ra rất nhiều vấn đề bất thường của cơ thể.
Thực tế, sự thay đổi hàm lượng estrogen trong cơ thể sẽ làm thay đổi nồng độ pH trong môi trường âm đạo. Điều này sẽ tạo cơ hội cho các hại khuẩn và nấm men phát triển mạnh. Từ đó gây tổn thương và viêm nhiễm âm đạo.
Ngoài ra, rối loạn hormone khi mang thai còn gây ra nhiều triệu chứng bất thường khác. Các mẹ bầu sẽ thường xuyên bị mệt mỏi, lo âu, căng thẳng, da đen sạm, nhăn nheo…
Gợi ý: Viêm âm đạo do nấm: Dấu hiệu nhận biết và cách điều trị
2. Căng thẳng quá mức
Rất nhiều mẹ bầu có tâm lý lo lắng quá mức khi mang thai. Đặc biệt là ở lần đầu trong đời trải qua thời kỳ nhạy cảm này. Tình trạng căng thẳng kéo dài có có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm âm đạo.
Nguyên nhân được xác định là do khi bị căng thẳng quá mức, hệ miễn dịch sẽ bị suy giảm. Từ đó khiến cơ thể không còn khả năng chống lại sự tấn công của các tác nhân gây viêm nhiễm trong âm đạo.
3. Vệ sinh vùng kín kém
Thói quen vệ sinh vùng kín kém của nhiều mẹ bầu cũng được xác định là một trong những nguyên nhân làm tăng nguy cơ bị viêm âm đạo khi mang thai. Vùng kín ẩm ướt, bí bách và kém sạch sẽ sẽ tạo điều kiện cho hại khuẩn, nấm men và các tác nhân gây hại khác sinh sôi.
Ngoài ra, thói quen thụt rửa sâu bên trong khi vệ sinh hay sử dụng các loại dung dịch vệ sinh có chứa chất tẩy mạnh cũng là yếu tố nguy cơ. Bởi yếu tố này có thể làm mất độ cân bằng pH cũng như gây tổn thương âm đạo. Từ đó tạo điều kiện cho bào tử nấm và hại khuẩn phát triển mạnh.
4. Quan hệ tình dục không an toàn khi mang thai
Việc quan hệ tình dục trong thai kỳ không phải là điều cấm kỵ. Nó có thể giúp mẹ bầu giải tỏa căng thẳng để có được thai kỳ khỏe mạnh. Tuy nhiên, nếu thiếu cẩn trọng thì các vấn đề rủi ro sẽ rất dễ phát sinh.
Đặc biệt có nhiều cặp vợ chồng chủ quan và không dùng bao cao su khi vợ đang mang bầu. Điều này có thể tạo cơ hội cho tác nhân gây hại từ bên ngoài xâm nhập vào âm đạo. Đây cũng được cho là nguyên nhân khá phổ biến khiến cho nhiều mẹ bầu bị viêm âm đạo trong thai kỳ.
Dấu hiệu nhận biết viêm âm đạo khi mang thai
Bệnh viêm âm đạo khi mang thai có dấu hiệu tương tự như ở các trường hợp khác. Tuy nhiên các triệu chứng trong thai kỳ có thể nặng nề hơn do có nhiều yếu tố thuận lợi kích hoạt.
Bà bầu bị viêm âm đạo có thể gặp phải một số triệu chứng sau đây:
- Khí hư âm đạo ra nhiều hơn bình thường
- Khí hư có màu sắc bất thường kèm mùi tanh hôi khó chịu
- Ngứa ngáy, nóng rát ở vùng kín
- Có cảm giác nóng rát, khó chịu khi đi tiểu
- Đau tức ở vùng bụng dưới
- Có thể bị đau và ra máu khi quan hệ tình dục
Khi phát hiện ra các triệu chứng bất thường ở vùng kín, các mẹ bầu nên chủ động thăm khám bác sĩ. Viêm âm đạo và các bệnh phụ khoa khác nếu được can thiệp kịp thời sẽ có thể kiểm soát nhanh chóng. Từ đó hạn chế mức độ ảnh hưởng tới sức khỏe thai kỳ.
Tham khảo thêm: Các loại thuốc trị viêm âm đạo tốt nhất nên sử dụng
Viêm âm đạo khi mang thai có nguy hiểm không?
Như đã đề cập, mang thai là thời kỳ nhạy cảm. Chính vì vậy mà bất cứ vấn đề sức khỏe bất thường nào xảy ra cũng đều khiến mẹ bầu lo lắng. Viêm âm đạo khi mang thai có nguy hiểm không là thắc mắc thường được đề cập.
Theo nhận định từ các chuyên gia, mức độ nghiêm trọng của bệnh viêm âm đạo khi mang thai còn phụ thuộc vào tác nhân gây bệnh cùng mức độ bệnh. Cụ thể như sau:
– Trường hợp viêm âm đạo do nấm candida:
Bà bầu bị viêm âm đạo do nấm candida nếu không được điều trị dứt điểm sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nhiều trường hợp, thai nhi bị suy dinh dưỡng ngay khi còn trong bụng mẹ.
Đồng thời bệnh viêm âm đạo do nấm candida còn tiềm ẩn nguy cơ sinh non. Hơn nữa, trường hợp sinh thường thì nấm candida từ âm đạo của mẹ có thể dính vào niêm mạch miệng của bé gây đen miệng hoặc viêm da do nấm.
– Trường hợp viêm âm đạo do lậu cầu khuẩn:
Viêm âm đạo do lậu cầu khuẩn có thể làm tăng 8% nguy cơ sinh non ở bà bầu. Ngoài ra, đây còn là nguyên nhân gây vỡ ối, viêm màng ối. Trẻ sinh ra còn dễ bị nhẹ cân do bị suy dinh dưỡng bào thai.
Bên cạnh đó, lậu cầu khuẩn cũng rất dễ lây nhiễm cho bé khi mẹ sinh thường qua ngã âm đạo. Nếu vi khuẩn xâm nhập vào mắt có thể khiến trẻ bị viêm kết mạc. Đây là tình trạng nghiêm trọng có thể khiến thị lực của trẻ giảm. Thậm chí dẫn tới mù lòa.
– Trường hợp viêm âm đạo do nhóm vi khuẩn Bacterial Vaginosis:
Viêm âm đạo do vi khuẩn Bacterial Vaginosis là bệnh lý phổ biến ở phụ nữ mang thai. Bệnh lý này có liên quan tới nhiều biến chứng thai kỳ nguy hiểm.
Mẹ bầu rất dễ bị nhiễm trùng nước ối, vỡ màng ối. Đặc biệt là có nguy cơ sảy thai ngay cả khi thai nhi đã lớn. Hơn nữa, nguy cơ sinh non còn tăng lên gấp 2 lần so với những mẹ bầu không mắc bệnh. Em bé sinh ra cũng dễ bị nhẹ cân do bị suy dinh dưỡng từ trong bụng mẹ.
Cách điều trị viêm âm đạo khi mang thai an toàn
Bệnh viêm âm đạo khi mang thai có thể tiềm ẩn nhiều vấn đề nghiêm trọng với sức khỏe thai kỳ. Chính vì vậy mẹ bầu cần hết sức cẩn trọng. Sớm phát hiện và can thiệp điều trị đúng cách sẽ giúp kiểm soát bệnh nhanh chóng.
Dưới đây là một số cách điều trị viêm âm đạo an toàn cho bà bầu:
1. Áp dụng mẹo tự nhiên
Trong thai kỳ, việc sử dụng thuốc điều trị thường không được khuyến khích. Bởi thuốc Tây luôn tiềm ẩn những rủi ro ngoại ý cho cả mẹ và thai nhi. Chính vì vậy, khi bị viêm âm đạo nhẹ, mẹ bầu nên tìm đến các mẹo chữa tự nhiên trước khi điều trị y tế.
– Dùng nước muối chữa viêm âm đạo khi mang thai:
Nước muối có tác dụng sát trùng, kháng khuẩn và làm giảm ngứa ngáy nhẹ. Đặc biệt, đây là nguyên liệu rất an toàn với phụ nữ mang thai. Chính vì vậy có thể tận dụng để hỗ trợ điều trị bệnh viêm âm đạo ở bà bầu.
- Chuẩn bị khoảng 500ml nước đun sôi để nguội
- Thêm vào 1 thìa cà phê muối hạt rồi khuấy đều cho tan
- Dùng nước muối để vệ sinh nhẹ nhàng bên ngoài vùng kín
- Để khoảng 3 phút rồi rửa lại bằng nước sạch
– Ngâm rửa vùng kín bằng nước sắc lá chè xanh:
Lá chè xanh là thảo dược tự nhiên quen thuộc có thể tận dụng để chữa bệnh viêm âm đạo khi mang thai. Hàm lượng hợp chất chống oxy hóa EGCG trong thảo dược này rất dồi dào. Điều này giúp chống viêm, kháng khuẩn và giảm ngứa hiệu quả. Ngoài ra, lá chè còn chứa nhiều loại vitamin giúp làm dịu niêm mạc và cân bằng pH trong môi trường âm đạo. Từ đó hạn chế sự sinh sôi của nấm men, hại khuẩn và các tác nhân gây viêm nhiễm.
- Chuẩn bị 1 nắm lá chè xanh tươi ngâm nước muối 5 phút
- Rửa lại vài lần cho sạch, để ráo rồi vò nhẹ cho hơi nhàu
- Đun sôi 1.5 lít nước, thả lá chè vào đun thêm 3 phút
- Đổ nước sắc ra chậu, thêm nước lạnh vào pha ấm
- Sử dụng nước này để vệ sinh vùng kín khoảng 10 phút
– Xông hơi vùng kín bằng nước lá trầu không:
Lá trầu không là thảo dược tự nhiên lành tính chứa nhiều thành phần hoạt chất có dược tính cao. Điển hình như estragol, methyl eugenol, cineol và allylcatechol… Chúng có tác dụng sát trùng, kháng khuẩn, kháng nấm và chống viêm hiệu quả. Đặc biệt với cách xông hơi, các tinh chất từ lá trầu có thể di chuyển sâu vào trong âm đạo.
- Chuẩn bị 7 – 10 lá trầu không tươi đem ngâm nước muối loãng 10 phút
- Rửa lại vài lần cho sạch, để ráo rồi vò nhẹ
- Đun sôi 1 lít nước, thả lá trầu vào đun thêm 3 – 5 phút
- Đổ nước sắc ra chậu nhỏ rồi dùng xông hơi vùng kín trong vòng 10 – 15 phút
- Sau khi xông có thể dùng nước sắc lá trầu để vệ sinh cửa mình và hậu môn
**Lưu ý: Các mẹo tự nhiên chữa viêm âm đạo khi mang thai chỉ đáp ứng tốt trong trường hợp bệnh còn nhẹ. Mẹ bầu cần thực hiện đúng cách để nhận được kết quả điều trị tốt nhất. Tuyệt đối không lạm dụng hay dùng thay thế điều trị y tế trong các trường hợp cần thiết.
2. Dùng thuốc theo chỉ định bác sĩ
Trường hợp các mẹo tự nhiên tại nhà không đáp ứng hay triệu chứng viêm âm đạo biểu hiện nặng nề thì mẹ bầu nên chủ động thăm khám bác sĩ. Tùy thuộc vào từng nguyên nhân mà bác sĩ sẽ chỉ định giải pháp điều trị thích hợp.
Đa phần các trường hợp viêm âm đạo khi mang thai đều được chỉ định điều trị bằng thuốc. Tuy nhiên, bác sĩ cần cân nhắc kỹ lưỡng vấn đề lợi ích và rủi ro trước khi kê toa bất cứ loại thuốc nào.
Các thuốc được dùng phổ biến trong điều trị viêm âm đạo khi mang thai bao gồm:
- Neomycin
- Nystatin
- Polymyxin B
Đây là các loại thuốc đặt âm đạo an toàn. Các mẹ bầu có thể yên tâm sử dụng mà không cần quá lo lắng việc ảnh hưởng xấu đến thai nhi. Tuy nhiên cần dùng đúng liều lượng và tần suất theo chỉ định của bác sĩ để nhận được kết quả điều trị tốt. Đồng thời hạn chế các vấn đề rủi ro ngoại ý phát sinh.
Tham khảo thêm: 13Thuốc Đặt Viêm Âm Đạo Tốt Nhất: Liệu Dùng Và Cách Dùng
3. Chăm sóc và dự phòng
Viêm âm đạo là bệnh lý tương đối dễ điều trị. Tuy nhiên bệnh lý này có nguy cơ tái phát cao khi mang thai do có nhiều yếu tố tạo điều kiện thuận lợi. Do đó, song song với các biện pháp điều trị, mẹ bầu cần thực hiện tốt vấn đề chăm sóc và dự phòng bệnh.
Dưới đây là một số vấn đề cần thực hiện:
- Sử dụng các loại dung dịch vệ sinh dịu nhẹ để vệ sinh vùng kín đúng cách mỗi ngày. Nên thường xuyên thay đồ lót và giặt giũ sạch sẽ. Cần phơi ở những nơi thông thoáng, có ánh nắng chiếu trực tiếp.
- Ưu tiên mặc các loại quần lót và trang phục có kích cỡ phù hợp, chất liệu mỏng nhẹ, thấm hút mồ hôi tốt. Điều này sẽ giúp vùng kín luôn được sạch thoáng.
- Bổ sung đủ nước cho cơ thể (từ 2 – 2.5 lít/ngày). Điều này không chỉ giúp tăng cường hoạt động trao đổi chất mà còn duy trì độ ẩm tự nhiên trong môi trường âm đạo.
- Hạn chế hoạt động tình dục trong suốt thai kỳ. Nếu quan hệ tình dục, cần mang bao cao su và thực hiện các biện pháp bảo vệ.
- Mẹ bầu nên ăn uống và sinh hoạt điều độ nhằm tăng khả năng miễn dịch và nâng cao sức đề kháng. Tránh thức khuya, ngủ không đủ giấc, làm việc quá sức. Nên dành thêm thời gian cho việc nghỉ ngơi và thư giãn.
- Hạn chế tiêu thụ các thực phẩm ngọt khi đang mang thai. Bởi hàm lượng đường cao sẽ tạo cơ hội cho nấm men phát triển. Đồng thời còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ.
- Kiểm soát tốt căng thẳng, giữ cho tinh thần luôn được thoải mái. Có thể nghe nhạc, đọc sách, tập yoga cho bà bầu, ngồi thiền… để giảm bớt stress khi mang thai.
- Hoạt động thể chất đều đặn cũng là rất cần thiết với sức khỏe bà bầu. Tuy nhiên chỉ nên tập luyện các bài tập vận động nhẹ nhàng với thời gian phù hợp.
Mẹ bầu tuyệt đối không được chủ quan với bệnh viêm âm đạo khi mang thai. Tốt nhất nên chủ động thăm khám bác sĩ để được hướng dẫn điều trị đúng cách. Đồng thời kết hợp áp dụng các mẹo tự nhiên tại nhà và chăm sóc tốt để kiểm soát bệnh trong thời gian sớm nhất, đảm bảo thai kỳ khỏe mạnh.
Có thể bạn quan tâm:
- Cách chữa viêm âm đạo bằng lá trầu không tại nhà
- Ung thư cổ tử cung khi mang thai phải làm cách nào?
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!