Tiểu buốt ra máu là bệnh gì, có nguy hiểm không?
Tiểu buốt ra máu là triệu chứng đáng báo động, có thể cảnh báo các bệnh lý nghiêm trọng. Dễ gặp nhất là các bệnh liên quan đến thận và đường tiết niệu. Cần thăm khám và điều trị ngay để ngăn chặn các vấn đề nguy hiểm phát sinh.
Tiểu buốt ra máu là dấu hiệu cảnh báo bệnh gì?
Tiểu buốt là triệu chứng rất dễ gặp đi kèm với các biểu hiện đau, nóng rát và khó chịu khi đi tiểu. Tình trạng này sẽ trở nên đáng quan ngại hơn khi nước tiểu có lẫn máu.
Rất có thể, người bệnh đang sống chung với những rối loạn nghiêm trọng trong cơ thể. Tiểu buốt ra máu thường là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý sau đây:
1. Nhiễm trùng đường tiết niệu
Bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu khởi phát khi có sự xuất hiện của các vi khuẩn tại bất cứ cơ quan nào ở đường tiết niệu. Thận, niệu đạo, bàng quang, niệu quản là những cơ quan chính ở đường tiết niệu có chức năng sản xuất, lưu trữ cũng như đào thải nước tiểu. Trong đó, niệu đạo và bàng quang là dễ bị nhiễm trùng nhất.
Tiểu buốt ra máu là triệu chứng đặc trưng nhất của bệnh lý này. Ngoài ra, người bệnh có thể gặp phải các biểu hiện khác đi kèm. Điển hình như mắc tiểu liên tục, đau rát niệu đạo, đau bụng dưới…
Nếu nhiễm trùng ảnh hưởng đến thận, vấn đề sẽ trở nên nghiêm trọng hơn. Bạn thường dế bị đau thắt lưng, vùng chậu, sốt, ớn lạnh hay buồn nôn.
2. Tổn thương thận
Mặc dù là lý do ít phổ biến hơn nhưng nếu thận bị bệnh hoặc bị viêm cũng có thể khiến nước tiểu lẫn máu. Những tổn thương tại thận có thể tự xảy ra hoặc là hệ quả của những bệnh lý khác, dễ gặp nhất là bệnh tiểu đường.
Ngoài ra, nhiễm virus, viêm mạch máu hay các vấn đề về miễn dịch có thể ảnh hưởng đến các mao mạch nhỏ lọc máu ở thận. Từ đó kích hoạt bệnh viêm cầu thận, gây ra triệu chứng tiểu buốt ra máu, đi tiểu thường xuyên.
Ở đối tượng trẻ em từ 6 – 10 tuổi, rối loạn cầu thận cũng có thể gây ra hiện tượng nước tiểu lẫn máu. Rối loạn này thường phát triển trong vòng 1 – 2 tuần sau khi bị nhiễm liên cầu khuẩn mà không được điều trị.
3. Sỏi bàng quang hoặc sỏi thận
Một nguyên nhân khác khiến triệu chứng tiểu buốt ra máu xuất hiện chính là sự hiện diện của sỏi ở trong bàng quang hay trong thận. Đây là những tinh thể được hình thành do một lượng lớn khoáng chất đọng trong nước tiểu, nhất là canxi.
Khi sỏi phát triển lớn, các triệu chứng thường sẽ trở nên nặng nề hơn. Bởi lúc này, đường tiểu thường bị chèn ép, tắc nghẽn. Người bênh không chỉ tiểu ra máu mà còn cảm thấy đau buốt rất khó chịu.
Có thể bạn quan tâm: Sỏi Bàng Quang – Triệu chứng và Cách điều trị, Tán sỏi
4. Tuyến tiền liệt mở rộng
Tình trạng này còn được gọi là tăng sản tuyến tiền liệt lành tính. Tuyến tiền liệt mở rộng sẽ gây chèn ép nặng nề lên niệu đạo. Từ đó làm phát sinh nhiều triệu chứng bất thường khi đi tiểu. Điển hình như tiểu buốt, tiểu không hết hay nước tiểu có lẫn máu.
Tuyến tiền liệt mở rộng có thể do lão hóa, viêm nhiễm hay sự xuất hiện của các khối u xơ. Nó ảnh hưởng đến khoảng 50% nam giới trưởng thành ở độ tuổi 50 – 60 và tận gần 90% những người đàn ông trên 80 tuổi.
Trong trường hợp nghiêm trọng, người mắc bệnh tuyến tiền liệt mở rộng có thể sẽ không đi tiểu được. Đây là một tình trạng nguy hiểm cần nhận được cấp cứu y tế ngay lập tức.
5. Ung thư
Ung thư bàng quang, tuyến tiền liệt hay thận đều có thể khiến tình trạng tiểu buốt ra máu xuất hiện. Thông thường ở giai đoạn đầu của ung thư, nước tiểu có thể lẫn máu nhưng ít đi kèm các triệu chứng khác. Tình trạng nước tiểu lẫn máu đôi khi chỉ được phát hiện thông qua các xét nghiệm.
Tuy nhiên, trong trường hợp tế bào ung thư tiến triển, người bệnh rất dễ gặp nhiều triệu chứng đi kèm. Có thể là mắc tiểu liên tục, đau rát khi đi tiểu, mót tiểu ngay cả khi bàng quang không đầy. Ngoài ra, những triệu chứng toàn thân như mệt mỏi, đau xương, mất cảm giác ngon miệng hay giảm cân cũng sẽ xuất hiện.
6. Nguyên nhân khác
Ngoài những nguyên nhân về bệnh lý kể trên thì một số nguyên nhân khác cũng có thể là yếu tố tác nhân. Nhất là tác dụng phụ của một số loại thuốc điều trị cũng sẽ dẫn đến chứng tiểu ra máu. Tuy nhiên thường lại không kèm theo các chứng khó tiểu, tiểu dắt buốt.
Một số loại thuốc sau đây thường khiến người bệnh tiểu ra máu nếu dùng kéo dài:
- Thuốc chống đông máu
- Thuốc kháng viêm không steroid
- Cyclophosphamide
- Ifosfamide
- Senna
Bên cạnh đó, mặc dù không phổ biến nhưng một số yếu tố dưới đây cũng có thể liên quan:
- Thiếu máu hồng cầu hình liềm
- Bệnh máu khó đông
- Hội chứng Alport
- Tập thể dục quá sức
- Chấn thương ở vùng bụng dưới
Tiểu buốt ra máu có nguy hiểm không?
Nếu chỉ đơn thuần gặp phải chứng tiểu buốt thì có thể chỉ liên quan đến các vấn đề ăn uống hay sinh lý bình thường. Tuy nhiên nếu nước tiểu có lẫn máu đi kèm với chứng tiểu buốt, tiểu dắt thì bạn nên đặc biệt thận trọng. Bởi lúc này có nguy cơ cao là bạn đang sống chung với các bệnh lý nghiêm trọng.
Các bệnh đặc trưng bởi triệu chứng tiểu buốt ra máu đều rất nguy hiểm nếu không điều trị sớm. Chúng có thể phát sinh các biến chứng. Nhất là đối với các bệnh nhiễm trùng hay ung thư, tính mạng của người bệnh có thể bị đe dọa bất cứ lúc nào khi phát hiện muộn.
Chẩn đoán và điều trị chứng tiểu buốt ra máu
Khi bị tiểu buốt ra máu, tốt nhất bạn nên sớm đến các cơ sở y tế để thăm khám. Bác sĩ sẽ tiến hành chẩn đoán để đưa ra cách điều trị phù hợp.
1. Chẩn đoán
Triệu chứng tiểu buốt ra máu đa phần liên quan đến các bệnh về thận và đường tiết niệu. Dấu hiệu lâm sàng để nhận biết các bệnh này thường tương đối giống nhau nên rất dễ bị nhầm lẫn.
Chính vì thế mà bác sĩ sẽ phải cần nhờ đến sự giúp đỡ của các xét nghiệm y khoa chuyên sâu:
- Xét nghiệm nước tiểu: Giúp nhận diện chính xác xem nước tiểu có chứa hồng cầu hay không. Ngoài ra, kết quả phân tích nước tiểu còn giúp kiểm tra nhiễm trùng đường tiết niệu hay sự hiện diện của các khoáng chất gây sỏi thận.
- Xét nghiệm hình ảnh: Có thể là chụp cắt lớp, cộng hưởng từ hay siêu âm. Hình ảnh từ các xét nghiệm này sẽ cho phép bác sĩ quan sát rõ hơn thận, bàng quang hay niệu đạo. Từ đó có thể giúp hỗ trợ tìm ra nguyên nhân gây nên tình trạng tiểu buốt ra máu.
- Nội soi bàng quang: Bác sĩ sẽ sử dụng một ống y tế có gắn camera nhỏ để luồn vào bàng quang. Điều này sẽ giúp quan sát và kiểm tra xem bàng quang và niệu đạo xem có dấu hiệu của bệnh lý hay không.
2. Điều trị
Tùy thuộc vào nguyên nhân kích hoạt triệu chứng mà bác sĩ sẽ có cách điều trị thích hợp. Một số cách sau đây sẽ có thể đáp ứng trong các trường hợp nhất định.
- Sử dụng kháng sinh để loại bỏ nhiễm trùng đường tiết niệu
- Dùng thuốc theo toa để thu nhỏ tuyến tiền liệt
- Điều trị bằng sóng xung kích để phá vỡ sỏi bàng quang hay sỏi thận
Ngoài ra, để hỗ trợ điều trị các bệnh lý liên quan được tốt hơn, bạn cần chú ý đến việc chăm sóc tại nhà. Tập trung chủ yếu vào vấn đề điều chỉnh chế độ ăn uống cũng như sinh hoạt và làm việc.
- Bổ sung đủ lượng nước mà cơ thể cần mỗi ngày, thường là từ 2 – 2,5 lít.
- Ăn nhiều rau xanh, quả tươi để kích thích quá trình chuyển hóa trong cơ thể.
- Tránh rượu bia, chất kích thích, thuốc lá, thức uống có gas,…
- Ăn ngủ, làm việc điều độ, tránh thức khuya, làm việc quá sức, mệt mỏi, căng thẳng.
- Rèn luyện thân thể mỗi ngày, tránh tập luyện thể dục thể thao quá sức.
- Báo ngay có bác sĩ nếu gặp các tác dụng phụ của thuốc điều trị.
- Thăm khám thường xuyên để kiểm soát bệnh và dự phòng biến chứng phát sinh.
Nếu gặp tình trạng tiểu buốt ra máu, bạn chớ nên chủ quan. Hãy thăm khám ngay để bác sĩ xác định nguyên nhân và đưa ra cách điều trị phù hợp.
Bạn có thể xem thêm: Tiểu đêm nhiều là bị gì? Nguyên nhân và cách khắc phục
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!