Sỏi đường tiết niệu – nguyên nhân, triệu chứng & điều trị

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Nguyễn Thị Nhuần

Phó Giám đốc Chuyên môn

Sỏi đường tiết niệu là tình trạng xuất hiện các tinh thể kết tinh ở đường tiết niệu. Sỏi tiết niệu là bệnh lý tương đối phổ biến và có thể gây ảnh hưởng đến sinh hoạt, cuộc sống của người bệnh. Do đó, tìm hiểu một số thông tin về cách nhận biết và phòng ngừa để có biện pháp xử lý phù hợp nhất.

các phương pháp điều trị sỏi tiết niệu
Sỏi đường tiết niệu là bệnh lý phổ biến và cần được điều trị hợp lý

Sỏi đường tiết niệu là gì?

Hệ thống tiết niệu bao gồm hai thận, hai niệu quản, bàng quang, niệu đạo và tuyến tiền liệt. Các cơ này có liên quan mật thiết với nhau về chức năng và giải phẫu học. Sỏi tiết niệu là tình trạng xuất hiện các tinh thể kết tinh ở bất cứ cơ quan nào của hệ thống tiết niệu.

Những viên sỏi tiết niệu thường được hình thành từ muối, Axit Uric, Canxi, Photpho và khoáng chất khác có trong nước tiểu mà không thể bài tiết ra khỏi cơ thể. Khi bị kẹt lại, các tinh thể này sẽ gây ra các cơn đau dữ dội ở khu vực tiết niệu như thận, niệu quản, bàng quang. Trong một số trường hợp, các có thể chặn dòng nước tiểu gây đau ở thận và bí tiểu.

Các loại sỏi tiết niệu phổ biến

Có rất nhiều cách để phân biệt sỏi đường tiết niệu. Phụ thuộc vào vị trí và tính chất của sỏi mà sỏi tiết niệu được phân loại cụ thể như sau:

1. Phụ thuộc vào vị trí, đặc điểm của sỏi

Theo vị trí của sỏi:

  • Sỏi thận chiếm 40% các trường hợp
  • Sỏi niệu quản chiếm 28% các trường hợp
  • Sỏi bàng quang chiếm 26% các trường hợp
  • Sỏi niệu đạo chiếm khoảng 4% các trường hợp

Phụ thuộc vào kích thước sỏi:

Thay đổi phụ thuộc vào vị trí sỏi ở đường tiết niệu. Viên sỏi có thể có kích thước từ vài mm đến vài chục mm. Sỏi niệu quản thường có kích thước nhỏ hơn sỏi thận.

Phụ thuộc vào hình dạng sỏi:

  • Sỏi hình san hô
  • Sỏi hình mỏ vẹt
  • Sỏi niệu quản thường có hình thuôn

2. Phụ thuộc vào thành phần hóa học của sỏi

Sỏi thận được chia thành hai nhóm chính là sỏi vô cơ và sỏi hữu cơ.

Nhóm sỏi vô cơ bao gồm:

  • Sỏi Photphat Canxi thường rất dễ vỡ, màu vàng nhạt hoặc trắng bẩn.
  • Sỏi Cacbonat Canxi thường mềm, dễ vỡ, có màu trắng như phấn.
  • Sỏi Oxalat Canxi là loại sỏi thường gặp nhất, có màu đen, góc cạnh và cản quang rõ ràng.

Nhóm sỏi hữu cơ:

  • Sỏi Struvic có màu vàng trắng, thường được tạo thành bởi vi khuẩn niệu đạo.
  • Sỏi Urat có màu trắng như gạch cua thường hay tái phát và không thể cản quang mềm.
  • Sỏi Systin thường mềm, có màu vàng nhạt, bề mặt nhẵn và rất hay tái phát.
sỏi đường tiết niệu có nguy hiểm không
Sỏi tiết niệu được phân loại tùy vào vị trí và đặc điểm sỏi

3. Phân loại theo nguyên nhân hình thành sỏi

Có nhiều nguyên nhân hình thành sỏi tiết niệu. Tuy nhiên, có hai nguyên nhân phổ biến bao gồm:

  • Sỏi cơ thể: Hình thành do rối loạn chuyển hóa các chất trong cơ thể.
  • Sỏi cơ quan: Là dạng sỏi hình thành do dị dạng hoặc tổn thường ở hệ thống tiết niệu.

Nguyên nhân gây sỏi tiết niệu

Có nhiều nguyên nhân có thể gây sỏi ở đường tiết niệu. Sự hình thành sỏi thương có liên quan đến việc cơ thể không thể thải bỏ các muối khoáng như Canxi, Oxalat, Axit Uric ra khỏi cơ thể thông qua việc đi tiểu.

Về cơ bản, sỏi tiết niệu có hai nguyên nhân chính, bao gồm:

  • Sỏi cơ thể: Thường được hình thành do một số rối loạn trong hệ thống tiết niệu như viêm đường tiết niệu, nhiễm khuẩn tiết niệu, suy giảm lưu lượng nước tiểu, thay đổi nồng độ pH trong nước tiểu,…
  • Sỏi cơ quan: Đôi khi người bệnh có dị dạng về đường tiết niệu như dị tật bẩm sinh, di truyền, chấn thương, biến chứng sau khi phẫu thuật tiết niệu. Trong trường hợp này, các muối khoáng có thể được giữ lại hệ thống tiết niệu, kết tinh dần dần và tạo thành sỏi tiết niệu.

Ngoài ra, một số yếu tố khách quan khác có thể liên quan đến tình trạng sỏi tiết niệu bao gồm:

  • Thiếu chất ức chế hình thành thành sỏi như Citrate. Đây là chất ức chế liên kết Canxi, do đó thiếu Citrate làm tăng nguy cơ hình thành sỏi tiết niệu.
  • Thiếu chất lỏng trong cơ thể khiến các tinh thể có nhiều khả năng kết dính lại với nhau và hình thành sỏi.
  • Người thừa cân có nguy cơ sỏi tiết niệu cao hơn những người khác.
  • Bệnh nhân viêm ruột, bệnh gout có thể dẫn đến mất cân bằng các khoáng chất trong nước tiểu và dẫn đến sỏi tiết niệu.
  • Di truyền và mất cân bằng nội tiết tố, mắc dù điều này hiếm khi xảy ra.

Triệu chứng sỏi tiết niệu

Một số triệu chứng nhận biết sỏi tiết niệu theo từng loại sỏi bao gồm:

1. Sỏi thận và sỏi niệu quản

Một số triệu chứng phổ biến như:

  • Đau vùng thắt lưng và mạn sườn là triệu chứng phổ biến nhất, chiếm khoảng 90% các trường hợp.
  • Đau cấp tính, đau quặn ở bụng sau đó lan đến vùng thắt lưng, lan xuống bẹn, bộ phận sinh dục.
  • Đau mạn tính kéo dài dẫn đến cảm giác nặng nề, khó chịu, tức ở vùng thắt lưng (một hoặc cả hai bên), cơn đau có xu hướng nghiêm trọng hơn khi vận động.
  • Tiểu ra máu, đặc biệt là sau khi vận động, nước tiểu có màu hồng như màu nước ngâm rửa thịt, không có máu vón cục. Trường hợp nghiêm trọng người bệnh có thể tiểu ra hoàn toàn là máu.
bệnh sỏi đường tiết niệu
Tiểu rắt, tiểu đau, tiểu máu là các dấu hiệu sỏi tiết niệu phổ biến

Một số triệu chứng hiếm gặp khác có thể bao gồm:

  • Tiểu ra sỏi mắc dù hiếm gặp nhưng có thể xảy ra ở các trường hợp nghiêm trọng.
  • Tiểu ra mủ, nước tiểu có màu đục, thường phổ biến ở bệnh nhân thận ứ mủ.
  • Tiểu buốt, tiểu rắt khi người bệnh bị nhiễm khuẩn đường tiết niệu
  • Sốt cao, đau nhiều vùng ở thận, đôi khi có thể kèm theo ớn lạnh, rét run.
  • Nhức đầu, buồn nôn và nôn
  • Huyết áp tăng cao đột ngột.

2. Sỏi bàng quang

Triệu chứng cơ năng:

  • Tiểu ngắt quãng, tiểu thành nhiều đợt, đang tiểu thì dòng nước tiểu bị ngừng, tắc nghẽn gây đau. Khi thay đổi tư thế tiểu thì có thể tiểu được.
  • Tiểu rắt, tăng số lần đi tiểu trong ngày, đặc biệt là khi người bệnh vận động. Điều này được giải thích là do khi di chuyển soi lăn trong bàng quang kích thích đường tiểu, gây đi tiểu nhiều lần. Nếu nghỉ ngơi đầy đủ, có thể giảm bớt số lần đi tiểu.
  • Ở trẻ em xuất hiện hiện tượng bàn tay khai, có mùi nước tiểu.

Triệu chứng thực thể:

  • Khi thăm dò trực tràng, lúc bàng quang không có nước tiểu, có thể sờ thấy sỏi.
  • Khi khám bằng dụng cụ có thể chạm sỏi bằng que nong sắt (Bénique).

3. Sỏi niệu đạo

Các triệu chứng sỏi niệu đạo thường bao gồm:

  • Tiểu khó
  • Tiểu rắt
  • Tiểu buốt khi bắt đầu đi tiểu
  • Bệnh nhân bí tiểu cấp tính hoặc tiểu rỉ nước tiểu
  • Sờ dọc theo niệu đạo có thể sờ thấy sỏi

Bệnh sỏi đường tiết niệu có nguy hiểm không?

Sỏi tiết niệu là bệnh lý tương đối phổ biến và có diễn tiến nguy hiểm. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp lúc, người bệnh có thể gặp một số biến chứng như:

  • Nhiễm trùng đường tiết niệu
  • Viêm đài bể thận
  • Viêm thận kẽ
  • Giãn đài bể thận
  • Thận ứ nước, ứ mủ ở thận
  • Áp xe thận
  • Viêm hẹp cổ đài thận
  • Suy thận do sỏi ở hai bên thận gây tắc nghẽn
  • Gây phù nề, chảy máu tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển và lây lan sang các bộ phận khác
  • Gây bí tiểu cấp và mạn tính
bệnh sỏi tiết niệu
Sỏi tiết niệu cần được điều trị đúng phương pháp để tránh các biến chứng nguy hiểm

Phương pháp chẩn đoán bệnh sỏi tiết niệu

Để chẩn đoán viêm đường tiết niệu bác sĩ có thể tiến hành kiểm tra thể chất và các dấu hiệu nhận biết bên ngoài. Bác sĩ sẽ kiểm tra vùng lưng, háng và bộ phận sinh dục để kiểm tra các dấu hiệu bất thường.

Sau đó, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện một số xét nghiệm chẩn đoán bệnh bao gồm:

1. Siêu âm đường tiết niệu

Siêu âm là một trong những biện pháp chẩn đoán sỏi tiết niệu đơn giản nhất. Siêu âm cũng được cho là an toàn hơn khi người bệnh cần phải tiếp xúc với bức xạ.

Siêu âm có thể giúp bác sĩ quan sát được tình trạng sỏi bên trong đường tiết niệu. Tuy nhiên, siêu âm thường không thể phát hiện những viên sỏi nhỏ, đặc biệt là tình trạng sỏi niệu quản.

2. Chụp cắt lớp vi tính

Chụp cắt lớp vi tính (CT) là phương pháp tốt và chính xác nhất để chẩn đoán sỏi đường tiết niệu. Phương pháp này có thể xác định được vị trí sỏi và tình trạng mà viên sỏi này đang chặn đường tiết niệu. Ngoài ra, chụp cắt lớp CT cũng có thể phát hiện ra những rối loạn khác bên trong đường tiết niệu.

Nhược điểm của biện pháp này là khiến người bệnh tiếp xúc với các chất phóng xạ. Tuy nhiên, hiện tại có nhiều thiết bị và phương pháp chụp cắt lớp mới có thể giảm sự tiếp xúc và ảnh hưởng của các chất bức xạ với sức khỏe của người bệnh.

3. Chụp X – quang

Chụp X – quang cũng là một trong những phương pháp có thể giúp phát hiện sỏi tiết niệu. Tuy nhiên, chụp X- quang chỉ có thể phát hiện được sỏi Canxi, thường được dùng để chẩn đoán nghi ngờ sỏi thận và sỏi niệu quản.

4. Kiểm tra sự bài tiết Urography

Kiểm tra sự bài tiết Urography là một phương pháp có thể hỗ trợ chẩn đoán sỏi đường tiết niệu thông qua hệ thống bài tiết. Đây là một thủ thuật sử dụng các tia X có sự hỗ trợ của thuốc cản quang tiêm vào tĩnh mạch để qua sát bên trong đường tiết niệu.

Xét nghiệm này có thể phát hiện sỏi và xác định mức độ chặn của sỏi đường tiết niệu. Tuy nhiên, phương pháp này thường tốn nhiều thời gian và có liên quan đến các tác dụng phụ của thuốc cản quang trong cơ thể.

điều trị sỏi tiết niệu
Chẩn đoán sớm và cách tốt nhất để điều trị sỏi đường tiết niệu

5. Xét nghiệm nước tiểu

Xét nghiệm nước tiểu là một thủ thuật được sử dụng để phát hiện sỏi đường tiết niệu. Phương pháp này thường được chỉ định khi người bệnh có máu, mủ trong nước tiểu.

Các phương pháp điều trị sỏi tiết niệu

Sỏi đường tiết niệu có thể điều trị được bằng nhiều phương pháp khác nhau và hiệu quả nhất khi sỏi còn nhỏ. Do đó, điều quan trọng nhất là người bệnh cần nắm rõ các triệu chứng để có biện pháp điều trị kịp thời và đúng phương pháp.

Các phương pháp điều trị sỏi đường tiết niệu phổ biến bao gồm:

1. Điều trị giảm đau bằng thuốc

Các loại thuốc chống viêm không Steroid hoặc Opiod có thể được dùng để giảm đau cho các trường hợp sỏi tiết niệu. Thuốc giảm đau có thể cắt giảm các cơn đau một cách hiệu quả.

Ngoài ra, trong trường hợp các viên sỏi nhỏ có thể thoát ra ngoài cơ thể thông qua nước tiểu mà không gây ra bất cứ các triệu chứng nào khác. Một số loại thuốc thể hỗ trợ làm thoát các viên sỏi nhỏ như Nephedipine và Temsulosin.

2. Phương pháp điều trị loại bỏ sỏi tiết niệu

Đối với các loại sỏi tiết niệu lớn, bác sĩ có thể chỉ định các biện pháp điều trị ngoại khoa để loại bỏ sỏi. Các biện pháp phổ biến thường bao gồm:

  • Tán sỏi xung kích: Là phương pháp phá vỡ các viên sỏi bằng máy tạo sóng xung kích. Các mảnh nhỏ của sỏi sau đó sẽ đi qua đường tiết niệu và ra khỏi cơ thể khi người bệnh đi tiểu.
  • Loại bỏ sỏi bằng Laser thông qua nội soi: Bác sĩ có thể sử dụng một ống dài đưa vào lỗ niệu quản, tìm vị trí của sỏi và loại bỏ các viên sỏi bằng tia Laser.
  • Tán sỏi thông qua da: Là thủ tục được áp dụng cho các viên sỏi lớn có nhiều hình dạng và kích thước khác nhau. Bác sĩ có thể thực hiện một vết một nhỏ ở lưng và tiến hành khoanh vùng phàm vị sỏi để loại bỏ chúng.
triệu chứng sỏi thận tiết niệu
Sỏi tiết niệu có thể điều trị được bằng thuốc và một số thủ thuật

3. Phẫu thuật mổ sỏi tiết niệu

Phẫu thuật thường được chỉ định để loại bỏ những viên sỏi lớn, có nguy cơ gây tắc nghẽn đường đường tiết niệu gây bí tiểu. Phẫu thuật thường được thực hiện thông qua nội soi và dùng kháng sinh để tránh các vấn đề nhiễm trùng sau khi phẫu thuật.

Trao đổi với bác sĩ về hiệu quả và các rủi ro khi phẫu thuật điều trị sỏi đường tiết niệu.

Biện pháp phòng ngừa bệnh sỏi đường tiết niệu

Các biện pháp phòng ngừa sỏi đường tiết niệu thường phụ thuộc vào nguy cơ mắc bệnh và tình trạng sức khỏe của người bệnh. Tuy nhiên, người bệnh có thể tham khảo một số biện pháp phòng ngừa như sau:

  • Uống nhiều chất lỏng khoảng 8 – 12 ly nước mỗi ngày. Điều này có thể giúp những viên sỏi thận nhỏ đi ra khỏi cơ thể khi bạn đi tiểu.
  • Lọc nước tiểu mỗi khi đi vệ sinh. Đi tiểu thông qua một mảnh vải hoặc lưới lọc để qua sát tình trạng sức khỏe và phát hiện sớm các tinh thể sỏi tiết niệu.
  • Hạn chế sử dụng Protein động vật có trong thịt, cá, trứng.
  • Kiểm soát lượng Natri tiêu thụ, dưới 1.500 mg mỗi ngày.
  • Hạn chế sử dụng Oxalate. Đây là chất thường được tìm thấy trong rau Bina, các loại hạt, lúa mì nguyên cám.
  • Bệnh nhân sỏi Stuvite tái phát, cần phải dùng kháng sinh liên tục để ngăn ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu.

Sỏi đường tiết niệu là một bệnh lý cần được thăm khám và điều trị hợp lý. Do đó, nếu có bất cứ nghi ngờ hoặc nhận thấy các dấu hiệu sỏi tiết niệu, hãy đến bệnh viện để được tư vấn và có biện pháp xử lý khoa học.

Chia sẻ:
Viêm bàng quang ở trẻ em Viêm bàng quang ở trẻ em: Nguyên nhân, dấu hiệu, điều trị

Bệnh viêm bàng quang ở trẻ em không hiếm gặp, bởi nguyên nhân có thể xuất phát từ vấn đề…

Cấu tạo đường tiết niệu Đường tiết niệu là gì, nằm ở đâu? – Chức năng hệ tiết niệu

Người ta thường hiểu chung chung rằng đường tiết niệu là nơi đưa nước tiểu ra ngoài. Cách hiểu này…

Các loại sỏi thận thường gặp và cách xử lý Các loại sỏi thận thường gặp và cách xử lý

Có nhiều loại sỏi thận xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Trước khi điều trị, người bệnh cần…

Sỏi Niệu Quản – Triệu chứng & Cách điều trị, tránh biến chứng

Sỏi niệu quản là dạng sỏi tiết niệu có mức độ nghiêm trọng và dễ gây ra các biến chứng…

Tiểu không tự chủ là bệnh gì? Cách trị cho nam và nữ giới

Tiểu không tự chủ là tình trạng nước tiểu bị rò rỉ ra ngoài một cách không thể kiểm soát,…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chia sẻ
Bỏ qua