Hạt dưới da trong viêm khớp dạng thấp – Điều cần biết
Hạt dưới da trong viêm khớp dạng thấp là biểu hiện ngoài khớp rất phổ biến của bệnh. Số liệu thống kê cho thấy có tới khoảng 25% người bệnh viêm khớp dạng thấp bị nổi hạt dưới da. Cần có biện pháp can thiệp điều trị đúng đắn để hạn chế mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng vận động.
Hạt dưới da trong viêm khớp dạng thấp là gì?
Viêm khớp dạng thấp (RA) là một bệnh rối loạn tự miễn rất phổ biến. Trong một số trường hợp, bệnh có thể làm xuất hiện các hạt dưới da phát triển trên một số vị trí. Điển hình như bàn tay, cổ tay, cùi chỏ, mắt cá chân, bàn chân… gây đau và ảnh hưởng đến chức năng vận động do chèn ép dây thần kinh và mạch máu.
Hạt dưới da trong viêm khớp dạng thấp, còn gọi là hạt thấp, là một biểu hiện ngoài khớp thường thấy, thường xuất hiện ở bàn tay, cổ tay, cùi chỏ và các khớp khác. Có kích thước đa dạng từ vài milimet đến 5cm, hạt thấp thường cứng và có thể di chuyển dưới da trừ khi chúng gắn chặt vào mô xung quanh.
Cơ chế hình thành hạt thấp dưới da
Cơ chế hình thành hạt thấp dưới da trong viêm khớp dạng thấp liên quan đến các chất trung gian gây viêm và tổn thương mạch máu do áp lực lặp đi lặp lại ở các khu vực chịu đè nén.
Sự tăng sinh mạch máu mới và mô hạt xuất hiện do lắng đọng phức hợp miễn dịch, kích hoạt hệ thống bổ thể và giải phóng các cytokine như TNF, TGF-β và IL-1. Quá trình này kích thích tân sinh mạch, lắng đọng fibrin, dẫn đến hoại tử mô liên kết và cuối cùng hình thành hạt thấp.
Tham khảo: Biến chứng viêm khớp dạng thấp và cách phòng ngừa
Vì sao bị nổi hạt dưới da trong viêm khớp dạng thấp?
Thực tế ghi nhận, dấu hiệu nổi hạt thấp dưới da thường bắt đầu xuất hiện khi một người bị viêm khớp dạng thấp trong khoảng vài năm. Các nốt thấp được tạo thành từ một số thành phần sau:
- Fibrin: Đây là một loại protein đóng vai trò quan trọng trong quá trình đông máu. Tuy nhiên nó cũng có thể sản sinh khi mô bị tổn thương.
- Tế bào viêm: Viêm khớp dạng thấp có thể khiến cho các tế bào viêm trong cơ thể phát triển. Từ đó dẫn tới sự phát triển của các nốt dưới da.
- Tế bào chết trên da: Đây là các tế bào da chết từ protein trong cơ thể có khả năng tích tụ trong các hạt sần dưới da.
Hạt dưới da trong viêm khớp dạng thấp có thể tương tự như một số tình trạng khác. Chẳng hạn như hạt tophi trong bệnh gout, u nang bì hay viêm bao hoạt dịch.
Một số yếu tố sau có thể làm tăng nguy cơ phát triển các hạt dưới da trong bệnh viêm khớp dạng thấp:
- Giới tính: Các chuyên gia cho biết, nữ giới có nhiều khả năng bị nổi hạt dưới da khi mắc bệnh viêm khớp dạng thấp hơn là nam giới.
- Thời gian mắc bệnh: Người bị viêm khớp dạng thấp càng lâu thì càng có nhiều khả năng phát triển các hạt thấp dưới da.
- Mức độ bệnh: Thông thường, bệnh viêm khớp dạng thấp càng nặng thì càng xuất hiện nhiều nốt sần dưới da.
- Yếu tố dạng thấp: Yếu tố này đề cập tới các protein trong máu có liên quan đến các rối loạn tự miễn dịch. Những người có yếu tố dạng thấp trong máu cao hơn cũng sẽ có nhiều khả năng bị nổi hạt dưới da.
- Hút thuốc: Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy mối liên hệ giữa việc hút thuốc lá với tăng nguy cơ bị nổi hạt dưới da.
- Yếu tố di truyền: Một số loại gen được cho là có nguy cơ làm phát triển bệnh viêm khớp dạng thấp cùng khả năng nổi hạt dưới da.
Nổi hạt thấp dưới da có nguy hiểm không?
Hạt thấp dưới da trong viêm khớp dạng thấp có thể gây đau nhức và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Dù không lúc nào cũng nguy hiểm, chúng có thể dẫn đến kích ứng hay nhiễm trùng nếu nằm ở vùng chịu áp lực, như bàn chân. Điều này khiến cho việc đi lại khó khăn, ảnh hưởng đến dáng đi và tạo áp lực lên các khớp khác.
Nếu hạt thấp gây ra đau dữ dội, tăng kích thước đột ngột hoặc cản trở vận động, nên tìm kiếm sự tư vấn y tế. Hạt thấp cũng là dấu hiệu cho thấy viêm khớp dạng thấp đang tiến triển, có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng khác như tổn thương nội tạng, liệt khớp, và thậm chí tăng nguy cơ tử vong.
Xem ngay: Cách dùng lá lốt chữa viêm khớp dạng thấp tại nhà
Cách điều trị hạt dưới da trong viêm khớp dạng thấp
Trong việc điều trị hạt thấp dưới da của bệnh viêm khớp dạng thấp, các biện pháp bao gồm phẫu thuật cắt bỏ cho hạt lớn, mặc dù tái phát có thể xảy ra. Tiêm corticosteroid có thể giảm kích thước hạt nhưng không luôn hiệu quả và đôi khi gây nhiễm trùng, đặc biệt ở hạt ở mông và bàn chân.
Trong trường hợp nhiễm trùng, cần phải can thiệp phẫu thuật. Dùng thuốc như corticosteroid đường uống và hydroxychloroquine có thể được áp dụng nhưng hiệu quả không chắc chắn. Đôi khi, hạt thấp có thể tự tiêu biến mà không cần điều trị.
Kiểm soát tốt bệnh viêm khớp dạng thấp để ngăn nổi hạt dưới da
Để quản lý và ngăn chặn sự xuất hiện của hạt thấp dưới da trong viêm khớp dạng thấp, việc kiểm soát bệnh hiệu quả thông qua các biện pháp toàn diện là cực kỳ quan trọng:
1. Sử dụng thuốc theo chỉ định bác sĩ
Người bệnh cần tuân thủ nghiêm ngặt việc sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, bao gồm thuốc steroid, thuốc chống viêm không steroid, thuốc chống thấp khớp và các loại thuốc sinh học.
Điều quan trọng là phải theo dõi chặt chẽ liều lượng và thời gian sử dụng thuốc, đồng thời thông báo cho bác sĩ về bất kỳ phản ứng phụ nào.
Dùng thuốc có thể giúp kiểm soát bệnh viêm khớp dạng thấp và làm giảm kích thước hạt dưới da
2. Vật lý trị liệu
Vật lý trị liệu đóng một vai trò không thể thiếu trong việc cải thiện chức năng vận động và giảm các triệu chứng của bệnh. Nhiệt trị liệu, siêu âm, bấm huyệt, massage trị liệu và các bài tập vận động đều nên được thực hiện dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia để đảm bảo hiệu quả và an toàn.
3. Can thiệp phẫu thuật
Khi điều trị nội khoa không mang lại kết quả mong muốn, phẫu thuật có thể là một lựa chọn để giảm đau và phục hồi chức năng của khớp. Các phương pháp như phẫu thuật nội soi, chỉnh trục, sửa chữa gân và thay thế khớp có thể được cân nhắc tùy thuộc vào tình trạng cụ thể của từng bệnh nhân.
4. Biện pháp chăm sóc và dự phòng bệnh
Duy trì một lối sống lành mạnh với việc uống đủ nước hàng ngày, thiết lập chế độ ăn uống cân đối giàu canxi và vitamin, duy trì hoạt động thể chất phù hợp và kiểm soát cân nặng là các biện pháp quan trọng. Ngoài ra, bệnh nhân cũng cần tránh tiếp xúc với điều kiện thời tiết lạnh và ẩm để giảm thiểu các triệu chứng bệnh.
Hạt dưới da trong viêm khớp dạng thấp là dấu hiệu ngoài khớp cảnh báo bệnh đang chuyển biến nghiêm trọng. Cần sớm tìm gặp bác sĩ để được thăm khám và có biện pháp điều trị phù hợp. Tuyệt đối không được chủ quan tạo cơ hội cho bệnh gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
Có thể bạn quan tâm
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!