Có nên chữa bệnh lậu bằng thuốc Nam?
Trong dân gian có rất nhiều bài thuốc nam chữa bệnh lậu. Tuy nhiên, bệnh nhân không nên áp dụng vì thời gian tác dụng của thuốc sẽ chậm, bệnh có thể nặng hơn nếu thuốc không tương thích với cơ địa.
Tổng quan về bệnh lậu
Bệnh lậu là một trong những bệnh lây lan qua đường tình dục vô cùng nguy hiểm. Lậu do vi khuẩn gram âm Neisseria Gonorrhoeae gây ra. Nguyên nhân dẫn đến nhiễm vi khuẩn gây bệnh thường là do bệnh nhân quan hệ tình dục với người mắc bệnh lậu mà không sử dụng các biện pháp an toàn. Vi khuẩn bệnh lậu lây lan từ người bệnh sang người lành, từ đó phát bệnh.
Cả nam giới và phụ nữ đều có thể mắc phải bệnh lậu nếu không sử dụng biện pháp bảo vệ khi quan hệ.
Bệnh lậu thường khởi phát trong vòng từ 2 đến 10 ngày nhiễm bệnh. Những triệu chứng báo hiệu bệnh thường là:
- Đi tiểu lắt nhắt, nhiều lần;
- Khó tiểu;
- Đi tiểu buốt;
- Có mủ màu trắng hoặc màu vàng ở bộ phận sinh dục.
Bệnh lậu gây ra những biến chứng nguy hiểm cho người bệnh như:
- Mất khả năng sinh sản;
- Nhiễm khuẩn huyết;
- Nam giới sẽ bị viêm tinh hoàn, viêm mào tinh, viêm tuyến tiền liệt;
- Nữ giới sẽ bị viêm vòi fallope, viêm xương chậu;
- Viêm nội tâm mạc;
- Trẻ sơ sinh có thể bị viêm kết mạc, có thể dẫn đến mù lòa.
Có nên chữa bệnh lậu bằng thuốc Nam?
Nếu phát hiện và điều trị sớm, bệnh nhân mắc lậu có khả năng điều trị khỏi hẳn, đồng thời ngăn chặn được những biến chứng nguy hiểm. Trong dân gian có rất nhiều bài thuốc nam được truyền tai là có khả năng chữa được bệnh lậu; chẳng hạn như những bài thuốc được chế biến từ cây chó đẻ, cỏ tranh,…
Tuy nhiên, bệnh nhân không nên dùng thuốc nam để điều trị bệnh bởi vì thuốc nam hoặc thuốc Đông y nói chung thường có tác dụng chậm. Trong khi đó, bệnh lậu lại phát triển rất nhanh, gây ra những mụn mủ, lở loét trên da. Bên cạnh đó, trong số những bài thuốc nam, có những bài thuốc phản khoa học, có thể làm cho bệnh trở nên trầm trọng hơn. Do đó, người bệnh không nên tùy tiện áp dụng thuốc nam để điều trị bệnh lậu.
Điều trị bệnh lậu như thế nào?
Người bệnh có thể chọn giải pháp thuốc Tây để điều trị bệnh lậu. Khi đã chẩn đoán mắc phải chứng lậu, bệnh nhân thường sẽ được bác sĩ chỉ định dùng một số loại thuốc uống hoặc thuốc tiêm để điều trị:
- Một số loại thuốc tiêm cơ bắp dùng để điều trị bệnh lậu như: Spectinomycin, Cefotaxime, Ceftriaxone,…
- Đối với thuốc uống trị bệnh lậu, bệnh nhân có thể sẽ dùng một số loại thuốc như Azithromycin, Erythromycin, Doxycyclin, Tetraxyclin, Ciprofloxacin,…
Thuốc kháng sinh có khả năng chống lại vi khuẩn lậu mạnh hơn thuốc nam, phù hợp với việc điều trị bệnh dứt điểm, ngăn ngừa biến chứng. Tuy nhiên, mỗi loại thuốc uống sẽ có liều dùng khác nhau tùy vào hàm lượng của thuốc, hoạt tính và mức độ bệnh của bệnh nhân. Người bệnh cần tuân theo những chỉ dẫn của bác sĩ khi điều trị bệnh lậu bằng thuốc Tây.
Bên cạnh việc dùng thuốc điều trị, người bệnh cần phải điều trị đồng thời cùng với bạn tình (vợ/chồng) để bệnh ngày càng được đẩy lùi. Ngoài ra, duy trì một thói quen tình dục lành mạnh, sử dụng các biện pháp bảo vệ sức khỏe, chung thủy một vợ một chồng, không nên quan hệ với nhiều bạn tình,… là những cách giúp phòng tránh và ngăn ngừa bệnh tái phát.
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính tham khảo. Chúng tôi không đưa ra lời khuyên, tư vấn phương pháp điều trị,… thay cho bác sĩ chuyên khoa hoặc chuyên viên y tế.
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!