Bệnh Hắc Lào
Hắc lào là bệnh da liễu phổ biến, xảy ra do nhiễm nấm. Triệu chứng đặc trưng của bệnh là những mảng da hình tròn, đỏ, bong tróc gây ngứa. Bất kỳ vị trí nào trên cơ thể đều có nguy cơ phát bệnh.
Tổng quan
Bệnh hắc lào còn gọi là lác đồng tiền (tên tiếng Anh: Ringworm/ Tinea Corporis). Bệnh xảy ra do nhiễm các loại nấm thuộc nhóm Dermatophytes. Có khoảng 40 loại nấm thuộc nhóm này, tùy từng chủng nấm sẽ gây bệnh và các tổn thương khác nhau trên cơ thể.
Bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào. Tại Việt Nam, nơi có đặc điểm khí hậu và môi trường nóng ẩm tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của bệnh hắc lào. Ngoài ra, thói quen sinh hoạt, vệ sinh cá nhân hàng ngày cũng là những yếu tố khiến nấm phát triển và gây bệnh.
Phân loại
Dựa vào từng vị trí nhiễm nấm trên cơ thể để phân loại bệnh hắc lào. Gồm các loại phổ biến sau:
- Hắc lào ở mông
- Hắc lào ở đùi
- Hắc lào ở háng, bẹn
- Hắc lào ở mặt
- Hắc lào ở da đầu
- Hắc lào ở bàn tay, bàn chân
- Hắc lào ở móng tay
- Hắc lào toàn thân
- Hắc lào thể đa sắc
XEM THÊM: Bệnh hắc lào có nguy hiểm không? Chuyên gia giải đáp
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Có 3 loại nấm gây bệnh hắc lào phổ biến nhất gồm:
- Microsporum
- Trichophyton
- Epidermophyton
Nấm có thể lây lan từ người sang người và gây bệnh thông qua những con đường sau:
- Tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, kề sát da;
- Tiếp xúc hoặc dùng chung các vật dụng, đồ dùng cá nhân do người bệnh sử dụng như quần áo, khăn mặt, khăn tắm, lược chải đầu, bàn chải đánh răng, giường nệm..;
- Tiếp xúc với động vật bị nhiễm nấm như chó, mèo... thông qua động tác ôm ấp, vuốt ve...;
- Tiếp xúc với môi trường ô nhiễm bao gồm các yếu tố như đất, nước, không khí... có chứa mầm bệnh;
Những yếu tố nguy cơ của bệnh:
- Hệ miễn dịch kém, sức khỏe thể chất yếu;
- Mặc quần áo ẩm ướt thường xuyên hoặc quần áo quá bó sát gây hạn chế cử động;
- Vệ sinh thân thể kém, đổ nhiều mồ hôi nhưng ít tắm gội;
- Tiếp xúc gần hoặc quan hệ tình dục với người bị bệnh hắc lào;
- Tắm hồ bơi hoặc ngâm bồn tắm chung với ngườ bị hắc lào;
- Sử dụng chung quần áo, khăn tắm, drap trải giường với người bệnh;
- Ảnh hưởng từ các bệnh lý da liễu khác gây rối loạn chức năng da, suy giảm cấu tạo lớp keratin và giảm chức năng hàng rào bảo vệ da;
- Trẻ dưới 15 tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với người trưởng thành.
Triệu chứng và chẩn đoán
Tùy từng vị trí nhiễm nấm gây hắc lào mà triệu chứng bệnh sẽ được biểu hiện khác nhau. Cụ thể như sau:
- Da đầu: Xuất hiện các nốt mụn mủ, tập trung thành từng cụm, đỏ da và phồng rộp. Kèm theo ngứa ngáy, đau rát, gây viêm hạch bạch huyết và rụng tóc, hói đầu.
- Vùng bẹn, háng: Hình thành các nốt mụn đỏ hồng, ngứa ngáy, vùng da tại đây có vảy, nhất là ở mặt trong của các nếp gấp bẹn. Hắc lào ở bẹn rất nhanh lây lan do vị trí bí bách, dễ đổ mồ hôi và bị cọ xát liên tục với quần áo.
- Mặt: Hắc lào ở mặt đặc trưng với các chấm đỏ mọc gồ trên da, có vảy trắng và có xu hướng lan rộng ra, hình thành mụn nước gây ngứa ngáy.
- Nấm chân: Nhiễm nấm kẽ chân và bàn chân là 2 vị trí dễ bị nấm da nhất. Trong đó, kẽ chân giữa ngón út và áp út là phổ biến nhất. Vùng da tại đây khô, bong tróc, có vảy và ngứa ngáy. Có thể nhiễm trùng và lan ra nhanh chóng ở toàn bộ bàn chân, kể cả gót bàn chân.
- Đùi: Thường xảy ra ở mặt trong đùi, da ửng đỏ, bong vảy, xuất hiện mụn mủ, các dát da ngứa rát. Vùng da nhiễm nấm cũng sậm màu hơn so với những vùng da khỏe mạnh khác.
- Vùng mọc râu: Thường xảy ra ở những người làm nông, thường xuyên tiếp xúc với gia súc chăn nuôi. Có 2 dạng hắc lào trên râu là dạng nông và dạng sâu. Dạng nông chỉ gây ngứa da, bong tróc vảy và gãy râu. Còn dạng sâu hình thành các nốt u nhọt, tập trung lại gây các mảng thâm nhiễm, xâm nhập sâu dưới da và tăng nguy cơ gây áp xe, chảy dịch mủ sưng viêm, nhiễm trùng nặng.
- Hắc lào đa sắc: Là tình trạng nhiễm nấm gây hắc lào xuất hiện ở khắp các vùng da trên cơ thể như lưng, ngực, bụng, cánh tay, cổ... Đến một thời điểm nhất định, trên da bắt đầu xuất hiện những mảng da đỏ, có vảy, không có giới hạn, không rõ đường viền và kèm theo ngứa rát khó chịu.
Dựa vào các dấu hiệu lâm sàng của từng thể hắc lào, kết hợp với điều tra tiền sử bệnh lý, xét nghiệm nuôi cấy nấm để loại trừ các bệnh lý về da khác.
ĐỌC NGAY: Bệnh hắc lào có ngứa không ? Giải pháp khắc phục
Biến chứng và tiên lượng
Người mắc bệnh hắc lào phải đối mặt với những cơn ngứa ngáy dữ dội, khó chịu, ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất một cách rõ rệt. Không những vậy, triệu chứng thường xuất hiện ồ ạt trên da, nhất là ở những vùng da dễ nhìn thấy như mặt, cổ, tay, chân... khiến người bệnh mất đi sự tự tin về ngoại hình.
Hắc lào là bệnh da liễu không gây nguy hiểm đến tính mạng. Nhưng nếu không can thiệp điều trị, các tổn thương hắc lào sẽ nhanh chóng lây lan khắp cơ thể, gây các biến chứng sau:
- Bội nhiễm
- Chàm hóa da
- Để lại sẹo xấu vĩnh viễn
Ngoài ra, dịch mủ từ mụn nước hắc lào có thể vỡ ra bất kỳ lúc nào và lây lan cho những người xung quanh thông qua tiếp xúc gần.
Tuy nhiên, bản chất của bệnh hắc lào rất lành tính. Chỉ cần người bệnh phát hiện kịp thời và điều trị đúng cách, chắc chắn bệnh sẽ biến mất nhanh chóng mà không để lại bất kỳ dấu vết gì.
Điều trị
Bệnh hắc lào được điều trị hiệu quả bằng 2 cách sau:
1. Điều trị bằng thuốc
Tùy vào vị trí của bệnh hắc lào và mức độ nhiễm nấm, bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng thuốc phù hợp.
Điều trị tại chỗ
Dành cho những trường hợp hắc lào mức độ nhẹ, các triệu chứng vừa mới bùng phát ở giai đoạn đầu và chưa có biến chứng. Các thuốc được chỉ định dùng trong giai đoạn thường có đặc tính chống nấm, kháng viêm, làm bạt sừng và ức chế sự lây lan.
Chủ yếu dùng các loại thuốc bôi ngoài da như:
- Các dung dịch diệt nấm, sát khuẩn và làm bạt sừng:
- Dung dịch BSI 1-3%: Loại dung dịch này có công thức kết hợp 3 hoạt chất gồm Acid benzoic, Iod và Acid salicylic.
- Dung dịch ASA 1-2%: Chứa 2 thành phần chính gồm Ethanol 96% và Acetyl salicylic acid.
- Thuốc bôi chống nấm: Ketoconazol, Miconazol, Clotrimazol, Itraconazole...Thuốc có tác dụng kháng nấm, ngăn chặn sự phát triển và tái nhiễm của các loại nấm gây hắc lào.
- Kháng sinh dạng bôi:
Điều trị toàn thân
Những trường hợp tổn thương hắc lào từ một vị trí khu trú lan rộng sang toàn thân sẽ sử dụng thuốc kháng nấm đường uống để kiểm soát bệnh.
- Thuốc kháng nấm: như Nizoral, Itraconazole, Griseofulvin, Terbinafin... Có khả năng kiểm soát triệu chứng hắc lào trên diện rộng. Lưu ý dùng đúng liều lượng chỉ định để tránh gây tác dụng phụ làm suy giảm chức năng gan thận.
- Thuốc kháng histamin H1: như Loratadine, Fexofenadine, Clorpheniramine, Cetirizine... giúp hỗ trợ giảm cơn ngứa ngáy khó chịu do nấm hắc lào gây ra.
- Thuốc kháng sinh: Dùng trong trường hợp đã có biến chứng bội nhiễm theo chỉ định của bác sĩ.
- Các loại vitamin tổng hợp: Giúp tăng cường sức đề kháng, cải thiện thể thất góp phần hỗ trợ quá trình điều trị.
Lưu ý, sử dụng thuốc trị hắc lào cần lưu ý dùng liên tục đối với các loại thuốc bôi và dùng trong thời gian giới hạn đối với thuốc uống.
BẬT MÍ: 13 loại thuốc tây trị lác đồng tiền tốt nhất 2023
2. Kết hợp chăm sóc tại nhà
Để đạt hiệu quả điều trị cao và phòng ngừa bội nhiễm, người bệnh cần chú ý thực hiện các biện pháp chăm sóc tích cực tại nhà như:
- Không được cào gãi, chà xát mạnh lên vùng da có tổn thương hắc lào, nhất là có mụn nước;
- Giữ vệ sinh cơ thể sạch sẽ, tắm 1 - 2 lần/ ngày và lau khô người sau khi tắm;
- Bôi kem dưỡng ẩm giúp giảm thiểu kích ứng tại vùng da bị hắc lào. Nên chọn sản phẩm lành tính, không chứa chất kích ứng;
- Chườm ấm lên vùng da bị hắc lào giúp xoa dịu cảm giác ngứa ngáy;
- Quần áo sau khi mặc, khăn tắm, ga trải giường, chăn gối phải được thay mới và giặt giũ sạch sẽ bằng xà phòng diệt khuẩn, phơi dưới ánh nắng mặt trời để diệt nấm hoàn toàn;
- Mặc quần áo rộng rãi, chất liệu thấm hút mồ hôi tốt để giảm thiểu kích ứng lên vùng da tổn thương do hắc lào;
- Ăn uống đủ chất, tuy nhiên nên hạn chế các loại thực phẩm như hải sản, thịt gà, đồ nếp, các chất kích thích...;
THAM KHẢO NGAY: 8 Cách Chữa Hắc Lào Tại Nhà Hiệu Quả Nhanh Nhất
Phòng ngừa
- Giữ vệ sinh thân thể và vệ sinh môi trường sống thường xuyên để ngăn sự phát triển, tấn công của các loại nấm.
- Chọn sử dụng các sản phẩm chăm sóc da, xà phòng lành tính, chiết xuất tự nhiên, không chứa chất tẩy rửa và hương liệu.
- Tránh tiếp xúc với những loại động vật hoặc nguồn nước, đất nghi ngờ có chứa mầm bệnh.
- Tuyệt đối không sử dụng đồ dùng cá nhân của người khác, nhất là khăn tắm, quần áo, mền gối...
- Hạn chế sử dụng nhà vệ sinh công cộng.
- Nếu làn da dễ bị kích ứng, nên ưu tiên mặc những bộ quần áo rộng rãi, thoáng mát, chất liệu vừa phải, không quá bí bách và thấm hút mồ hôi tốt.
- Không mặc quần áo ẩm ướt.
- Có thời gian biểu sinh hoạt lành mạnh, nghỉ ngơi khoa học và ăn uống đủ chất.
Những câu hỏi quan trọng khi đi khám
1. Nguyên nhân gây bệnh hắc lào là gì?
2. Những dấu hiệu đặc trưng của bệnh hắc lào tôi cần theo dõi?
3. Bệnh hắc lào có nguy hiểm không? Nó ảnh hưởng ra sao đến sức khỏe của tôi?
4. Điều trị bệnh hắc lào bằng phương pháp nào tốt nhất? Các lợi ích và rủi ro liên quan?
5. Có thuốc đặc trị hắc lào hay không?
6. Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi không điều trị hoặc gián đoạn quá trình chữa bệnh?
7. Quá trình điều trị bệnh hắc lào mất bao lâu thì khỏi?
8. Tôi cần tránh làm gì trong quá trình điều trị bệnh hắc lào?
9. Bệnh hắc lào có lây không?
10. Có cần tái khám thường xuyên sau điều trị không?
Hắc lào là bệnh da liễu tương đối lành tính và không nguy hiểm. Chỉ cần bạn chủ động thăm khám sớm để được chẩn đoán, áp dụng đúng phương pháp điều trị, bệnh khỏi hẳn mà không để lại bất kỳ dấu vết nào. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào về bệnh hắc lào, vui lòng trao đổi thêm với chuyên gia để được giải đáp kỹ hơn.
Xem thêm:
- 9 Cách Trị Hắc Lào Theo Dân Gian Hiệu Quả Nhất [Cập Nhật]
- Người Bị Hắc Lào Nên Kiêng Gì? Ăn Gì Lành Da, Mau Hết Sẹo?
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!