Viêm Chóp Răng: Nguyên Nhân, Chẩn Đoán và Chữa Trị
Viêm chóp răng là một trong những bệnh lý răng miệng khá nghiêm trọng dễ bị nhầm lẫn với sâu răng, viêm nha chu hay viêm nướu… Các triệu chứng của bệnh thường diễn tiến âm thầm đến khi phát hiện đã chuyển biến nặng. Việc điều trị trong giai đoạn này thường phức tạp, khó phục hồi như ban đầu và tốn kém rất nhiều.
Viêm chóp răng là bệnh gì?
Chóp răng nằm ở vị trí cuối cùng của chân răng và sâu trong xương hàm. Viêm chóp răng hay còn được gọi bằng nhiều cái tên khác nhau như viêm quanh chóp răng hoặc viêm cuống răng. Đây là tình trạng tủy bị viêm, nhiễm trùng hoặc chết tủy kéo theo ảnh hưởng dây chằng quanh răng và xương ổ răng do vi khuẩn lan rộng. Lúc này các tổ chức quanh vùng mô chóp răng bị viêm thì được gọi là viêm chóp răng.
Đây là bệnh lý răng miệng được đánh giá khá phức tạp và nghiêm trọng do dễ dẫn đến sự phá hủy xương hàm, tủy răng nặng nề. Các chuyên gia chia bệnh lý này thành 2 dạng chính gồm viêm chóp cấp tính và viêm chóp mãn tính. Bệnh lý này đặc trưng bởi các cơn đau nhức âm ỉ, khó chịu trong ổ răng.
Nếu được phát hiện sớm và chữa trị kịp thời, ổ áp xe chóp răng có thể được xử lý phục hồi. Ngược lại nếu không điều trị đúng cách sẽ ảnh hưởng rất lớn đến khả năng ăn uống, đời sống sinh hoạt. Thậm chí gây ra nhiều biến chứng xấu, nghiêm trọng cho sức khỏe, có nguy cơ mất răng và tiêu xương ổ răng rất cao. Do đó, người bệnh tuyệt đối không được lơ là chủ quan, chủ động thăm khám và điều trị sớm ngay khi phát hiện các triệu chứng bất thường để phòng ngừa các hậu quả khó lường.
Phân loại viêm chóp răng
Viêm chóp răng được chia làm nhiều dạng khác nhau dựa vào đặc điểm triệu chứng và mức độ viêm nhiễm. Chi tiết một số loại viêm chóp răng thường gặp như sau:
- Viêm chóp răng có mủ: Đây là tình trạng quanh vùng xương ổ răng xuất hiện nhiều ổ mủ, túi chứa dịch kèm theo đau nhức và gây mùi hôi khó chịu trong khoang miệng. Nguyên nhân chính gây ra là do viêm tủy răng có mủ. Dạng bệnh lý này nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây biến chứng rất nhanh, thậm chí dẫn đến nhiễm trùng máu, nguy hiểm cho cơ thể.
- Viêm quanh chóp răng: Được hiểu đơn giản là tình trạng vùng quanh chóp chân răng bị viêm. Nguyên nhân cũng xuất phát từ việc tủy răng bị nhiễm trùng kéo dài không chữa khỏi, dẫn đến chết tủy và lây lan sang vùng xương ổ răng hình thành viêm quanh chóp răng.
- Viêm quanh chóp răng mãn tính: Đây được xem là biến thể nặng từ viêm chóp quanh răng không được điều trị kịp thời. Nguyên nhân là do nhiễm trùng tái phát liên tục do không điều trị hoặc điều trị không đúng cách. Thông thường, các triệu chứng mãn tính ban đầu thường khó phát hiện và nhận biết. Chỉ khi chết tủy gây các triệu chứng như răng chuyển màu xám, yếu, dễ lung lay và kiểm tra nội soi mới phát hiện.
- Viêm quanh chóp chân răng: Tình trạng này còn được gọi là viêm nha chu, là 1 dạng nhiễm trùng trên diện rộng với việc viêm toàn bộ cả các bộ phận gồm dây chằng, mô nướu và xương ổ răng. Các bệnh lý như sâu răng, viêm nướu… đều có thể gây ra viêm quanh chóp chân răng. Hoặc những tổn thương mô mềm trong khoang miệng lâu này không được xử lý khắc phục cũng là nguyên nhân khiến tổ chức nha chu suy yếu, viêm nhiễm.
- Áp xe tái phát: Tình trạng áp xe răng thường xảy ra sau một thời gian viêm chóp mãn tính kéo dài. Các triệu chứng của bệnh thường không rõ ràng nhưng khi chụp phim sẽ phát hiện có vùng thấu quang.
- Xơ hóa xương quanh chóp: Đây là hiện tượng khoáng hóa xương ở vùng quanh chóp răng do viêm nhiễm quá mức. Tình trạng này khiến răng trở nên yếu ớt, nhạy cảm và dễ bị ảnh hưởng từ sự tấn công của các yếu tố từ môi trường bên ngoài. Hậu quả là phát sinh viêm nhiễm và hình thành viêm chóp răng.
Triệu chứng của viêm chóp răng
Các triệu chứng viêm chóp răng thường được biểu hiện rất rõ ràng, nhưng dễ bị nhầm lẫn với nhiều bệnh lý khác. Dưới đây là một vài dấu hiệu thường gặp nhất:
- Bệnh đặc trưng với những cơn đau nhức, ê buốt khó chịu;
- Cơn đau thường phát sinh cục bộ hoặc lan rộng sang vùng thái dương gây ra những cơn đau đầu, hoa mắt, choáng váng.
- Vi khuẩn hủy hoại, ăn mòn cấu trúc răng và tạo ra lỗ hổng lớn trên răng, tủy chết chuyển thành màu đen bên trong.
- Sưng nướu kéo theo vùng má, mặt bị sưng lên do viêm chóp gây tổn thương đến xương hàm và mô mềm quanh răng.
- Răng trở nên nhạy cảm với nhiệt độ, khi ăn nhai thức ăn quá nóng hay quá lạnh sẽ gây ra những cơn đau, ê buốt đến tận óc.
- Một số trường hợp có thể bị sốt do phản ứng giữa cơ thể với vi khuẩn gây viêm nhiễm và miệng có mùi hôi, tăng có dấu hiệu đổi màu.
Nguyên nhân gây bệnh viêm chóp răng
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra viêm chóp răng, nhưng về cơ bản các nguyên nhân này được chia làm 2 nhóm chính sau:
Nhiễm khuẩn
Trên thực tế, viêm chóp răng chính là một trong những biến chứng nghiêm trọng của viêm tủy răng hoặc các bệnh nha chu. Số lượng lớn vi khuẩn ngày càng sinh sôi, phát triển và xâm nhập qua các kẽ hở, đường nứt, lỗ sâu răng đi xuống chóp và hình thành viêm nhiễm.
Do các tác nhân vật lý
Nhiều trường hợp răng gặp chấn thương mạnh, sang chấn nghiêm trọng làm tổn thương mạch máu nuôi dưỡng dẫn đến chết tủy và tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển gây nhiễm trùng. Đây là phản ứng của tổ chức quanh răng với các sản phẩm của tủy khi đã chết.
Một vài chấn thương răng thường gặp có thể gây ra viêm chóp răng như:
- Chấn thương khớp cắn;
- Miếng trám cộm;
- Sự tác động của các loại hóa chất hoặc dụng cụ được dùng để điều trị nội nha;
- …
Phương pháp điều trị viêm chóp răng
Việc chẩn đoán bước đầu là yếu tố quan trọng giúp nha sĩ đánh giá mức độ viêm chóp răng và đưa ra hướng điều trị phù hợp. Đầu tiên, người bệnh sẽ được thăm khám lâm sàng thông qua các triệu chứng, biểu hiện và kết hợp chụp X – quang để quan sát tổ chức quanh răng, đánh giá mức độ tàn phá. Từ đó, tùy theo tỷ lệ tổn thương ổ chân răng, hệ thống tổ chức quanh răng nhiều hay ít mà nha sĩ sẽ chỉ định thực hiện biện pháp điều trị phù hợp.
Quá trình điều trị viêm chóp răng được đánh giá là phức tạp và lâu dài. Sau đây là 3 hướng điều trị cơ bản dành cho những người bị viêm chóp răng:
1. Điều trị bảo tồn răng thật
Với những trường hợp viêm chóp răng mãn tính không gây ra triệu chứng rõ ràng, đầu tiên bắt buộc phải chụp X quang răng. Sau đó, nếu nhận định mức độ tổn thương không nhiều, có khả năng chữa lành sẽ áp dụng các biện pháp điều trị xử lý phần mô bị tổn thương và chữa trị phục hồi tủy.
Quá trình điều trị tủy răng bảo tồn răng thật diễn ra như sau:
- Bước 1: Thăm khám chẩn đoán và xác định mức độ bệnh lý. Sau đó lên phác đồ điều trị và tư vấn cụ thể về các phương pháp sẽ thực hiện cho người bệnh nắm.
- Bước 2: Tiến hành gây tê để không gây đau nhức, khó chịu trong quá trình thực hiện.
- Bước 3: Đặt đế cao su để cách ly phần răng cần điều trị với nước bọt, ngăn chặn vi khuẩn.
- Bước 4: Đặt Ca(OH)2 vào trong ống tủy với mục đích trung hòa cân bằng mô viêm vùng cuống, sát trùng làm sạch hệ thống ống tủy.
- Bước 5: Sử dụng các loại dụng cụ nha khoa chuyên dụng để nạo bỏ các tổ chức viêm, vi khuẩn trong tủy và làm sạch khoang tủy.
- Bước 6: Trám bít ống tủy lại để bảo vệ tủy răng, ngăn không cho thức ăn lọt vào và ngăn chặn sự tấn công làm tái viêm nhiễm.
- Bước 7: Khi đã hoàn thành, bác sĩ sẽ hướng dẫn cách vệ sinh chăm sóc răng miệng và các biện pháp giảm đau tại nhà. Đồng thời hẹn lịch tái cố định để kiểm tra tình trạng ống tủy, đảm bảo dứt điểm viêm nhiễm và xử lý các bất thường kịp thời (nếu có).
2. Điều trị toàn thân
Với những trường hợp viêm chóp răng có biến chứng hoặc phát sinh áp xe viêm quanh cuống cấp, đặc biệt có kèm theo viêm mô tế bào cần tiến hành điều trị toàn thân bằng kháng sinh nhằm ngăn chặn nhiễm trùng lây lan. Sau đó, áp dụng các biện pháp dưới đây để xử lý vị trí răng bị tổn thương.
Thủ thuật trích mủ
Trong trường hợp bạn chỉ vừa bị viêm chóp răng mưng mủ mức độ nhẹ và chưa có các triệu chứng viêm nhiễm lây lan sang vùng xương ổ răng sẽ được chỉ định trích mủ và làm sạch tổ chức nhiễm trùng. Đồng thời, kết hợp vệ sinh vô trùng khoang miệng, ngăn không cho vết mưng mủ tái nhiễm trở lại.
Tiểu phẫu cắt chóp răng
Phẫu thuật cắt chóp răng là giải pháp nhằm loại bỏ các mô viêm nhiễm xung quanh chóp răng. Đây là một ca tiểu phẫu đơn giản loại bỏ toàn bộ phần đầu chóp chân răng và các mô bên trong. Phương pháp này thường được chỉ định áp dụng khi mà các cách điều trị bảo tồn, trị tủy không đem lại thành công như mong đợi.
Cụ thể một số trường hợp được chỉ định phẫu thuật cắt chóp răng như:
- Viêm chóp răng hoặc nang chân răng gây biến chứng ảnh hưởng đến chức năng răng hàm.
- Điều trị tủy không thành công, gây ra các tổn thương như sạn tủy, ống tủy bị canxi hóa không thể phục hồi.
- Chân răng bị cong, gãy ở 1/3 chóp.
- Vật liệu trám bít hoặc dụng cụ ống tủy bị kẹt lại bên trong ổ răng.
Quá trình thực hiện phẫu thuật viêm chóp răng diễn ra khá nhanh chóng, không đến 60 phút và người bệnh hoàn toàn không cảm thấy đau nhức hay khó chịu do có thuốc tê. Tuy nhiên, sau khi hết thuốc tê có thể bạn sẽ hơi khó chịu do đau nhẹ. Lúc này bác sĩ sẽ kê đơn một số loại thuốc giảm đau và hướng dẫn các biện pháp giảm đau tại nhà đơn giản, hiệu quả. Vết thương sau phẫu thuật viêm chóp răng chỉ mất 5 – 7 sẽ được phục hồi hoàn toàn nếu bạn chăm sóc kỹ lưỡng.
Nhổ răng
Nếu các tổ chức cứng quanh răng bị tổn thương và phá hủy nặng, không còn khả năng phục hồi bắt buộc phải nhổ bỏ răng để ngăn chặn viêm nhiễm lây lan sang các răng khỏe mạnh khác. Quy trình nhổ răng được thực hiện theo các bước sau:
- Bước 1: Thăm khám, chụp phim và tư vấn kỹ thuật nhổ răng cho người bệnh.
- Bước 2: Vệ sinh khoang miệng, gây tê vị trí răng cần điều trị.
- Bước 3: Sử dụng dụng cụ nha khoa chuyên dụng để làm lung lay chân răng.
- Bước 4: Tiến hành nhổ bỏ chiếc răng bị nhiễm trùng, thao tác phải nhanh gọn và chính xác để hạn chế tối đa những tổn thương đến nướu răng, xương hàm.
Cách chăm sóc và phòng ngừa viêm chóp răng
Viêm chóp răng là bệnh lý răng miệng phức tạp và nghiêm trọng nếu không được điều trị sớm. Để chấm dứt hoàn toàn các triệu chứng của bệnh, bên cạnh áp dụng các biện pháp chữa trị chuyên sâu, người bệnh cần chủ động thực hiện các bước chăm sóc, vệ sinh răng miệng kỹ lưỡng để tăng kết quả điều trị và đây cũng là cách phòng ngừa tốt nhất.
- Đánh răng đều đặn 2 lần/ ngày, sử dụng bàn chải lông mềm, đầu chải nhỏ gọn và chải răng đúng kỹ thuật, lực chải nhẹ nhàng vừa phải.
- Kết hợp sử dụng chỉ nha khoa và nước súc miệng sau mỗi bữa ăn để loại bỏ các mảng bám trên răng, làm sạch khoang miệng, diệt khuẩn gây viêm và đem lại hơi thở thơm mát..
- Điều chỉnh chế độ ăn uống phù hợp, tốt cho răng miệng. Tăng cường bổ sung thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất, chất xơ, hạn chế đồ ngọt, nhiều đường, nước ngọt có gas, chất kích thích..
- Thăm khám nha khoa và lấy cao răng định kỳ 6 tháng/ lần để sớm phát hiện các triệu chứng bất thường của răng, từ đó có hướng điều trị kịp thời, phòng ngừa viêm tủy, chết tủy.
Viêm chóp răng là căn bệnh về răng miệng khó chịu, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng ăn uống, đời sống sinh hoạt và tinh thần của bạn. Vì vậy, hãy chủ động thăm khám và tiếp nhận phác đồ điều trị phù hợp do nha sĩ đưa ra. Đồng thời, chú ý vệ sinh chăm sóc răng miệng kỹ lưỡng và duy trì thói quen này hàng ngày để phòng ngừa viêm chóp răng nói riêng cũng như các bệnh lý răng miệng khác nói chung.
Có thể bạn quan tâm
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!