Các thuốc trị rối loạn tiêu hóa tốt nhất và cách dùng

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Nguyễn Thị Nhuần

Phó Giám đốc Chuyên môn

Bệnh rối loạn tiêu hóa thường gây ra nhiều vấn đề như tiêu chảy hoặc táo bón, ăn không tiêu, chướng bụng, buồn nôn… Trường hợp nặng, người bệnh cần sử dụng đến thuốc bác sĩ kê đơn để có thể kiếm soát tốt bệnh. Bài viết dưới đây sẽ điểm qua danh sách các thuốc trị rối loạn tiêu hóa phổ biến và cách sử dụng để mang đến hiệu quả tốt nhất.

Các thuốc trị rối loạn tiêu hóa phổ biến

Bệnh rối loạn tiêu hóa không chỉ gây ra nhiều triệu chứng khó chịu mà nếu kéo dài còn ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe người bệnh. Sử dụng các loại thuốc bác sĩ kê đơn có thể giúp nhanh chóng kiểm soát được bệnh, khôi phục chức năng tiêu hóa cho bệnh nhân.

1. Thuốc Metoclopramid chữa rối loạn tiêu hóa

Metoclopramid là thuốc chẹn thụ thể dopamin. Thuốc được bào chế dưới dạng viên nén, siro hoặc dung dịch tiêm. Loại thuốc này có tác dụng cải thiện tình trạng buồn nôn, nôn ói cho người bị rối loạn tiêu hóa.

Thuốc trị rối loạn tiêu hóa Metoclopramid
Thuốc trị rối loạn tiêu hóa Metoclopramid được sử dụng nhằm mục đích giảm buồn nôn, ói mửa cho người bệnh

Khi sử dụng, thuốc Metoclopramid hoạt động bằng cách kháng dopamin và thụ thể serotonin – 5HT3, tác động trực tiếp lên trung tâm nôn, đồng thời kích thích nhu động ruột, giảm trào ngược dạ dày thực quản. Nhờ đó có thể giúp dạ dày được làm rỗng nhanh hơn, chống lại tình trạng buồn nôn, ói mửa, ăn lâu tiêu và một số triệu chứng khó chịu do rối loạn tiêu hóa gây ra.

Chống chỉ định sử dụng thuốc Metoclopramid để điều trị rối loạn tiêu hóa cho bệnh nhân bị động kinh, người có xuất huyết trong dạ dày, ruột, thủng ruột, tắc ruột cơ học, u tế bào ưa crom hoặc bị dị ứng với thành phần của thuốc. Thận trọng khi dùng cho bệnh nhân bị hen suyễn, cao huyết áp, trẻ nhỏ, người bị suy giảm chức năng gan, thận, phụ nữ mang thai và cho con bú, bệnh nhân Parkinson, bệnh nhân có tiền sử bị trầm cảm.

Trong quá trình sử dụng thuốc Metoclopramid , bệnh nhân có thể gặp một số tác dụng phụ như tiêu chảy, buồn ngủ, yếu cơ, táo bón, khô miệng, đau đầu, chóng mặt…

Cách sử dụng thuốc:

  • Mỗi ngày uống thuốc 1 – 3 lần tùy theo tình trạng rối loạn tiêu hóa
  • Liều dùng được quy định theo độ tuổi và cân nặng của bệnh nhân. Người bệnh nên uống thuốc theo liều lượng được bác sĩ chỉ định để đạt được hiệu quả điều trị tốt nhất và giảm thiểu nguy cơ gặp tác dụng phụ ngoài ý muốn.

Xem thêm: Trẻ bị rối loạn tiêu hóa nên ăn gì? Ăn như thế nào đúng?

2. Thuốc trị rối loạn tiêu hóa Loperamid

Thuốc Loperamid được chỉ định cho người lớn và trẻ em trên 6 tuổi bị rối loạn tiêu hóa có biểu hiện tiêu chảy kéo dài. Thuốc hoạt động bằng cách ức chế hoạt động co bóp nhu động ruột khiến cho thức ăn di chuyển chậm lại trong đường tiêu hóa.

Ngoài ra, Loperamid cũng có tác dụng làm giảm sản xuất dịch tiêu hóa, tăng khả năng vận chuyển nước cũng như chất điện giải từ ruột đi vào trong máu, đồng thời làm tăng trương lực co thắt của các cơ cạnh hậu môn.

Thuốc được sử dụng theo đường uống. Bệnh nhân có thể dùng sau mỗi lần bị tiêu chảy với liều lượng tối đa trong ngày là 16mg. Không sử dụng loại thuốc này có các trường hợp bị dị ứng Loperamide, bệnh nhân bị tổn thương gan, bệnh lỵ, trướng bụng, trẻ em dưới 6 tuổi, bệnh nhân bị viêm đại tràng thể nặng hoặc viêm đại tràng màng giả và các trường hợp bị rối loạn tiêu hóa nhưng không tiêu chảy.

Liều dùng thuốc trị rối loạn tiêu hóa Loperamide: 

  • Điều trị cho trẻ 6 đến 12 tuổi: Tổng liều dùng trong ngày từ 0,08–0,24mg/kg chia làm 2 – 3 lần uống.
  • Điều trị cho người lớn: Trong giai đoạn cấp tính dùng liều khởi đầu là 4mg sau đó uống 2mg sau các lần đi ngoài phân lỏng, liều thông thường là 3 – 4 viên/ngày . Ở giai đoạn mãn tính dùng liều khởi đầu 4mg, sau đó uống 2mg sau mỗi lần bị tiêu chảy, liều duy trì từ 2 – 4 viên mỗi ngày.

3. Thuốc Domperidon trị rối loạn tiêu hóa

Thuốc Domperidon cũng được chỉ định để điều trị rối loạn tiêu hóa khi bệnh nhân có biểu hiện ăn uống kém tiêu hóa, buồn nôn, đầy bụng, có cảm giác nặng ở vùng thượng vị. Dược phẩm này được xếp vào nhóm thuốc kháng dopamin. Thuốc hoạt động bằng cách kích thích co thắt hoặc tăng cường các chuyển động tại ruột, dạ dày.

Thuốc Domperidon trị rối loạn tiêu hóa
Thuốc Domperidon được sử dụng để điều trị rối loạn tiêu hóa nhờ tác dụng chống đầy bụng, cải thiện tình trạng ăn không tiêu, buồn nôn

Với tác dụng trên, Domperidon có thể giúp đẩy nhanh quá trình di chuyển của thức ăn ở trong đường ruột, hỗ trợ tiêu hóa, cải thiện tình trạng ăn uống lâu tiêu, ói mửa, trướng bụng do rối loạn tiêu hóa gây ra. 

Chống chỉ định dùng Domperidon cho bệnh nhân có tiền sử bị chảy máu trong dạ dày hoặc đường ruột, bà bầu, trẻ sơ sinh hoặc những đối tượng có tiền sử bị tắc ruột. Cũng như các loại thuốc trị rối loạn tiêu hóa có nguồn gốc từ Tây y, thuốc Domperidon cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ như tiết sữa từ núm vú, đau đầu, nổi mề đay, khô miệng, ngứa da, sưng mắt, căng thẳng, đánh trống ngực, thay đổi thói quen tiểu tiện…

Liều dùng:

  • Người trưởng thành: Mỗi lần uống 10-20 mg , sử dụng thuốc sau mỗi 4 – 8 tiếng. Liều dùng tối đa trong ngày không nên vượt quá 80mg.
  • Trẻ em từ 2 tuổi trở lên và trẻ có cân nặng hơn 35kh: Mỗi lần uống 10-20 mg x 3 – 4 lần/ngày. Liều tối đa 80mg/ngày.

4. Thuốc trị rối loạn tiêu hóa Diarsed

Diarsed được sử dụng để điều trị triệu chứng tiêu chảy cấp, đau bụng cho các trường hợp bị rối loạn tiêu hóa. Thuốc được sử dụng theo đường miệng, có dạng viên bao đường được bào chế từ các thành phần chính gồm Atropin phối hợp với Diphenoxylate.

Các hoạt chất có trong thuốc được hấp thu nhanh tại ruột. Chúng phát huy tác dụng bằng cách làm chậm lại quá trình vận chuyển dịch cùng với chất điện giải qua ruột, qua đó cải thiện tình trạng tháo phân, tiêu chảy và ngăn ngừa mất nước ở ruột.

Thuốc trị rối loạn tiêu hóa Diarsed được chỉ định cho cả người trưởng thành và trẻ em. Đây là thuốc kê đơn nên cần có sự đồng ý của bác sĩ trước khi sử dụng. Trong quá trình điều trị rối loạn tiêu hóa bằng loại thuốc này, bệnh nhân nên thận trọng với một số tác dụng phụ như buồn ngủ, nổi mề đay ngứa ngoài da, khô miệng hoặc có cảm giác buồn nôn, chướng bụng.

Chống chỉ định thuốc Diarsed cho trẻ em dưới 30 tháng tuổi, bệnh nhân mắc chứng Glaucome góc đóng, bà bầu, người đang cho con bú, bệnh nhân bị viêm đại tràng xuất huyết cấp tính.

Liều dùng được khuyến cáo:

– Người trưởng thành: 

  • Trường hợp có biểu hiện tiêu chảy cấp: Điều trị với liều khởi đầu là 2 viên. Sau đó uống thêm 1 viên sau mỗi lần bị tiêu lỏng. Liều dùng tối đa trong ngày không được vượt quá 8 viên.
  • Điều trị triệu chứng tiêu chảy mãn: Mỗi ngày uống 1 – 2 viên

– Trẻ em từ 30 tháng trở lên: Mỗi ngày uống 1 – 4 viên hoặc 2,5 mg/5 kg/ngày

5. Thuốc Maalox plus

Maalox plus là thuốc không kê đơn được bào chế từ thành phần chính gồm: Nhôm hydroxid gel khô, Magnesi hydroxid, Simethicon phối hợp với một số loại tá dược khác. Thuốc được sử dụng rộng rãi trong điều trị rối loạn tiêu hóa,  ợ nóng, đầy hơi, viêm loét dạ dày.

Thuốc Maalox plus
Thuốc điều trị rối loạn tiêu hóa Maalox plus

Đối tượng có thể sử dụng thuốc Maalox plus để điều trị rối loạn tiêu hóa là trẻ em trên 6 tuổi và người lớn. Hãy thông báo cho bác sĩ biết khi đi khám nếu bạn bị dị ứng với một trong các thành phần của thuốc hoặc bệnh nhân bị suy thận nặng.

Hiếm khi thuốc Maalox plus gây ra tác dụng phụ khi sử dụng đúng theo liều lượng được khuyến cáo. Trường hợp sử dụng thuốc quá liều, bệnh nhân có thể bị táo bón hoặc tiêu lỏng. Một số trường hợp bị mất phospho khi sử dụng thuốc kéo dài hoặc điều trị với liều cao.

Cách sử dụng thuốc trị rối loạn tiêu hóa Maalox plus:

  • Trẻ trên 6 tuổi: Dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ
  • Người trưởng thành: Mỗi lần uống 1 – 2 viên x 4 lần/ngày
  • Thời điểm uống thuốc tốt nhất: Sau bữa ăn từ 20 phút – 1 tiếng hoặc trước khi đi ngủ vào buổi tối.
  • Khi sử dụng, nhai nát viên thuốc rồi uống với khoảng 200ml nước.

Tham khảo thêm: Trẻ bị rối loạn tiêu hóa – Nguyên nhân, dấu hiệu và điều trị

6. Thuốc trị rối loạn tiêu hóa Cyclovalon

Cyclovalon là thuốc lợi mật được sử dụng để điều trị triệu chứng đầy bụng, táo bón, khó tiêu, chướng hơi có liên quan đến rối loạn tiêu hóa và các bệnh lý khác ở đường ruột. Thuốc được bào chế dưới dạng viên bao đường 50mg.

Khi dùng, thuốc Cyclovalon sẽ được hấp thu và hoạt động bằng cách làm tăng khả năng tạo mật ở các tế bào gan. Điều này có thể giúp thúc đẩy quá trình tiêu hóa thức ăn và cải thiện đáng kể các triệu chứng khó chịu do rối loạn tiêu hóa gây ra.

Hướng dẫn cách dùng thuốc:

  • Sử dụng thuốc Cyclovalon theo đường uống với liều lượng được hướng dẫn trong đơn của bác sĩ
  • Nếu sau 5 – 7 ngày sử dụng mà tình trạng rối loạn tiêu hóa vẫn chưa được cải thiện, bệnh nhân nên tái khám để được thay đổi loại thuốc khác nếu cần thiết.

7. Thuốc chữa rối loạn tiêu hóa Berberin 

Thuốc Berberin được sử dụng lâu đời trong điều trị rối loạn tiêu hóa. Thuốc chứa thành phần chính được chiết xuất từ rễ và thân cây vàng đắng.

Berberin chứa hoạt tính kháng sinh, chống viêm. Thuốc có khả năng ức chế hoạt động của liên cầu khuẩn mà một số tác nhân gây bệnh khác như tụ cầu khuẩn, Shigella, nấm men, vi khuẩn gram +, gram – cùng các loại vi khuẩn kháng axit.

Thuốc chữa rối loạn tiêu hóa Berberin 
Thuốc Berberin giúp giảm nhanh triệu chứng tiêu chảy cho bệnh nhân bị rối loạn tiêu hóa

Với tác dụng trên, thuốc Berberin thường được chỉ định để điều trị triệu chứng tiêu chảy có liên quan đến chứng rối loạn tiêu hóa. Ngoài ra, bệnh nhân bị nhiễm trùng ruột do lị amip, lị trực trùng cũng có thể sử dụng loại thuốc này để cải thiện tình trạng bệnh.

Thuốc Berberin chiết xuất từ thiên nhiên nên khá lành tính, ít khi gây ra tác dụng phụ cho người sử dụng. Tuy nhiên, trong trường hợp lạm dụng thuốc quá liều, bệnh nhân có thể bị đau bụng, nôn ói, khó thở, co giật, tim đập chậm hoặc nghiêm trọng hơn là suy tim dẫn đến tử vong.

Loại thuốc này không an toàn cho trẻ em, phụ nữ có thai hoặc người đang cho con bú. Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi điều trị rối loạn tiêu hóa bằng thuốc Berberin để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Cách sử dụng thuốc cho người lớn:

  • Mỗi lần uống 2 – 4 viên ( hàm lượng 50mg) x 2 lần/ngày
  • Uống thuốc với nhiều nước và nên dùng cách thời điểm uống các thuốc khác 1 – 2 tiếng để tránh hiện tượng tương tác giữa các thuốc với nhau.
  • Ăn no trước khi uống thuốc sẽ giúp ngăn ngừa được hiện tượng kích ứng ở niêm mạc dạ dày.

8. Thuốc Forlax chống táo bón cho người bị rối loạn tiêu hóa

Forlax thuốc nhóm thuốc nhuận tràng được bác sĩ kê đơn để điều trị táo bón cho người bị rối loạn tiêu hóa hoặc các trường hợp mắc bệnh crohn, viêm loét đại trực tràng. Thuốc được bào chế dưới dạng bọt đóng trong các gói nhỏ. Mỗi gói chứa Macrogol 4000 (10g) kết hợp cùng các loại tá dược khác. 

Hoạt chất Macrogol có khả năng làm tăng lưu lượng nước trong ruột. Qua đó làm mềm phân, thúc đẩy quá trình di chuyển của thức ăn trong ruột, cải thiện tình trạng táo bón cho người bệnh.

Thuốc Forlax được sử dụng để điều trị rối loạn tiêu hóa cho người lớn. Bệnh nhân sử dụng thuốc quá liều có thể dẫn đến hiện tượng tiêu chảy hoặc đau bụng. Những tác dụng phụ trên có thể biến mất sau khoảng 24 – 48 tiếng kể từ khi ngưng thuốc. 

Liều dùng thuốc Forlax trị táo bón do rối loạn tiêu hóa:

  • Mỗi ngày uống 1 – 2 gói
  • Khi sử dụng, xé gói lấy bột thuốc đem hòa tan trong 1 ly nước để uống
  • Thuốc có thể phát huy hiệu quả sau khoảng 24 – 48 tiếng sử dụng

9. Dung dịch Oresol

Oresol là thuốc bù nước và bổ sung chất điện giải cho các trường hợp bị tiêu chảy kéo dài do nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm cả rối loạn tiêu hóa. Thuốc chứa thành phần Natri clorid, kali clorid phối hợp cùng với glucose khan và natri citrat.

Dung dịch Oresol
Oresol được sử dụng để ngăn ngừa và điều trị mất nước cùng chất điện giải khi rối loạn tiêu hóa gây tiêu chảy, nôn ói nhiều

Thuốc Oresol dùng được cho cả người trưởng thành và trẻ em. Loại thuốc này cũng được sử dụng để bổ sung nước và chất điện bị mất cho các trường hợp bị nôn ói nhiều, sốt cao kéo dài, sốt xuất huyết hay những đối tượng vận động thể lực nhiều.

Các tác dụng phụ có thể gặp khi sử dụng thuốc Oresol trị rối loạn tiêu hóa bao gồm: Nôn nhẹ, tăng natri huyết, mi mắt nặng. Trường hợp uống thuốc quá liều có thể khiến natri huyết tăng cao gây ra các tác dụng phụ nguy hiểm như co giật, chống mặt, cao huyết áp, tim đập nhanh, sưng phù bàn chân, mệt mỏi, dễ cáu gắt…

Thuốc Oresol an toàn cho phụ nữ mang thai và trẻ em. Không sử dụng thuốc cho các đối tượng bị rối loạn dung nạp glucose, bệnh nhân bị xơ gan, suy thận cấp, vô niệu, sốc kèm theo mất nước nghiêm trọng, liệt ruột, thủng ruột, tắc nghẽn ruột hoặc bị dị ứng với bất cứ thành phần nào của thuốc.

Hướng dẫn cách sử dụng Oresol cho người bị rối loạn tiêu hóa có biểu hiện tiêu chảy, nôn ói nhiều:

– Ở người lớn:

+ Ngăn ngừa mất nước do tiêu chảy: Dùng 10mg x kg trọng lượng cơ thể sau mỗi lần đi cầu ra phân lỏng. Phụ nữ sau sinh vẫn có thể tiếp tục cho con bú nếu dung nạp tốt với thuốc.

+ Bù mất nước ở mức độ nhẹ và vừa cho đối tượng bị tiêu chảy: Trong 4 giờ đầu sử dụng 75ml Oresil x Kg trọng lượng cơ thể. Sau đó tùy theo chuyển biến của bệnh mà điều chỉnh liều dùng cho phù hợp:

  • Nếu dấu hiệu mất nước đã chấm dứt: Duy trì liều dùng dự phòng
  • Tình trạng mất nước vẫn còn: Tiếp tục uống theo liều được hướng dẫn ở trên.
  • Bệnh nhân bị mất nước nghiêm trọng: Lập tức đưa đến bệnh viện để được cấp cứu, truyền nước theo đường tĩnh mạch.

– Ở trẻ em: 

  • Trẻ nhũ nhi: Mỗi lần uống 50ml x 2 – 3 lần/ngày
  • Trẻ 2 đến 6 tuổi: Mỗi lần uống 100 ml x 2 -3 lần/ngày
  • Trẻ 6 đến 12 tuổi: Mỗi lần uống 150ml x 2 – 3 lần/ngày.

Lưu ý: Pha Oresol theo đúng hướng dẫn in trên bao bì. Sử dụng nước nguội để pha, tránh dùng nước sôi hoặc nước khoáng.

Gợi ý: Rối loạn tiêu hóa khi mang thai– Cải thiện như thế nào?

10. Thuốc kháng sinh

Ngoài các loại thuốc trị rối loạn tiêu hóa ở trên, thuốc kháng sinh cũng có thể được chỉ định. Nhóm thuốc này có tác dụng diệt khuẩn nên được sử dụng để điều trị cho các đối tượng bị rối loạn tiêu hóa do nhiễm khuẩn.

Thuốc kháng sinh có thể tiêu diệt vi khuẩn có hại nhưng cũng đồng thời có thể giết chết lợi khuẩn. Hơn nữa, bệnh nhân có thể bị lờn thuốc nếu sử dụng không đúng cách. Vì vậy, bệnh nhân không được tùy tiện uống thuốc kháng sinh bừa bãi trừ khi được bác sĩ chỉ định.

Lưu ý khi dùng thuốc điều trị rối loạn tiêu hóa

Sử dụng các thuốc trị rối loạn tiêu hóa do bác sĩ kê đơn thường cho hiệu quả nhanh, giúp cải thiện đáng kể các triệu chứng bệnh có liên quan trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, hầu hết các loại thuốc ở trên đều tiềm ẩn một số tác dụng phụ không tốt cho sức khỏe. Để tránh gặp phải rủi ro ngoài ý muốn và đạt được hiệu quả tốt nhất khi sử dụng thuốc, người bệnh cần lưu ý:

  • Đọc kỹ hướng dẫn cách dùng thuốc và tuân thủ liều lượng được khuyến nghị
  • Đối với các loại thuốc kê đơn cần có sự đồng ý của bác sĩ trước khi dùng
  • Nếu gặp bất kỳ tác dụng phụ nào ngoài ý muốn, hãy thông báo cho bác sĩ biết. Nếu tác dụng phụ ảnh hưởng đến sức khỏe, bác sĩ có thể đề nghị bạn dùng loại thuốc khác an toàn hơn.
  • Sử dụng thuốc trị rối loạn tiêu hóa cần kết hợp điều trị cả nguyên nhân gây bệnh thì mới cho hiệu quả lâu dài.
  • Trong thời gian dùng thuốc người bệnh nên kết hợp uống nhiều nước, hạn chế ăn đồ ngọt, gia vị cay và các món ăn nhiều dầu mỡ khiến cho bệnh tình trở nên nghiêm trọng hơn. Thay vào đó, cần tăng cường bổ sung các thực phẩm giàu chất xơ như rau xanh, trái cây để cải thiện sức đề kháng cho cơ thể. Chia nhỏ bữa ăn trong ngày để giảm bớt áp lực cho đường ruột.

Bài viết đã cung cấp đến bạn đọc các thuốc trị rối loạn tiêu hóa tốt nhất và được nhiều chuyên gia khuyên dùng. Để sử dụng thuốc an toàn và hiệu quả, người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng. Không tự ý sử dụng thuốc để tránh bệnh nghiêm trọng hơn. 

Bạn nên tìm hiểu thêm

Chia sẻ:
Trẻ bị rối loạn tiêu hóa nên ăn gì & cho ăn thế nào đúng?

Xây dựng một chế độ ăn uống hợp lý cho bé chính là cách đơn giản nhất để cha mẹ…

Cách đặc trị rối loạn tiêu hóa kéo dài ở người lớn

Chứng rối loạn tiêu hóa kéo dài ở người lớn có thể khiến bệnh nhân mệt mỏi, suy kiệt sức…

Rối Loạn Tiêu Hóa – Nguyên nhân Dấu hiệu & Cách chữa ở người lớn

Rối loạn tiêu hóa là một bệnh lý khá phổ biến trong cuộc sống hàng ngày của mỗi người. Tình…

Bị rối loạn tiêu hóa có nên ăn sữa chua không?

Rối loạn tiêu hóa có nên ăn sữa chua không là thắc mắc chung của rất nhiều bạn đọc bởi…

Bị rối loạn tiêu hóa có nên uống nước cam không?

Nước cam là một loại thức uống rất tốt cho sức khỏe, bởi vì nó chứa nhiều vitamin và khoáng…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chia sẻ
Bỏ qua