Sỏi Niệu Quản – Triệu chứng & Cách điều trị, tránh biến chứng

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Nguyễn Thị Nhuần

Phó Giám đốc Chuyên môn

Sỏi niệu quản là dạng sỏi tiết niệu có mức độ nghiêm trọng và dễ gây ra các biến chứng nặng nề. Nếu sỏi có kích thước nhỏ và không gây ra tổn thương thực thể, điều trị chủ yếu là cải thiện triệu chứng và kiểm soát tiến triển của bệnh. Ngược lại với trường hợp sỏi có kích thước lớn, cần tiến hành tán sỏi hoặc phẫu thuật để loại bỏ sỏi trong thời gian sớm nhất.

sỏi niệu quản có nguy hiểm không
Sỏi niệu quản là dạng sỏi tiết niệu có mức độ nghiêm trọng và dễ gây ra các biến chứng nặng nề

Sỏi niệu quản là gì?

Niệu quản là bộ phận của cơ quan bài tiết. Niệu quản có hình ống dài và đường kính hẹp, nối giữa thận và bàng quang. Bộ phận này đảm nhiệm vai trò vận chuyển nước tiểu từ thận xuống bàng quang.

Sỏi niệu quản là một dạng sỏi đường tiết niệu ít gặp nhưng có mức độ nghiêm trọng nhất. Bệnh xảy ra khi khoáng chất tích tụ bên trong thận rơi xuống niệu quản và gây cản trở quá trình dẫn lưu nước tiểu. Tuy nhiên, ở một số trường hợp có điều kiện sức khỏe đặc biệt như túi thừa, u và hẹp niệu quản, sỏi có thể hình thành ngay tại cơ quan này.

Do có đường kính hẹp nên sỏi ở niệu quản có nguy cơ làm tắc nghẽn đường dẫn nước tiểu, gây ra chứng bí tiểu cấp và các biến chứng nguy hiểm khác.

Nguyên nhân gây bệnh sỏi niệu quản

Sỏi niệu quản có thể xảy ra do những nguyên nhân sau đây:

nguyên nhân sỏi niệu quản
Hơn 80% trường hợp sỏi niệu quản đều do sỏi từ thận di chuyển xuống
  • Sỏi thận: Phần lớn các trường hợp sỏi niệu quản đều do bệnh sỏi thận gây ra. Trong quá trình dẫn nước tiểu từ thận xuống bàng quang, một số sỏi có thể di chuyển xuống và mắc kẹt ở bên trong niệu quản.
  • Cấu trúc niệu quản bất thường: Phì đại niệu quản, túi thừa niệu quản,… là một trong những điều kiện khiến nước tiểu ứ đọng bên trong cơ quan này và tăng nguy cơ kết tinh sỏi.
  • Chế độ ăn nhiều canxi: Bổ sung quá nhiều canxi có thể khiến canxi lắng đọng bên trong thận và kết tinh với các khoáng chất khác tạo ra sỏi.
  • Biến chứng do một số bệnh lý khác: Lao, tuyến giáp, tiểu đường, bệnh gout,… có thể khiến sỏi hình thành ở thận và di chuyển xuống niệu quản.
  • Dư thừa vitamin C: Vitamin C là thành phần cần thiết cho hệ miễn dịch và quá trình trao đổi chất của cơ thể. Tuy nhiên bổ sung quá nhiều loại vitamin này có thể làm tăng oxalate bên trong thận, dẫn đến tình trạng lắng đọng khoáng chất và gây ra hiện tượng kết tinh.

Triệu chứng nhận biết sỏi niệu quản

Sự xuất hiện của sỏi ở niệu quản có thể làm gián đoạn quá trình dẫn lưu nước tiểu từ thận xuống bàng quang và gây ra các triệu chứng lâm sàng như:

triệu chứng sỏi niệu quản
Sỏi ở niệu quản thường gây đau quặn thận, cơn đau có tính chất đột ngột và mức độ nặng nề
  • Đau cấp tính: Cơn đau quặn thận là triệu chứng điển hình của bệnh sỏi niệu quản. Vị trí đau thường xảy ra ở vùng thắt lưng sau đó lan xuống vùng bẹn sinh dục. Cơn đau có xu hướng xuất hiện đột ngột sau khi vận động nặng.
  • Tiểu ra máu: Sỏi có thể ma sát với thành niệu quản và gây xuất huyết. Vì vậy bệnh nhân sỏi niệu quản có thể tiểu ra máu (nước tiểu thường có màu hồng hoặc đỏ).
  • Tiểu ra mủ: Triệu chứng này thường xảy ra ở người bị sỏi ở cả niệu quản và thận.
  • Tiểu buốt, sốt và tiểu rắt: Xảy ra khi sỏi niệu quản gây nhiễm khuẩn đường tiết niệu.

Sỏi niệu quản có nguy hiểm không?

Sỏi niệu quản là dạng sỏi tiết niệu có mức độ nghiêm trọng nhất. Do niệu quản là cơ quan có kích thước nhỏ và dễ bị tắc nghẽn hoàn toàn.

biến chứng sỏi niệu quản
Suy thận cấp và mãn tính là một trong những biến chứng của sỏi niệu quản

Với những trường hợp không can thiệp kịp thời, bệnh có thể dẫn đến những biến chứng như sau:

  • Nhiễm khuẩn đường tiết niệu: Sỏi có thể kích thích, ma sát lên thành niệu quản và tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập, gây nhiễm trùng.
  • Vô niệu: Sỏi phát triển lớn có thể gây tắc nghẽn 2 ống dẫn nước tiểu và làm phát sinh tình trạng vô niệu. Với biến chứng này, bác sĩ thường phải tiến hành phẫu thuật trong thời gian sớm nhất để lấy sỏi ở niệu quản và dẫn lưu nước tiểu ra bên ngoài.
  • Giãn đài bể thận: Khi sỏi gây tắc nghẽn niệu quản trái/ phải, nước tiểu sẽ có xu hướng ứ đọng và gây giãn đài bể thận.
  • Suy thận: Tình trạng tắc nghẽn đường dẫn nước tiểu hoàn toàn có thể gây suy thận cấp và mãn tính. Ngoài ra chức năng thận suy giảm đột ngột còn có thể gây tăng huyết áp, rối loạn điện giải, tăng kali huyết, canxi huyết và đường huyết.

Các biện pháp chẩn đoán bệnh

Sỏi niệu quản có triệu chứng nặng nề hơn so với sỏi bàng quang và sỏi thận. Tuy nhiên chỉ dựa vào triệu chứng lâm sàng có thể gây nhầm lẫn trong quá trình chẩn đoán. Vì vậy trước khi điều trị, bác sĩ sẽ đề nghị bạn thực hiện một số chẩn đoán cần thiết như:

  • X-Quang: Hình ảnh từ X-Quang có thể giúp bác sĩ xác định sự hiện diện ở niệu quản, thận và bàng quang. Ngoài ra xét nghiệm này cũng giúp bác sĩ xác định một số vấn đề bất thường ở niệu quản như hẹp niệu quản, túi thừa niệu quản,…
  • CT – Chụp cắt lớp vi tính: So với X-Quang, hình ảnh từ CT hiển thị rõ nét các mô mềm của cơ quan tiết niệu. Thông qua hình ảnh chụp cắt lớp vi tính, bác sĩ có thể xác định được tổn thương ở niệu quản và tình trạng giãn đài bể thận.
  • Siêu âm: Kỹ thuật chẩn đoán này giúp xác định sự hiện diện và kích thước của sỏi tiết niệu. Ngoài ra siêu âm còn giúp xác định độ giãn của đài bể thận, độ dày mỏng của thành niệu quản và nhu mô thận.
  • Xét nghiệm máu và nước tiểu: Xác định sự hiện diện của các tinh thể phốt phát và oxalate. Ngoài ra xét nghiệm máu còn cho thấy sự hiện diện của vi khuẩn và một số yếu tố giúp đáng giá chức năng thận như định lượng creatinin, ure, protein,…

Cách chữa bệnh sỏi niệu quản

Điều trị sỏi niệu quản phụ thuộc vào kích thước, vị trí sỏi, khả năng đáp ứng và một số yếu tố đi kèm (nhiễm trùng, hẹp niệu quản, túi thừa niệu quản,…).

1. Điều trị bảo tồn

Với những trường hợp sỏi có kích thước nhỏ, chưa gây ra biến chứng nghiêm trọng và sỏi nằm ở vị trí thấp (gần bàng quang), bác sĩ thường chỉ định điều trị bảo tồn.

Các phương pháp điều trị bảo tồn sỏi niệu quản, bao gồm:

  • Thuốc chống viêm
  • Thuốc lợi niệu
  • Thuốc chống co thắt
  • Thuốc kiềm hóa nước tiểu (trong trường hợp sỏi không cản quang)

Ngoài ra, bạn có thể áp dụng một số bài thuốc Đông Y có tác dụng tán sỏi, lợi tiểu tiện và bổ thận để thu nhỏ kích thước sỏi nhằm đẩy sỏi xuống bàng quang và niệu đạo.

cách chữa sỏi niệu quản
Áp dụng bài thuốc Đông y điều trị sỏi niệu quản giúp cải thiện triệu chứng và thu nhỏ kích thước sỏi

Một số bài thuốc bạn có thể áp dụng, bao gồm:

  • Bài thuốc 1: Dùng hoạt thạch, biển súc, sơn chi tử, mộc thông, cù mạch, xa tiền tử mỗi vị 12g, cam thảo 6g và đại hoàng 8g. Đem rửa sạch, thái nhỏ, sao vàng hạ thổ và sắc với 1 bát nước còn lại 2 bát. Thêm nước vào và sắc lấy 1 bát rưỡi, trộn đều nước sắc và chia thành 3 lần uống/ ngày. Áp dụng bài thuốc liên tục trong 2 – 3 tháng.
  • Bài thuốc 2: Chuẩn bị cam thảo đất và vỏ núc nác mỗi vị 16g, ý dĩ nhân, quả dành dànhvà lá mã đề mỗi vị 20g, tỳ giải và kim tiền thảo mỗi vị 30g, xương bồ 8g và quế chi 4g. Sắc uống như trên.
  • Bài thuốc 3: Dùng thạch vĩ 12g, thổ phục linh, liên nhục mỗi vị 20g, tơ hồng (sao vàng), tỳ giải và hoài sơn (sao vàng) mỗi vị 30g, quy bản 10g, mã đề 16g. Sắc uống như trên.

2. Can thiệp ngoại khoa

Với những sỏi có kích thước lớn, gây đau đớn và nhiễm trùng tiết niệu hoặc đã gây ra biến chứng (giãn niệu quản, giãn đài bể thận,…), cần tiến hành các biện pháp ngoại khoa nhằm loại bỏ sỏi trong thời gian sớm nhất.

Tùy vào vị trí và kích thước sỏi mà bác sĩ có thể chỉ định một trong những thủ thuật ngoại khoa sau:

  • Tán sỏi qua da
  • Tán sỏi bằng phương pháp nội soi niệu quản
  • Mổ/ Phẫu thuật lấy sỏi

So với kỹ thuật tán sỏi niệu quản, mổ lấy sỏi thường khó thực hiện và dễ gây biến chứng. Vì vậy phương pháp này cần được cân nhắc kỹ lưỡng trước khi thực hiện để dự phòng các tình huống đáng tiếc.

Phòng ngừa bệnh sỏi niệu quản và sỏi đường tiết niệu

Sỏi niệu quản là một trong những dạng sỏi tiết niệu dễ gây biến chứng. Vì vậy bạn nên chủ động làm giảm nguy cơ mắc bệnh với các biện pháp dự phòng sau:

điều trị sỏi niệu quản
Hạn chế dùng rượu bia và đồ uống chứa cồn giúp làm giảm nguy cơ hình thành sỏi đường tiết niệu

Biện pháp ngăn ngừa bệnh sỏi niệu quản và các bệnh sỏi tiết niệu khác:

  • Tuyệt đối không nhịn đi tiểu khi cơ thể có nhu cầu. Thói quen này làm tăng nồng độ khoáng chất trong nước tiểu, dẫn đến tình trạng lắng đọng và kết tinh sỏi.
  • Uống nhiều nước, thường xuyên ăn rau xanh và cam chanh nhằm kiềm hóa nước tiểu, làm loãng nồng độ khoáng chất và ngăn chặn quá trình hình thành tinh thể.
  • Kiểm soát tốt các bệnh lý có nguy cơ gây sỏi như bệnh gout, lao thận, tuyến giáp,…
  • Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng khoa học, không nên bổ sung quá nhiều vitamin C và canxi. Trong trường hợp phải sử dụng viên uống bổ sung, bạn nên dùng theo liều lượng được bác sĩ chỉ định để giảm nguy cơ kết tinh sỏi.
  • Hạn chế uống rượu bia, trà đặc và cà phê.
  • Thận trọng khi sử dụng thuốc trong điều trị dài hạn. Bởi một số loại thuốc có thể làm tăng nồng độ canxi huyết và gây ra hiện tượng kết tinh sỏi ở thận.
  • Thăm khám định kỳ 6 tháng/ lần để kịp thời phát hiện sỏi niệu quản và chủ động hơn trong quá trình điều trị.

Bài viết đã tổng hợp một số thông tin khái quát về bệnh sỏi niệu quản. Nếu nhận thấy các dấu hiệu của bệnh, bạn nên liên hệ với bác sĩ để thực hiện chẩn đoán và can thiệp điều trị kịp thời. Với những trường hợp chủ động trong quá trình thăm khám và điều trị, bệnh thường có đáp ứng tốt, tiến triển tích cực và hiếm khi gây ra biến chứng.

Có thể bạn quan tâm:

Chia sẻ:
Són tiểu ở trẻ là tình trạng trẻ tiểu không tự chủ. Trẻ bị tiểu són – Nguyên nhân và cách khắc phục cho con

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng tiểu són ở trẻ. Nếu trẻ bị mắc các bệnh lý…

Bí tiểu sau sinh – Nguyên nhân, cách điều trị & phòng ngừa

Bí tiểu sau sinh là tình trạng rối loạn đường tiểu, mắc đi tiểu nhưng không thể đi được ở…

Ngứa đường tiết niệu có chữa được không? Có nguy hiểm không?

Hầu hết các trường hợp ngứa đường tiết niệu ban đầu sẽ tạo cảm giác nóng rát, gây ra nhiều…

thận ứ nước nên ăn gì kiêng gì Bị thận ứ nước nên ăn gì, kiêng gì cải thiện bệnh?

Người bị thận ứ nước cần thiết lập kế hoạch ăn kiêng phù hợp để hỗ trợ quá trình điều…

Viêm bàng quang có thai được không? Có ảnh hưởng gì?

Viêm bàng quang xảy ra khi niêm mạc bàng quang bị nhiễm trùng do vi khuẩn tấn công gây hại.…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chia sẻ
Bỏ qua