Miệng Đắng và Hôi Là Bệnh Gì? Có Ảnh Hưởng Gì Không?
Miệng đắng và hôi có thể xảy ra khi bạn dùng các thực phẩm có vị đắng, nặng mùi. Tuy nhiên, các biểu hiện này cũng có thể là dấu hiệu của các bệnh lý như sâu răng, viêm nha chu, trào ngược dạ dày, các bệnh về gan hoặc thậm chí là ung thư. Vì vậy, bạn cần xác định nguyên nhân để khắc phục tình trạng hiệu quả.
Miệng đắng và hôi do đâu?
Miệng bị đắng và hôi xuất hiện khi bạn dùng các món ăn có vị cay, đắng, chua và có mùi nồng như ớt, tỏi, khổ qua, uống bia rượu, hút thuốc lá,… Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài hoặc xuất hiện đột ngột có thể là dấu hiệu của rối loạn vị giác hoặc mắc các bệnh lý liên quan cần được thăm khám và điều trị đúng cách.
Tình trạng đắng và hôi miệng tác động không nhỏ đến vị giác, khả năng cảm nhận mùi vị của món ăn, thức uống giảm đáng kể. Hơn nữa, hơi thở có mùi khiến bạn gặp khó khăn trong giao tiếp, sinh hoạt hàng ngày, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Dưới đây là một số nguyên nhân khiến miệng đắng và hôi:
Nguyên nhân bệnh lý
Nhiều trường hợp bị đắng miệng và hôi là biểu hiện của các bệnh lý. Cụ thể:
Các bệnh nha khoa
Viêm nha chu, áp xe răng là nguyên nhân hàng đầu gây hôi và đắng miệng. Các bệnh lý này xuất hiện khi vi khuẩn trong khoang miệng sinh sôi mạnh, tấn công vào men răng, ngà răng gây hư tổn tủy răng, mô nướu xung quanh và hình thành ổ mủ.
Các túi mủ chứa vi khuẩn, tế bào bạch cầu, dịch có mùi hôi tanh khó chịu. Trường hợp vỡ áp xe, mủ sẽ tràn ra khoang miệng, người bệnh sẽ cảm nhận vị đắng khó chịu. Đây là tình trạng khẩn cấp cần được xử lý đúng cách để tránh phát sinh biến chứng nguy hiểm.
Mặc dù có mức độ nặng, nguy hiểm nhưng viêm nha chu, áp xe răng được kiểm soát hoàn toàn nếu được điều trị và chăm sóc đúng cách. Theo đó, khi bệnh được kiểm soát thì tình trạng miệng đắng, hơi thở có mùi cũng sẽ biến mất.
Khô miệng
Khô miệng là thuật ngữ đề cập đến tình trạng giảm tiết nước bọt trong khoang miệng. Nước bọt đóng vai trò quan trọng trong cân bằng độ pH khoang miệng, hỗ trợ quá trình tái khoáng men răng, kiểm soát vi khuẩn gây ra các bệnh nha khoa.
Khi miệng bị khô, vi khuẩn sẽ phát triển mạnh và khiến miệng có mùi hôi, vị đắng, đồng thời làm tăng nguy cơ phát sinh các bệnh như viêm nướu răng, sâu răng, viêm họng,… Nguyên nhân gây giảm hoạt động tuyến nước bọt có thể do ít uống nước, sử dụng thuốc Tây, hút thuốc lá,..
Hội chứng bỏng miệng
Hội chứng bỏng miệng được mô tả giống như ăn ớt cay, miệng sẽ xuất hiện vị đắng, cay khó chịu. Tình trạng này có thể xuất hiện liên tục hoặc không liên tục nhưng tác động tiêu cực đến khả năng cảm nhận mùi vị của thức ăn, đồ uống và ảnh hưởng đến sinh hoạt, giao tiếp hàng ngày.
Hiện tại, chuyên gia vẫn chưa xác định cụ thể nguyên nhân gây ra hội chứng bỏng miệng. Tuy nhiên, họ nhận thấy tình trạng có liên quan đến nấm candida miệng, thiếu hụt vitamin, khô miệng, thói quen vệ sinh răng miệng,…
Trào ngược dạ dày
Trong nhiều trường hợp, miệng đắng và hôi là biểu hiện của bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Bệnh lý đặc trưng bởi hiện tượng thức ăn trong dạ dày cùng với axit dịch vị trào ngược lên thực quản và khoang miệng. Lúc này, bệnh nhân sẽ cảm nhận được vị đắng, mùi hôi ở khoang miệng.
Trào ngược dạ dày còn gây ra một số biểu hiện như đau vùng thượng vị, ợ chua, ợ nóng, rát họng, buồn nôn, nôn mửa,… Bệnh lý không chỉ ảnh hưởng vị giác mà còn tác động xấu đến hệ tiêu hóa. Do đó, người bệnh cần chủ động thăm khám và điều trị sớm.
Các bệnh nhiễm trùng
Mặc dù không phổ biến nhưng các bệnh nhiễm trùng, nhất là nhiễm trùng virus có thể gây rối loạn vị giác và khiến hơi thở có mùi hôi. Các chuyên gia nhận thấy, bệnh nhiễm trùng đường hô hấp và viêm gan là tác nhân hàng đầu gây ra tình trạng này.
- Nhiễm trùng đường hô hấp: Viêm amidan, viêm họng, viêm xoang, viêm tai giữa, cảm lạnh kéo dài khiến vị giác thay đổi, ăn uống không ngon, không cảm nhận trọn vẹn hương vị của món ăn. Bên cạnh đó, dịch nhầy từ khoang xoang hoặc amidan tiết ra có vị đắng, mùi hôi khó chịu trong khoang miệng. Các biểu hiện này sẽ biến mất hoàn toàn khi bệnh lý được kiểm soát.
- Viêm gan: Bệnh xuất hiện khi virus tấn công gan và gây nhiễm trùng cơ quan này. Người mắc bệnh xuất hiện các biểu hiện như đắng miệng, trong miệng có vị kim loại, ăn uống không ngon, chán ăn, hơi thở có mùi hôi,… Bệnh lý nếu không được điều trị sớm có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm.
Nấm miệng khiến miệng đắng và hôi
Nhiễm nấm candida miệng (tưa miệng) có thể xảy ra ở cả trẻ sơ sinh và người trưởng thành, nhất là người suy giảm miễn dịch. Nguyên nhân phổ biến gây ra bệnh lý là do vệ sinh răng miệng kém, thói quen dùng các món ăn, thức uống chứa nhiều đường,…
Bệnh lý đặc trưng bởi tình trạng thiểu năng nước bọt, khô miệng, cảm nhận vị đắng trong miệng, niêm mạc miệng đỏ, loét, khó nuốt và đau rát. Để kiểm soát các triệu chứng do bệnh lý gây ra cũng như tránh phát sinh các biến chứng nguy hiểm, bạn cần đến gặp bác sĩ trong thời gian sớm nhất để được xử lý đúng cách.
Ung thư
Việc áp dụng phương pháp hóa trị và xạ trị trong điều trị ung thư có thể khiến vị giác rối loạn, gây ra tình trạng đắng và hôi miệng. Trong một số trường hợp bệnh nhân cảm nhận được vị kim loại hoặc vị chua trong miệng. Tình trạng rõ hơn khi điều trị ung thư cổ và đầu. Sau khi kết thúc điều trị, các biểu hiện này cũng sẽ thuyên giảm hẳn.
Các nguyên nhân thông thường
Ngoài các nguyên nhân bệnh lý, tình trạng miệng đắng và hôi còn xảy ra do những nguyên nhân thông thường như thói quen hút thuốc lá, vệ sinh răng miệng kém, rối loạn nội tiết tố, tác dụng phụ của thuốc điều trị, thực phẩm chức năng,…
Vệ sinh răng miệng kém
Tình trạng hôi và đắng miệng thường xuất hiện do vệ sinh răng miệng kém. Nhiều người cho răng, chỉ đánh răng 2 lần mỗi ngày là đã làm sạch răng miệng. Tuy nhiên, chỉ như vậy sẽ không loại bỏ được thức ăn thừa giắt ở kẽ răng, mảng bám ở các răng khuất. Lâu dần sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển gây ra mùi hôi ở khoang miệng, đồng thời làm thay đổi vị giác.
Ngoài ra, không vệ sinh mặt lưỡi thường xuyên khiến miệng có vị đắng. Bởi trên lưỡi chứa rất nhiều nụ vị giác có chức năng cảm thụ mùi vị. Nếu không được vệ sinh sạch, mặt lưỡi xuất hiện mảng nám, vi khuẩn và gây ra nhiều vấn đề ở cơ quan này.
Hút thuốc lá
Thực tế nhận thấy, người hút thuốc lá có nguy cơ mắc các bệnh răng miệng cao hơn so với người không hút thuốc. Cụ thể, người có thói quen này khiến hơi thở có mùi hôi, trong miệng xuất hiện vị đắng, răng bị ố vàng, xỉn màu, hình thành nhiều men răng.
Hơn nữa, các thành phần trong khói thuốc lá còn tác động xấu đến sức khỏe tổng thể, làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi, gan, phế quản,… Để cải thiện tình trạng miệng đắng và hôi cũng như các bệnh nguy hiểm, bạn cần từ bỏ thói quen hút thuốc lá.
Lạm dụng bia rượu
Thường xuyên sử dụng bia rượu, thức uống chứa cồn sẽ làm tăng nguy cơ mắc chứng khô miệng, hôi miệng và xuất hiện đắng tại lưỡi. Tình trạng này kéo dài sẽ phát sinh các bệnh nha khoa như sâu răng, viêm nướu răng, viêm nha chu, áp xe răng, răng xỉn màu, ố vàng,… Bên cạnh đó, thành phần trong bia rượu còn tác động xấu đến cơ quan tiêu hóa, gan, thận.
Tác dụng phụ tân dược, thực phẩm chức năng
Miệng đắng và hôi có thể xuất hiện ở người sử dụng thuốc điều trị, thực phẩm chức năng. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do thành phần trong thuốc làm giảm tiết nước bọt, rối loạn vị giác khiến khả năng cảm nhận hương vị giảm đáng kể.
Một số loại thuốc và viên uống bổ sung gây hôi, đắng miệng có thể kể đến như: Thuốc kháng sinh, kháng histamin, thuốc trợ tim, thuốc tránh thai, thuốc chống trầm cảm, thuốc điều trị bệnh đái tháo đường, thuốc ức chế protease HIV; Viên uống chứa kẽm, sắt, canxi, đồng, vitamin D,…
Thay đổi nội tiết tố
Thống kê nhận thấy, biểu hiện miệng hôi và đắng xuất hiện nhiều hơn ở phụ nữ. Mặc dù nguyên nhân cụ thể vẫn chưa được xác định nhưng các chuyên gia nhận thấy, rối loạn hoặc thay đổi nội tiết tố trong thai kỳ và thời kỳ mãn kinh tác động đến tình trạng này.
Trong giai đoạn từ 1 – 3 tháng đầu khi mang thai, thai phụ xuất hiện các thay đổi về vị giác và có biểu hiện khó chịu, nôn mửa khi dùng một số món ăn mà trước đây họ vẫn dùng bình thường. Bên cạnh đó, nhiều mẹ bầu có cảm giác đắng miệng, trong miệng xuất hiện mùi kim loại và hơi thở có mùi hôi. Tuy nhiên, tình trạng này biến mất từ tháng 4 trở đi hoặc sẽ kéo dài đến khi sinh.
Đối với phụ nữ ở thời kỳ mãn kinh, nội tiết tố nữ sẽ suy giảm, ảnh hưởng vị giác, hơi thở, thiểu năng nước bọt và có thể tăng nguy cơ bị hội chứng bỏng rát. Nếu các biểu hiện kéo dài và có xu hướng nghiêm trọng, bạn cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được điều trị sớm.
Căng thẳng quá mức
Các nghiên cứu nhận thấy, vị giác có mối liên hệ mật thiết với hệ thống dây thần kinh của não bộ. Trường hợp thường xuyên căng thẳng thần kinh, áp lực sẽ ảnh hưởng đến khả năng cảm nhận hương vị món ăn, thức uống của lưỡi.
Bên cạnh đó, một số bệnh lý thần kinh gây ảnh hưởng đến vị giác và khiến hơi thở có mùi có thể kể đến như bệnh động kinh, u não, chấn thương đầu, sa sút trí tuệ,…
Miệng đắng và hôi có ảnh hưởng gì không?
Miệng đắng là hôi xuất hiện bởi nhiều nguyên nhân khác nhau bao gồm nguyên nhân bệnh lý và nguyên nhân thông thường. Tình trạng có thể được kiểm soát dứt điểm khi nguyên nhân khởi phát được khắc phục. Mặc dù không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tổng thể nhưng miệng đắng và hôi sẽ tác động tiêu cực đến chất lượng cuộc sống cũng như tâm lý của người mắc phải.
Hơi thở có mùi hôi và miệng đắng có thể gây ra một số ảnh hưởng sau:
- Giảm vị giác: Vị giác thay đổi, cảm nhận được vị đắng trong miệng sẽ khiến bạn gặp khó khăn trong việc cảm nhận hương vị của món ăn. Từ đó sẽ có cảm giác ăn không ngon, chán ăn, thường xuyên bỏ bữa. Tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, cơ thể không hấp thu được các dưỡng chất cần thiết, suy giảm miễn dịch và tạo điều kiện cho tác nhân gây bệnh khác tấn công.
- Tác động xấu đến chất lượng cuộc sống: Hơi thở có mùi và đắng miệng gây ra nhiều khó khăn trong giao tiếp, sinh hoạt hàng ngày. Nhất là người làm công việc phải giao tiếp thường xuyên như giáo viên, hướng dẫn viên, học sinh, sinh viên, tiếp viên hàng không. Tình trạng nếu không được khắc phục sớm sẽ trở thành “rào cản” lớn trong sự nghiệp, học tập của bạn.
- Ảnh hưởng đến tâm lý: Thực tế, nhiều trường hợp đắng và hôi miệng kéo dài sẽ có xu hướng sống khép mình, ngại giao tiếp, hạn chế đến những nơi đông người, tâm trạng luôn mệt mỏi, buồn bực. Lâu dài sẽ gây ra các bệnh tâm lý như trầm cảm, tự kỷ,..
Khắc phục miệng đắng và hôi hiệu quả
Cách giúp kiểm soát tình trạng miệng đắng và hôi là điều trị dứt điểm nguyên nhân. Thông qua chẩn đoán lâm sàng và cận lâm sàng sẽ đề xuất phác đồ điều trị thích hợp. Nếu tuân thủ chỉ dẫn của bác sĩ, các biểu hiện sẽ thuyên giảm và khắc phục trong thời gian ngắn.
Bên cạnh đó, bạn nên kết hợp các biện pháp cải thiện tại nhà để hỗ trợ quá trình điều trị đạt được kết quả tốt nhất. Việc thực hiện tốt còn giúp ngăn ngừa đắng và hôi miệng tái phát lâu dài.
Dưới đây là một số biện pháp hỗ trợ cải thiện tình trạng miệng đắng và hôi:
- Chăm sóc răng miệng đều đặn mỗi ngày và đúng cách qua các bước sau: Chải răng từ 2 – 3 lần ngày, sử dụng chỉ nha khoa hoặc máy tăm nước sau bữa ăn để loại bỏ thức ăn thừa, ngăn ngừa mảng bám hình thành, kết hợp với nước muối hoặc nước súc miệng sát khuẩn để loại bỏ vi khuẩn trong khoang miệng. Đừng quên vệ sinh mặt lưỡi từ 3 – 4 lần/ tuần với dụng cụ chuyên dụng để ngăn ngừa hôi và đắng miệng.
- Uống từ 2 – 3 lít nước lọc/ ngày để đảm bảo độ ẩm khoang miệng, tăng tiết nước bọt, hạn chế thiểu năng nước bọt, đắng và hôi miệng. Ngoài nước lọc, bạn có thể bổ sung các loại nước ép chứa giàu vitamin để bổ sung dinh dưỡng cho cơ thể.
- Các chuyên gia luôn khuyến khích bạn nhai kẹo cao su không đường thường xuyên để làm sạch răng miệng, loại bỏ mảng bám, tăng tiết nước bọt.
- Tăng cường bổ sung rau xanh, trái cây giàu vitamin C, E, A, sữa chua, ngũ cốc, thịt,… giúp tăng cường sức khỏe, phục hồi thể trạng và cải thiện sức khỏe răng miệng.
- Từ bỏ thói quen hút thuốc lá, đồng thời hạn chế các thức uống chứa cồn, gây mất nước, thực phẩm chứa nhiều đường, có vị cay, đắng.
- Trường hợp miệng bị đắng và hôi do tác dụng phụ của thuốc điều trị, thực phẩm chức năng, bạn nên chủ động trao đổi với bác sĩ để được cân chỉnh liều dùng hoặc cân nhắc thay đổi loại thuốc điều trị phù hợp.
Miệng bị đắng và hôi tác động không nhỏ đến vị giác, ăn uống, sinh hoạt và giao tiếp hàng ngày. Ngoài ra, đây cũng có thể là biểu hiện của nhiều bệnh lý cần được thăm khám và điều trị sớm. Do đó, nếu nhận thấy tình trạng miệng hôi, đắng kéo dài đi kèm với các biểu hiện bất thường khác, bạn cần đến bệnh viện để được chẩn đoán và xử lý đúng cách.
Có thể bạn quan tâm:
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!