Kinh nguyệt ra ít nguyên nhân do đâu, có cần điều trị?
Kinh nguyệt ra ít hơn bình thường đôi khi chỉ là do căng thẳng, tăng cân, mãn kinh. Tuy nhiên, đây cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn như buồng trứng đa nang, sẹo ở tử cung…
Nguyên nhân khiến kinh nguyệt ra ít
Trong một đợt hành kinh, phụ nữ mất khoảng 2 – 6 thìa máu (khoảng 5ml – 25ml). Do kích thước của ống dẫn vào tử cung nhỏ nên phải mất 3 – 4 ngày máu kinh mới xuất ra hết. Tuy nhiên, nếu chỉ 1- 2 ngày đã sạch kinh, lượng máu kinh chảy ra ít thì có thể do những nguyên nhân sau đây:
Mang thai ngoài tử cung
Mất kinh nguyệt là một trong những dấu hiệu nhận biết mang thai. Tuy nhiên, mang thai vẫn có thể gây chảy máu kinh với một lượng rất nhỏ nếu bào thai phát triển ngoài tử cung. Đây là hiện tượng trứng được thụ tinh bên ngoài tử cung do một số viêm nhiễm ở tử cung, sẹo tử cung hoặc đặt vòng tránh thai. Mang thai ngoài tử cung rất nguy hiểm. Nếu nghi ngờ mắc phải tình trạng trên, cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để kiểm tra.
Thay đổi cân nặng
Thay đổi cân nặng đột ngột do tăng hay giảm cân đều có thể ảnh hưởng đến cân bằng hormon trong cơ thể, khiến kinh nguyệt ra nhiều hay ít hơn bình thường.
Căng thẳng, áp lực kéo dài
Áp lực, căng thẳng do công việc hay cuộc sống hằng ngày kéo dài cũng có thể gây mất cân bằng hormone trong cơ thể, khiến cho lượng kinh nguyệt chảy ra ít hơn mức bình thường. Trầm cảm, tập luyện thể dục thể thao quá mức cũng có thể ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt. Lượng máu kinh hằng tháng sẽ trở lại bình thường khi bạn giải quyết được vấn đề tâm lý.
Chế độ ăn uống không lành mạnh
Cơ thể không nạp đủ hoặc dư thừa dưỡng chất đều tác động đến lượng máu kinh. Máu kinh có thể ít hoặc nhiều hơn bình thường.
Tuyến giáp hoạt động quá mức
Tuyến giáp hoạt động quá mức hay còn gọi là cường giáp đề cập đến tình trạng tuyến giáp hoạt động quá mức khiến cơ thể sản sinh nhiều hormon tuyến giáp, gây nên các vấn đề sức khỏe như huyết áp, tim mạch, kinh nguyệt ít hay nhiều bất thường.
Áp dụng biện pháp tránh thai
Việc áp dụng một số biện pháp tránh thai nội tiết như dùng vòng tránh thai, miếng dán tránh thai, thuốc tránh thai đều có thể ảnh hưởng đến lượng máu sản sinh trong mỗi đợt hành kinh. Các phương pháp này không chỉ khiến kinh nguyệt ra ít hơn mức bình thường mà còn ảnh hưởng đến tính chất máu kinh, khiến chúng sẫm màu hơn.
Hội chứng buồng trứng đa năng (PCOS)
Đa nang buồng trứng là tình trạng rối loạn nội tiết tố nữ giới trong độ tuổi sinh sản làm xuất hiện các nang nhỏ ở buồng trứng, ngăn cản quá trình rụng trứng diễn ra. Sự thay đổi này có thể gây ảnh hưởng đến chu kỳ rụng trứng, chu kỳ kinh nguyệt – gây hiện tượng kinh nguyệt không đều, ít hoặc nhiều hơn bình thường.
Mãn kinh
Sang 42 tuổi, phụ nữ bắt đầu bước vào giai đoạn tiền mãn kinh. Lúc này, các hormone nội tiết nữ giới suy giảm, điều này có thể ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt, gây hiện tượng kinh nguyệt không đều, ít kinh, chậm kinh…
Hẹp cổ tử cung
Rất hiếm trường hợp gặp phải tình trạng cổ tử cung thu hẹp hoặc đóng kín hoàn toàn, tuy nhiên nếu xảy ra, chúng có thể khiến kinh nguyệt chảy ít hơn thông thường.
Hẹp cổ tử cung thường xuất hiện ở những người từng trài qua một số phẫu thuật cổ tử cung như phẫu thuật cắt nội mạc tử cung, phẫu thuật khoét chóp cổ tử cung… Lúc này, kinh nguyệt bị giữ lại ở cổ tử cung và chỉ có thể xuất từ từ. Nếu bị đau bụng kinh dữ dội nhưng lượng kinh nguyệt chảy ra không nhiều, bạn cần đến cơ sở y tế để thăm khám và điều trị.
Sẹo ở tử cung
Kinh nguyệt ra ít có thể xuất hiện ở phụ nữ từng thực hiện một số phẫu thuật nong, nạo tử cung. Sẹo ở tử cung có thể ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt, khiến lượng máu xuất ra ít hơn thông thường.
Mất nhiều máu
Tình trạng mất máu nhiều trong hoặc sau khi sinh có thể gây ảnh hưởng lên tuyến yên, gậy hội chứng Sheehan. Hội chứng này gây suy giảm đáng kể các hormon trong cơ thể, bao gồm các loại hormone kiểm soát kỳ kinh.
Các yếu tố nguy cơ khiến kinh nguyệt ra ít
Các yếu tố nguy cơ khiến kinh nguyệt xuất ít hơn thông thường, bao gồm:
- Tuổi tác: càng lớn tuổi, kinh nguyệt có xu hướng ra ít hơn.
- Hội chứng buồng trứng đa nang: có thể ảnh hưởng đến hormon và lượng máu kinh.
- Cho con bú: phụ nữ nuôi con bằng sữa mẹ máu kinh có thể ít hơn người không cho con bú.
- Căng thẳng.
Kinh nguyệt ra ít khi nào nên khám bác sĩ?
Kinh nguyệt xuất ít hơn bình thường, phụ nữ không phải đối mặt với cảm giác khó chịu hay phải thay băng vệ sinh thường xuyên. Tuy nhiên, nếu tình trạng trên diễn ra thường xuyên, bạn nên đến cơ sở y tế thăm khám để xác định nguyên nhân.
Các triệu chứng kinh nguyệt ít kèm theo đau bụng dữ dội, máu kinh có màu bất thường cũng nên thăm khám, xác định nguyên nhân và tìm cách khắc phục.
Điều trị kinh nguyệt ra ít như thế nào?
Mặc dù kinh nguyệt ra ít không quá nguy hiểm nhưng bạn vẫn nên theo dõi, thăm khám tại cơ sở y tế để được chỉ định điều trị phù hợp. Chỉ định điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân.
Nếu nguyên nhân khiến kinh nguyệt xuất ít do yếu tố tâm lý, bạn cần phải giảm căng thẳng, lo lắng cho cơ thể bằng một số biện pháp như đọc sách, thư giãn, nghỉ ngơi thường xuyên, làm việc điều độ, tâm sự với bạn bè, người thân hoặc dùng thuốc an thần để điều chỉnh tâm trạng.
Nếu kinh nguyệt ra ít là do thay đổi cân nặng (thừa cân, thiếu cân), chế độ dinh dưỡng, hay những bất thường trong lố sống, sinh hoạt hằng ngày, bạn chỉ cần điều chỉnh kế hoạch tăng và giảm cân phù hợp, cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng để ổn định máu kinh.
Bên cạnh đó, các chuyên gia y tế có thể chỉ định thuốc điều trị nội khoa để cân bằng nội tiết và kiểm soát lượng máu trong mỗi đợt hành kinh. Các thuốc được dùng phổ biến là thuốc tránh thai, thuốc nội tiết. Thuốc giảm đau có thể được thêm vào đơn thuốc nếu kinh nguyệt ra ít kèm theo các cơn đau bụng dữ dội.
Khi điều trị bằng thuốc tây, cần tuân thủ nghiêm ngặt chỉ định của chuyên gia. Tuyệt đối không dùng thuốc khi chưa được kê đơn. Mọi hành động tự ý dùng thuốc khi chưa được cho phép đều làm tăng nguy cơ mắc phải tác dụng phụ tiềm ẩn.
Chỉ định ngoại khoa (phẫu thuật) có thể được đưa ra nếu nguyên nhân khiến kinh nguyệt ra ít là do bệnh lý phụ khoa nguy hiểm.
Kinh nguyệt ra ít có thể là biểu hiện bình thường do ăn uống và sinh hoạt không điều độ. Tuy nhiên, đây cũng có thể là dấu hiệu của nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn. Nếu tình trạng trên xuất hiện liên tục trong nhiều kỳ kinh liên tiếp dù bạn đã có điều chỉnh trong lối sống, cần đến cơ sở y tế để thăm khám và điều trị.
Bạn có thể tham khảo thêm:
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!