Dấu hiệu dậy thì sớm ở bé gái – trai và điều bố mẹ phải biết
Dậy thì sớm là tình trạng cơ thể phát triển và hình thành các chức năng tình dục quá sớm. Trẻ dậy thì quá sớm có thể dẫn đến một số ảnh hưởng liên quan đến cấu trúc xương, sức khỏe và vấn đề sinh sản.
Dậy thì sớm là gì?
Dậy thì sớm là tình trạng bé trai hoặc bé gái bắt đầu phát triển cơ thể và các chức năng sinh dục quá sớm, trước 8 tuổi ở bé gái và trước 9 tuổi ở bé trai. Dậy thì sớm thường không phổ biến và rất khó xác định được nguyên nhân. Tuy nhiên, đôi khi một số điều kiện như nhiễm trùng, rối loạn Hormone, khối u, chấn thương não hoặc một số loại thực phẩm có thể dẫn đến tình trạng này.
Dậy thì sớm cần được phát hiện và điều trị kịp thời để tránh các ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe và khả năng sinh sản. Việc điều trị thường là sử dụng thuốc để trì hoãn quá trình phát triển của cơ thể.
Dấu hiệu nhận biết dậy thì sớm
Đối với cả bé trai lẫn bé gái, dậy thì sớm là tình trạng phát triển sớm của xương và cơ bắp một cách bất thường. Một số dấu hiệu khác có thể bao gồm:
- Tăng trưởng chiều cao một cách nhanh chóng
- Phát triển lông nách
- Xuất hiện mụn trứng cá
- Xuất hiện mùi cơ thể đặc trưng cho từng giới tính
1. Dấu hiệu dậy thì sớm ở bé gái
Tuổi dậy thì ở các bé gái bắt đầu từ 8 – 12 tuổi. Do đó, dậy thì trước độ tuổi này được cho là dậy thì sớm và kèm theo một số dấu hiệu như:
- Phát triển tuyến vú, mô ngực
- Phát triển lông mu, lông nách
- Xuất hiện chu kỳ kinh nguyệt
2. Dấu hiệu nhận biết dậy thì sớm ở nam
Độ tuổi dậy thì ở bé trai là từ 9 – 14 tuổi. Vì vậy, dậy thì trước độ tuổi này được xem là dậy thì sớm. Các dấu hiệu kèm theo khác bao gồm:
- Phát triển tinh hoàn
- Dương vật mở rộng
- Xuất hiện lông trên cơ thể, lông mu, lông nách, lông tay chân
- Bắt đầu xuất hiện râu
- Cương cứng tự phát và xuất tinh không tự chủ
- Thường xuyên mộng tinh và cương cứng vào buổi sáng
- Yết hầu phát triển, giọng nói trầm
Nguyên nhân và các loại dậy thì sớm
Dậy thì sớm được chia thành hai loại chính là dậy thì sớm trung ương và dậy thì sớm ngoại vi. Các nguyên nhân phụ thuộc vào loại dậy thì, môi trường sống và các yếu tố kích thích của từng cá nhân.
1. Dậy thì sớm trung ương
Dậy thì sớm trung ương là tình trạng não bộ tiết ra các Gonadotropin ở độ tuổi quá trẻ. Gonadotropin là Hormone do tuyến yên tạo ra. Chức năng chính của Hormone này là phát triển các tuyến sinh dục, buồng trứng ở bé gái và tinh hoàn ở bé trai. Nói một cách chính xác, Hormone Gonadotropin chịu trách nhiệm về những thay đổi vật lý lẫn thay đổi sinh học trong độ tuổi dậy thì.
Hiện tại, nguyên nhân dẫn đến việc sản xuất Gonadotropin sớm vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, tình trạng này có thể liên quan đến:
- Một khối u trong não hoặc tủy sống (hệ thống thần kinh trung ương).
- Một khiếm khuyết, dị tật bẩm sinh ở não. Các vấn đề này thường bao gồm: Tích tụ chất lỏng dư thừa (tràn dịch não) hoặc xuất hiện các khối u lành tính trong não.
- Các bức xạ ảnh hưởng đến não hoặc tủy sống
- Hội chứng McCune – Albright, là một bệnh di truyền hiếm gặp ảnh hưởng đến xương và màu da và gây ra các vấn đề về nội tiết tố.
- Tăng sản thượng thận bẩm sinh, là tình trạng một nhóm các rối loạn di truyền liên quan đến sản xuất hormone của tuyến thượng thận.
- Suy giáp, là tình trạng tuyến giáp hoạt động kém, không sản xuất không đủ lượng Hormone cần thiết.
2. Dậy thì sớm ngoại vi
Dậy thì sớm ngoại vi thường ít gặp hơn và xảy ra mà không có sự tham gia của Hormone ở não bộ. Thay vào đó, nguyên nhân thường có liên quan đến việc cơ thể giải phóng Estrogen hoặc Testosterone vào các bộ phận khác nhau của cơ thể, đặc biệt là buồng trứng, tinh hoàn, tuyến yên và tuyến thượng thận.
Ở cả bé trai và bé gái, dậy thì sớm ngoại vi có thể liên quan đến một số vấn đề như:
- Có một khối u ở tuyến thượng thận hoặc tuyến yên. Điều này làm tăng tiết Estrogen hoặc Testosterone.
- Tiếp xúc với các nguồn Estrogen hoặc Testosterone bên ngoài cơ thể, bao gồm kem bôi hoặc thuốc mỡ.
Ở bé gái, dậy thì sớm ngoại vi có thể liên quan đến:
- U nang buồng trứng
- Một khối u lành tính trong buồng trứng.
Ở bé trai, dậy thì sớm ngoại vi có thể được gây ra bởi:
- Khối u trong tinh hoàn hoặc các tế bào sản sinh Testosterone (tế bào Leydig).
- Một dạng rối loạn hiếm gặp có liên quan đến các khiếm khuyết gen. Điều này dẫn đến sản xuất Testosterone sớm ở nam giới (thường là 1 – 4 tuổi).
3. Các loại dậy thì sớm khác
Có hai loại dậy thì sớm ít phổ biến và nghiêm trọng hơn, bao gồm:
- Dậy thì sớm Thelarche: Là sự phát triển mô vú nhẹ ở bé gái. Tuy nhiên sự phát triển này thường có thể tự cải thiện và biến mất cho đến tuổi dậy thì bình thường.
- Dậy thì sớm Adrenarche: Là tình trạng tuyến thượng thận tiết ra Androgen ở độ tuổi quá trẻ. Điều này dẫn đến phát triển lông và xuất hiện mùi cơ thể. Tuy nhiên, tình trạng này không dẫn đến sự phát triển cơ bắp hoặc các chức năng sinh sản cho đến độ tuổi dậy thì trung bình.
Những đối tượng dễ dậy thì sớm
Dậy thì sớm thường ảnh hưởng đến bé trai nhiều hơn bé gái. Ngoài ra, tình trạng này cũng có liên quan đến chủng tộc, di truyền, đột biến gen hoặc lịch sử y tế trong gia đình.
Một số đối tượng dễ bị dậy thì sớm bao gồm:
- Thừa cân, béo phì
- Tiếp xúc với các Hormone giới tính quá sớm. Một số loại thuốc hoặc thực phẩm bổ sung có thể có chứa Estrogen hoặc Testosterone.
- Tiếp nhận điều trị bức xạ não, tủy sống cho các khối u, bệnh bạch cầu hoặc các bệnh lý tương tự.
- Có các bệnh lý như tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh hoặc sản xuất Hormone sinh dục quá sớm.
Dậy thì sớm có ảnh hưởng gì không?
- Chiều cao thấp: Trẻ em dậy thì sớm thường có sự phát triển vượt bậc so với bạn bè cùng trang lứa. Tuy nhiên, sự phát triển này thường dừng lại trước độ tuổi trung bình. Do đó, trẻ có chiều cao thấp nếu không được điều trị và can thiệp kịp thời.
- Gặp các rắc rối về vấn về tình cảm và xã hội: Trẻ dậy thì sớm thường dễ có cảm giác tự ti về những thay đổi trên cơ thể. Một số trẻ có thể có tính tò mò, tìm hiểu sớm về cơ thể. Điều này có thể dẫn đến một số rối loạn sinh sản và một số hệ lụy khác.
- Tệ nạn xã hội: Một số trẻ dậy thì sớm có thể bị trầm cảm, lạm dùng chất kích thích và chất gây nghiện.
Do đó, cha mẹ cần chú ý quan sát những thay đổi về cơ thể và tâm lý của trẻ để có biện pháp khắc phục kịp thời. Tuy nhiên, điều quan trọng là cần dành thời gian để lắng nghe, tâm sự. Ngoài ra, giáo dục sức khỏe giới tính cho trẻ một cách trung thực, cởi mở để tránh làm tổn thương lòng tự trọng của trẻ.
Biện pháp chẩn đoán dậy thì sớm
Để chẩn đoán tình trạng dậy thì sớm, bác sĩ có thể xem xét lịch sử y tế gia đình và tiến hành kiểm tra thể chất của trẻ.
Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể đề nghị một số xét nghiệm như:
- X – quang để xác định độ tuổi của xương. Điều này có thể giúp bác sĩ xác định xem xương của trẻ có dấu hiệu phát triển nhanh hơn bình thường hay không.
- Xét nghiệm kích thích Hormone và xét nghiệm máu để kiểm tra Testosterone ở bé trai và Progesterone ở bé gái.
- Chụp cộng hưởng từ MRI để xác định các vấn đề ở tuyến yên.
Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể đề nghị một số xét nghiệm khác để xác định loại dậy thì sớm. Điều này có thể hỗ trợ quá trình điều trị đúng đắn và mang lại hiệu quả tốt nhất.
Cách khắc phục dậy thì sớm
Mục tiêu của việc điều trị dậy thì sớm và hạn chế sự phát triển của cơ thể cho đến độ tuổi dậy thì. Điều trị thường phụ thuộc vào nguyên nhân. Tuy nhiên, đối với các trường hợp không thể xác định nguyên nhân, bác sĩ có thể điều trị dựa vào độ tuổi và tốc độ dậy thì của trẻ.
Các biện pháp điều trị phổ biến thường bao gồm:
1. Dậy thì sớm trung ương
Mục đích của việc điều trị dậy thì sớm trung ương là ngừng sản xuất Hormone Gonadotropin. Thông thường, bác sĩ sẽ tiêm một loại thuốc chuyên dụng để ngăn các hoạt động của tuyến sinh dục. Thuốc thường được tiêm 3 tháng một lần hoặc cấy ghép vào cơ thể dưới dạng giải phóng từ từ trong một năm.
Ngoài việc làm chậm quá trình dậy thì, phương pháp này có thể hỗ trợ trẻ phát triển chiều cao bình thường.
Quá trình điều trị thường kéo dài 16 tháng hoặc lâu hơn theo chỉ định của bác sĩ. Khi việc điều trị thường dừng lại, quá trình dậy thì bình thường của trẻ sẽ bắt đầu.
2. Dậy thì sớm ngoại vi
Dậy thì sớm ngoại vi thường có liên quan đến một số nguyên nhân cơ bản như khối u hoặc các bệnh lý khác. Do đó, việc điều trị thường phụ thuộc vào các nguyên nhân và bệnh lý tiềm ẩn.
Ngoài ra, bác sĩ có thể kê một số loại thuốc để ngăn chặn việc sản xuất Estrogen và Testosterone quá sớm.
Dậy thì sớm có thể dẫn đến một số khác biệt về cơ thể và thay đổi về tâm lý. Do đó, cha mẹ nắm rõ các dấu hiệu nhận biết và có cách khắc phục đúng đắn.
Dậy thì sớm khám ở đâu thì tốt?
Khi nhận thấy các dấu hiệu dậy thì sớm, cha mẹ nên đưa trẻ đến các bệnh viện, trung tâm y tế uy tín để chẩn đoán và điều trị. Một số nơi khám và điều trị tình trạng dậy thì sớm uy tín như:
Tại Hà Nội:
Khoa Nội tiết – Chuyển hóa – Di truyền – Bệnh viện Nhi Trung ương:
- Địa chỉ: Số 18/879 La Thành, Đống Đa, Hà Nội
- Số điện thoại: 0246 273 8573
Khoa Nhi – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City:
- Địa chỉ: Số 458 Minh Khai, Hai Bà Trưng, Hà Nội
- Hotline: 0243 974 3556
Phòng khám Nhi – Bác sĩ Bùi Phương Thảo:
- Địa chỉ: Tầng 2 số 23A Quốc Tử Giám, Văn Chương, Đống Đa, Hà Nội
Tại Thành phố Hồ Chí Minh:
Bệnh viện Vinmec Central Park:
- Địa chỉ: Số 208 Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh, Tp.HCM
- Hotline: 0283 622 1166
Khoa Thận nội tiết Bệnh viện Nhi Đồng 1:
- Địa chỉ: Số 341 Sư Vạn Hạnh, phường 10, quận 10, Tp.HCM
- Số điện thoại: 0283 927 1119
Phòng khám Thận – Nội tiết Bệnh viện Nhi Đồng 2:
- Địa chỉ: Số 14 Lý Tự Trọng, phường Bến Nghé, quận 1, Tp.HCM
- Số điện thoại: 0283 829 5723
Dậy thì sớm có thể không dẫn đến bất cứ ảnh hưởng sức khỏe lâu dài nào. Tuy nhiên, tình trạng này có thể dẫn đến rối loạn tâm lý và chiều cao trung bình của trẻ. Do đó, cha mẹ cần cho sự quan tâm thích hợp để trẻ có sự phát triển bình thường. Trao đổi với bác sĩ chuyên khoa nếu có bất cứ câu hỏi hoặc thắc mắc nào.
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!