Các giai đoạn của bệnh tiểu đường và thông tin cần biết
Có người mắc bệnh tiểu đường nhiều năm vẫn sống khỏe. Có người vừa phát hiện bệnh đã tử vong vài tháng sau đó. Sự khác nhau này là do các giai đoạn của bệnh tiểu đường mà người ta mắc phải.
Bệnh tiểu đường
Các giai đoạn của bệnh tiểu đường được phân chia dựa trên các type bệnh này. Nghe có vẻ hơi phức tạp. Để không bị rối khi tìm hiểu thông tin, trước hết bạn cần biết bệnh tiểu đường hình thành do đâu.
Ở người bình thường, Insulin là một loại hormone do tuyến tụy tiết ra. Hormone này giữ vai trò chuyển hóa lượng đường đưa vào cơ thể thành năng lượng. Đồng thời, giữ cho lượng đường huyết ở mức ổn định để cơ thể khỏe mạnh.
Theo định nghĩa khoa học, bệnh tiểu đường hình thành khi tuyến tụy không còn khả năng sản xuất Insulin. Điều này khiến cơ thể không thể chuyển hóa lượng đường thành glucose. Hậu quả của việc này là lượng đường bị tăng quá mức và mất kiểm soát.
Kiến thức tổng quan về phân loại
Bệnh tiểu đường chủ yếu được chia thành 3 type: type 1, type 2 và type 3.
Tiểu đường type 1
Thường xảy ra ở trẻ em và vị thành niên. Tình trạng này chủ yếu là do di truyền nên hiếm gặp. Biểu hiện lâm sàng là: sút cân nhanh, tiểu nhiều và uống nước nhiều. Các triệu chứng này thường biểu hiện rầm rộ. Chỉ định điều trị trong các trường hợp này là bắt buộc dùng Insulin.
Tiểu đường type 2
Những người trưởng thành hay bị type này. Các triệu chứng thường chậm hoặc không rõ. Người mắc tiểu đường type 2 có thể bị ảnh hưởng bởi độ tuổi, trọng lượng và cả yếu tố di truyền.
Tiểu đường type 3
Chủ yếu xảy ra do tổn thương tụy và thường bị lầm lẫn với type 2. Bởi trong thực tế, type 3 chỉ xảy ra với những người bị type 1 hoặc 2. Tiểu đường Type 3 còn gọi là bệnh tiểu đường não. Nó có tên gọi này là do trong quá trình hình thành ký ức mới, não cần Insulin nhưng không được đáp ứng. Cũng chính điều này, những người bị tiểu đường type 3 thường có vấn đề với trí nhớ.
Tiểu đường thai kỳ
Khi mang thai, hormone từ nhau thai sản sinh giúp bé lớn lên nhưng nó đồng thời cũng ức chế hoạt động của Insulin. Do đó, người mẹ cần bổ sung Insulin trong thai kỳ nhiều hơn gấp 2-3 lần so với bình thường. Điều này giúp lượng đường trong máu được kiểm soát và mẹ sẽ sinh bé ra dễ dàng hơn. Tiểu đường thai kỳ chỉ là bệnh tạm thời. Bệnh sẽ hết khi bé chào đời. Do đó, người ta thường không xếp nó vào trong các loại của bệnh tiểu đường.
Cách phân chia các giai đoạn của bệnh tiểu đường sẽ khác nhau tùy từng type. Thông thường, người ta không chia giai đoạn cho tiểu đường type 1 và 3. Trong khi đó, tiểu đường type 2 được chia thành 4 giai đoạn.
Các giai đoạn của bệnh tiểu đường type 2
Bệnh tiểu đường type 2 chiếm khoảng 90% các trường hợp mắc bệnh tiểu đường. Việc hiểu biết về từng giai đoạn cụ thể có thể giúp bạn điều trị hiệu quả, tránh để bệnh nặng hơn.
Tiểu đường type 2 được chia thành 4 giai đoạn như sau:
Giai đoạn 1: Tiền tiểu đường
Lượng đường trong máu khi người bệnh ở giai đoạn này đã cao hơn bình thường. Chỉ số glucose trong máu khi đói vào khoảng 5,6-6,9 mmol/l (bình thường dưới 5,6) và sau khi ăn khoảng 2 tiếng là 7,8-11 mmol/l (bình thường dưới 7,8).
Một số dấu hiệu thường thấy đối với người bệnh giai đoạn tiền tiểu đường là: vùng da ở nách và sau gáy sạm màu; hay cảm thấy mệt và khát; đi tiểu nhiều hơn bình thường. Hầu hết các triệu chứng này khá mờ nhạt nên người bệnh ít khi phát hiện bệnh tình nếu chỉ dựa vào các dấu hiệu.
Chính vì thế, những người có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thường được khuyên nên thăm khám định kỳ. Đặc biệt là những người bị béo phì, huyết áp cao, ít vận động hoặc gia đình có người bị tiểu đường.
Giai đoạn 2: Tăng đường huyết lúc đói
Nếu tiểu đường ở giai đoạn đầu không được kiểm soát, người bệnh rất dễ chuyển sang giai đoạn 2. Lượng đường trong máu của người bệnh ở giai đoạn 2 có thể tăng lên mức 7 mmol/l trong lúc đói. Nguyên nhân là do tình trạng đề kháng Insulin diễn ra ngày càng nghiêm trọng và các tế bào trong tụy không sản xuất Insulin kịp thời nữa.
Các triệu chứng ở giai 1 sẽ được thể hiện rõ nét hơn ở giai đoạn 2. Ngoài ra, người bệnh còn mắc nhiều triệu chứng khác như: thường tiểu về đêm; ăn nhiều nhưng nhanh đói; sụt cân nhanh dù ăn nhiều; mờ mắt; ngứa và tê chân tay. Đến giai đoạn này, người bệnh buộc phải dùng thuốc để kiểm soát lượng đường trong máu. Kèm với đó là thay đổi lối sống thường ngày.
Giai đoạn 3: Biến chứng
Bệnh tiểu đường ở giai đoạn 3 sẽ mắc các biến chứng trên mạch máu, tim, thận, thần kinh và mắt như:
- Tim mạch: Xơ vữa mạch máu, bệnh mạch vành, tắc hoặc hẹp động mạch chi, huyết áp cao, tim đập nhanh…
- Thận: Nước tiểu sủi bọt và tiểu nhiều, nhất là về đêm.
- Thần kinh: Giảm cảm giác nhận biết nóng lạnh
- Chân tay: Tê bì, nóng rát, dễ chuột rút về đêm.
- Da: Khô, nứt nẻ, hay ngứa, vết thương lâu lành, dễ bị nhiễm trùng và hoại tử.
Các biện pháp giảm chỉ số đường huyết thông thường không còn tỏ ra hiệu quả nữa. Thay vào đó, bệnh nhân sẽ dùng Insulin với liều lượng cao. Song song với việc này, các bác sĩ sẽ tiến hành một số biện pháp để ngăn chặn quá trình tổn thương. Nhất là sự tổn thương của các mạch máu và thần kinh.
Giai đoạn 4: Giai đoạn cuối
Các biến chứng của nội tạng xuất hiện nặng hơn và cùng lúc đối với người bị tiểu đường giai đoạn 4. Trong khi đó, việc kiểm soát lượng đường trong máu lại trở nên khó khăn hơn.
Người bệnh tiểu đường giai đoạn cuối có thể bị suy thận, suy tim, liệt dạ dày, xuất huyết võng mạc, loét bàn chân… Các bệnh này thường diễn ra cùng lúc, đe dọa trực tiếp đến tính mạng người bệnh. Chính vì thế, ở giai đoạn này, các bác sĩ thường không tập trung kiểm soát lượng đường trong máu nữa mà chuyển sang phòng ngừa hoặc điều trị các biến chứng. Mục đích của việc này là kéo dài sự sống cho người bệnh.
Thời gian các giai đoạn của bệnh tiểu đường dài hay ngắn phụ thuộc nhiều vào thể trạng, độ tuổi và các biện pháp phòng tránh của người bệnh. Vì thế, nếu bệnh được phát hiện sớm và người bệnh chủ động được các biện pháp chữa bệnh thì có thể trì hoãn tiến triển bệnh.
Phòng và trì hoãn các giai đoạn của bệnh tiểu đường
Với những người bệnh tiểu đường type 2, nếu phát hiện và điều trị bệnh ở giai đoạn 1, họ có đến 70% cơ hội để bệnh không chuyển qua giai đoạn 2. Các giai đoạn của bệnh tiểu đường sẽ tiến triển rất chậm nếu bạn thực hiện theo các thói quen dưới đây:
- Tập thể dục đều đặn: Bạn hãy dành ít nhất 30 phút mỗi ngày để tập thể dục. Duy trì thường xuyên ít nhất là 5 ngày/tuần. Khi tập thể dục, bạn sẽ giảm được lượng đường huyết và giữ cân nặng ở mức cân bằng để cơ thể khỏe mạnh.
- Kiểm soát lượng tinh bột hằng ngày: Bạn đừng bắt nó phải chịu thêm áp lực bởi việc tiêu thụ quá nhiều cơm, bún, miến, phở, bánh quy hoặc kẹo. Điều này không có nghĩa là bạn phải loại bỏ hoàn toàn tinh bột trong bữa ăn. Thay vào đó, bạn nên giảm lại và tập trung ăn nhiều chất xơ để làm chậm việc hấp thu đường.
- Dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ: Bạn chỉ nên dùng đúng và đủ thuốc theo đơn của bác sĩ. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc (kể cả Đông y lẫn Tây y) mà không tham khảo ý kiến bác sĩ.
- Hạn chế các chất kích thích: thuốc lá, rượu, bia đều là những thứ bạn nên hạn chế nếu không muốn các giai đoạn tiến triển nhanh. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, người bệnh thường xuyên dùng các chất kích thích sẽ gặp biến chứng nhiều hơn người bình thường khoảng 30-40%.
Có thể bạn quan tâm:
- Triệu chứng tiểu đường giai đoạn đầu và cách điều trị
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!