Bệnh Viêm Mao Mạch Dị Ứng
Viêm mao mạch dị ứng là bệnh dị ứng do rối loạn tự miễn và tự phát viêm nhiễm, gây các tổn thương lan tỏa tại nhiều cơ quan. Bệnh xảy ra phổ biến nhất ở trẻ nhỏ do hệ miễn dịch yếu kém. Nếu không điều trị kịp thời bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Tùy mức độ tiến triển bệnh mà bác sĩ sẽ xác định hướng điều trị phù hợp.
Tổng quan
Viêm mao mạch dị ứng (Scshonlein-henoch purpura - HSP) còn có nhiều tên gọi khác như hội chứng Schonlein-Henoch, viêm mạch máu IgA, ban xuất huyết dạng thấp hoặc ban xuất huyết dạng phản vệ. Đây là một dạng bệnh dị ứng thứ phát cấp tính gây viêm mạch bạch cầu. Bệnh đặc trưng với các tổn thương lan tỏa hệ thống vi mạch tại nhiều cơ quan như da, xương khớp, tim mạch, hệ tiêu hóa...
Đây là một dạng bệnh tự miễn không rõ nguyên nhân gây ra. Bệnh đặc trưng với các tổn thương trên da, khớp, ruột, chảy máu và thận viêm. Kèm theo là những triệu chứng nhiễm trùng đường hô hấp trên như sốt nhẹ, mệt mỏi, rối loạn tiêu hóa... cùng các triệu chứng lâm sàng khác.
90% trường hợp viêm mao mạch dị ứng xảy ra ở trẻ em, rất hiếm khi xảy ra ở người trưởng thành và người già. Trong đó 50% trẻ em mắc bệnh trước 5 tuổi, 75% từ 3 - 10 tuổi. Đối với trẻ em, tiên lượng bệnh thường tốt và ít nguy hiểm, nhưng với người lớn thường có xu hướng tiến triển nghiêm trọng. Nam giới có tỷ lệ mắc bệnh cao gấp 2 lần so với nữ giới.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Nhiều giả thuyết cho rằng bệnh viêm mao mạch dị ứng có liên quan đến cơ chế miễn dịch. Khi tiếp xúc với dị nguyên, cơ thể kích hoạt phản ứng kháng nguyên kháng thể, giải phóng các chất trung gian hóa học, cộng với quá trình lắng đọng của phức hợp miễn dịch, làm tăng tính thấm thành mạch gây ra thoát quản.
Tuy nguyên nhân gây bệnh chưa được xác định rõ ràng nhưng các chuyên gia vẫn ghi nhận một số yếu tố nguy cơ như:
- Sau nhiễm trùng:
- Vi khuẩn: Helicobacter pylori, thương hàn, lỵ trực khuẩn...;
- Virus: viêm gan C, thủy đậu, EBV, adenovirus, parvovirus...;
- Sau tiêm phòng vắc xin phòng ngừa bệnh thương hàn và phó thương hàn, sốt vàng, cúm sởi, bệnh tả...;
- Tác dụng dụng sau khi dùng thuốc kháng sinh như Ampicillin, Penicillin, Erythomycin, Quinine...;
- Sau khi bị côn trùng cắn;
- Cơ địa dị ứng với một số loại thực phẩm;
- Các yếu tố môi trường như ô nhiễm, khói bụi, thời tiết thay đổi...;
Triệu chứng và chẩn đoán
Tổn thương viêm mao mạch dị ứng xảy ra tại nhiều cơ quan nên có rất nhiều triệu chứng lâm sàng:
Triệu chứng ở da
Có khoảng 50% trường hợp bệnh nhân gặp phải các triệu chứng bệnh đầu tiên là ở da.
- Vị trí: tại các nếp gấp tứ chi, mặt duỗi, vùng da quanh mắt cá trong và ngoài, mông, đùi, cẳng tay, cánh tay... Một số ít trường hợp còn xảy ra ở cơ quan sinh dục, ống tai, mũi và ít khi xảy ra trên thân mình.
- Tính chất:
- Các tổn thương phát ban đặc hiệu, có dạng nốt chấm, nổi gồ cao hơn bề mặt da, có mày đay, mọng nước hoặc bầm máu, hoại tử;
- Không ngứa;
- Tổn thương có thể bị ảnh hưởng tăng nặng hơn bởi tư thế đứng;
- Kèm theo phù da, mềm, ấn lõm và khu trú ở quanh vùng da đầu, hố mắt, tay, mu bàn chân, bàn tay, tai, bộ phận sinh dục...;
- Tổn thương có tính chất đối xứng;
Các tổn thương da này, nhất là trong giai đoạn đầu thường dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác như lupus ban đỏ hệ thống, hội chứng xuất huyết giảm tiểu cầu... khiến viêc điều trị sai hướng và dễ biến chứng nặng hơn.
Triệu chứng tại khớp
Khoảng 75% trường hợp bệnh gặp phải các triệu chứng tại khớp.
- Vị trí: Ở các khớp liền kề với vị trí phát ban xuất huyết, thường là: cổ chân, khuỷa, gối, bàn tay, cổ tay và một số ít trường hợp ở cột sống, vai, ngón chân.
- Tính chất:
- Viêm, đau khớp mức độ vừa gây hạn chế khả năng vận động;
- Gây phù quanh khớp, đau nhức gân;
- Tổn thương có tính chất đối xứng;
- Tổn thương không làm biến dạng khớp, trị khỏi trong thời gian ngắn nhưng có thể tái phát;
- Kết quả sinh thiết tại cơ phát hiện những tổn thương hoại tử tại động mạch cơ;
Triệu chứng tiêu hóa
Xảy ra ở khoảng 37 - 66% trường hợp mắc bệnh, có thể phát sinh ngay trong giai đoạn đầu của bệnh.
- Đau dai dẳng liên tục tại vùng bụng quanh rốn, ấn vào trội lên;
- Đau thượng vị khu trú hoặc lan tỏa;
- Kèm theo buồn nôn, nôn ói;
- Cơn đau có thể kéo dài trong vòng vài tiếng hoặc vài ngày, tái phát thường xuyên;
- Xuất huyết tiêu hóa gây nôn ra máu, đi ngoài phân đen, lẫn máu và đau bụng dội;
- Kéo theo biến chứng lồng ruột cấp, nhồi máu, tắc ruột, giãn hoặc thủng đại tràng, nặng nhất là viêm tụy cấp;
Triệu chứng tổn thương thận
Xảy ra khoảng 25 - 50% trong giai đoạn cấp. Đặc trưng với các triệu chứng sau:
- Người bệnh tiểu tiện ra máu vi thể hoặc đại thể;
- Protein niệu kéo dài;
- Phát hiện bạch cầu niệu nhưng không nhiễm trùng;
- Các triệu chứng tại thận thường xuất hiện sau vài tuần, chậm hơn so với các triệu chứng khác;
- Hội chứng thận hư không đơn thuần, hội chứng viêm cầu thận cấp, nặng hơn có thể gây biến chứng suy thận mạn. Được chẩn đoán thông qua các chỉ số protein niệu, albumin máu, huyết áp...;
Triệu chứng tại các cơ quan khác
- Sưng đau tinh hoàn;
- Rối loạn nhịp tim hoặc chứng suy tim sung huyết;
- Xuất huyết phế nang, tràn dịch màng phổi tơ huyết;
- Đau đầu, rối loạn hành vi, nặng hơn gây xuất huyết não, lên cơn co giật, hôn mê do tổn thương thần kinh trung ương;
- Xuất huyết đáy mắt do tổn thương viêm mạch võng mạch;
Chẩn đoán viêm mao mạch dị ứng được thực hiện dựa vào đánh giá các triệu chứng lâm sàng. Đồng thời, kết hợp với các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết để tìm ra nguyên nhân gây bệnh và phân biệt với các bệnh khác.
- Thăm khám lâm sàng: chẩn đoán phân biệt triệu chứng viêm mao mạch dị ứng với các bệnh về đường tiêu hóa, bệnh thận, bệnh tự miễn...;
- Xét nghiệm máu: thu thập và phân tích các chỉ số công thức máu, chủ yếu đánh giá số lượng tiểu cầu nhằm phân biệt giữa ban xuất huyết đặc hiệu do HSP hoặc các bệnh khác có liên quan đến tiểu cầu.
- Chức năng đông máu: đánh giá khả năng đông máu nhằm phân biệt bệnh HSP với các bệnh lý gây rối loạn đông máu.
- Đo ure & creatinin: đo chỉ số ure và creatinin máu để đánh giá chức năng thận.
- Xét nghiệm nước tiểu: đo protein niệu, albumin niệu giúp phát hiện các tổn thương tại thận.
- Sinh thiết: lấy mẫu mô tại vị trí khởi phát triệu chứng mang đi sinh thiết (thường là da hoặc thận).
Biến chứng và tiên lượng
Viêm mao mạch dị ứng là dạng bệnh dị ứng nguy hiểm, tiến triển nhanh chóng và dễ gây ra biến chứng. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe thể chất, sự phát triển của trẻ và đe dọa tính mạng.
Vì các mao mạch trong cơ thể có nhiệm vụ kết nối động tĩnh mạch với nhau, mang chất dinh dưỡng đi nuôi các mô tế bào cơ thể. Khi bị tổn thương, hầu hết mọi cơ quan có sự tồn tại của mao mạch đều bị ảnh hưởng. Nhẹ thì gây suy giảm chức năng, tính thẩm mỹ làn da, nặng hơn là gây hoại tử, lở loét.
Vì căn nguyên chưa rõ nên cho đến nay vẫn chưa có một biện pháp điều trị đặc hiệu nào đối với căn bệnh này. Đa phần những trường hợp được phát hiện và điều trị sớm, thường có tiên lượng tốt, bệnh sẽ khỏi hẳn sau một vài tháng mà không để lại di chứng nguy hiểm nào.
Điều trị
Nguyên tắc điều trị viêm mao mạch dị ứng là điều trị triệu chứng, ngăn chặn phản ứng dị ứng và bảo vệ thành mạch.
1. Điều trị bằng thuốc
Để kiểm soát triệu chứng viêm mao mạch dị ứng, cần sử dụng một số loại thuốc như:
- Thuốc giảm đau: Dùng Paracetamol loại giảm đau thông thường hoặc thuốc giảm đau chống viêm không steroid (NSAID) như Naproxen (liều 10 - 20mg/kg/ ngày x 2 lần/ ngày) hoặc Ibuprofen...;
- Thuốc Corticoid: Liều cao ngắn ngày thuốc Corticoid dùng đơn thuần hoặc kết hợp với các loại thuốc ức chế miễn dịch khác giúp giảm nhanh cơn đau bụng, đau khớp, cải thiện các tổn thương nặng, nhất là tổn thương thận. Khuyến cáo Prednisolon 1 - 2mg/kg/ ngày, liều tối đa 60 - 80mg/ ngày hoặc dùng Methylprednisolon liều 0.8 - 1.6mg/kg/ngày.
- Thuốc ức chế miễn dịch: Dùng trong trường hợp viêm mao mạch dị ứng gây biến chứng tổn thương thận nặng. Các chế phẩm thường dùng như azathioprin liều 2 - 4mg/kg/24h. Có thể thay thế bằng Cyclophosphamide hoặc mycophenolate mofetil. Chỉ định kết hợp với thuốc Corticoid liều thấp, dùng từ 6 tháng - 1 năm để đạt hiệu quả tốt nhất.
- Thuốc kháng sinh: Chỉ định dùng thuốc kháng sinh trong trường hợp nghi ngờ viêm mao mạch dị ứng do nhiễm khuẩn liên cầu.
- Thuốc bảo vệ thành mạch: thường sử dụng nhất là vitamin C
2. Chăm sóc tích cực
Bất kỳ bệnh nhân viêm mao mạch dị ứng nào cũng cần được chăm sóc tích cực để đạt hiệu điều trị tối ưu.
- Giảm thời gian học tập, tạo điều kiện để trẻ nghỉ ngơi thư giãn thoải mái nhất, ít nhất 1 - 2 tháng.
- Xây dựng thực đơn ăn uống khoa học, đầy đủ chất dinh dưỡng, dễ tiêu hóa, ít dầu mỡ, cay nóng, chia nhỏ các bữa ăn, giảm lượng chất xơ để tránh gây ảnh hưởng đến năng tiêu hóa.
- Tránh tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng như thuốc, thức ăn... làm tăng nặng triệu chứng viêm mao mạch dị ứng.
- Giữ vệ sinh thân thể, rửa tay cho trẻ trước khi ăn và lau dọn sạch sẽ nơi trẻ sinh hoạt, thay mới quần áo, rửa đồ chơi thường xuyên.
3. Điều trị tại bệnh viện
Theo phác đồ y tế sau:
- Theo dõi
- Mạch, nhịp thở, huyết áp;
- Số lượng và màu sắc nước tiểu, phân;
- Tính chất ban trên da và cơn đau khớp;
- Điều trị triệu chứng
- Chỉ định dùng thuốc chống viêm, thuốc chống dị ứng;
- Dùng thuốc kháng sinh nếu có yếu tố nhiễm trùng;
- Truyền hồng cầu trong trường hợp bị thiếu máu nặng do xuất huyết tiêu hóa;
- Điều trị biến chứng:
- Một trong những biến chứng thường gặp nhất là viêm thận trong vòng 4 tuần đầu để ngăn chặn suy thận mạn.
- Trường hợp viêm cầu thận có dấu hiệu của hội chứng thận hư: dùng thuốc Bous Corticoid liều 500 - 1000mg methyl prednisolone trong vòng 24 tiếng x 3 ngày, sau đó giảm liều xuống 2mg/kg/24h.
- Ghép thận trong trường hợp biến chứng suy thận giai đoạn cuối do viêm mao mạch dị ứng.
Phòng ngừa
Bố mẹ cần trang bị đầy đủ những kiến thức cơ bản trong việc chăm sóc sức khỏe con trẻ, phòng ngừa viêm mao mạch dị ứng.
- Xác định các tác nhân dị nguyên khiến trẻ bị dị ứng và bảo vệ trẻ tránh khỏi chúng.
- Giữ ấm kỹ lưỡng cho trẻ, hạn chế tối đa nguy cơ bị côn trùng đốt.
- Hết sức thận trọng trong quá trình dùng thuốc, bố mẹ không tự ý chẩn đoán bệnh cho con và mua thuốc ngoài dử dụng, đặc biệt là thuốc kháng sinh.
- Giữ vệ sinh nhà cửa, đồ dùng cá nhân, đồ chơi và quần áo của trẻ.
- Bố mẹ phải rửa tay sạch sẽ trước khi nấu thức ăn hoặc chăm sóc trẻ.
- Tạo điều kiện cho trẻ rèn luyện thể chất, vui chơi sinh hoạt tích cực, chế độ ăn uống khoa học để tăng cường miễn dịch phòng ngừa bệnh tật.
Những câu hỏi quan trọng khi đi khám
1. Con tôi nổi ban đỏ khắp người là dấu hiệu của bệnh gì?
2. Nguyên nhân khiến trẻ bị viêm mao mạch dị ứng?
3. Viêm mao mạch dị ứng có phải bệnh da liễu thông thường không?
4. Tiên lượng đối với tình trạng bệnh của con tôi?
5. Cần thực hiện xét nghiệm nào để chẩn đoán viêm mao mạch dị ứng?
6. Trẻ bị viêm mao mạch dị ứng nên điều trị bằng phương pháp nào tốt nhất?
7. Bệnh viêm mao mạch dị ứng có chữa khỏi dứt điểm được không? Có tái phát không?
8. Nếu không điều trị, các triệu chứng bệnh có tự biến mất không?
9. Tôi cần làm gì để chăm sóc sức khỏe cho trẻ để hỗ trợ điều trị?
10. Trẻ có cần tái khám sau điều trị không? Lịch hẹn tái khám khi nào?
Viêm mao mạch dị ứng là căn bệnh tự dị ứng có tính chất phức tạp và nguy hiểm cao. Vì cơ chế và nguyên nhân chưa xác định nên quá trình điều trị rất khó khăn, dễ biến chứng. Do đó, phụ huynh cần chú ý quan sát con trẻ thật kỹ, phát hiện sớm các triệu chứng bất thường và đưa trẻ đến bệnh viện thăm khám, chẩn đoán, điều trị bằng phương pháp phù hợp.
Xem thêm: Bệnh viêm mao mạch dị ứng có chữa được không? Bác sĩ giải đáp
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!