Tinh hoàn lạc chỗ là gì, có con được không?
Tinh hoàn lạc chỗ là một dị tật bẩm sinh, xảy ra khi có sự di chuyển bất thường của tinh hoàn từ ổ bụng xuống bìu. Nếu không được điều trị sớm, tình trạng này có thể gây vô sinh cho nam giới
Tinh hoàn lạc chỗ là gì?
Tinh hoàn lạc chỗ (tinh hoàn ẩn), là tình trạng một hoặc cả hai tinh hoàn không di chuyển xuống bìu như bình thường trong quá trình phát triển của bào thai hoặc sau sinh.
Trong bệnh lý này, tinh hoàn vẫn còn nằm ở bụng hoặc “lang thang” ở ống bẹn hay thành bụng của nam giới. Bệnh có thể xảy ra ở một hoặc cả hai bên tinh hoàn.
Quá trình di chuyển của tinh hoàn theo tự nhiên sẽ từ vị trí ổ bụng, đi xuống bìu và cố định ở bìu làm nhiệm vụ. Tuy nhiên nếu trong quá trình này, tinh hoàn gặp trở ngại không xuống được bìu sẽ phải nằm tại vị trí có nhiệt độ cao.
Có khoảng 3 – 4 % trẻ em bị tinh hoàn lạc chỗ bẩm sinh với những vị trí tinh hoàn “thất lạc” cơ bản như ổ bụng, lỗ bẹn sâu, ngoài lỗ bẹn nông hoặc nằm sâu trong ống bẹn.
Nguyên nhân tinh hoàn lạc chỗ
Chứng tinh hoàn ẩn xảy ra do nhiều nguyên nhân, được chia thành 2 nhóm gồm nguyên nhân bẩm sinh và nguyên nhân thứ phát.
- Hiện tượng rối loạn trục hạ đồi – tuyến yên – tuyến sinh dục bẩm sinh.
- Hoạt động tuyến yên suy giảm làm thiếu Gonadotropin cùng chứng dương vật nhỏ.
- Bất thường khi tổng hợp Testosteron ngăn cản sự phát triển bình thường của tinh hoàn.
- Hội chứng giảm chức năng cảm nhận của thụ thể Androgen.
- Chỉ số Estrogen của người mẹ mang thai ảnh hưởng đến di chuyển của tinh hoàn.
- Thai phụ dùng Diethylstillbesterol, kháng Androge có nguy cơ cao.
- Chấn tương hoặc tai nạn làm sai lệch dây chằng tinh hoàn bìu.
- Các nguyên nhân thứ yếu như cuống mạch của tinh hoàn ngắn, xơ hóa vùng ống bẹn…
Triệu chứng và dấu hiệu nhận biết
Dưới đây là một số triệu chứng và dấu hiệu chính của tinh hoàn lạc chỗ:
- Không cảm nhận được tinh hoàn trong bìu khi sờ vào
- Bìu trống rỗng hoặc nhỏ hơn bình thường
- Đau hoặc khó chịu, đặc biệt là nếu tinh hoàn lạc chỗ gặp phải sự cố kẹt hoặc xoắn.
- Phát triển không đồng đều của các cơ quan sinh dục. Trong một số trường hợp, bất thường của tinh hoàn đi kèm với sự phát triển không đồng đều của các cơ quan sinh dục, bao gồm dương vật và bìu.
- Trẻ em và thanh thiếu niên có thể gặp phải vấn đề về tự tin và hình ảnh cơ thể do khác biệt về hình dáng bên ngoài.
Tuy không phải là “triệu chứng” trực tiếp khi trẻ còn nhỏ, nhưng việc tinh hoàn không xuống bìu có thể dẫn đến các vấn đề về sức khỏe sinh sản trong tương lai, bao gồm giảm khả năng sinh sản và tăng nguy cơ phát triển ung thư tinh hoàn.
Nam giới bị tinh hoàn lạc chỗ có con được không?
Nam giới bị tinh hoàn lạc chỗ có khả năng sinh sản hay không phụ thuộc vào một số yếu tố, bao gồm: Mức độ nghiêm trọng của tình trạng, một hoặc cả hai tinh hoàn bị ảnh hưởng, bệnh có được điều trị kịp thời hay không.
- Điều trị kịp thời: Nếu bệnh được chẩn đoán và điều trị kịp thời, thường qua phẫu thuật để đưa tinh hoàn về vị trí đúng trong bìu, khả năng sinh sản có thể được cải thiện. Phẫu thuật thường được khuyến khích thực hiện ở trẻ nhỏ, thường là trước tuổi 1-2 tuổi, để giảm thiểu nguy cơ tổn thương tinh hoàn và tối ưu hóa chức năng sinh sản sau này.
- Tinh hoàn lạc chỗ kéo dài: Nếu tình trạng này không được điều trị, tinh hoàn có thể bị tổn thương về lâu dài do nhiệt độ cao hơn trong cơ thể so với bìu. Điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của tinh trùng và giảm khả năng sinh sản.
- Một hoặc cả hai tinh hoàn bị ảnh hưởng: Nếu chỉ có một tinh hoàn bị lạc chỗ và tinh hoàn còn lại phát triển bình thường, khả năng sinh sản có thể không bị ảnh hưởng nhiều. Tuy nhiên, nếu cả hai tinh hoàn đều bị lạc chỗ và không được điều trị, khả năng sinh sản có thể bị giảm đáng kể.
Đối với những nam giới có khả năng sinh sản bị ảnh hưởng, có nhiều phương pháp hỗ trợ sinh sản hiện đại có thể giúp họ có con. Điều này bao gồm các phương pháp như bơm tinh trùng trực tiếp vào buồng tử cung (IUI) hoặc thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), có thể kết hợp tiêm tinh trùng vào bào tương trứng (ICSI).
Tinh hoàn lạc chỗ có gây ung thư?
Tỷ lệ nam giới bị ung thư tinh hoàn do tinh hoàn lạc chỗ cao gấp nhiều lần so với người có tinh hoàn bình thường. Do tinh hoàn nằm lại trong bụng nhiều sẽ sản sinh thành các gốc tự do tiềm ẩn ung thư hóa.
Vì vậy việc điều trị càng sớm sẽ càng giúp người bệnh loại trừ nguy cơ ung thư tinh hàon. Những trường hợp điều trị trễ có thể gây ra nhiều hệ lụy và khó chữa khỏi bệnh.
Phương pháp điều trị tinh hoàn lạc chỗ
Hiện nay có hai phương pháp điều trị là áp dụng liệu pháp hormone hoặc phẫu thuật tinh hoàn lạc chỗ về vị trí bìu. Điều trị bằng hormon HCG sẽ kích thích tinh hoàn di chuyển xuống vị trí bìu hoàn toàn nhưng kết quả lâu và tỷ lệ thành công không khả quan.
Phẫu thuật đem lại kết quả chính xác và nhanh chóng hơn, khả năng thành công sẽ tuỳ vào thời điểm điều trị bệnh. Thời điểm tốt nhất để phẫu thuật tinh hoàn là giai đoạn trẻ 1 – 2 tuổi.
Nếu tinh hoàn lạc chỗ 1 bên thì số lượng tinh trùng vẫn còn nhiều và khả năng sinh sản vẫn có thể diễn ra bình thường. Nếu có cả hai tinh hoàn bị ảnh hưởng, thì phương pháp điều trị phẫu thuật mổ tinh hoàn sẽ đem lại hiệu quả tốt hơn.
- Tỷ lệ sinh sản 90% nếu được mổ ở giữa 1-2 tuổi
- Tỷ lệ sinh sản 50% nếu khi được điều trị lúc 2-3 tuổi
- Tỷ lệ sinh sản 40% khi điều trị giữa 5-8 tuổi
- Tỷ lệ sinh sản 30% với trẻ em 9-12 tuổi
- Tỷ lệ sinh sản 15% nếu điều trị khi trưởng thành.
Sau phẫu thuật tinh hoàn lạc chỗ, người bệnh cần làm xét nghiệm tinh dịch đồ đưa ra đánh giá chính xác khả năng sinh sản. Thời gian hồi phục hậu phẫu, bệnh nhân phải tiếp tục theo dõi tình trạng sức khỏe để có biện pháp xử lý sớm và thích hợp.
Xem thêm:
- Các bệnh thường gặp về tinh hoàn và cách xử lý hiệu quả nhất
- Bị đau tinh hoàn khám ở đâu tốt, có bác sĩ giỏi?
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!