Nóng rát thực quản – Nguyên nhân và cách khắc phục
Nóng rát thực quản là triệu chứng thường gặp sau khi bạn ăn quá nhiều đồ cay nóng, uống rượu hoặc do mắc các bệnh lý ở đường tiêu hóa. Xác định chính xác nguyên nhân sẽ giúp bạn có cách điều trị và khắc phục tình trạng này triệt để.
Nguyên nhân gây nóng rát thực quản
Nóng rát thực quản là hiện tượng xảy ra khi niêm mạc thực quản bị tổn thương và có cảm giác nóng, bỏng rát khó chịu. Ở mức độ nhẹ, tình trạng này chỉ xuất hiện thoáng qua nhưng nếu bị nặng cảm giác nóng rát trong thực quản có thể kéo dài suốt cả ngày ảnh hưởng đến đường ăn uống, ngủ nghỉ cũng như công việc.
Nguyên nhân gây nóng rát thực quản được xác định có liên quan đến những yếu tố sau:
- Dị ứng thức ăn: Một số thực phẩm có thể gây dị ứng khiến bạn có cảm giác nóng rát bên trong thực quản. Kèm theo đó còn thể xuất hiện thêm các biểu hiện bất thường khác như buồn nôn, nôn ói, tiêu chảy, nổi mẩn ngứa, phát ban ngoài da…
- Tác dụng phụ của thuốc: Uống thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau, kháng viêm kéo dài có thể khiến lớp niêm mạc bảo vệ thực quản bị tổn thương, từ đó gây ra hiện tượng nóng rát khó chịu.
- Trào ngược axit dạ dày thực quản: Hiện tượng này xảy ra khi cơ co thắt thực quản dưới bị suy yếu kèm theo tình trạng tăng tiết axit trong dạ dày khiến chất này dễ dàng đi ngược lên trên thực quản. Khi tiếp xúc với niêm mạc thực quản, axit ăn mòn và gây bỏng rát thực quản. Bạn cũng có thể bị ợ chua, ợ nóng, rát cổ họng, ăn không tiêu khi mắc căn bệnh này.
- Căng thẳng quá mức: Stress kéo dài có thể gây rối loạn tiêu hóa, thúc đẩy bệnh trào ngược dạ dày, nóng rát thực quản và nhiều vấn đề khác ở đường tiêu hóa phát triển.
- Sử dụng nhiều thức ăn cay nóng: Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây nóng rát thực quản. Nhiều người cảm thấy thực quản, dạ dày có cảm giác bỏng rát sau khi ăn các món cay chứa nhiều tiêu, ớt, mù tạt. Nguyên nhân là do chúng chứa nhiều capsaicin khi ăn vào sẽ gây kích ứng niêm mạc thực quản và khiến cơ quan này bị nóng lên.
- Uống nhiều bia rượu, hút thuốc lá: Lạm dụng bia rượu và hút thuốc lá có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe đường tiêu hóa, nóng rát thực quản là một trong những hệ lụy phổ biến.
- Ung thư thực quản: Sự xuất hiện của khối u ác tính trong thực quản làm thay đổi cấu trúc tế bào và làm suy giảm chức năng tiêu hóa của thực quản cũng như dạ dày. Bên cạnh triệu chứng nóng rát thực quản, người mắc bệnh ung thư thực quản còn có những triệu chứng như: Ợ chua, đầy bụng, tiết nhiều nước bọt, khó nuốt, đầy bụng, mệt mỏi, giảm cân không rõ lý do.
Như vậy, tình trạng nóng rát thực quản xuất hiện vì nhiều nguyên nhân khác nhau, chủ yếu là do các vấn đề ở đường tiêu hóa và chế độ ăn uống hàng ngày. Không phải trường hợp nào bị nóng rát thực quản cũng là ung thư. Vì vậy, nếu có hiện tượng này bạn nên đi khám để tìm hiểu chính xác nguyên nhân gây bệnh thay vì ở nhà tự chẩn đoán và lo lắng quá mức khiến bệnh càng thêm nặng.
Nóng rát thực quản có nguy hiểm không?
Tình trạng nóng rát thực quản kéo dài có thể gây nhiều tác hại như:
- Ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày: Cảm giác bỏng rát xuất hiện thường trực khiến người bệnh luôn cảm thấy khó chịu, mệt mỏi, chán ăn, mất tập trung trong công việc hàng ngày. Nếu xuất hiện vào ban đêm, bạn có thể bị đánh thức và không thể ngủ trở lại, từ đó dẫn đến thiếu ngủ, mất ngủ, suy kiệt sức khỏe.
- Làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý ở thực quản: Nếu không được điều trị sớm, nóng rát dạ dày thực quản có thể gây ra các biến chứng khác rất nguy hiểm như: Chẳng hạn như bệnh hẹp thực quản, Barrett thực quản hay vòng thực quản. Đây đều là những biến chứng nguy hiểm có thể ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người bệnh.
Cách khắc phục nóng rát thực quản
Để điều trị nóng rát thực quản, bên cạnh việc giải quyết nguyên nhân gây bệnh thì bạn cũng cần có sự điều chỉnh về lối sống, chế độ ăn uống và sinh hoạt hàng ngày sao cho hiện tượng này nhanh chóng chấm dứt mà không tái phát trở lại. Cụ thể, các phương pháp khắc phục nóng rát thực quản như sau:
1. Ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày giảm nóng rát thực quản
Các bữa ăn trong ngày được chia nhỏ sẽ làm giảm áp lực cho thực quản và dạ dày, tránh được tình trạng trào ngược axit là nguyên nhân chủ yếu khiến cho thực quản có cảm giác nóng rát. Giải pháp này cũng đặc biệt tốt cho những người bệnh bị béo phì, tiểu đường bởi khi ăn nhiều bữa trong ngày, lượng đường trong máu sẽ được duy trì ở mức ổn định và tránh được cảm giác bị đói bụng.
Theo đó, thì thay vì chỉ ăn 3 bữa sáng, trưa, tối như thường lệ, người bị nóng rát thực quản được khuyến khích nên ăn 5 – 6 bữa trong ngày. Mỗi bữa cách nhau từ 3 – 4 tiếng với lượng thức ăn vừa phải. Chú ý dành nhiều thời gian nhai kỹ thức ăn trước khi nuốt, đặc biệt là với các thức ăn thô vì hành động này sẽ giúp thức ăn dễ dàng di chuyển qua thực quản mà không khiến cơ quan này bị tổn thương nặng hơn, đồng thời giảm gánh nặng tiêu hóa cho dạ dày.
2. Không ăn quá no
Đây cũng là một vấn đề bạn cần đặc biệt chú ý trong chế độ ăn uống hàng ngày nếu không muốn tình trạng nóng rát thực quản thêm nghiêm trọng.
Theo nguyên lý hoạt động của cơ thể, khi thức ăn được dung nạp, dạ dày sẽ chịu trách nhiệm sản xuất dịch vị, bao gồm axit và một số thành phần khác để tiêu hóa thức ăn. Số lượng thực phẩm được tiêu thụ càng nhiều thì lượng axit tiết ra càng lớn. Bạn sẽ có nguy cơ bị trào ngược axit rất cao khiến thực quản càng nóng rát dữ dội hơn.
Chính vì vậy, hãy kiểm soát tốt lượng thức ăn bạn tiêu thụ trong mỗi bữa. Chỉ nên dùng bữa đến khi gần no thì nên ngưng lại ngay. Dù thức ăn có hấp dẫn đến mức nào thì bạn cũng không nên cố gắng ăn quá no.
3. Ăn nhiều rau xanh và trái cây giảm nóng rát thực quản
Trái cây và rau xanh đều là những thực phẩm tốt cho tiêu hóa, đặc biệt là cho người đang bị nóng rát thực quản. Chúng chứa nhiều chất xơ giúp thúc đẩy tiêu hóa, tiêu độc, giải nhiệt, xoa dịu các cơn nóng rát trong thực quản.
Nếu đang gặp phải vấn đề này, bạn nên ưu tiên sử dụng các loại rau xanh giàu chất xơ và có tính mát như:
- Rau dền
- Cà rốt
- Mồng tơi
- Rau đay
- Dưa chuột
- Bơ
- Táo
- Chuối
- Đu đủ
- Dưa hấu
- Lê…
Tuy nhiên cần lưu ý tuyệt đối tránh xa các thực phẩm chứa nhiều axit như xoài, chanh, cóc, quýt… Khi được sử dụng, axit sẽ tiếp xúc trực tiếp với niêm mạc thực quản và khiến cơ quan này bị tổn thương, nóng rát dữ dội hơn.
4. Đưa cân nặng trở về mức hợp lý
Béo phì làm tăng nguy cơ mắc chứng trào ngược axit khiến thực quản bị nóng rát và nhiều vấn đề khác ở đường tiêu hóa. Bên cạnh đó, khi bị tăng cân quá mức, mỡ bám dính nhiều trong thành ruột khiến cho thức ăn và chất thải bị ứ đọng lại. Điều này gây ra nhiều tác hại cho tiêu hóa và khiến tình trạng nóng rát thực quản có diễn biến nghiêm trọng hơn.
Do vậy, nếu bạn đang bị dư thừa cân nặng, hãy áp dụng các biện pháp như tập luyện, ăn kiêng khoa học để đưa trọng lượng cơ thể trở về mức hợp lý.
5. Không nằm ngay sau khi ăn
Nằm hay ngồi yên một chỗ ngay sau khi ăn không có lợi cho tiêu hóa. Lúc này, các cơ co bóp trong ruột được thư giãn nên sẽ làm chậm lại tiến độ di chuyển của thức ăn từ thực quản xuống dạ dày và ruột già. Khi thức ăn ở trong bụng lâu, dạ dày sẽ tiết ra nhiều dịch vị hơn. Trào ngược axit và nóng rát thực quản là một hậu quả tất yếu.
Các bác sĩ chuyên khoa khuyến cáo, bạn nên giữ người ở tư thế thẳng sau khi ăn ít nhất 1 tiếng. Tránh đi nằm ngay hoặc ngồi yên một chỗ.
Bên cạnh đó, nếu bạn có thói quen ăn khuya thì nên từ bỏ ngay. Sử dụng bữa tối trước khi đi ngủ ít nhất 3 tiếng để đảm bảo thức ăn được tiêu hóa hoàn toàn và thực quản, dạ dày có thể nghỉ ngơi, tái tạo trong giấc ngủ.
6. Loại bỏ các thực phẩm gây nóng rát thực quản ra khỏi thực đơn
Socola, gia vị cay, thức ăn nhiều dầu mỡ, đồ hộp, các món ngọt, thức ăn nhiều dầu mỡ là những thứ có thể gây kích ứng thực quản. Nếu sử dụng quá nhiều sẽ dẫn đến cảm giác nóng rát, thậm chí bị viêm thực quản. Tốt nhất người bị nóng rát thực quản nên hạn chế sử dụng hoặc loại bỏ hoàn toàn ra khỏi thực đơn cho đến khi khỏi bệnh.
7. Ngưng hút thuốc lá
Hút thuốc lá trong thời gian dài có thể làm suy yếu hoạt động của các cơ co thắt ở thực quản dưới – nôi chịu trách nhiệm mở ra khi có thức ăn đi vào dạ dày và đóng lại để axit không thể trào ngược lên trên. Nếu bạn không muốn bị nóng rát thực quản thường xuyên hoặc nghiêm trọng hơn là ung thư thực quản thì cần cai hút thuốc lá càng sớm càng tốt.
8. Điều trị nóng rát thực quản bằng y khoa
Trong hầu hết các ca bệnh, tình trạng nóng rát thực quản có thể được cải thiện khi bạn duy trì một lối sống khoa học. Tuy nhiên một số trường hợp cần kết hợp uống thêm thuốc tân dược hoặc phẫu thuật để điều trị các bệnh lý liên quan, chẳng hạn như viêm thực quản hay trào ngược axit.
Tùy theo nguyên nhân gây nóng rát thực quản, bác sĩ có thể cân nhắc chỉ định các loại thuốc như:
- Thuốc trung hòa dịch vị, giảm tiết axit trong dạ dày: Lanzoprazo, Aluminium hydroxide, Omeprazol, hay Alcium carbonate… Nhóm thuốc này được chỉ định cho những người bị trào ngược axit dạ dày gây nóng rát thực quản.
- Thuốc kháng sinh: Được chỉ định khi có nhiễm khuẩn ở thực quản. Bạn có thể được chỉ định thuốc dạng viên hay dung dịch uống. Tuy nhiên nếu có kèm theo hiện tượng khó nuốt thì thuốc tiêm tĩnh mạch có thể được dùng thay thế.
Phẫu thuật thường được chỉ định cho những trường hợp bị nóng rát thực quản do mắc bệnh lý nghiêm trọng, chẳng hạn như ung thư thực quản. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để lựa chọn được phương pháp điều trị nóng rát thực quản phù hợp nhất với bạn.
Có thể bạn chưa biết:
- Bị bệnh trào ngược dạ dày thực quản nên ăn gì, kiêng gì tốt?
- Cảm giác nghẹn ở thực quản là bị gì, nguy hiểm không?
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!