Mồ hôi nách ra quá nhiều phải làm sao khắc phục?
Vận động mạnh, thường xuyên ăn đồ cay nóng, uống rượu bia, nồng độ nội tiết cao,… là những nguyên nhân khiến mồ hôi nách ra nhiều. Để khắc phục tình trạng này, bạn có thể thay đổi một số thói quen, áp dụng các biện pháp tại nhà hoặc can thiệp phương pháp điều trị chuyên sâu.
Nguyên nhân khiến mồ hôi nách ra nhiều
Mồ hôi là kết quả do quá trình bài tiết của tuyến bã nhờn. Hoạt động này có tác dụng làm giảm nhiệt độ cơ thể, duy trì độ ẩm cho da và hỗ trợ đào thải bụi bẩn tích tụ trong lỗ chân lông.
Mồ hôi thường có xu hướng đổ nhiều ở vùng dưới cánh tay, cổ và bẹn. Tuy nhiên mồ hôi nách ra quá nhiều có thể làm giảm tự tin và gây ra mùi hôi khó chịu.
Mồ hôi nách tiết ra quá nhiều có thể do những nguyên nhân sau:
- Hệ thần kinh giao cảm hoạt động quá mức.
- Mắc bệnh tiểu đường, suy hô hấp, mãn kinh, cường giáp (tuyến giáp hoạt động quá mức).
- Vận động với cường độ mạnh trong thời gian dài.
- Sử dụng thức ăn cay nóng, hút thuốc lá, uống rượu bia và cà phê.
- Yếu tố di truyền
- Mắc chứng rối loạn máu, viêm khớp và stress kéo dài.
- Bị áp lực và lo âu quá mức.
- Nồng độ nội tiết cao (người đang trong độ tuổi dậy thì)
Mồ hôi nách ra quá nhiều có sao không?
Hoạt động bài tiết mồ hôi là cơ chế sinh lý tự nhiên của cơ thể. Do đó việc tăng tiết hoạt động này quá mức cũng không gây ảnh hưởng đến sức khỏe hay gây ra bất cứ biến chứng gì nguy hiểm.
Tuy nhiên hiện tượng này có thể khiến vùng dưới cánh tay có mùi khó chịu, ẩm ướt và dễ mắc các bệnh về da (nấm da, nhiễm trùng, viêm nang lông, viêm da kích ứng,…).
Ngoài ra, tăng tiết mồ hôi nách quá mức còn khiến tay áo luôn trong tình trạng ẩm ướt và dễ bị ngả vàng. Vì vậy người mắc phải tình trạng này thường mất tự tin trong hoạt động sinh hoạt và làm việc.
Các biện pháp khắc phục mồ hôi nách ra nhiều tại nhà
Do hiện tượng tăng tiết mồ hôi nách không ảnh hưởng đến sức khỏe, vì vậy bạn có thể áp dụng một số biện pháp tại nhà để cải thiện, như:
1. Sử dụng lăn khử mùi và bột talc
Lăn khử mùi là giải pháp dành cho những người có tuyến mồ hôi phát triển và có mùi khó chịu ở vùng dưới cánh tay. Sử dụng sản phẩm này có thể giảm số lượng mồ hôi tiết ra, kháng khuẩn và ngăn ngừa tình trạng nhiễm trùng da.
Hiện nay trên thị trường có nhiều sản phẩm khử mùi. Do đó bạn nên liên hệ với nhân viên bán hàng hoặc bác sĩ da liễu để được tư vấn sản phẩm phù hợp.
Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng sản phẩm chứa bột talc (phấn rôm) để cải thiện. Bột talc có khả năng thấm hút mồ hôi tốt, hạn chế vi khuẩn sinh sôi và gây mùi khó chịu ở vùng da dưới cánh tay.
Xem thêm: 7 Lăn khử mùi nam với hương thơm nam tính [Có Giá]
2. Thay đổi một số thói quen
Tăng tiết mồ hôi có thể là hệ quả do một số thói quen thiếu lành mạnh. Vì vậy bạn có thể giảm lượng mồ hôi tiết ra và hạn chế mùi khó chịu dưới cánh tay bằng cách thay đổi một số thói quen sau:
- Vệ sinh cơ thể thường xuyên để loại bỏ bụi bẩn và mồ hôi ứ đọng trong lỗ chân lông.
- Mặc quần áo thoáng mát và rộng rãi để giảm lượng mồ hôi và giúp mồ hôi dễ dàng thoát ra bên ngoài.
- Hạn chế vận động mạnh, có thể thay thế các bộ môn luyện tập gây đổ mồ hôi nhiều bằng cách bơi lội.
- Không hút thuốc lá, uống rượu bia, cà phê hay sử dụng thực phẩm cay nóng.
- Bổ sung đủ 2 lít nước mỗi ngày nhằm hạn chế hoạt động bài tiết. Ngoài ra bạn có thể thu nạp thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất nhằm điều hòa chức năng của hệ thần kinh giao cảm.
- Tránh căng thẳng và lo lắng quá mức. Nên dành thời gian nghỉ ngơi và thư giãn sau một ngày làm việc.
3. Tận dụng thảo dược tự nhiên
Nếu tình trạng tăng tiết mồ hôi vẫn tiếp diễn, bạn có thể tận dụng một số thảo dược tự nhiên để loại bỏ mùi hôi và giảm hoạt động của hệ thần kinh giao cảm.
Một số cách làm giảm tăng tiết mồ hôi nách với thảo dược tự nhiên, bao gồm:
- Lá lốt: Lá lốt có vị cay nồng, tính ấm, tác dụng sát trùng và kháng khuẩn mạnh. Sử dụng lá lốt giã nát sau đó chà nhẹ lên nách trong khi tắm có thể loại bỏ mùi hôi khó chịu và hạn chế nguy cơ nhiễm nấm, vi khuẩn ở vùng da này.
- Nước cốt chanh: Hàm lượng acid citric trong chanh có khả năng loại bỏ bụi bẩn, tế bào chết và mồ hôi ở vùng dưới cánh tay. Ngoài ra vitamin C trong chanh còn có tác dụng nuôi dưỡng làn da trắng sáng và hạn chế tình trạng thâm sạm. Để giảm mồ hôi nách và loại bỏ mùi khó chịu, bạn có thể dùng ½ quả chanh chà xát nhẹ lên vùng da dưới cánh tay và rửa lại với nước sạch.
- Gừng: Tương tự như lá lốt, gừng có đặc tính kháng khuẩn và khử mùi tốt. Sử dụng gừng giã nát massage lên vùng da dưới cánh tay có thể loại bỏ mùi khó chịu, hạn chế tăng tiết mồ hôi và giảm nguy cơ nhiễm nấm.
- Giấm táo: Giấm táo có chứa acid acetic và hàm lượng vitamin dồi dào. Sử dụng giấm táo lên vùng dưới cánh tay có thể loại bỏ vi khuẩn, giảm ngứa ngáy và hạn chế tăng tiết mồ hôi quá mức. Sau khi làm sạch da với nước, bạn nên dùng bông gòn thấm giấm táo và thoa trực tiếp lên da. Để trong khoảng 5 phút và rửa lại với nước sạch.
- Sữa chua: Với những người có làn da nhạy cảm, bạn có thể thay thế sữa chua cho giấm táo hoặc chanh. Acid lactic trong sữa chua có hoạt tính nhẹ, giúp loại bỏ vảy da chết, hạn chế hoạt động của vi khuẩn và ngăn ngừa mùi hôi khó chịu.
Những biện pháp trên đều tận dụng thành phần tự nhiên nên có độ an toàn cao và thích hợp với nhiều đối tượng khác nhau. Tuy nhiên do sử dụng thảo dược nên hiệu quả thường chậm phát huy. Vì vậy khi áp dụng, bạn nên thực hiện đều đặn mỗi ngày để đạt được kết quả khả quan nhất.
Điều trị chuyên sâu chứng tăng tiết mồ hôi nách
Với những trường hợp mồ hôi nách ra quá nhiều do di truyền và nguyên nhân bệnh lý, tình trạng thường không có cải thiện rõ rệt sau khi áp dụng các biện pháp tại nhà. Lúc này, bạn có thể thực hiện một số phương pháp điều trị chuyên sâu như:
1. Sử dụng thuốc
Để làm giảm hoạt động của hệ thần kinh giao cảm, bạn có thể sử dụng một số loại thuốc sau đây:
- Thuốc chống tiết mồ hôi: Nhóm thuốc này được sử dụng với những trường hợp tăng tiết mồ hôi có mức độ nhẹ đến trung bình. Các loại thuốc chống tiết mồ hôi được sử dụng phổ biến, bao gồm Odaban, Drysol, Mitchum Clear Gel,…
- Thuốc acetycholin (chẹn thần kinh giao cảm): Nhóm thuốc này tác động ức chế thụ thể beta của hệ thần kinh giao cảm nhằm hạn chế tiết mồ hôi. Tuy nhiên thuốc acetycholin có khả năng gây ra nhiều tác dụng phụ nên chỉ được sử dụng khi thuốc chống tiết mồ hôi không có đáp ứng. Những loại thuốc được sử dụng, bao gồm: Propranolol, Propantheline,…
- Tiêm thuốc Botulinum: Thuốc Botulinum thường được tiêm dưới da nhằm tác động đến chất dẫn truyền thần kinh và hạn chế hoạt động bài tiết mồ hôi. Tuy nhiên loại thuốc này chỉ có tác dụng tạm thời và chi phí cao nên hiếm khi được áp dụng.
2. Phẫu thuật nội soi
Phẫu thuật nội soi nhằm phá hủy chuỗi liên kết hạch hoặc cắt bỏ hạch giao cảm chi phối hoạt động bài tiết mồ hôi. Phương pháp này chỉ được thực hiện với người trên 18 tuổi và đối tượng không có đáp ứng với điều trị nội khoa.
Phẫu thuật có thể giảm hẳn tình trạng tăng tiết mồ hôi quá mức ở nách, cổ và bàn tay. Tuy nhiên can thiệp ngoại khoa luôn đi kèm với biến chứng và rủi ro nguy hiểm. Vì vậy bạn chỉ nên thực hiện khi có sự cho phép của bác sĩ chuyên khoa.
Mồ hôi nách ra quá nhiều gây ảnh hưởng đến hoạt động giao tiếp, sinh hoạt và làm việc. Vì vậy bạn nên áp dụng các biện pháp tại nhà và điều chỉnh một số thói quen để khắc phục tình trạng này. Trong trường hợp không có cải thiện, nên chủ động tìm gặp bác sĩ để được tư vấn phương án điều trị phù hợp.
Có thể bạn quan tâm:
- 12+ Cách trị hôi nách tại nhà đơn giản, hiệu quả, sạch mùi
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!