Cây Mề Gà
Cây mề gà cho vỏ cây, lá và hạt làm dược liệu chữa bệnh, vị thuốc này còn có các tên gọi khác như trôm mề gà hay sang sé. Cây có tác dụng giảm đau, điều trị mụn nhọt, sưng tấy ngoài da, giúp vết bỏng nhanh lành… được rất nhiều bệnh nhân tin tưởng lựa chọn.
Mô tả về cây mề gà
- Tên gọi khác: Trôm mề gà, cây sảng, quả thang, sảng lá kiếm, sang sé, trôm thon, trôm lá mác, che van.
- Tên khoa học: Sterculia lanceolata
- Họ: Cẩm quỳ – Malvaceae
Đặc điểm thực vật
Cây mề gà là một loại thực vật thân gỗ, sống lâu năm. Chiều cao của các cây dao động từ 3 – 10 mét. Từ thân phát triển ra nhiều cành hình trụ. Những cành non mới mọc thường có lông ở bên ngoài. Trong khi đó, cành gì thì lớp vỏ nhẵn, màu xám và có nhiều khía dọc.
Lá cây mề gà mọc kiểu so le. Các lá có hình bầu dục nhưng cũng có lá lại hình ngọn giáo, tròn ở phía gốc và có đầu tù, hơi nhọn. Lá cây có kích thước to nhỏ không đồng đều, chiều dài khoảng 9 – 20cm và chiều rộng dao động từ 3,5 – 8cm.
Mặt trên của lá nhẵn nhụi nhưng mặt dưới thường mang một ít lông hình sao. Trên lá có nhiều gân phụ tạo thành hình mạng lưới rõ ràng. Các lá kèm thường nhọn, chứa rộng và rất dễ rụng. Vào mùa đông cây rụng lá và ra lại lá non vào mùa xuân.
Hoa mề gà mọc theo cụm thành dạng chùm mảnh đâm ra từ các kẽ lá. Mỗi cụm hoa dài từ 4 – 5 cm và đều có lông mềm hình sao. Các lá bấc có kích thước ngắn , hình dải và cũng dễ rụng. Cây cho ra hoa từ tháng 4 đến tháng 7 trong năm.
Mùa quả mề gà rơi vào tháng 8 – tháng 10. Quả kép có 4 hay 5 đại hình đỏ xếp với nhau tạo thành hình sao, trên quả có phủ lông nhung. Khi chín, quả mở to, bên trong chứa 4 – 9 hạt màu đen bóng và có dạng trứng dẹt.
Tham khảo thêm: Cây Gai Cua – Đặc điểm, Công dụng & Cách dùng vị thuốc
Khu vực phân bố
Cây mề gà khi nhỏ có thể chịu bóng nhưng chủ yếu ưa sống ở những nơi có nhiều ánh sáng. Cây mọc hoang trong các khu rừng thứ sinh hoặc ở vùng ven của các khu rừng ẩm.
Ở Việt Nam, cây mề gà phát triển rải rác ở các tỉnh miền núi có độ cao dưới 600 mét. Cây được tìm thấy nhiều nhất ở các địa phương như Thái Nguyên, Ninh Thuận, Lạng Sơn, Cao Bằng hay Tây Nguyên… Đôi khi, cây còn xuất hiện ở các vùng trung du.
Ngoài Việt Nam thì Lào và Nam Trung Quốc cũng là những nước có diện tích cây mề gà lớn.
Bộ phận dùng làm thuốc
Ngày nay, cây mề gà thường được người dân mang về trồng trước nhà để lấy bóng mát, làm cảnh hoặc làm thuốc chữa bệnh. Bộ phận được thu hái làm dược liệu chính là vỏ thân cây, lá và cả hạt.
Vỏ thân cây và lá được thu hái quanh năm. Hạt được lấy từ quả đã già vào tháng 8 – tháng 10 hàng năm.
Sơ chế thuốc
Vỏ cây mề gà khi đem về thường được rửa sạch, thái nhỏ, đem phơi khô hay dùng tươi đều được. Lá dùng ở dạng tươi hay phơi/ sấy khô. Tương tự, hạt được tách ra khỏi vỏ, loại bỏ những hạt bị hư và phơi khô để bảo quản được lâu.
Thành phần hóa học
Chưa có nhiều nghiên cứu sâu về thành phần hóa học của cây mề gà. Tuy nhiên, một số bằng chứng cho thấy, trong cây chứa nhiều tanin và chất nhầy.
Tham khảo thêm: Cây Lưỡi Bò Có Tác Dụng Gì? Hình Ảnh & Dược Tính
Vị thuốc mề gà
Cây mề gà có nhiều dược chất cần thiết nên được ứng dụng rất nhiều trong y học cổ truyền.
Tính vị, quy kinh
Quả mề gà có vị ngọt nhạt, hơi chát, và tính bình, thường được dùng trong các bài thuốc giúp bổ máu, lợi tiểu, hỗ trợ tiêu hóa và giải độc cơ thể.
Tác dụng của cây mề gà
Mọi bộ phận của loài cây này đều có thể áp dụng để làm thuốc như:
- Vỏ cây: Giảm đau, điều trị sưng tấy ngoài da, nhọt, áp xe, khí hư, bạch đới
- Lá cây: Chữa đòn ngã tổn thương.
- Hạt: Điều trị nóng phổi, hảo khát hoặc dùng chế biến thức ăn.
Liều dùng
Liều dùng vỏ cây mề gà khoảng 20 – 30g tùy theo tình trạng bệnh. Các bộ phận khác sử dụng theo hướng dẫn của thầy thuốc.
Cách dùng dược liệu
Sử dụng thuốc theo dạng bôi hay đắp ngoài da. Không dùng theo đường uống.
Tham khảo thêm: Cây Trường Sinh Thảo (Quyển Bá) – Công Dụng & Cách Dùng
Bài thuốc chữa bệnh từ cây mề gà
Với nhiều tác dụng hữu ích, các bộ phận của cây mề gà, từ quả, lá đến rễ, đều có thể trở thành những vị thuốc quý giúp hỗ trợ điều trị nhiều loại bệnh. Cụ thể:
1. Điều trị vết bỏng ngoài da
Bỏng do nhiều nguyên nhân gây ra như bỏng nước sôi, bỏng lửa hay bỏng do chạm vào vật nóng… Trường hợp bị nhẹ, diện tích vùng tổn thương nhỏ và chưa bị bong tróc da, người bệnh chỉ cần dùng giã một ít vỏ cây lấy nước cốt.
Sau đó trộn chung với lượng mỡ vừa đủ để tạo thành hỗn hợp sền sệt. Sử dụng làm thuốc bôi thoa trực tiếp lên vùng da bị bỏng.
2. Trị vết sưng tấy, áp xe hay mụn nhọt ngoài da
Chuẩn bị 20 – 30g vỏ cây mề gà. Rửa sạch dược liệu tươi rồi thái nhỏ. Bỏ vào cối giã nát với một ít muối biển. Đắp thuốc lên khu vực cần điều trị cho đến khi hết sưng đau.
Không dùng bài thuốc này cho các trường hợp có vết thương hở hay lở loét, chảy dịch ngoài da.
Tham khảo thêm: Cây Mè Đất Chữa Bệnh Gì? Dược Tính Và Cách Dùng
3. Bài thuốc giảm đau do chấn thương
Dùng một ít vỏ cây tươi rửa sạch, bỏ vào cối giã nát cùng 1 thìa muối ăn. Sau đó, pha vào hỗn hợp một ít nước nóng. Vắt nước cốt pha trực tiếp lên vùng bị chấn thương để giảm đau mỗi ngày 2 hoặc 3 lần.
Những lưu ý khi sử dụng cây mề gà để đạt hiệu quả tốt nhất
Để sử dụng cây mề gà một cách an toàn và hiệu quả, người dùng cần nắm rõ các lưu ý quan trọng sau nhằm tránh tác dụng phụ không mong muốn:
- Sử dụng với liều lượng vừa phải: Không nên lạm dụng vì có thể gây ra các tác dụng phụ như dị ứng, ngộ độc hoặc tổn thương gan.
- Tham khảo ý kiến bác sĩ: Nếu bạn đang mắc các bệnh mãn tính hoặc đang sử dụng thuốc, nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng cây mề gà để tránh tương tác thuốc.
- Không dùng cho phụ nữ mang thai và cho con bú: Chưa có nghiên cứu đầy đủ về sự an toàn khi sử dụng trong thời kỳ này.
- Kiểm tra dị ứng: Trước khi sử dụng lần đầu, nên thử một lượng nhỏ để đảm bảo bạn không bị dị ứng.
- Không dùng cây bị dập nát hoặc có dấu hiệu nấm mốc: Điều này có thể gây ngộ độc hoặc nhiễm khuẩn.
- Rửa sạch trước khi dùng: Đảm bảo lá và thân cây được rửa sạch để loại bỏ bụi bẩn và hóa chất.
- Không thay thế thuốc điều trị chính thống: Cây mề gà chỉ nên được dùng hỗ trợ, không thay thế cho các liệu pháp điều trị đã được bác sĩ chỉ định.
Những bài thuốc từ cây mề gà đã được ứng dụng trong dân gian lẫn y học cổ truyền từ lâu đời. Mặc dù vậy, cần có thêm nhiều nghiên cứu đề làm rõ hơn về tác dụng cũng như tính hiệu quả của vị thuốc này. Người bệnh nên tham vấn ý kiến của các bác sĩ hay thầy thuốc Đông y trước khi áp dụng.
Có thể bạn quan tâm:
- Cây Cứt Chuột có tác dụng gì? Đặc điểm và cách dùng
- Thương Nhĩ Tử – Tính Vị, Công Dụng Và Cách Dùng
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!