Trần bì
Trần bì có tính ấm, mùi thơm và vị đắng có tác dụng kiện tỳ, điều hòa khí huyết và tiêu đờm, thường được dùng chữa đầy bụng, tiêu chảy, nôn mửa,.. và nhiều triệu chứng bệnh lý khác.
+ Tên khác: Thanh bì (làm từ vỏ quýt xanh), trần bì(vỏ quýt chín), quyết, quýt, hoàng quyết
+ Tên khoa học: Pericarpium Citri Reticulatae
I. Mô tả cây trần bì
+ Đặc điểm của trần bì
Vỏ thường cuốn lại hoặc quăn, dày khoảng 0,1 – 0,15 cm. Mặt ngoài vỏ có màu nâu nhạt hoặc vàng nâu, có nhiều chấm sẫm hoặc lõm xuống. Mặt trong xốp có màu hồng nhạt hoặc trắng ngà. Vỏ giòn và nhẹ, rất dễ bẻ gãy và có mùi thơm, vị cay.
+ Phân bố
Trần bì phân bố nhiều ở các tỉnh Trung Quốc. Còn ở Việt Nam, vỏ tập trung chủ yếu ở các tỉnh như Thái Nguyên. Thừa Thiên, Quảng Bình, Nghệ An, Hà Giang, Nam Định, Hà Tĩnh, Quảng Trị.
+ Bộ phận dùng, thu hái, chế biến và bảo quản
- Bộ phận dùng làm thuốc: Vỏ quả chín
- Thời gian thu hoạch: Mùa xuân và đông
- Chế biến: Theo Đông Dược Học Thiết Yếu, trần bì được bào chế theo cách như rửa sạch và phơi khô. Có thể dùng sống hoặc sao vàng. Còn theo Phương Pháp Bào Chế Đông Dược, trần bì đem rửa sạch nhưng rửa không lâu. Sau đó, lau và cạo sạch phía bên trong rồi thái nhỏ và phơi nắng cho đến khô. Hoặc cũng có thể tẩm mật ong hoặc muối rồi sao qua. Tùy thuộc theo bài thuốc và loại bệnh mà cách chế biến khác nhau.
- Bảo quản: Nhiệt độ phòng, nơi khô ráo và tránh ánh sáng trực tiếp.
+ Thành phần hóa học
Vỏ quýt chứa khoảng 1,5 – 2% rinh dầu, trong đó có các thành phần chính như Cryptoxanthin, Limolene, Vitamin B1 và C, Elemene, Hesperidin, Iopropenyl-toluene, Beta-sesqui-phellandrene, Caroten, Copaneme, Anpha-humulenol acetate.
II. Vị thuốc
+ Tính vị
Vị đắng, cay và tính ấm
+ Quy kinh
Phế và Tỳ
+ Tác dụng dược lý
#. Tác dụng đối với cơ trơn của ruột và dạ dày
Theo Trung Dược Học, tinh dầu trần bì có công dụng kích thích đường tiêu hóa, giúp ruột bài khí tích trệ ra ngoài một cách dễ dàng. Đồng thời giúp tăng tiết dịch vị và làm giãn cơ trơn của dạ dày và ruột.
#. Tác dụng chống loét và kháng viêm
Thành phần hóa học chứa trong trần bì bao gồm A-Humulenol acetat và Humulene có tác dụng giống như vitamin P. Nếu đem chích Humulene vào ổ bụng của chuột nhắt với liều 170 – 250 mg/kg, giúp làm giảm tính thẩm thấy của mạch máu do Lecithin dung huyết làm tăng.
Với liều 10 mg Humulene còn có công dụng kháng histamin. Còn hoạt chất A-Humulenol có tác dụng làm giảm sự điều tiết dịch vị dạ dày, hạn chế tình trạng viêm loét ở dạ dày.
#. Công dụng bình suyễn, khu đàm
Thành phần hóa học trong trần bì được xem là thuốc kích thích niêm mạc đường hô hấp, giúp làm tăng tiết dịch và loãng đờm. Bên cạnh đó, xuyên trần bì có tác dụng làm giãn phế quản và hạ cơn hen. Sử dụng dịch cồn chiết xuất từ quất bì có thể ngăn chặn cơn co thắt phế quản ở chuột lang do histamin gây ra.
#. Tác dụng kháng khuẩn
Trần bì có tác dụng ức chế sự sinh trường của các chủng khuẩn như trực khuẩn dung huyết hoặc ái huyết, tụ cầu khuẩn.
#. Công dụng đối với hệ tim mạch
Nước sắc của trần bì tươi hoặc dịch chiết của trần bì với cồn ở liều lượng bình thường có tác dụng hưng phấn tim. Nếu dùng ở liều lượng lớn có công dụng ức chế. Tiêm dịch chiết vào tĩnh mạch của chó và thỏ thấy có tác dụng làm tăng huyết áp nhưng khi bơm vào dạ dày không có tác dụng trị liệu.
#. Tác dụng khác
Theo Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược, trần bì có công dụng chống dị ứng, ức chế cơ trơn của tử cung và lợi mật.
+ Cách dùng và liều lượng
Dùng dưới dạng thuốc sắc hoặc hãm trà uống. Liều lượng tối đa mỗi ngày 4 – 12 gram.
+ Tác dụng phụ
Có rất ít tài liệu ghi chép về tác dụng phụ của trần bì. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc sử dụng vị thuốc thiên nhiên này với liều lượng lớn và thời gian dài có thể gây tổn hại đến nguyên khí.
Vì vậy, trong quá trình sử dụng trần bì điều trị bệnh, người bệnh nên thông báo ngay cho thầy thuốc nếu cơ thể xuất hiện triệu chứng bất thường.
+ Kiêng kỵ
Một số trường hợp sau đây nên thận trọng khi sử dụng trần bì chữa bệnh:
- Người thực nhiệt
- Khí hư
- Ho khan
- Thổ huyết
- Âm hư
III. Bài thuốc chữa bệnh từ trần bì theo kinh nghiệm dân gian
+ Chữa rối loạn tiêu hóa do ăn uống hoặc chứng không tiêu
Sử dụng 10 gram trần bì, 10 gram sinh khương, 3 quả đại táo, 10 gram hậu phác, 4 gram cam thảo và 6 gram thảo quả nướng. Sắc thuốc và uống. Sử dụng liên tục 5 ngày giúp cải thiện triệu chứng khó chịu ở bụng.
+ Điều trị đầy bụng khó tiêu
Lấy vài miếng trần bì đem xé nhỏ rồi đem rửa qua nước ấm. Sau đó cho vào cốc nước sôi rồi hãm từ 10 – 15 phút và uống. Tuy nhiên chỉ nên uống khi nước thuốc còn nóng và bỏ phần bã. Uống liên tục vài ngày cho đến khi triệu chứng bệnh giảm dần.
+ Trị viêm phế quản nhẹ, bệnh ho viêm họng
Sử dụng 6 gram trần bì, 4 gram cam thảo và 6 gram tô diệp, sắc thuốc và uống trong ngày.
+ Trị viêm loét dạ dày – tá tràng
- Cách 1: Lấy 20 gram trần bì sắc chung với 15 gram hương phụ sao giấm. Sau đó lọc lấy nước thuốc và cho vào khi với 100 gram thịt gà. Sau khi nước cạn, thêm gừng và gia vị, nêm nếm vừa ăn thì tắt bếp.
- Cách 2: Sử dụng 15 – 20 gram trần bì, sắc và lọc lấy nước thuốc. Dùng nước thuốc nấu cháo với 150 gram gạo tẻ. Tùy khẩu vị từng người mà nêm nếm đường, muối vừa phải. Cháo dùng cho đối tượng bệnh bị trướng bụng, viêm loét dạ dày – tá tràng, buồn nôn hoặc đau vùng thượng vị.
+ Chữa kém ăn, suy nhược cơ thể
Chuẩn bị 3 gram trần bì, 3 gram hồ tiêu và 1 con gà trống 1 kg đã được làm sạch, chặt miếng nhỏ. Cho gà và các vị thuốc vào nồi, thêm gia vị và hầm trên ngọn lửa nhỏ. Sau khi gà chín nhừ, người bệnh chia ra ăn 2 – 3 lần trong ngày. Ăn liên tục 2 – 3 lần sẽ giúp điều trị suy nhược cơ thể.
+ Điều trị ho có đờm do cảm hàn
Dùng 6 gram trần bì sắc chung với 12 gram bạch linh, 4 gram cam thảo, 6 gram bán hạ và 2 lát gừng tươi. Mỗi ngày uống 1 thang, uống đến khi triệu chứng bệnh thuyên giảm thì dừng.
+ Chữa ho mất tiếng
Sử dụng 12 gram trần bì sắc với 200 ml nước. Khi thuốc cạn còn 100 ml, tắt bếp, lọc lấy thuốc và chia ra uống nhiều lần trong ngày.
Trần bì là vị thuốc thiên nhiên thường dùng phổ biến trong Đông y. Tuy nhiên, trước khi sử dụng, bệnh nhân nên tham khảo bác sĩ về liều, cách dùng cũng như thời gian uống, tránh trường hợp tự ý gia giảm liều lượng gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
⇒ Có thể bạn quan tâm: Tác dụng chữa bệnh của thảo dược cát cánh
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!