Cây mè đất
Cây mè đất có vị đắng cay và tính ấm với mùi thơm dịu với tác dụng chỉ khái, khư phong giải biểu và hóa đàm. Thường được sử dụng trong điều trị các bệnh cảm mạo, đau họng, viêm xoang, ho gà, phong nhiệt tê đau, viêm loét ngoài da…
- Tên gọi khác: Bạch thiệt, Trớ diện thảo, Man mác trắng, Phong sào thảo…
- Tên khoa học: Leucas zeylanica (L.)R.Br.
- Họ: Hoa môi (Lamiaceae).
Mô tả dược liệu
1. Đặc điểm thực vật
Mè đất là loại cây thảo, sống hằng năm, có thể cao khoảng từ 20 – 40cm, thân vuông, mọc thẳng, hóa gỗ ở gốc. Thân thường phân thành nhiều cành, các cành cũng vuông và có lông. Lá mọc đối nhau có hình mạc hẹp dài khoảng 2 – 5cm và gần như không có cuống. Gốc lá thuôn, đầu nhọn, phần mép có răng cưa thưa và cả 2 mặt lá đều có lông.
Cụm hoa mọc ở đầu cành hoặc ngọn thân thành đầu hình cầu có đường kính khoảng 1,5 – 2cm gồm nhiều hoa có màu trắng. Lá bắc dài bằng, có khi dài hơn đài hoa, đài hoa hình ống gồm nhiều răng. Phần tràng có ống thẳng và phía bên trong có 1 vòng lông, chia 2 môi. Môi trên có lông còn môi dưới thì dài hơn, chia làm 3 thùy, 4 nhị. Quả bế có hình trứng nhẵn và có cạnh màu nâu.
Cây ưa sáng, mọc nhanh và thường tạo thành quần thể ở trên các nương rẫy, ven rừng hay đồi. Phần thân phân nhánh rất khỏe theo kiểu lưỡng phân và hầu như nhánh nào cũng có hoa ở đầu cành. Khi quả già sẽ tự mở để hạt rơi xuống đất và mọc thành cây con vào khoảng tháng 3 – 4 hàng năm.
2. Bộ phận dùng
Tất cả các bộ phận của cây mè đất đều được sử dụng để làm vị thuốc.
3. Phân bố
Cây mè đất phân bố chủ yếu ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới thuộc châu Á. Cây được cho là có xuất xứ từ Ấn Độ và phân bố rộng rãi ở các nước Tây Á, Đông Nam Á hay phía Nam lãnh thổ Trung Quốc. Riêng ở Việt Nam, cây phân bố ở hầu khắp các tỉnh trung du và miền núi, nhất là ở phía Bắc.
4. Thu hái và sơ chế
Theo kinh nghiệm dân gian, toàn cây mè đất bao gồm cả phần lá, thân và rễ đều có thể sử dụng để làm thuốc. Cây tươi thường được thu hái vào khoảng từ tháng 8 đến tháng 11 hằng năm.
Tiến hành nhổ cả cây đem về rồi rửa cho sạch đất cát. Sau đó cắt phơi khô trong bóng râm hay sấy ở nhiệt độ thấp cho đến khi khô để sử dụng dần.
5. Bảo quản
Dược liệu khi đã được sơ chế khô cần cho vào túi kín và bảo quản ở những nơi khô mát, đề phòng ẩm mốc cũng như mối mọt.
6. Thành phần hóa học
Hiện chưa có nghiên cứu nào phân tích cụ thể về thành phần hóa học có trong cây mè đất.
Vị thuốc cây me đất
1. Tính vị
Dược liệu được các tài liệu đông y ghi nhận là có vị đắng cay và tính ấm.
2. Quy kinh
Chưa tìm thấy tài liệu ghi nhận.
3. Tác dụng dược lý
Theo y học cổ truyền:
- Công dụng: Chỉ khái, hóa đàm, khư phong giải biểu, tiêu viêm.
- Chủ trị: Ho, viêm họng, viêm xoang, đau dạ dày, lở ngứa ngoài da, viêm lợi nhức răng, tan máu bầm tụ máu, viêm da cơ địa…
Theo các nghiên cứu hiện đại:
- Nghiên cứu từ các nhà khoa học Malaysia ghi nhận hoạt động chống oxy hóa cũng như kháng khuẩn mạnh mẽ từ chiết xuất rễ cây mè đấy.
- Chiết xuất từ các bộ phận khác nhau của được liệu có tác dụng giảm đau và chống viêm rất đáng kể.
- Các nhà nghiên cứu Ấn Độ đã thử nghiệm trên cơ thể chuột bị mắc bệnh gan, kết quả ghi nhận chiết xuất dược liệu có tác dụng bảo vệ tế bào gan.
- Ngoài ra, được liệu này được cho là có khả năng hạ đường huyết, từ đó mang lại triển vọng trong hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường.
4. Cách dùng – liều lượng
Tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể mà sử dụng dược liệu với cách cùng liều lượng thích hợp. Tuy nhiên, cách dùng phổ biến nhất là ở dạng thuốc sắc với liều lượng được khuyến cáo cho 1 ngày là từ 12 – 15g.
Cây mè đất chữa bệnh gì? Các bài thuốc liên quan
Mè đất chính là một vị thuốc Nam quý được sử dụng phổ biến trong y học cổ truyền. Nhờ có dược tính cao mà cây mè đất được dùng trong điều trị nhiều bệnh lý. Phải kể đến như viêm họng, viêm xoang, viêm da cơ địa, ho gà, sa dạ dày…
Dưới đây là một số bài thuốc có sử dụng vị thuốc cây mè đất:
1. Bài thuốc chữa ho gà ở trẻ em
- Bài thuốc 1: Cần 12g mè đất, 8g vỏ rễ chanh, 8g hẹ, 8g cam thảo đất, 2 cái vỏ trứng gà đã ấp sao giấm. Tất cả các vị thuốc đem giã nhỏ rồi sắc lấy nước đặc và cho thêm 1 đường khuấy đều. Trẻ 1 – 3 tuổi uống 3 thìa cà phê/lần, trẻ 4 – 5 tuổi uống 4 thìa cà phê/lần, trẻ trên 6 tuổi dùng 5 – 6 thìa cà phê/lần. Tần suất 3 lần mỗi ngày.
- Bài thuốc 2: Cần 30g cây mè đất (sao vàng) cùng 20g kim ngân. Các vị thuốc đem thái nhỏ rồi sắc với 400ml nước để lấy 100ml thuốc. Chia đều thành nhiều lần uống trong ngày.
- Bài thuốc 3: Cần 30g cây mè đất (sao vàng hạ thổ), 20g hoa cây guốc nước mặn (sao vàng), 16g đọt cây dâu, 12g đọt cây chanh. Các vị thuốc đem sắc lấy nước đặc rồi thêm đường cho dễ uống. Trẻ 1 – 3 tuổi uống 1 thìa cà phê/lần, trẻ 4 – 6 tuổi uống 1,5 thìa, trẻ 7 – 9 tuổi uống 2 thìa, trẻ trên 10 tuổi uống 2,5 – 3 thìa cà phê/lần. Mỗi ngày uống 2 lần, kết hợp kiêng ăn chất tanh.
2. Cây mè đất chữa viêm họng, viêm xoang
- Chuẩn bị: 20g cây mè đất, 20g lá bồ công anh, 16g cam thảo cùng 10g lá xạ can.
- Thực hiện: Các vị thuốc đem rửa sạch rồi cho tất cả vào ấm. Thêm 1 thăng nước đun trên lửa nhỏ. Thu lấy khoảng 200ml thuốc, bỏ bã. Chia đều thành 2 – 3 lần uống trong ngày.
3. Cây mè đất chữa viêm da cơ địa, ghẻ ngứa
- Chuẩn bị: 1 nắm mè đất tầm 100g.
- Thực hiện: Vị thuốc trên đem đun lấy nước tắm. Kết hợp với giã lá mè đất bôi trực tiếp lên vùng da đang tổn thương.
4. Bài thuốc điều trị đau nhức răng
- Chuẩn bị: Cây mè đất ở dạng tươi.
- Thực hiện: Chỉ cần giã nát dược liệu và ngậm hằng ngày. Hoặc cũng có thể dùng dược liệu ở dạng khô sắc lấy nước thật đặc và dùng nước để ngậm.
5. Cây mè đất giúp bảo vệ gan và phục hồi chức năng gan
- Chuẩn bị: 15g mè đất ở dạng khô.
- Thực hiện: Dùng được liệu sắc lấy nước uống thay nước lọc mỗi ngày.
6. Bài thuốc chữa tụ máu, bầm tím
- Chuẩn bị: 1 nắm lá mè đất.
- Thực hiện: Giã nát dược liệu rồi đắp trực tiếp vào vùng da đang bị tụ máu. Cần dùng băng gạc cột lại để giữ, mỗi ngày chỉ cần thực hiện 1 lần.
7. Bài thuốc chữa khí hư bạch đới
- Chuẩn bị: 20g mè đất, 20g rễ cỏ xước, 20g rễ củ gai cùng 16g rễ bấn.
- Thực hiện: Các vị thuốc trên rửa sạch rồi cho vào ấm. Thêm 1 lít nước đun trên lửa nhỏ lấy 300ml thuốc. Bỏ phần bã đi và chia nước thuốc thành 3 lần uống, sắc uống 1 thang/ngày.
Những thông tin về dược liệu cây mè đất mà bài viết đề cập chỉ có giá trị tham khảo. Dược liệu này mặc dù có công dụng trị bệnh rất tốt nhưng cần thận trọng khi dùng. Tốt nhất trước khi áp dụng các bài thuốc từ cây me đất cần trao đổi trước với bác sĩ để được hướng dẫn.
Bình luận (1)
này có cây giống k ạ