Hướng dẫn chăm sóc bệnh nhân lupus ban đỏ
Bệnh lupus ban đỏ nếu không được kiểm soát tốt có thể gây ra nhiều triệu chứng ảnh hưởng nghiêm trọng đến tim mạch, xương khớp, da và nhiều cơ quan khác trong cơ thể. Việc chăm sóc bệnh nhân lupus ban đỏ đúng cách sẽ giúp giảm thiểu được những tác hại do bệnh gây ra và góp phần rút ngắn thời gian điều trị.
Bệnh lupus ban đỏ là gì?
Lupus ban đỏ là căn bệnh gây ra bởi tình trạng rối loạn trong hoạt động của hệ miễn dịch. Lúc này thay vì chỉ tấn công các tác nhân gây hại xâm nhập vào cơ thể, hệ miễn dịch lại sản xuất ra nhiều kháng thể tiêu diệt chính các mô khỏe mạnh trong cơ thể và dẫn đến viêm.
Khi bị bệnh, da chính là cơ quan chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Có khoảng 3/4 trong tổng số bệnh nhân xuất hiện các nốt hồng ban dạng cánh bướm trên da, đặc biệt là ở các vùng da hở như mặt, cổ. Ngoài ra, bệnh còn ảnh hưởng xấu đến nhiều cơ quan khác trong cơ thể cùng lúc như tim, phổi, khớp, máu, thần kinh.
Bất cứ ai cũng có thể bị bệnh lupus ban đỏ, tuy nhiên bệnh xuất hiện ở nữ giới nhiều hơn nam giới. Trong đó có khoảng 15% trường hợp bắt đầu bị bệnh trước năm 18 tuổi. Việc chăm sóc đúng cách có thể giúp cải thiện các triệu chứng góp phần giảm thiểu tần suất tái phát bệnh.
Cách chăm sóc bệnh nhân lupus ban đỏ
Người bị lupus ban đỏ cần được chăm sóc toàn diện từ làn da cho tới sức khỏe tổng thể để nhanh chóng đẩy lùi được bệnh từ bên trong lẫn bên ngoài. Dưới đây là một số lời khuyên hữu ích cho người bệnh.
1. Chăm sóc da đúng cách khi bị lupus ban đỏ
Bệnh lupus ban đỏ gây ra nhiều tổn thương là những nốt hồng ban trên da. Chúng xuất hiện chủ yếu ở các vùng da hở như trên mặt, cổ, ngực hay bàn tay. Nếu không được chăm sóc đúng cách, các tổn thương trên da không những lâu bình phục mà còn trở nên trầm trọng hơn. Liên quan đến vấn đề này, bệnh nhân cần chú ý:
– Bảo vệ da trước tác hại của ánh nắng mặt trời
Làn da của người bị lupus ban đỏ rất nhạy cảm với ánh nắng mặt trời. Tia cực tím có trong ánh nắng sẽ khiến cho các sợi collagen trong da bị đứt gãy, qua đó ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình bình phục của tổn thương và khiến làn do có nguy cơ để lại sẹo thâm.
Chính vì vậy, việc bảo vệ da khi ra ngoài nắng chính là một bước không thể thiếu trong quy trình chăm sóc bệnh nhân bị lupus ban đỏ. Để hạn chế tối đa ảnh hưởng của tia cực tím tới làn da, người bệnh có thể áp dụng một số mẹo đơn giản sau:
- Mặc quần áo dài tay hoặc có chất liệu chống tia UV khi ra ngoài
Tia cực tím có khả năng đâm xuyên qua những lớp vải mỏng sáng màu và ngay cả lớp cửa kính của cửa sổ, ô tô. Vì vậy, khi ra ngoài trời, bạn nên mặc quần áo dài tay có chất liệu tối để bảo vệ da tối ưu.
Hiện nay, trên thị trường cũng bày bán rất nhiều quần áo hay váy được dệt từ sợi tổng hợp giúp chống lại tia cực tím. Người bệnh có thể tìm mua về mặc khi cần thiết.
- Thoa kem chống nắng bảo vệ da
Nếu chỉ mặc quần áo dài tay thì không thể bảo vệ da hoàn toàn trước tác hại của ánh nắng mặt trời. Do đó, người bệnh cần kết hợp sử dụng kem chống nắng khi ra ngoài đường. Khi mua kem chống nắng, cần ưu tiên lựa chọn các sản phẩm đáp ứng được những tiêu chí như:
+ Chỉ số SPF ít nhất là 30
+ Có thể cản được tia UVA lẫn UVB
+ Kem có chứa các thành phần có khả năng cản quang. Chẳng hạn như kẽm oxide hay titanium dioxide
+ Chất kem mỏng, nhẹ, có khả năng thẩm thấu nhanh, không gây bết dính trên da
Khi sử dụng kem chống nắng cũng cần lưu ý:
+ Trong lần đầu sử dụng, thoa một ít kem ra cổ tay, chờ xem da có biểu hiện bị dị ứng không trước khi thoa trên diện rộng.
+ Trung bình, các sản phẩm kem chống nắng đều cần khoảng 30 phút để phát huy được hiệu quả tối ưu. Vì vậy, hãy chú ý canh thời gian để thoa kem trước khi ra ngoài 30 phút.
+ Mồ hôi và quá trình cọ sát khi vận động có thể làm trôi kem chống nắng. Hãy thoa lại kem sau khoảng 1,5 – 2 tiếng, đặc biệt là khi bạn vận động ngoài trời nhiều hoặc đi biển, đi bơi.
- Chỉ nên ra ngoài khi thật sự cần thiết
Người bị lupus ban đỏ được khuyên ở trong nghỉ ngơi nhiều hơn để da nhanh lành. Cân nhắc ra ngoài chỉ khi thật sự cần thiết, đặc biệt là trong những giờ cao điểm khi ánh nắng mặt trời có cường độ tia UV mạnh nhất là 10 giờ sáng đến 16 gờ chiều hàng ngày.
Nếu bắt buộc phải ra ngoài, đừng quên thoa kem chống nắng, mặc quần áo dài tay và đội mũ rộng vành để bảo vệ da.
- Hạn chế tiếp xúc với ánh sáng nhân tạo
Ngoài ánh sáng mặt trời thì tiếp xúc nhiều với ánh sáng nhân tạo cũng không tốt cho làn da khi bị lupus ban đỏ. Bạn nên hạn chế để da tiếp xúc với ánh sáng ra từ máy tính, máy photocopy hay các thiết bị điện tử khác nếu không muốn các triệu chứng bệnh ngày càng trở nặng.
– Sử dụng các sản phẩm chăm sóc da phù hợp
Khi bị lupus ban đỏ, bạn vẫn có thể sử dụng các sản phẩm chăm sóc da như kem dưỡng da, xịt khoáng hay sữa rửa mặt. Tuy nhiên cần ưu tiên dùng các sản phẩm dịu nhẹ được sản xuất từ các thành phần thiên nhiên và phù hợp với da để tổn thương không bị kích ứng nặng hơn.
– Vệ sinh da sạch sẽ
Bước chăm sóc bệnh nhân lupus ban đỏ này cũng quan trọng không kém. Da được làm sạch sẽ giúp bớt ngứa và hạn chế được nguy cơ bị nhiễm trùng, bội nhiễm vi khuẩn.
Bạn nên tắm rửa, thay quần áo 1 – 2 lần mỗi ngày. Sử dụng nước ấm, nước lạnh hoặc sữa tắm không chứa chất tẩy để làm sạch da. Sau khi tắm xong, chú ý lau khô người bằng khăn mềm rồi mới được mặc quần áo vào. Tuyệt đối không mặc trang phục trong tình trạng cơ thể còn ẩm ướt.
2. Đẩy lùi bệnh lupus ban đỏ bằng một chế độ ăn uống khoa học
Người bị lupus ban đỏ cần được chăm sóc bằng một chế độ dinh dưỡng phù hợp để cải thiện hệ miễn dịch của cơ thể và nhanh chóng đẩy lùi bệnh tật. Vậy trong ăn uống hàng ngày, người bệnh nên kiêng gì và ăn gì tốt?
– Những thực phẩm người bị lupus ban đỏ nên kiêng ăn:
- Đồ béo: Thịt mỡ, các món chiên rán, đồ ăn chứa bơ là những thức ăn chứa nhiều chất béo không tốt cho người bị lupus ban đỏ. Tiêu thụ các thực phẩm này quá nhiều khiến lượng mỡ trong máu gia tăng, làm cản trở quá trình lưu thông máu đến sửa chữa những khu vực bị tổn thương do ảnh hưởng từ bệnh. Hơn nữa, chúng còn làm tăng nguy cơ mắc các biến chứng về tim mạch, tiểu đường ở người bị lupus ban đỏ.
- Thức uống chứa caffein: Caffein là một chất kích thích thần kinh được tìm thấy nhiều trong cà phê, ca cao, trà đặc, nước tăng lực hay các loại đồ uống có gas. Sử dụng các thức uống này thường xuyên sẽ làm giảm khả năng hấp thụ chất sắt của cơ thể. Điều này sẽ khiến người bị phải đối diện với chứng thiếu máu ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của như quá trình bình phục của bệnh.
- Các loại thịt đỏ: Chẳng hạn như thịt bò, thịt dê, thịt nạc lợn, thịt trâu. Thành phần protein có nhiều trong thịt đỏ có thể làm gia tăng tình trạng ngứa ngáy, khó chịu ngoài da. Ngoài ra, ăn nhiều thịt đỏ còn làm tăng sắc tố da, khiến các nốt hồng ban để lại vết thâm đem sau khi bình phục. Đây chính là những lý do giải thích vì sao thịt đỏ không được khuyến khích sử dụng trong bữa ăn của người bị lupus ban đỏ.
- Muối và các món quá mặn: Cắt giảm lượng muối tiêu thụ trong bữa ăn hàng ngày là giải pháp hữu hiệu giúp người bị lupus ban đỏ giảm thiểu nguy cơ bị các biến chứng về tim mạch, cao huyết áp do căn bệnh này gây ra.
- Kiêng uống rượu: Rượu và các thức uống chứa cồn khác có thể tương tác với các thuốc điều trị lupus ban đỏ bệnh nhân đang sử dụng và làm giảm hiệu quả của chúng. Chính vì lẽ đó, bệnh nhân nên kiêng uống bia rượu, ít nhất là cho đến khi bệnh được chữa lành hoàn toàn.
- Gia vị cay: Ăn nhiều tiêu, ớt, mù tạt hay các món cay sẽ gây tích nhiệt trong cơ thể, khiến cho tổn thương lâu lành.
- Các thực phẩm khác cần hạn chế: Thức ăn nhanh, đồ hộp, các thức ăn được làm từ tinh bột đã qua chế biến ( bánh mì trắng, bánh quy…)
– Thực phẩm nên có trong thực đơn của người bị lupus ban đỏ:
- Củ nghệ:
Thành phần curcumin trong nghệ có thể giúp kháng viêm, giảm protein niệu và ổn định huyết áp tâm thu ở những bệnh nhân đang gặp vấn đề về thận do lupus ban đỏ.
Người bệnh có thể sử dụng nghệ làm gia vị chế biến món ăn hàng ngày. Cách khác hãy uống nghệ chung với mật ong nguyên chất hoặc thêm một muỗng bột nghệ vào trong ly sữa ấm và thưởng thức.
- Gừng
Đây cũng là một loại gia vị có đặc tính kháng viêm, giảm đau rất tốt cho người bị lupus có biểu hiện viêm khớp. Gừng được tiêu thụ theo nhiều cách khác nhau như làm nước chấm, ướp vào thịt cá hoặc phơi khô hãm trà uống.
- Thực phẩm chứa axit béo omega 3
Omega 3 được tìm thấy trong một số loại hạt ( óc chó, hướng dương, hạt lanh, đậu nành ) hay các loại cá béo ( cá ngừ, cá trích, cá cơm, cá thu…). Đây là một chất béo lành mạnh tốt cho tim mạch và có tác dụng chống viêm, cải thiện lưu thông máu, làm giảm thiệt hại do lupus ban đỏ gây ra.
- Sữa chua:
Sữa chua và các thức uống lên men tự nhiên giúp cung cấp lượng lớn vi khuẩn có lợi cho đường ruột, cải thiện hệ miễn dịch. Mỗi ngày duy trì ăn 1 – 2 hũ sữa chua sẽ giúp bệnh nhân kiểm soát tốt bệnh tình của mình và hạn chế nguy cơ tái phát.
- Thực phẩm chứa nhiều vitamin D:
Thiếu hụt vitamin D có thể là suy yếu hệ miễn dịch và là một trong những yếu tố thúc đẩy bệnh lupus ban đỏ phát triển. Ngoài việc tắm nắng sớm mỗi ngày để cơ thể tổng hợp vitamin D, người bệnh có thể bổ sung chất này thông qua ăn uống.
Các thực phẩm dồi dào vitamin D nhất bao gồm: Các sản phẩm từ đậu nành, lòng đỏ trứng, sữa, ngũ cốc…
- Giấm táo
Giấm táo có tác dụng kích thích tiêu hóa, thải độc cho cơ thể và làm tăng khả năng sản xuất axit chlohydric – một chất hầu hết người mắc lupus ban đỏ đều bị thiếu hụt.
Để đạt được hiệu quả tốt, người bệnh chỉ cần lấy một thìa giấm táo pha với một cốc nước uống trước các bữa ăn khoảng 30 phút.
- Dầu thực vật
Các loại dầu thực vật giúp bổ sung chất béo lành mạnh cho cơ thể. Đặc biệt là dầu dừa và dầu oliu còn có tác dụng kháng viêm, làm giảm cholesterol trong máu.
Thay vì dùng mỡ động vật, người bệnh có thể dùng dầu thực vật để xào nấu, chế biến món ăn sẽ có lợi hơn cho sức khỏe.
- Rau xanh và trái cây
Rau củ quả tươi là nguồn cung cấp chất xơ, các vitamin và khoáng tố dồi dào. Chúng giúp nâng cao sức khỏe tổng thể cho người bị lupus ban đỏ.
- Ngũ cốc nguyên hạt
Sử dụng nhóm thực phẩm này giúp cải thiện chức năng tiêu hóa, thải độc cho cơ thể, đồng thời giảm nguy cơ bị biến chứng về tim mạch.
- Uống nhiều nước
Khi chăm sóc bệnh nhân lupus ban đỏ, người nhà cũng cần chú ý nhắc nhở người bệnh uống nước thường xuyên để tăng khả năng thải độc và chuyển hóa các chất dinh dưỡng trong cơ thể. Qua đó góp phần đẩy nhanh quá trình hồi phục sức khỏe.
3. Chế độ sinh hoạt hàng ngày giúp hỗ trợ điều trị bệnh
Một số thay đổi trong lối sống có thể giúp hỗ trợ cải thiện các triệu chứng lupus ban đỏ và giảm tần suất tái phát bệnh. Trong sinh hoạt hàng ngày, bệnh nhân hãy chú ý một số điểm quan trọng sau:
- Đi ngủ sớm, ngủ đủ giấc. Tránh thức quá khuya
- Không làm việc quá sức khiến sức khỏe suy giảm, tạo điều kiện thuận lợi cho các đợt bệnh cấp tính tái phát trở lại.
- Bớt lo lắng, giữ cho tinh thần luôn thoải mái. Tránh để đầu óc căng thẳng quá mức sẽ khiến cho bệnh tình bùng phát dữ dội hơn.
- Thận trọng khi dùng thuốc tây, đặc biệt là các thuốc làm tăng tính nhạy cảm của da với ánh nắng mặt trời như thuốc điều trị cao huyết áp, thuốc kháng viêm, kháng sinh…
- Tập thể dục mỗi ngày, tham gia các bộ môn vận động nhẹ nhàng như đi bộ, tập dưỡng sinh, ngồi thiền, yoga… Chúng giúp người bị lupus ban đỏ cải thiện sức khỏe, ổn định hoạt động của hệ miễn dịch.
Trên đây là cách chăm sóc bệnh nhân lupus ban đỏ trong ăn uống, sinh hoạt hàng ngày cũng như trong việc bảo vệ làn da. Để bệnh nhanh chóng bị đẩy lùi, người bệnh cũng cần chú ý giữ vững tinh thần lạc quan và tích cực dùng thuốc điều trị bệnh theo hướng dẫn của các bác sĩ chuyên khoa.
Thông tin hữu ích liên quan
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!