Loạn khuẩn đường ruột là gì? Nguyên nhân, cách điều trị

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Nguyễn Thị Nhuần

Phó Giám đốc Chuyên môn

Loạn khuẩn đường ruột là bệnh rất phổ biến ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là trẻ nhỏ. Mất cân bằng vi sinh ở đường ruột có thể làm phát sinh các triệu chứng bất thường. Trường hợp không được điều trị có thể làm tăng nguy cơ mắc phải nhiều bệnh lý tiêu hóa.

Loạn khuẩn đường ruột là gì? Dấu hiệu nhận biết
Loạn khuẩn đường ruột là bệnh lý phổ biến đặc trưng bởi sự mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột

Loạn khuẩn đường ruột là gì?

Thông thường, trong đường ruột con người luôn tồn tại 1 hệ vi sinh đa dạng sống cộng sinh với nhau. Có tới khoảng 500 – 1000 loài, trong đó có tới 85% là các lợi khuẩn và 15% còn lại là các vi khuẩn gây hại.

Loạn khuẩn đường ruột là thuật ngữ y tế đề cập đến sự mất cân bằng vi sinh ở hệ tiêu hóa. Lúc này, tỷ lệ giữa lợi khuẩn và vi khuẩn có hại đã bị phá vỡ. Thường là lượng lợi khuẩn giảm xuống còn hại khuẩn sẽ có dịp sinh sôi nảy nở. Từ đó gây ra tình trạng nhiễm khuẩn đường ruột và làm phát sinh các triệu chứng bất thường.

Số liệu thống kê ghi nhận, trẻ nhỏ là đối tượng có nguy cơ bị loạn khuẩn đường ruột cao hơn rất nhiều so với người lớn. Trẻ có thể bị đi ngoài phân lỏng, phân sống, có dính chất nhầy hay 1 ít máu. Đôi lúc còn bị đầy bụng kèm, theo biểu hiện sốt nhẹ. Với các trường hợp nghiêm trọng, nếu không can thiệp sớm trẻ có thể bị rối loạn điện giải, mất nước, dẫn tới kiệt sức và suy dinh dưỡng kéo dài.

Gợi ý: Bị rối loạn tiêu hóa có nên uống nước cam không? Thông tin cần biết 

Triệu chứng nhận biết bệnh loạn khuẩn đường ruột

Rối loạn đại tiện:

Người bệnh có thể bị tiêu chảy hoặc táo bón. Tuy nhiên hầu hết các trường hợp là bị tiêu chảy. Người bệnh có thể đi đại tiện 7 – 8 lần/ ngày. Trường hợp bệnh tiến triển nặng có thể đi 20 – 30 lần/ ngày. Tiêu chảy thường gây mất nước bởi đại tiện phân lỏng, không thành khuôn. Đôi khi phân còn có dính chất nhầy hay 1 ít máu.

Chướng bụng đầy hơi:

Tình trạng mất cân bằng vi sinh khiến cho thức ăn lưu trữ trong đường ruột lâu hơn. Điều này có thể sinh ra khí ở trong bụng. Do đó, bụng trở nên to hơn và có cảm giác đầy hơi, chướng bụng.

Bệnh loạn khuẩn đường ruột có thể gây ra một số triệu chứng sau đây:
Loạn khuẩn đường ruột có thể khiến cho người bệnh luôn cảm thấy bị chướng hơi, đầy bụng

Ngoài ra người bệnh còn luôn cảm thấy khó chịu dẫn đến mệt mỏi và ăn không ngon. Đi kèm với các triệu chứng này có thể là biểu hiện rối loạn đại tiện như táo bón, tiêu chảy…

Buồn nôn và nôn ói:

Chức năng tiêu hóa của đường ruột bị giảm cũng có thể là nguyên nhân khiến người bệnh bị buồn nôn và nôn ói. Đôi khi có kèm theo triệu chứng ợ hơi, ợ nóng. Tình trạng buồn nôn và nôn kéo dài dễ khiến cho cơ thể mệt mỏi, chán ăn, ăn không ngon. Từ đó dẫn tới tình trạng mất nước và thiếu hụt dinh dưỡng.

Đau bụng:

Loạn khuẩn đường ruột là một bệnh đường tiêu hóa nên đau bụng là triệu chứng khó tránh khỏi. Tùy thuộc vào mức độ bệnh mà cảm giác đau bụng sẽ có tính chất âm ỉ hay dữ dội. Cơn đau thường kích hoạt đầu tiên ở phía trên bên trái vùng bụng. Sau đó từ từ lan sang các vùng xung quanh.

Các nguyên nhân gây bệnh loạn khuẩn đường ruột

Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng loạn khuẩn đường ruột. Dưới đây là các nguyên nhân thường gặp nhất:

1. Ăn uống không lành mạnh

Chế độ ăn uống ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động tiêu hóa thức ăn và sự cân bằng vi sinh trong đường ruột. Duy trì chế độ ăn thiếu lành mạnh sẽ có thể làm mất sự cân bằng tỷ lệ lợi khuẩn và hại khuẩn.

Đặc biệt là những người tiêu thụ thực ăn không đảm bảo sạch sẽ và vệ sinh. Tạo điều kiện cho các hại khuẩn tấn công vào đường ruột. Hại khuẩn tăng sinh sẽ lấn át những vi khuẩn có lợi. Điều này có thể khiến cho đường ruột bị nhiễm khuẩn.

2. Tác dụng phụ của thuốc

Hầu hết các loại thuốc tây đều tiềm ẩn nguy cơ phát sinh các tác dụng phụ trong quá trình sử dụng. Đặc biệt là những ảnh hưởng đến cơ quan tiêu hóa.

Các chuyên gia cho biết, việc lạm dụng, dùng kháng sinh dài ngày không chỉ tiêu diệt vi khuẩn có hại mà còn diệt luôn cả các lợi khuẩn có trong đường ruột. Từ đó dẫn tới sự mất cân bằng hệ vi sinh và gây ra tình trạng loạn khuẩn đường ruột.

Tác dụng phụ của thuốc
Lạm dụng thuốc tây, nhất là kháng sinh có thể gây ra tình trạng mất cân bằng vi sinh đường ruột

3. Áp lực tâm lý

Tâm lý bất ổn cũng được cho là một yếu tố có thể ảnh hưởng trực tiếp tới sự co bóp của dạ dày và ruột. Nó khiến cho nhu động ruột bị giảm. Từ đó dẫn đến thức ăn sẽ phải mất nhiều thời gian hơn để tiêu hóa.

Quá trình tiêu hóa thức ăn bị trì trệ có thể tạo điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn có hại phát triển. Hơn nữa còn gây áp lực và làm giảm lượng lợi khuẩn. Điều này dẫn tới mất cân bằng vi sinh ở trong đường ruột.

Loạn khuẩn đường ruột có nguy hiểm không?

Về cơ bản, loạn khuẩn đường ruột không phải là tình trạng quá nghiêm trọng. Sự mất cân bằng vi sinh trong đường ruột hoàn toàn có thể được khắc phục nếu sớm có biện pháp can thiệp đúng đắn.

Tuy nhiên tình trạng này kéo dài có thể khiến cho người bệnh bị rối loạn tiêu hóa. Từ đó khiến quá trình tiêu hóa thức ăn và khả năng hấp thu dưỡng chất bị suy giảm. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe tổng thể.

Ngoài ra, cần đặc biệt chú ý đến trường hợp bị tiêu chảy kéo dài do loạn khuẩn đường ruột. Bởi tình trạng này có thể dẫn tới mất nước và mất cân bằng điện giải. Nếu không được can thiệp kịp thời, người bệnh có thể gặp phải các vấn đề nguy hiểm.

Chẩn đoán loạn khuẩn đường ruột như thế nào?

Trước hết bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám và kiểm tra các triệu chứng lâm sàng. Một số câu hỏi cũng có thể được đặt ra:

  • Bạn gặp phải các triệu chứng từ khi nào?
  • Thức ăn gần đây bạn tiêu thụ?
  • Bạn có đang dùng kháng sinh không?
  • Tiền sử các bệnh đường tiêu hóa của bạn?

Triệu chứng loạn khuẩn đường ruột với một số bệnh đường tiêu hóa khác có thể tương tự nhau. Vì vậy rất dễ gây ra sự nhầm lẫn trong chẩn đoán. Chỉ dựa vào các triệu chứng và thăm khám lâm sàng là chưa đủ.

Chẩn đoán loạn khuẩn đường ruột như thế nào?
Bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán trước khi đưa ra giải pháp điều trị

Tiêu chuẩn để chẩn đoán loạn khuẩn đường ruột là định lượng mẫu dịch hút trong ruột cho thấy lượng vi khuẩn lớn hơn 105/ mL. Tuy nhiên phương pháp này cần thực hiện nội soi.

Nghiệm pháp hơi thở, sử dụng các cơ chất như lactulose, glucose và xylose không gây cản trở và dễ thực hiện. Trong đó nghiệm hơi thở xylose được cho là có giá trị tốt hơn so với các nghiệm pháp hơi thở khác.

Trường hợp các thay đổi giải phẫu không phải do phẫu thuật trước đó thì cần thực hiện nội soi đường tiêu hóa trên tiếp nối ruột non nhằm xác định các tổn thương trước khi điều trị.

Tham khảo thêm: Bị rối loạn tiêu hóa có nên ăn sữa chua không? Giải đáp thắc mắc

Các giải pháp điều trị loạn khuẩn đường ruột

Như đã đề cập, loạn khuẩn đường ruột không phải là tình trạng quá nghiêm trọng. Nếu sớm phát hiện thì việc khắc phục điều trị hoàn toàn đơn giản. Dưới đây là một số giải pháp có thể đáp ứng:

1. Bổ sung men vi sinh

Sự mất cân bằng vi sinh trong đường ruột thường gặp là lợi khuẩn giảm và hại khuẩn tăng. Lúc này việc bổ sung men vi sinh là rất cần thiết. Bác sĩ sẽ căn cứ vào mức độ bệnh để yêu cầu sử dụng một số chế phẩm vi sinh.

Một số loại chế phẩm vi sinh được sử dụng phổ biến bao gồm:

  • Antibio
  • Lactomin plus
  • Biolactin

Sử dụng đều đặn theo chỉ định của bác sĩ thì sau khoảng vài tuần bệnh sẽ dần ổn định. Sau đó bạn có thể tham khảo bác sĩ về việc có nên giảm liều lượng và tiếp tục sử dụng duy trì hay không.

2. Dùng thuốc kháng sinh

Trong một số trường hợp bị loạn khuẩn đường ruột ở mức độ nặng thì việc chỉ dùng men vi sinh sẽ không có đủ khả năng đáp ứng. Bởi lúc này, hại khuẩn trong đường ruột sinh sôi quá nhanh và gây ra nhiều triệu chứng nghiêm trọng.

điều trị loạn khuẩn đường ruột
Với các trường hợp bệnh nặng, bác sĩ sẽ yêu cầu điều trị bằng kháng sinh

Để khắc phục bệnh, bác sĩ sẽ yêu cầu sử dụng kháng sinh đường uống khoảng từ 10 – 14 ngày. Phác đồ điều trị theo kinh nghiệm bao gồm:

  • Tetracycline 250 mg
  • Amoxicillin/ clavulanic acid 250 đến 500 mg/ ngày
  • Cephalexin 250 mg
  • Trimethoprim/ sulfamethoxazole 160/800 mg hai lần/ ngày
  • Metronidazole 250 đến 500 mg ba hay bốn lần/ ngày
  • Rifaximin 400 đến 550 mg hai lần/ ngày

Điều trị bằng kháng sinh có thể theo chu kỳ trong trường hợp các triệu chứng của bệnh có xu hướng tái phát và thay đổi dựa vào kết quả nuôi cấy cũng như độ nhạy. Tuy nhiên thay đổi điều trị kháng sinh có thể gây ra nhiều khó khăn do cùng tồn tại nhiều loại vi khuẩn.

Các loại thuốc kháng sinh dùng trong điều trị loạn khuẩn đường ruột dùng đúng chỉ định của bác sĩ. Tuyệt đối không tự ý tăng giảm liều hay ngưng dùng khi chưa nhận được yêu cầu. Dùng thuốc không đúng cách có thể khiến vi khuẩn kháng kháng sinh và gây ra nhiều rủi ro nghiêm trọng.

3. Điều chỉnh chế độ ăn uống

Chế độ ăn uống được cho là yếu tố đóng vai trò quyết định đối với việc cân bằng hệ khuẩn ruột. Người bệnh nên bổ sung các loại thực phẩm tốt cho cơ thể. Đồng thời xây dựng một chế độ ăn uống khoa học.

Điều chỉnh chế độ ăn uống
Cần điều chỉnh chế độ ăn uống lành mạnh để hỗ trợ điều trị loạn khuẩn đường ruột

Cần chú ý đến một số vấn đề sau:

  • Nên tăng cường các thực phẩm giàu dưỡng chất và dễ tiêu hóa. Điển hình như bí đỏ, thịt gà, thịt lợn nạc, sữa đậu nành, sữa chua, cà rốt, hồng xiêm, chuối tiêu…
  • Tránh ăn các loại đồ ăn khó tiêu. Phải kể đến là thực phẩm có quá nhiều chất xơ, ngô, đỗ nguyên hạt.
  • Bổ sung đủ nước cho cơ thể. Ngoài nước lọc thì có thể uống thêm nước ép táo, chuối xay, hồng xiêm xay…
  • Không nên ăn đồ chứa nhiều chất béo, mỡ động vật, thức ăn ngọt.
  • Chú ý giữ gìn vệ sinh ăn uống và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Xem thêm: Cách chữa rối loạn tiêu hóa ở trẻ sơ sinh hiệu quả, an toàn

Biện pháp phòng ngừa loạn khuẩn đường ruột

Loạn khuẩn đường ruột khiến cho người bệnh ăn uống không ngon miệng. Đồng thời cơ thể cũng sẽ không hấp thu được dưỡng chất dẫn tới sụt cân và suy dinh dưỡng. Tốt nhất bạn nên chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa. Bao gồm:

  • Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh. Nên ăn các loại thực phẩm dễ tiêu và uống đủ nước. Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Tránh tiêu thụ đồ ăn chứa nhiều chất béo hay chất kích thích.
  • Điều chỉnh thói quen sinh hoạt điều độ. Tránh thức khuya hay stress, căng thẳng quá mức. Nên chủ động thăm khám sức khỏe định kỳ.
  • Tuyệt đối không được lạm dụng các loại thuốc tây, nhất là kháng sinh. Cần sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ.
  • Thường xuyên rửa tay sạch sẽ, nhất là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
  • Nên thường xuyên bổ sung lợi khuẩn cho đường ruột. Ngoài việc ăn sữa chua, kefir, tempeh… thì bạn cũng có thể uống thêm một số loại men tiêu hóa để bổ sung vi khuẩn có lợi.

Loạn khuẩn đường ruột không phải là bệnh lý nghiêm trọng nhưng cần can thiệp điều trị sớm. Đặc biệt là khi các triệu chứng của bệnh kéo dài thì nên sớm thăm khám và dùng thuốc theo chỉ định bác sĩ. Thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm và thường xuyên rửa tay sạch sẽ có thể giúp phòng ngừa bệnh hiệu quả.

Có thể bạn quan tâm:

Chia sẻ:
Các loại men tiêu hóa cho trẻ em và cách sử dụng đúng

Khi trẻ gặp các vấn đề về đường ruột và dạ dày, đa số các bậc phụ huynh sẽ mua…

Vi khuẩn đường ruột là gì? Tính chất và điều cần biết Vi khuẩn đường ruột là gì? Tính chất và điều cần biết

Vi khuẩn đường ruột bao gồm hàng ngàn loại khác nhau, nhưng trong đó chỉ có một số loại vi…

Bị rối loạn tiêu hóa có nên uống nước cam không?

Nước cam là một loại thức uống rất tốt cho sức khỏe, bởi vì nó chứa nhiều vitamin và khoáng…

Bị rối loạn tiêu hóa có nên ăn sữa chua không?

Rối loạn tiêu hóa có nên ăn sữa chua không là thắc mắc chung của rất nhiều bạn đọc bởi…

Điều trị loạn khuẩn đường ruột ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ

Tình trạng loạn khuẩn đường ruột ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ xảy ra khá thường xuyên do hệ…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chia sẻ
Bỏ qua