Táo tàu

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Phạm Thị Minh Dương

Bác sĩ

Táo tàu được sử dụng làm thuốc trong Đông y với các tên gọi như hồng táo, đại táo. Dược liệu này có tác dụng an thần, bổ tỳ vị, lợi huyết, sinh tân dịch. Dưới đây là những công dụng của táo tàu và lưu ý quan trọng cần biết khi sử dụng.

Táo tàu

  • Tên gọi khác: Hồng táo, đại táo, can táo, cẩu nha, thích táo, mỹ táo, đường táo, nam táo, dương cung táo
  • Tên khoa học: Zizyphus jujuba Mill
  • Họ: Táo – Rhamnaceae

Mô tả về cây táo tàu

Đặc điểm thực vật

Táo tàu là một loại cây ăn quả có thân gỗ nhỏ. Cây có chiều cao khoảng 5 – 12 mét, phân nhiều cành mọc um tùm tỏa ra hai bên giống như một bụi cây, trên cành có thể có nhiều gai. Lá đơn, mọc đối so le trên các cành nhỏ, nhọn ở đầu, sớm rụng. 

Cây táo tàu cho ra nhiều hoa nhỏ có màu trắng, vàng hoặc máu ánh lục. Quả táo tàu thuộc dạng quả hạch, hình trứng, hơi lõm ở đầu. Khi còn non quả màu xanh lục, vỏ ngoài láng bóng và có vị hơi chua. Khi táo già hoặc chín, màu quả chuyển sang sắc đỏ hoặc đen ánh tía, vỏ ngoài co nhúm lại, nhăn nheo, hình dáng trông giống với quả chà là nhỏ.

Phân bố

Cây táo tàu được trồng nhiều ở Trung Quốc và dược liệu được sử dụng tại Việt Nam cũng chủ yếu nhập từ nguồn này. Tuy nhiên các nhà khoa học cho rằng, loài cây này có nguồn gốc ở Bắc Phi và Syria. Sau đó di thực qua Ấn Độ trước khi tới Trung Quốc. 

Hiện tại, một số nơi ở miền Bắc nước ta đã bắt đầu trồng thử nghiệm cây táo tàu. Cây được nhân giống bằng cách chiết cành và được trồng vào mùa xuân. Từ tháng 4 đến tháng 6, cây bắt đầu ra hoa và kết quả vào tháng 7 đến tháng 8 hàng năm.

Bộ phận dùng

Phần sử dụng làm thuốc lá quả khô của cây táo tàu. Đôi khi hạt và lá cũng có thể được dùng. 

Đặc điểm dược liệu

Quả táo tàu khô có hình viên chùy, chiều dài khoảng 18 – 32mm. Bên ngoài vỏ màu đỏ nâu, nâu tím hoặc màu đen. Bên ngoài có nhiều vết nhăn ăn sâu vào trong. Cuối quả lõm, có thể còn nguyên cuống quả hoặc có một vết sẹo tròn do cuống rụng đi để lại.

Chất thịt bên trong mềm, màu nâu nhạt, dẻo. Hạt có vỏ cứng, dài khoảng 9 – 12mm, nhọn ở hai đầu. Bên trong hạt có nhân màu trắng, chất cứng.

Thu hái – sơ chế

Quả táo tàu được thu hoạch vào mùa Thu Đông. Những quả chín sẽ được hái trước đem về rửa sạch, ăn tươi hoặc bào chế thành dược liệu.

Cách bào chế dược liệu táo tàu

  • Cách 1: Bào chế hồng táo

Quả chín được đem về phơi ngoài nắng to hoặc sấy cho thật khô ra màu hồng hoặc đỏ được gọi là hồng táo. 

  • Cách 2: Bào chế đại táo

Quả táo tàu tươi chín vàng hái về đem phơi cho lớp vỏ bên ngoài hơi nhăn lại. Bỏ hết táo vào trong một cái thùng có gai, lắc nhẹ để châm lỗ. Sau đó ngào táo với nước sắc cô đặc của rễ con, thân lá cây sinh địa (địa hoàng ) và một ít đường. Đem phơi nắng cho táo khô hoàn toàn và không còn dính tay. Lúc này táo sẽ chuyển sang màu đen, vị ngọt đậm gọi là đại táo hoặc hắc táo.

Cách bảo quản

Dược liệu được đóng vào túi ni lông hoặc cho vào hộp để bảo quản được lâu hơn. Tránh để nơi ẩm ướt khiến táo tàu khô bị mốc.

Thành phần hóa học

Táo tàu tươi và khô đều chứa các chất sau:

  • Protein
  • Chất béo
  • Phenol
  • Polysacarit
  • Đường,
  • Acid hữu cơ: Oleanoic acid, 3-O-Cis-p-Coumaroylmaslinic acid, Maslinic acid…
  • Vitamin A, B2, C,
  • Khoáng chất: Canxi, Sắt, Phốt pho
  • Lysine
  • Asmilobine
  • N-Nornuciferine…

Vị thuốc táo tàu

Tính vị

  • Theo sách Bản kinh: Táo tàu vị ngọt, tính bình
  • Theo sách Thiên Kim Phương – Thực trị: Táo tàu vị ngọt, hơi cay, tính nóng, không chứa độc
  • Theo sách Trung Dược Học và Trung Dược Đại Từ Điển: Dược liệu có vị ngọt, tính ấm

Quy kinh

Táo tàu có khả năng quy vào các kinh Can, Tỳ, Vị, Thận, Tâm, Phế

Táo tàu có tác dụng gì?

Công dụng của táo tàu theo y học cổ truyền:

Đông y cho rằng, táo tàu khô có tác dụng bổ tỳ vị, lợi khí, sinh tân dịch, cường lực, chỉ thấu, bổ huyết, an thần, giải độc dược, điều hòa các loại thuốc.

Chủ trị tỳ vị hư nhược, tiêu chảy, kém ăn, hồi hộp, suy nhược cơ thể, bồn chồn khó ngủ, lở loét ngoài da, táo bón, nghẹt mũi…

tác dụng của táo tàu
Quả táo tàu tươi qua công đoạn bào chế, sấy khô có màu đỏ được gọi là hồng táo

– Tác dụng của táo tàu theo nghiên cứu hiện đại:

  • Ngăn ngừa, hỗ trợ điều trị ung thư: Thành phần vitamin C, axit triterpenic và polysacarit trong táo tàu có thể giúp ức chế, tiêu diệt các tế bào ác tính, ngăn chặn không cho ung thư lan rộng.
  • Tác dụng trên hệ tim mạch: Táo tàu cung cấp nhiều kali giúp ổn định huyết áp, phòng chống các bệnh lý về tim mạch.
  • Đối với hệ tiêu hóa: Saponin, tritrerpernoid và chất xơ có tác dụng ổn định chuyển động ruột, ngăn ngừa táo bón, tăng cường hấp thu các chất dinh dưỡng và cải thiện sức khỏe đường ruột.
  • Trên hệ tuần hoàn: Chất sắt và photpho trong táo tàu làm tăng sản xuất tế bào hồng cầu, kích thích lưu thông tuần hoàn máu trong toàn bộ cơ thể. Ngoài ra, các chất alkaloid và triterpenoid còn giúp loại bỏ độc tố trong máu, thanh lọc máu.
  • Kháng khuẩn, chống virus: Flavornoid và vitamin C trong dược liệu có đặc tính kháng khuẩn, chống lại sự xâm nhập của vi trùng, virus cảm cúm xâm nhập vào cơ thể.
  • Công dụng của táo tàu với hệ miễn dịch: Chất polysacarit có khả năng trung hòa các gốc tự do, làm chậm tiến trình oxy hóa trong cơ thể, qua đó cải thiện chức năng hoạt động của hệ miễn dịch.
  • Ngoài quả, hạt táo tàu cũng có nhiều tác dụng tốt như an thần, chữa mất ngủ, chống co giật, bảo vệ tế bào não, kích thích mọc tóc. Lá táo tàu chữa bệnh trĩ, cải thiện sức khỏe xương khớp.

Liều lượng

Ngày dùng 3 – 10 quả

Cách sử dụng

Dùng cả quả táo tàu khô sắc uống, chưng nhừ hoặc bỏ hột và vỏ lấy phần thịt quả trộn với các dược liệu khác làm hoàn. Bên cạnh đó, quả táo tàu còn được sử dụng để chế biến ra nhiều món ăn bài thuốc trị bệnh, cải thiện sức khỏe.

Bài thuốc chữa bệnh có táo tàu

1. Trong người bồn chồn không yên dẫn đến mất ngủ 

Dùng bài thuốc gồm 14 quả táo tàu đen kết hợp với 7 củ hành trắng. Cho cả 2 vào ấm sắc với 3 thăng nước đến khi cạn còn 1 thăng thì dừng lại. Gạn ra uống 1 – 2 lần trong ngày khi thuốc còn ấm.

2. Chữa lở loét ngoài da không lành

Dùng 3 thăng táo tàu sắc kỹ trong 15 phút. Lấy nước, để nguội dùng rửa tổn thương mỗi ngày 3 – 4 lần.

3. Chữa lên cơn đau tim đột ngột

Dùng 2 quả táo tàu, 1 quả ô mai và 7 hạt khổ hạnh nhân. Tất cả tán nhuyễn. Nam giới uống thuốc với rượu còn phụ nữ thì dùng giấm để uống.

4. Điều hòa dịch vị (vị khí) 

Hái quả táo tàu tươi phơi khô, tách bỏ hạt, đem tán thành bột mịn. Khi sử dụng, lấy bột táo trộn chung với một ít bột gừng sống pha nước, nhắp uống từ từ từng ít một.

5. Chữa khô miệng, đau cổ họng khi nuốt, hay buồn ngủ sau khi bị thương hàn

Dùng táo tàu đen và ô mai mỗi loại 10 quả. Táo bỏ hạt, đem giã nát cùng với ô mai. Cả hai trộn với lượng mật vừa đủ để làm viên hoàn. Kích thước mỗi viên cỡ bằng hạt hạnh nhân. Để khắc phục bệnh, dùng thuốc ngậm mỗi ngày 2 – 3 viên.

6. Chữa tỳ vị hư nhược

Dùng thịt táo tàu sấy khô, nghiền thành bột mịn. Trộn chung với sinh khương. Mỗi lần lấy 6g đun sôi với nước uống x 2 lần/ngày.

7. Chữa chứng bế khí do ăn nhiều hạt tiêu

Theo sách Bách Nhất Tuyển Phương, ăn vài quả táo tàu sẽ giúp hóa giải các triệu chứng.

8. Chữa chứng phế ung, nôn ói ra máu do sử dụng nhiều thức ăn cay nóng

Dùng quả táo đỏ ( hồng táo ) kết hợp với bách dược tiễn lượng bằng nhau làm thành một thang thuốc. Táo để cả hột đem đốt cháy thành than, bách dược tiễn đốt qua. Cả hai tán bột trộn chung. Khi sử dụng lấy 8g hòa với nước cơm uống.

9. Chữa chứng thống khí tại tiểu trường

Dùng một con sâu đậu bỏ cánh và đầu nhét vào trong quả táo, bọc giấy lại đốt cho thuốc chín. Bỏ sâu đậu, chỉ ăn táo. Kết hợp lấy cây khương mọc nấu nước uống cùng để bệnh được đẩy lùi.

10. Điều trị bệnh táo bón, khó đi cầu

Táo tàu đen 1 quả, tách bỏ hạt, đem trộn với 2g cam phấn (khinh phấn). Tiếp tục dùng một cái giấy ướt gói thuốc lại, bỏ lên bếp than nướng chín. Lấy thuốc ra đem sắc uống.

11. Chữa nôn ói sau khi ăn

 Dùng 1 quả táo tàu đen ( đại táo ), 1 con sâu đậu. Táo bỏ hột, sâu đậu ngắt bỏ đầu và cánh rồi nhét vào bên trong quả táo. Nướng chín trên bếp than, bỏ xác sâu đậu lấy táo ăn khi bụng còn đang đói.

công dụng của táo tàu
Hình ảnh Đại táo ( táo tàu đen ) có tác dụng chữa nôn ói sau ăn

12. Chữa điếc, mũi nghẹt không thể ngửi được mùi, mất thính giác

Áp dụng bài thuốc gồm các vị: Táo tàu đen 15 quả, hạt thầu dầu 300 hạt. Táo tào gọt vỏ, bỏ hạt, cho vào cối giã nát chung với hạt thầu dầu. Gói thuốc vào trong bông rồi nhét vào lỗ tai hoặc lỗ mũi tùy theo vị trí cần điều trị. Trường hợp bị bệnh ở cả hai cơ quan thì nhét thuốc vào mũi trước, sau khi bỏ ra mới nhét vào lỗ mũi chứ không nên điều trị cả hai cùng lúc. 

Thực hiện đều đặn mỗi ngày 1 lần.

13. Ngăn ngừa và loại bỏ mùi xú uế trên cơ thể

Kết hợp táo tàu đen ( lấy thịt quả ), quế thông ( gọt bỏ lớp vỏ thô bên ngoài ), hạt ngân hạnh, tùng thụ bì. Tất cả giã nát làm thành viên hoàn uống.

14. Điều trị bệnh cam tẩu mã ( Viêm miệng hoại thư, bệnh “ăn mặt người”)

Chuẩn bị 1 quả táo tàu đen và hoàng bá lượng vừa đủ. Táo bỏ vỏ và hột lấy thịt, tán bột chung với hoàng bá. Để điều trị bệnh cam tẩu mã, lấy bột thuốc trộn chung với một ít dầu và tỳ sương bôi vào khu vực bị bệnh.

15. Chữa buồn bục trong người, khó đi vào giấc ngủ

Lấy 14 quả táo tàu đen đem nấu chung với 210g long nhãn như nấu chè. Uống nước và ăn cả cái.

16. Điều trị giảm tiểu cầu trong máu

Dùng 40g táo tàu đen, kết hợp với 20g nam bạc hà. Sắc uống hàng ngày để tăng lượng tiễu cầu trong máu.

17. Điều trị bệnh viêm gan vàng da

Dùng 60g hoắc hương núi, 200g táo tàu, 30g tiêu chi sơn. Sắc mỗi ngày 1 thang chia uống vào buổi sáng và buổi chiều.

18. Điều trị đau bụng ở phụ nữ có thai

Dùng 14 quả táo tàu đem đốt tồn tính, tán bột mịn. Uống thuốc chung với nước tiểu ( theo Mai Sư Phương )

19. Điều trị đau bụng do hư hàn

Dùng 12g dư dung, 4 quả táo tàu đen, 6g quế chi, 3g quốc lão, 10g gừng, 30g mạch nha. Trừ mạch nha, lấy 5 vị thuốc còn lại sắc trong 20 phút. Gạn nước thuốc, thêm mạch nha vào nấu nhỏ lửa thêm 10 phút nữa. Chia 2 – 3 lần uống trong ngày. Nên dùng khi thuốc còn ấm.

20. Điều trị chứng tạng táo ở phụ nữ

Những người mắc căn bệnh này thường có biểu hiện thích la hét, khóc lóc, giãy giụa nhưng tri giác hoàn toàn vẫn tỉnh táo, hay ngáp. Trường hợp này có thể áp dụng bài thuốc sau để khắc phục:

Chuẩn bị các thành phần: 10 quả táu tàu đen, hạt lúa mì 1 thăng, quốc lão ( cam thảo ) 60g. Sắc uống ngày 1 thang giúp bồi bổ tỳ khí, cải thiện các triệu chứng bệnh.

 21. Điều trị bệnh xuất huyết dưới da trong các trường hợp bị dị ứng

Lấy 320g táo tàu đen sắc chung với 40g cam thảo uống, mỗi ngày 1 thang. Dùng cho đến khi da trở lại bình thường.

22. Chữa cam tẩu mã ở trẻ em

Dùng 6g nghiệt bì, 1 quả táo tàu đen. Cả hai đem đốt tồn tính, tán nhỏ, lấy sát vào răng của bé.

23. Chữa phát ban dị ứng, chứng ban chẩn không phải do giảm tiểu cầu

Dùng táo tàu đỏ sắc uống mỗi ngày 3 lần, mỗi lần 10 quả. Theo tạp chí Thượng Hải Trung Y Dược 1958, bài thuốc này đã giúp điều trị thành công cho 5 ca bệnh phát ban dị ứng và 16 ca ban chẩn không do giảm tiểu cầu sau một thời gian dùng thuốc tây mà không có hiệu quả.

24. Điều trị bệnh tả lỵ lâu ngày

Lấy 50g táo tàu đỏ sắc với 300ml nước. Đun sôi khoảng 15 phút rồi cho đường đỏ vào nấu chung thêm 5 phút nữa. Uống nước, ăn cả cái.

25. Điều trị chứng hư phiền, mất ngủ, cơ thể tự đổ nhiều mồ hôi và chứng bệnh Tạng táo ở cả nam và nữ

Chuẩn bị 10 quả táo tàu đen, 40g tiểu mạch và 12g cam thảo. Sắc ngày 1 thang chia làm 2 lần uống có tác dụng dưỡng tâm, an thần, đẩy lùi bệnh tật.

26. Ngăn ngừa phản ứng khi truyền máu

Dùng 10 – 20 quả táo tàu đỏ kết hợp với, 10g hột hao hao, 10g kinh giới. Kinh giới sao qua, đem sắc với các vị thuốc còn lại lấy 30ml nước đậm đặc. Cho bệnh nhân uống trước khi truyền máu khoảng 30 phút.

27. Trị hói đầu

Trộn dầu chiết xuất từ hạt táo tàu mới một số loại tinh dầu có tác dụng kích thích sự tăng trưởng của các nang tóc như vitamin E, tinh dầu hương thảo hoặc tinh dầu bạc hà theo tỷ lệ 1:1. Thoa lên chân tóc mỗi tuần 3 – 4 lần để kích thích tóc mọc nhanh .

28. Điều trị phù nề toàn thân

Lấy 1kg táo tàu đỏ đem nấu chung với 1/2 kg đại kích. Ninh lửa nhỏ 1 ngày 1 đêm cho cô đặc thành cao. Mỗi lần uống 15g x 2 lần/ngày.

Món ăn bài thuốc chữa bệnh từ táo tàu

1. Món cháo đậu bắp nấu đại táo lợi thủy, hết sưng, chữa phù cơ thể

  • Nguyên liệu: 50 quả táo tàu đen, 25g duyên ly đậu, 50g ngô. 
  • Cách chế biến: Rửa sạch các nguyên liệu ở trên, cho vào nồi nấu với lượng nước vừa đủ thành cháo. Ăn hết 1 lần trong ngày.

2. Món đại táo hấp tim lợn chữa tim đập nhanh

  • Nguyên liệu: 10 quả táo tàu đen, 1/2 kg tim lợn
  • Cách chế biến: Rửa sạch tim lợn, bổ một bên để có lỗ nhét táo vào bên trong. Đem hấp cách thủy cho chín, ăn hàng ngày vào buổi trưa.

3. Món cháo đại táo nấu tiểu đậu và sơn dược bồi bổ khí huyết, chữa thiếu máu

  • Nguyên liệu: 50g gạo nếp, 20 quả táo tàu đen, 30g mễ xích ( đậu đỏ ), 30g sơn dược tươi, 15g hạt sen, 15g duyên ly đậu.
  • Cách chế biến: Trừ sơn dược, hầm nhừ xích mễ và duyên ly đậu rồi cho các vị còn lại vào tiếp tục nấu. Cuối cùng bỏ vỏ sơn dược, cắt nhỏ, thả vào nồi cháo nấu cho sơn dược chín thì ngưng. Chia ăn 2 lần trong ngày vào buổi sáng và buổi tối.

4. Món canh đậu đen hầm đại táo và xương dê ôn tỳ, bổ thận, chữa thiếu máu

  • Nguyên liệu: 20 quả táo tàu đen, 250g xương dê, 30g hắc đậu, 20g câu khởi.
  • Cách chế biến: Hầm xương với các nguyên liệu còn lại khoảng 30 phút. Cuối cùng, vớt bỏ xương, nêm gia vị vừa ăn. Ăn cả nước lẫn cái.

5. Canh táo tàu nấu ngũ hoa hạt bổ khí, lợi thủy, chữa hen suyễn, khạc đờm, suy tim

  • Nguyên liệu: 10 quả táo tàu đen, 20g ngũ hoa hạt ( đình lịch tử )
  • Cách chế biến: Nấu thành canh chia làm 3 lần dùng trong ngày sau bữa ăn. Uống nước, ăn đại táo.

6. Món hồng táo hầm thịt thỏ bổ khí, dưỡng huyết, chữa ban huyết chảy máu

  • Nguyên liệu: 5 quả táo tàu đỏ, 2 lạng thịt thỏ. 
  • Cách chế biến: Hầm nhừ cả hai bằng nồi đất, nêm gia vị, dọn ra ăn nóng hết 1 lần.

7. Cháo hồng táo dưỡng tâm, ích huyết, bổ tim, chữa suy lao do tâm huyết hư

  • Nguyên liệu: Táo tàu đỏ 10 quả, nhân sâm, mạch đông và phục thần mỗi vị 10g, 100g gạo nếp, đường đen. 
  • Cách chế biến: Cho các vị dược liệu vào nấu lấy nước. Dùng nước thuốc hầm gạo cho nhừ thành cháo. Sau đó cho 1 ít đường đen vào, quậy tan, tắt bếp. Dọn ra ăn 1 – 2 lần cho hết.

8. Món cháo xích sâm táo tàu đỏ hoạt huyết, chống ứ, chữa bệnh mạch vành

  • Nguyên liệu: 3 quả táo tàu đỏ, xích sâm 30g, gạo nếp và đường đỏ mỗi thứ 50g. 
  • Cách chế biến: Nấu đan sâm lấy nước dùng, bỏ bã, cho các nguyên liệu còn lại vào hầm nhừ thành cháo. Chia làm 2 lần ăn khi còn nóng. Mỗi liệu trình điều trị dùng món ăn này trong 10 ngày liên tục. Sau đó nghỉ 3 ngày rồi dùng liệu trình tiếp theo nếu bệnh chưa hết.

9. Món hồng táo lạc nhân sinh huyết, bổ tỳ, chữa thiếu máu do thiếu sắt

  • Nguyên liệu: Hồng táo ( táo tàu đỏ ) 50g, lạc nhân ( đậu phộng ) 100g, đường đỏ 50g.
  • Cách chế biến: Hồng táo ngâm nước ấm cho mềm. Lạc nhân luộc khoảng 5 phút, vớt ra để nguội, bóc lấy vỏ. Trước tiên cho táo tàu vào nấu chung với vỏ lạc nhân 30 phút rồi vớt vỏ lạc nhân ra, cho đường vào, quậy tan, tắt bếp. Ăn cả nước và cái.

10. Món canh táo tàu đỏ xào thịt gà và hạt dẻ bổ tỳ thận, chữa khí suy trong các trường hợp bị huyết áp thấp

  • Nguyên liệu: 15 quả táo tàu đỏ, 1 con gà ta cỡ vừa, 150g hạt dẻ. 
  • Cách chế biến: Gà sơ chế sạch sẽ, chặt miếng vừa ăn, ướp với chút gia vị trong 15 phút. Xào thịt gà chín, cho lượng nước vừa đủ cùng với hạt dẻ và hồng táo vào nấu nhừ. Ăn 2- 3 lần trong ngày cho hết.

11. Món táo tàu hấp vịt, bồi bổ khí huyết, kiện tỳ, hòa vị

  • Nguyên liệu: 50g táo tàu, 1 con vịt trắng cỡ vừa, gừng và các gia vị cần thiết
  • Cách chế biến: Vịt làm sạch lông, bỏ nội tạng, ướp với hành, gừng tươi, hạt tiêu, bột nêm. Táo tàu bỏ hạt, nhét vào bên trong bụng vịt. Hấp cách thủy cho nhừ, chia 2 – 3 lần ăn trong ngày. Phụ nữ sinh xong cơ thể hư nhược, người già khí huyết suy giảm có thể dùng món này.

12. Món chè táo tàu chưng tổ yến chữa mất ngủ, chống suy nhược cơ thể, long đờm

  • Nguyên liệu: 1 cái tổ yến, gừng tươi, 15 quả táo tàu, đường phèn lượng vừa đủ, 100g hạt sen.
  • Cách chế biến: Trước tiên ngâm tổ yến với táo tàu vào nước cho nở mềm, hạt sen hầm nhừ. Khi hạt sen chín, vớt ra, cho vào một cái tô sành lớn cùng với 5 lát gừng tươi, táo tàu, tổ yến và đường phèn, đem hấp cách thủy 20 phút. 
táo tàu có tác dụng gì
Chè táo tàu chưng tổ yến dùng cho người bị mất ngủ, suy nhược cơ thể

13. Món chè táo tàu nấu củ sen giải nhiệt, làm đẹp da, tăng cường sức khỏe

  • Nguyên liệu: 3 lạng táo tàu, 5 lạng củ sen, đường phèn
  • Cách chế biến: Thái củ sen thành những lát mỏng rồi dùng nước muối pha loảng rửa sạch. Bỏ tất cả vào nồi nấu chung với nửa lít nước cho đến khi các nguyên liệu chín mềm. Ăn vào buổi chiều tốt khi còn nóng.

Lưu ý khi sử dụng táo tàu

  • Không nên ăn nhiều táo tàu tươi vì có thể gây ra nhiều tác dụng phụ ở đường tiêu hóa như khó tiêu, tăng tiết dịch vị dạ dày, chướng bụng, mất cân bằng ngũ tạng. Bạn cũng không nên ăn táo tàu tươi khi bụng đang đói.
  • Sử dụng dược liệu có nguồn gốc an toàn, xuất xứ rõ ràng
  • Người bị béo phì, đường huyết cao, đầy hơi, chướng bụng, nổi mụn, lở ngứa ngoài da nên thận trọng khi sử dụng.
  • Vỏ táo tàu khô cứng nên khó tiêu hóa. Cần nhai kỹ trước khi nuốt.
  • Táo tàu kị với Nguyên Sâm, Bạch vi. Không sử dụng các dược liệu này cùng lúc
  • Không dùng táo tào cho các trường hợp sau: Có bỉ khối ở vùng ngực, đau dạ dày do khí bế, đau bụng do giun, dị ứng với thành phần của táo tàu.

Tham khảo thêm:

Chia sẻ:

Ô đầu

Ô đầu là dược liệu quý hiếm nhưng có độc tính rất mạnh. Dược liệu này thường ngâm rượu hoặc sắc uống nhằm chữa chứng đau nhức xương khớp, các…

Thổ phục linh

Thổ phục linh là thảo dược quý có vị ngọt, tính bình, quy vào các kinh Can, Vị, chủ trị phong thấp, vẩy nến, viêm da, đau dây thần kinh…

Nấm lim xanh

Nấm lim xanh là một loại nấm mọc ở rễ hoặc thân cây Lim. Theo một số nghiên cứu về dược tính, thảo dược này có tác dụng hỗ trợ…
cây vả

Vả

Cây vả từ rất lâu đời đã được tận dụng để làm dược liệu chữa bệnh. Cả phần quả, rễ và lá đều là vị thuốc góp tên trong nhiều…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Phạm Thị Minh Dương

Bác sĩ

[ads_sidebar]
Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua