Cỏ chân vịt
Cỏ chân vịt hay Cỏ chân vịt Ấn thường mọc hoang ở nơi ẩm ướt. Dược liệu có vị đắng, mùi thơm thường được sử dụng để khai thông, lợi tiểu, điều trị bệnh động kinh, bệnh phong, tiểu đường, đau ngực, suy giảm chức năng gan, hỗ trợ chức năng tình dục, thanh nhiệt, bồi bổ cơ thể,…
- Tên gọi khác: Cỏ chân vịt Ấn
- Tên khoa học: Sphaeranthus indicus L.
- Họ: Cúc – Asteraceae
Mô tả dược liệu Cỏ chân vịt
1. Đặc điểm sinh thái
Cỏ chân vịt là cây thân thảo có lông, sống hàng năm. Thân có nhiều cạnh, ở mỗi cạnh có răng. Lá cây mọc xen kẽ, lá hình xoan ngược hình ngọn giáo, hơi nhọn ở chóp, không có cuống, thót lại ở gốc, ôm sát vào thân. Mép lá có răng cưa nhỏ, dài khoảng 2 – 4 cm, rộng khoảng 6 – 20 mm.
Hoa mọc thành cụm, hình cúc, thường tập hợp ở đầu kép. Hoa xoan khi còn non và tròn lúc già, kích thước khoảng 1 cm. Các lá bắc của cụm hoa đơn hình dải hoặc xoan ngược, hẹp, có lông nhung ở ngọn, lá thường dài khoảng 3 – 4 mm.
Quả bế phân thành hai loại. Các quả ở bên trong có dạng trứng, thuôn có phần phụ dạng chai. Các quả ở trong có dạng tháp ngược, có 4 – 5 cạnh không lồi.
2. Bộ phận sử dụng dược liệu
Toàn thân cây, hạt, hoa, quả và rễ được sử dụng để làm dược liệu.
3. Phân bố
Cỏ chân vịt có nguồn gốc ở miền Đông Ấn Độ. Cây được tìm thấy ở một số nước có khí hậu nhiệt đới như Campuchia, Lào, Úc châu, Malaysia, Indonexia để làm dược liệu.
Tại Việt Nam, cây mọc hoang ở các nơi đồng ruộng, ẩm ướt, thường thấy ở các tỉnh đồng bằng Nam bộ. Dược liệu thường được tìm thấy ở vùng Đồng Tháp, Cần Thơ, Hậu Giang, Tiền Giang.
4. Thu hái – Sơ chế
Cỏ chân vịt thường phát triển vào cuối mùa mưa và đầu mùa Đông. Do đó, thời điểm thích hợp để thu hái dược liệu là vào đầu mùa xuân, mùa hè. Tuy nhiên, dược liệu có thể thu hái quanh năm.
Sau khi thu hái, mang về rửa sạch, có thể dùng tươi hoặc phơi khô đều được. Một số nơi có thể tán thành bột, bảo quản dùng dần.
5. Bảo quản dược liệu
Bảo quản dược liệu ở nơi thoáng mát, tránh độ ẩm cao.
6. Thành phần hóa học
Các thành phần được tìm thấy trong Cỏ chân vịt bao gồm:
- Alcaloid Sphaeranthin
- Tinh dầu trong, nhớt, màu vàng sẫm, 0.01%
- Hoa chứa nhiều tinh dầu
Vị thuốc Cỏ chân vịt
1. Tính vị
Cây Cỏ chân vịt tính ấm, vị đắng, chát, cay nồng, có mùi thơm.
2. Tác dụng dược lý
Theo y học hiện đại:
- Tác dụng chống viêm, giảm sưng đau.
- Hỗ trợ giảm đau đầu, bao gồm cả đau nửa đầu.
- Tác dụng lên hệ tiêu hóa, loại bỏ tình trạng khó tiêu, điều trị các bệnh giun đường ruột và có vấn đề khác về hấp thụ.
- Tác dụng hỗ trợ điều trị hen suyễn, ho mãn tính.
- Hỗ trợ điều trị động kinh, bồi bổ thần kinh, điều trị chứng yếu và động kinh.
- Tác dụng an thần, giảm vận động của não bộ và gây ngủ.
- Tác dụng điều hòa hệ thống miễn dịch, kích thích hoạt động của hệ thống miễn dịch, tăng hoạt động của thực bào, ngưng kết hồng cầu và hỗ trợ cải thiện tình trạng quá mẫn cảm.
- Tác dụng chống oxy hóa như Superoxide Effutase, Catalase và Glutathione Peroxidase và làm giảm lượng Peroxit Lipid chống lại nhiễm độc gan do Acetaminophen gây ra (thí nghiệm trên chuột).
- Tác dụng hạ sốt.
- Tác dụng ổn định tế bào Mast, chống dị ứng.
- Hỗ trợ hạ đường huyết, điều trị tiểu đường, giảm Glucose trong máu và tăng nồng độ Glycogen ở gan và Insulin huyết tương.
- Tác dụng hỗ trợ bảo vệ hoạt động, chức năng gan.
- Điều trị các bệnh ngoài da, tăng tốc độ lành vết thương và hạn chế hình thành sẹo.
- Tác dụng kháng khuẩn, chống lại Staphylococcus aureus, Escherichia coli, Fusarium sp., Helminthosporium sp. và các vi sinh vật khác.
- Tác dụng giãn phế quản, chống co thắt phế quản cấp tính do Histamin gây ra.
- Tác dụng hỗ trợ đánh giá khả năng sàng lọc thận ở người bệnh suy thận cấp. Hỗ trợ cải thiện tổn thương thận do Gentamicin, làm bình thường sinh hóa và giúp phục hồi các chức năng bình thường ở thận.
Theo y học cổ truyền:
- Bồi bổ, khai thông, lợi tiểu.
- Hỗ trợ kích thích ham muốn tình dục.
- Tinh dầu dùng để giải nhiệt, bồi bổ cơ thể.
- Hỗ trợ bổ thần kinh, lọc máu.
3. Cỏ chân vịt có tác dụng gì?
Dược liệu Cỏ chân vịt thường được sử dụng để điều trị các bệnh lý như:
- Bệnh lao.
- Khó tiêu hóa, tiểu chảy, các loại giun ký sinh ở dạ dày.
- Nóng ngực, nôn mửa, hen suyễn.
- Điều trị sốt, cảm mạo, phong hàn.
- Hỗ trợ chức năng thần kinh, động kinh, mất ngủ, rối loạn giấc ngủ.
- Viêm khớp, bệnh Gout, đau nhức xương khớp, tay chân tê mỏi.
- Điều trị các bệnh lý ngoài da, viêm da mãn tính, vàng da.
- Hỗ trợ cải thiện chức năng gan, dạ dày.
4. Cách dùng – Liều lượng
Cỏ chân vịt có thể sử dụng tươi hoặc khô đều được. Có thể sử dụng độc vị hoặc kết hợp với các vị thuốc khác. Thuốc có thể dùng sắc uống, đắp ngoài hoặc tán thành bột.
Liều lượng khuyến cáo: 3 – 6 g mỗi ngày dưới dạng thuốc sắc, 2 – 8 g dưới dạng thuốc bột, dùng ngoài khô kể liều lượng.
Bài thuốc sử dụng Cỏ chân vịt
1. Điều trị đau đầu, đau nửa đầu
Sử dụng một lượng Cỏ chân vịt vừa đủ, rửa sạch, giã nhuyễn, lọc lấy nước cốt. Mỗi lần sử dụng 10 – 15 ml, mỗi ngày dùng thuốc một lần.
2. Chữa chứng hôi miệng
Nghiền nhỏ dược liệu, hòa với giấm, dùng ngậm vào buổi sáng và buổi tối.
3. Điều trị các vết lở loét do bệnh giang mai gây ra
Nghiền nhỏ Cỏ chân vịt (khô), thêm một lượng nước vừa đủ, thoa lên vùng da bị ảnh hưởng. Mỗi ngày áp dụng một lần.
4. Điều trị ngứa da, bệnh ghẻ, lở loét
Sử dụng 2 – 3 lá Cỏ chân vịt khô, nghiền nhỏ, rây lấy bột mịn. Hào với nước ấm, thoa lên vùng da ngứa, mỗi ngày 2 lần.
5. Điều trị các bệnh lý ngoài da
Sử dụng một lượng vừa đủ lá khô dược liệu, hòa với nước ấm, dùng uống 2 lần mỗi ngày.
6. Hỗ trợ thanh nhiệt, giải độc
Sử dụng hoa khô Cỏ chân vịt, nghiền nhỏ, rây lấy bột mịn. Mỗi lần sử dụng 1/4 muỗng cà phê, hòa với nước ấm, dùng uống.
7. Điều trị giun trong đường ruột
Sử dụng nửa muỗng cà phê bột Cỏ chân vịt, hòa với nước ấm, mỗi ngày uống một lần. Bài thuốc có thể đẩy giun ra khỏi hệ thống tiêu hóa.
8. Điều trị rối loạn tiêu hóa, khó tiêu chức năng
Sử dụng 1/4 muỗng cà phê bột của hạt dược liệu hòa với nước ấm, dùng uống 3 lần mỗi ngày.
9. Chữa các bệnh về đường hô hấp
Sử dụng 500 g hạt Cỏ chân vịt, mỗi lần sử dụng nửa muỗng cà phê, hòa uống, dùng uống. Mỗi ngày dùng thuốc một lần.
10. Hỗ trợ chữa bệnh trĩ
Sử dụng rễ Cỏ chân vịt hòa với mật ong hoặc sữa bơ, dùng uống 2 lần mỗi ngày. Bệnh trĩ sẽ được cải thiện sau 2 – 3 tuần.
11. Điều trị chảy máu kinh nguyệt nặng
Sử dụng 3 g bột nghiền Cỏ chân vịt hòa với một cốc sữa bơ đầy, dùng uống 2 lần mỗi ngày.
12. Hỗ trợ cải thiện chức năng của mắt
Sử dụng 3 – 4 hoa Cỏ chân vịt tươi hòa với 2 muỗng cà phê dầu mè, dùng uống mỗi ngày để tăng cường thị lực và chống bệnh đau mắt đỏ.
13. Tăng cường chức năng tình dục
Sử dụng bột lá dược liệu hòa với một cốc sữa ấm vào buổi tối có thể tăng cường ham muốn tình dục, kéo dài thời gian quan hệ.
14. Hỗ trợ điều trị bệnh thấp khớp
Sử dụng Cỏ chân vịt, Gừng tươi, mỗi vị phân lượng bằng nhau, nghiền nhỏ, hòa với nước ấm, dùng uống 2 lần mỗi ngày.
Cỏ chân vịt là loại dược liệu được sử dụng rộng rãi để điều trị nhiều bệnh lý. Tuy nhiên, trước khi sử dụng dược liệu, người dùng nên trao đổi với thầy thuốc hoặc người có chuyên môn để được hướng dẫn cụ thể và tránh các rủi ro có thể xảy ra.
Có thể bạn quan tâm:
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!