Cây Sòi
Cây Sòi hay còn gọi là Sòi xanh có tác dụng sát trùng, lợi niệu, tiêu trực, thông tiện, lợi niệu. Dược liệu thường được sử dụng để điều trị phù thũng, táo bón, dùng ngoài chữa viêm da mủ, ngứa lở, mề đay mẩn ngứa toàn thân.
- Tên gọi khác: Sòi, Sòi xanh
- Tên khoa học: Sapium sebiferum (L.) Roxb
- Họ: Thầu dầu – Euphorbiaceae
Mô tả dược liệu cây Sòi
1. Đặc điểm sinh thái
Sòi là cây gỗ rụng lá hàng năm, thân cao khoảng 6 – 15 m. Lá cây mọc so le, hình quả trám, dài khoảng 3 – 7 cm, đầy lá thuôn nhọn, cuống dài có tuyến. Hoa màu trắng ngà hoặc vàng, đơn tính, mọc thành bông ở đầu cành cây hoặc nách lá.
Hoa đực có đài phân thùy, hoa cái đài hợp. Quả hạch, bên trong có 3 hạt. Mùa hoa khoảng tháng 6 – 8, mùa quả khoảng tháng 10 – 11.
2. Bộ phận sử dụng dược liệu
Vỏ rễ, vỏ thân, lá và hạt Sòi xanh được ứng dụng để làm dược liệu. Vỏ rễ cây Sòi trong Đông y được gọi là Ô cữu căn bì.
3. Phân bố
Sòi là cây có nguồn gốc ở Đông Á ôn đới và cận nhiệt đới, thường mọc hoang ở các vùng đồi núi. Hiện nay nhiều nơi trồng Sòi xanh để lấy bóng mát và làm cảnh.
Sòi được tìm thấy ở Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ. Tại các nước này thu hái hạt để ép dầu.
Tại Việt Nam, cây Sòi mọc hoang ở khắp nơi từ miền Bắc và Trung, ở miền Nam ít thấy. Ở nước ta, nhân dân thường dùng lá cây Sòi để nhuộm vải lụa hoặc sa tanh màu đen, ít khi dùng quả.
4. Thu hái – Sơ chế
Vỏ rễ và thân Sòi xanh có thể thu hái quanh năm. Sau khi thu, thái nhỏ, phơi khô, bảo quản dùng dần. Lá thường dùng tươi, không cần sơ chế, bảo quản.
Quả Sòi thu hái vào mùa thu, đặc biệt là cuối thu. Sau khi thu hái mang về phơi khô, đập lấy hạt. Đặt hạt lên một cái chỗ có lỗ nhỏ đun nóng lên cho lớp sáp bên ngoài hạt chảy ra, để sáp này nguội lại sẽ thu được loại sáp tốt nhất.
Sau khi lớp sáp chảy ra thì mang hạt đi giã nhuyễn, ép lấy tinh dầu lỏng. Nếu hạt còn lấy được thì giãn nhỏ rồi ép ngay sẽ thu được 4 lớp sáp ở bên ngoài bỏ hạt và dầu lỏng ở nhân hạt. Hai loại trên có thể để riêng ra hoặc trộn chung để sử dụng.
5. Bảo quản dược liệu
Bảo quản dược liệu ở nơi thoáng mát, tránh độ ẩm cao.
6. Thành phần hóa học
Trong vỏ rễ và thân cây Sòi có chứa một tinh thể lớn hình trụ với công thức thô là Pholoraxetophenon 2 – 4 Dimetyl ete, có tác dụng khử trùng.
Ngoài ra trong vỏ Sòi chứa:
- Xanthoxylin
- Chất béo
- Vitamin E
- Tanin
Trong lá Sòi chiết xuất được các thành phần như:
- Corilagìn
- Axit Galic
- Zoquexitro – Zit
- Axit Ellagic
Nhân hạt Sòi xanh có chứa sau khi ép dầu có thể dùng ăn. Sáp và hỗn hợp dầu được ứng dụng để làm xà phòng và nến.
Vị thuốc cây Sòi
1. Tính vị
Dược liệu Sòi vị đắng, có độc, tính ấm thường được sử dụng để sát trùng, giải độc, lợi niệu, tiêu thũng, trục thủy, thông tiện.
2. Tác dụng dược lý
Theo y học hiện đại:
Sáp hạt cây Sòi có thể sử dụng thay bơ ca cao dùng làm thuốc đạn, bôi lên tóc và dùng chữa một số bệnh lý ngoài da. Muốn dùng chế thuốc đạn, sáp cây Sòi cần được trộn với dầu lạc để hạ độ chảy từ 58 độ xuống còn 42 – 40 độ.
Vỏ Sòi có tác dụng hỗ trợ điều trị các bệnh về nhiễm trùng, huyết hấp trùng gây lá lách và gan sưng to, bụng trướng nước, thiếu máu nghiêm trọng và các bệnh viêm gan virus có khả năng truyền nhiễm.
Theo y học cổ truyền:
Nhân dân thường dùng vỏ rễ cây Sòi để điều trị các bệnh bạo thủy, tích tụ, táo kết, thủy thũng, bụng trướng đầy, đại tiểu tiện khó khăn, có trướng nước ở vùng cạnh sườn.
Điều trị đại tiểu tiện không thông, hoàng đản, sườn bên phải sưng đau, ăn uống kém, không ngon miệng, thường xuyên sốt cao.
Chỉ định điều trị của cây Sòi:
- Táo bón, phù thũng, giảm niệu
- Xơ gan, cổ trướng, viêm gan siêu vi trùng, bệnh sán máng
- Rắn độc cắn sưng đau
- Bệnh nhân ngôn
- Viêm da mủ, ngứa lở thấp chẩn, chai cứng
- Viêm âm đạo, viêm nhiễm phụ khoa
3. Cách dùng – Liều lượng
Rễ cây Sòi khi dùng cần bỏ phần lõi và lớp vỏ đen bên ngoài, chỉ lấy lớp vỏ lụa bên trong, có thể dùng tươi hoặc phơi khô, tán nhỏ, dùng.
Thân và lá có thể dùng dưới dạng thuốc sắc, nấu nước ngâm rửa, có thể dùng tươi hoặc khô đều được.
Lá dùng giã nát, đắp ngoài hoặc nấu nước vệ sinh vùng da bệnh.
Liều dùng khuyến cáo mỗi ngày:
- Người lớn: 10 – 12 g mỗi ngày dưới dạng bột. Liều lượng tối đa có thể đến 50 – 60 g.
- Trẻ em: 5 – 10 g mỗi ngày, có thể dùng đến 20 – 25 g cho các trường hợp nghiêm trọng.
- Dùng ngoài không kể liều lượng, tùy theo khu vực bệnh, đơn thuốc và nhu cầu sử dụng.
Thông thường sử dụng dược liệu Sòi liên tục trong 7 – 10 ngày là thấy hiệu quả điều trị.
Bài thuốc sử dụng cây Sòi
1. Điều trị phù thũng
Sử dụng rễ Sòi 15 g, đường 15 g, đun lấy nước, dùng uống.
2. Điều trị cổ trướng, đại tiện không thông, phù thũng, ứ nước, bí đầy, ăn uống không ngon miệng
Sử dụng rễ Sòi (phần vỏ lụa ở trong), hạt Cau, Mộc thông, mỗi vị đều 12 g, sắc thành thuốc, dùng uống.
3. Điều trị bệnh sán máng
Sử dụng lá Sòi 8 – 30 g, sắc thành thuốc, dùng uống liên tục trong 20 – 30 ngày.
4. Hỗ trợ giải độc
Sử dụng lá Sòi 1 nắm tay, giã nhỏ, gia thêm nước, vắt lấy nước giã, dùng uống.
5. Dùng điều trị mề đay mẩn ngứa, mụn nhọt, nước chảy chảy gây mụn nhọt lây lan
Sử dụng dầu hạt Sòi (cả phần sáp và nhân) 100 g đun sôi, sau đó cho thêm Hồng đơn 50 g cùng 100 ml nước, khuấy đều. Để nhỏ lửa đến khi nước bốc hơi lên hết, Hồng đơn mất màu thì được. Sử dụng cao này thoa lên các nốt mụn nhọt, lở loét.
6. Chữa bệnh thủy thủng, bụng trướng to, ăn uống không ngon miệng
Sử dụng vỏ rễ Sòi (chỉ lấy phần vỏ lụa) phơi khô, tán thành bột mịn, gia thêm nước cơm làm thành viên hoàn, kích thước to bằng hạt đậu xanh.
Ngoài ra, có thể nấu một phần táo đen với 6 phần nước đến khi thu được hồ nhão thì ray bỏ bột, lấy nước trộn với vỏ rễ Sòi tạo thành thuốc viên với tên gọi là Ô táo hoàn.
Tùy theo tình hình bệnh trạng mà mỗi ngày có thể sử dụng 10 – 20 g thuốc, dùng với nước cơm hoặc dùng nước cháo để chiêu thuốc.
Cây Sòi là một vị thuốc được sử dụng phổ biến trong y học cổ truyền. Tuy nhiên Sòi có chứa một lượng độc tính nhẹ, dùng lâu có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Do đó, khi cần sử dụng dược liệ nên trao đổi với thầy thuốc hoặc người có chuyên môn.
Có thể bạn quan tâm:
Bình luận (1)
Xin hỏi Bác sĩ. cây sồi có chữa được bệnh trào ngược thực quản ko ạ? có săc lên uống để chữa bệnh ko thưa bác sĩ.