Hay bị đau khớp gối khi mang thai phải làm sao?
Đau khớp gối khi mang thai là vấn đề thường gặp ở mẹ bầu. Tình trạng này xuất hiện có thể do các nguyên nhân cơ học hay những vấn đề khác nghiêm trọng hơn. Mẹ bầu cần sớm khắc phục để tránh ảnh hưởng xấu đến sức khỏe thai kỳ.
Nguyên nhân gây đau khớp gối khi mang thai
Một số nguyên nhân dưới đây được cho là sẽ kích hoạt tình trạng đau khớp gối khi mang thai:
1. Thay đổi nội tiết tố
Trong thời kỳ mang thai, nội tiết tố trong cơ thể mẹ bầu thường có sự thay đổi lớn. Đây được cho là nguyên nhân có thể khiến tình trạng đau khớp gối phát sinh.
Đặc biệt, khi mang thai hormone relaxin sẽ thường được sản xuất nhiều hơn so với bình thường. Loại hormone này không chỉ khiến khớp háng và dây chằng vùng chậu giãn ra để tạo không gian cho bé phát triển mà còn khiến dây chằng ở vùng khớp gối cũng giãn ra. Chính vì thế mà mẹ bầu thường bị đau mỏi gối, nhất là khi di chuyển nhiều.
2. Trọng lượng cơ thể
Khớp gối là một trong những vị trí khớp phải hứng nhiều áp lực nhất từ trọng lượng cơ thể. Khi mang thai, mẹ bầu nhất định phải trải qua quá trình tăng cân, nhiều khi là tăng cân không kiểm soát. Chính điều này đã tạo rất nhiều áp lực cho khớp gối.
Đặc biệt càng về những tháng cuối thai kỳ, bụng bầu càng lớn thì các mẹ càng dễ gặp phải tình trạng đau nhức xương khớp, điển hình nhất là khớp gối và cột sống. Mẹ bầu càng di chuyển hay vận động nhiều thì những cơn đau sẽ xuất hiện với tần suất càng dày đặc.
3. Thói quen xấu
Trong thời kỳ mang thai, đặc biệt là khi bụng bầu đã bắt đầu to ra, các mẹ thường rất lười vận động. Chính thói quen này cũng sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe xương khớp. Lười vận động thường ức chế quá trình sản sinh dịch khớp, khiến khớp gối bị khô. Điều này sẽ rất dễ kích hoạt tình trạng đau nhức hay cứng khớp.
Ngoài ra, việc duy trì tư thế xấu trong công việc và sinh hoạt cũng có thể khiến mẹ bầu dễ gặp tình trạng đau khớp gối hơn. Việc đứng quá lâu hay duy trì thời gian dài một tư thế là những thói quen xấu mà các mẹ hay gặp phải.
4. Thiếu dưỡng chất
Trong thời kỳ mang thai, nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể sẽ tăng lên để đảm bảo cho sức khỏe của mẹ và sự phát triển của bé. Nếu mẹ bầu không bổ sung đầy đủ dưỡng chất cho cơ thể sẽ rất dễ khiến các vấn đề sức khỏe phát sinh. Thường gặp nhất là vấn đề về xương khớp trong đó có đau khớp gối.
Tình trạng đau khớp gối thường dễ phát sinh hơn nếu mẹ bầu không bổ sung đủ hàm lượng canxi và vitamin D cơ thể cần. Sự thiếu hụt sẽ khiến tế bào sụn khớp không được nuôi dưỡng tốt, rất dễ dần tới thoái hóa.
5. Các vấn đề khác
Bên cạnh những nguyên nhân trên đây, vẫn còn những yếu tố khác sẽ làm tăng nguy cơ gặp tình trạng đau khớp gối ở mẹ bầu. Phải kể đến như:
- Các bệnh xương khớp: Thoái hóa khớp, viêm khớp dạng thấp…
- Suy tuyến giáp
- Di chuyển nhiều trên giày cao gót
- Mang thai khi tuổi đã lớn
Cách khắc phục tình trạng đau khớp gối khi mang thai
Trong thai kỳ, việc sử dụng thuốc thường bị hạn chế do sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như sự phát triển của thai nhi. Tuy nhiên, mẹ bầu có thể áp dụng các liệu pháp an toàn khác để giúp giảm đau khớp gối.
Sau đây là một số liệu pháp rất hữu ích:
1. Các bài tập vận động
Tình trạng đau khớp gối ở mẹ bầu có thể bị kích hoạt bởi thói quen lười vận động hay vận động với cường độ mạnh. Tuy nhiên, thực hiện các bài tập vận động có kế hoạch lại giúp giảm nhanh tình trạng đau nhức khớp gối khi mang thai.
Mẹ bầu có thể thực hiện các bài tập xoay đầu gối, yoga hay đi bộ nhẹ nhàng sẽ rất tốt cho việc cải thiện triệu chứng. Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả tốt và tránh rủi ro phát sinh, bạn nên:
- Trao đổi với bác sĩ để thiết lập các bài tập khoa học
- Tập luyện với cường độ và thời gian phù hợp
- Tránh những động tác khó
- Báo ngay cho bác sĩ nếu gặp bất cứ vấn đề gì trong quá trình luyện tập
2. Massage
Phương pháp này rất đơn giản và dễ thực hiện, có thể ức chế nhanh tình trạng đau nhức. Đồng thời nó cũng góp phần giúp cho mẹ bầu cảm thấy thư giãn và thoải mái hơn.
Mẹ bầu có thể dùng lực từ bàn và ngón tay để tác dụng lên vùng khớp gối. Một số động tác như xoa bóp hay day miết sẽ đem lại kết quả tốt trong lúc này.
Nếu tình trạng đau nhức thường xuất hiện vào ban đêm thì massage chính là một liệu pháp tuyệt vời. Chỉ cần dành 5 – 10 phút để xoa bóp cho khớp gối sẽ giúp bạn dễ đi vào giấc ngủ hơn. Ngoài ra, việc massage cũng cải thiện tốt quá trình lưu thông máu, giúp bạn hạn chế tình trạng cứng khớp gối khi ngủ dậy.
3. Chườm nóng, chườm lạnh
Liệu pháp này cũng rất an toàn và phù hợp cho mẹ bầu trong việc điều trị đau khớp gối. Nếu chỉ gặp tình trạng đau nhức thì mẹ bầu có thể thực hành liệu pháp chườm nóng. Tuy nhiên, khi có hiện tượng sưng viêm đi kèm thì nên thay thế bằng cách áp dụng chườm lạnh.
Hướng dẫn thực hiện:
- Đối với chườm nóng: Dùng nước ấm khoảng 60 – 70 độ cho vào túi chườm. Tiến hành áp lên vùng khớp gối đang bị đau. Mỗi ngày nên thực hiện 2 lần vào buổi sáng và buổi tối trước khi đi ngủ. Cần chú ý đến nhiệt độ của túi chườm để tránh gây bỏng cho da.
- Đối với chườm lạnh: Cho đá lạnh vào túi chườm rồi áp nhẹ nhàng lên đầu gối. Thực hiện động tác vừa áp vừa nhả ra đều đặn. Không nên chườm mỗi lần quá 20 phút. Tiếp xúc với nhiệt độ thấp kéo dài có thể khiến da bị bỏng lạnh.
4. Dùng thảo dược tự nhiên
Nhiều loại thảo dược từ tự nhiên có dược tính cao có thể giúp mẹ bầu cải thiện tình trạng đau nhức khớp gối khi mang thai. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn thay vì dùng theo đường uống thì mẹ bầu nên sử dụng ngoài da.
Dùng ngải cứu:
- Lấy một nắm lá ngải cứu rửa sạch, để ráo
- Sao nóng với một chút muối hạt
- Cho vào túi vải đắp lên khớp gối
- Để yên trong 10 – 15 phút
- Mỗi ngày thực hiện 2 – 3 lần
Dùng ớt cayenne:
- Trộn 2 muỗng cà phê bột ớt cayenne với 2 muỗng canh dầu dừa
- Thoa đều hỗn hợp lên khớp gối
- Tiến hành massage trong khoảng 15 phút rồi rửa sạch
- Nên thực hiện 2 lần/ngày
Sử dụng gừng:
- Dùng 200mg gừng rửa sạch, thái lát
- Đun sôi với khoảng 1 lít nước
- Tiến hành xông khớp gối trong khoảng 10 phút
- Mỗi ngày thực hiện 2 lần, tốt nhất vào buổi tối trước khi ngủ
Việc sử dụng các loại thảo dược tự nhiên mặc dù được đánh giá là cách an toàn nhưng bạn vẫn nên cẩn trọng. Bởi thời kỳ mang thai là giai đoạn rất nhạy cảm. Bạn nên trao đổi với bác sĩ để đảm bảo tính an toàn trước khi thực hiện bất cứ liệu pháp nào.
Ngăn ngừa đau khớp gối khi mang thai như thế nào?
Để ngăn ngừa tình trạng đau khớp gối khi mang thai, mẹ bầu nên chú ý thực hiện một số vấn đề sau đây:
- Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, bổ sung đầy đủ nhu cầu canxi và vitamin D của cơ thể.
- Thiết lập chế độ rèn luyện thân thể với thời gian và cường độ phù hợp.
- Điều chỉnh thói quen sinh hoạt khoa học, cân đối giữa vận động và nghỉ ngơi.
- Tránh xa những áp lực, căng thẳng cả trong công việc lẫn cuộc sống.
- Hạn chế đi giày cao gót khi đang mang thai, nhất là lúc thai đã lớn.
- Chú ý thăm khám nếu tình trạng đau khớp gối thường xuyên xuất hiện.
Đau khớp gối mặc dù là hiện trạng thường gặp khi mang thai nhưng mẹ bầu chớ nên chủ quan. Cần sớm thăm khám và khắc phục để tránh những vấn đề không may phát sinh, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của cả mẹ và thai nhi.
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!