Bệnh Viêm Gan C
Đặt lịch ngayViêm gan C là bệnh truyền nhiễm do virus HCV gây ra. Hầu hết người bệnh thường không biết bản thân nhiễm bệnh cho đến khi xét nghiệm thăm khám. Diễn tiến bệnh âm thầm nhưng hậu quả của bệnh lại rất nguy hiểm, có thể gây nhiều biến chứng khó lường, thậm chí đe dọa tính mạng. Bệnh có thể điều trị khỏi được nếu phát hiện sớm và áp dụng đúng phác đồ.
Tổng quan
Viêm gan C là bệnh truyền nhiễm xảy ra tại gan do virus Hepatitis C Virus (HCV) gây ra. Đây là bệnh lý cực kỳ nguy hiểm không chỉ gây thương tổn cho gan, ảnh hưởng sức khỏe mà còn đe dọa tính mạng người bệnh do các biến chứng khó lường như teo gan, xơ gan, ung thư gan...
Virus HCV là loại virus RNA đặc biệt, nó có khả năng biến đổi đặc tính di truyền một cách nhanh chóng và vượt qua hàng rào chắn bảo vệ của hệ thống miễn dịch để gây bệnh. Chỉ với kích thước khoảng 50nm, lớp vỏ bên ngoài cứng chắc giúp nó không dễ dàng bị tiêu diệt trong điều kiện bình thường, phải đun sôi dưới nhiệt độ 100 độ C liên tục trong 5 phút nó mới bị tiêu diệt hoàn toàn.
Virus viêm gan C có rất nhiều type (dựa trên sự khác biệt về kiểu gen). Tại Việt Nam, type số 1 và số 6 (viêm gan C1, C6) là dạng bệnh có tỷ lệ mắc cao nhất và cũng là loại khó chữa trị nhất. Trong khi đó, các type C2, C3 ít gặp hơn nhưng tương đối dễ xử lý hơn.
ĐỌC NGAY: Virus viêm gan C có lây không? Lây qua đường nào?
Phân loại
Dựa vào tiến triển gây bệnh của virus HCV mà bệnh viêm gan C được chia làm 4 giai đoạn chính gồm:
- Viêm gan C cấp tính: Đây là giai đoạn đầu của bệnh, virus vừa xâm nhập vào cơ thể. Giai đoạn cấp thường kéo dài trong vòng 6 tháng, tùy tiến triển bệnh mà phát triển theo 2 hướng, 1 là cơ thể tự đào thải virus ra khỏi cơ thể và 2 là tiến triển sang giai đoạn tiếp theo là viêm gan C mạn tính.
- Viêm gan C mạn tính: Có khoảng 80% trường hợp viêm gan C cấp không thể tự đào thải hết virus sau 6 tháng và chuyển sang giai đoạn mạn tính. Đây là giai đoạn cần can thiệp điều trị y tế để kiểm soát bệnh, ngăn ngừa biến chứng.
- Giai đoạn viêm, biến chứng xơ gan: Đây là giai đoạn các tế bào gan viêm nhiễm nghiêm trọng, khả năng phục hồi kém và hình thành các tế bào dạng nốt, sẹo gan.
- Giai đoạn xơ gan: Có khoảng 20% trường hợp bệnh nhân viêm gan C mạn tính gặp phải biến chứng xơ gan và thậm chí ung thư gan đe dọa tính mạng người bệnh nếu không điều trị kịp thời.
Nguyên nhân & yếu tố nguy cơ
Nguyên nhân gây viêm gan C là do nhiễm virus HCV. Loại virus này lây truyền qua 3 con đường chính gồm:
# Lây qua đường máu
Đây là con đường lây nhiễm phổ biến nhất của virus HCV. Xảy ra khi một người khỏe mạnh tiếp xúc với máu của người nhiễm virus, thông qua: Bàn chải đánh răng; kềm cắt móng tay; lược chải đầu; dao cạo râu; cây gãi lưng; đồ cạo gió khi cảm; kim tiêm y tế dính máu của người nhiễm virus HCV; xăm mình, bấm tai hoặc châm cứu bằng dụng cụ không đảm bảo vô trùng...
# Lây qua đường tình dục
Quan hệ tình dục với người nhiễm virus HCV là con đường lây nhiễm trực tiếp nhiều người gặp phải. Đối với đàn ông, virus tồn tại trong tinh dinh vì lẫn máu, còn với phụ nữ, virus tồn tại trong dịch tiết âm đạo khi có vết xước chảy máu trong. Cộng với việc quan hệ tình dục mạnh bạo gây ra vết xước, chảy máu sẽ làm tăng cao nguy cơ truyền nhiễm.
# Lây từ mẹ sang con
Người mẹ nhiễm virus viêm gan siêu vi C có khả năng lây truyền sang cho con. Tuy nhiên, tỷ lệ này khá thấp (< 5%). Chủ yếu xảy ra vào thời điểm sinh con, nhau thai bị bóc ra gây chảy máu và tăng nguy cơ lây nhiễm cho con. Ngoài ra, khi mẹ cho con bú nhưng trẻ cắn núm vú làm trầy xước, chảy máu cũng rất dễ bị lây nhiễm virus.
Ngoài những con đường lây nhiễm trên, một số đối tượng cụ thể dưới đây thường có nguy cơ cao mắc bệnh viêm gan C hơn so với người bình thường:
- Người đang chạy thận nhân tạo; người dùng kim tiêm để chích ma túy;
- Người đã thực hiện cấy ghép nội tạng hoặc sử dụng ống truyền dịch chung với người bệnh viêm gan C;
- Những người quan hệ tình dục bừa bãi, không an toàn;
- Nhân viên y tế thường xuyên tiếp xúc với các mẫu bệnh phẩm có chứa virus HCV như kim tiêm hoặc vết xước trên da bệnh nhân;
- Người thực hiện xăm mình, xỏ khuyên nhưng sử dụng dụng cụ không đảm bảo vô trùng;
- Trẻ sơ sinh chào đời bị lây nhiễm virus HCV từ người mẹ;
ĐỌC THÊM: Nhiễm virus viêm gan C bao lâu thì phát bệnh? Chuyên gia giải đáp
Triệu chứng & chẩn đoán
Triệu chứng
Các triệu chứng viêm gan C thường khá mờ nhạt, không đặc hiệu và khó phát hiện sớm. Tùy theo từng giai đoạn tiến triển của virus HCV, mà các triệu chứng được biểu hiện khác nhau theo lâm sàng.
- Giai đoạn ủ bệnh: Thường kéo dài từ 7 - 8 tuần, rất ít triệu chứng, người bệnh chỉ hơi mệt, đau đầu nhẹ, tương tự như cảm cúm nên bệnh hầu như rất khó để nhận biết trong giai đoạn này;
- Giai đoạn khởi phát: Gây các triệu chứng rối loạn tiêu hóa như Đau bụng, chán ăn; buồn nôn, nôn ói, ăn uống kém, sốt, ớn lạnh, nổi mẩn ngứa, đau tức vùng dưới sườn phải (vị trí của gan), ấn vào đau nhiều hơn...
- Giai đoạn toàn phát: Gây vàng mắt, vàng da, nước tiểu sẫm màu do sắc tố mật ứ trệ; giảm khả năng tập trung; đau cơ, đau nhức xương khớp; giai đoạn này kéo dài khoảng 6 - 8 tuần. Sau đó có thể tự hết hoặc chuyển sang viêm gan C mạn tính.
- Các triệu chứng khác: Dễ chảy máu và bầm tím, chướng bụng, phù chân, mệt mỏi, suy nhược và giảm cân không rõ nguyên nhân. Một số trường hợp có biểu hiện lú lẫn, buồn ngủ và sa sút trí tuệ, nổi mạch máu trên da…
Chẩn đoán
Nếu chỉ dựa vào quan sát triệu chứng lâm sàng sẽ rất khó để có thể phát hiện virus viêm gan C. Do đó, cần kết hợp thực hiện thêm các xét nghiệm chẩn đoán viêm gan C cần thiết sau:
- Xét nghiệm chức năng gan: Gồm xét nghiệm AST (SGOT) và ALT (SGPT). Các chỉ số này ở người bệnh viêm gan C thường tăng cao gấp 2 - 3 lần so với bình thường;
- Xét nghiệm Anti - HCV: Giúp phát hiện và tầm soát tình trạng nhiễm virus viêm gan C. Nếu cho kết quả dương tính chứng tỏ cơ thể không có kháng thể chống lại virus viêm gan C;
- Xét nghiệm HCV - RNA: Đây là xét nghiệm tìm kiếm HCV - RNA trong máu, đồng thời đo lường số lượng RNA virus. Xét nghiệm này giúp ích cho quá trình trước và trong điều trị đạt hiệu quả tốt hơn;
- Xét nghiệm kiểm tra genotyppe: Dựa vào kết quả này để xây dựng phác đồ điều trị riêng phù hợp với từng trường hợp, mỗi genotype khác nhau;
Biến chứng & tiên lượng
Viêm gan C là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, bệnh có tiến triển nhanh và gây nhiều biến chứng khó lường nếu không được điều trị kịp thời.
- Xơ gan: Theo thống kê, có khoảng 20% trường hợp nhiễm virus viêm gan C gây biến chứng xơ gan. Đặc trưng với những tổ chức xơ, sẹo khiến gan suy giảm chức năng hoàn toàn, kéo theo nhiều hậu quả khó lường, đe dọa tính mạng như Rối loạn đông máu; suy thận (hội chứng gan - thận); chảy máu tĩnh mạch; viêm phúc mạc do nhiễm khuẩn; rối loạn tâm thần; ung thư biểu mô tế bào gan;
- Suy gan: Sự phá hủy các mô tế bào gan trong thời gian dài của virus viêm gan C gây ra suy gan. Biến chứng này thường diễn tiến trong thời gian dài và tiềm ẩn nhiều rủi ro gây nguy hiểm đến mạng sống như: Mất chức năng đông máu gây chảy máu khó cầm; gan bị suy mòn; ngộ độc gan;
- Ung thư gan: Đây cũng là một trong những biến chứng nguy hiểm của viêm gan C. Virus HCV có khả năng biến đổi các tế bào gan khỏe mạnh thành biến dị, ung thư hóa thành các tế bào ác tính. Bệnh nhân gặp biến chứng ung thư gan gần như không còn cơ hội sống sót, việc điều trị trong giai đoạn này chỉ nhằm kéo dài sự sống càng lâu càng tốt.
- Biến chứng khác: Ngoài ra, người bệnh viêm gan C còn đối mặt với nguy cơ phù chân, chướng bụng, nhiễm trùng nghiêm trọng; phù mạch máu thực quản và dạ dày; suy thận và phổi; sưng lá lạch giảm bạch cầu hoặc tiểu cầu; sỏi mật; não gan gây lơ mơ, giảm trí tuệ, hôn mê; tăng nguy cơ tiểu đường type II…
Tuy viêm gan C có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, nhưng trên thực tế căn bệnh này vẫn có khả năng chữa khỏi nếu áp dụng đúng phác đồ, điều trị sớm và kịp thời. Ở giai đoạn đầu, tiên lượng bệnh khá tốt, người bệnh cần tuân thủ tuyệt đối các chỉ định y tế của bác sĩ và kiên trì, chăm sóc sức khỏe tích cực để góp phần tăng tỷ lệ điều trị thành công.
Điều trị
Virus viêm gan C là một loại virus linh hoạt, có cấu trúc phức tạp với khả năng biến đổi gen liên tục khiến quá trình điều trị khá khó khăn. Hiện nay, y học ghi nhận có rất ít phương pháp điều trị viêm gan C, chủ yếu là dùng thuốc. Tuy nhiên, chỉ cần áp dụng đúng phác đồ và kiên trì dùng thuốc trong thời gian dài, kết hợp chăm sóc tích cực, bệnh có thể khỏi hoàn toàn.
Mục tiêu điều trị viêm gan C là loại bỏ virus, ổn định các chỉ số xét nghiệm gan, phục hồi tổn thương mô học và ngăn chặn biến chứng, bảo tồn chức năng gan, kéo dài sự sống, nâng cao chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
1. Điều trị bằng thuốc
Một số thuốc trị viêm gan C được dùng phổ biến gồm:
- Thuốc Interferon alpha: Đây là thuốc kháng virus xuất hiện chủ yếu trong hầu hết các phác đồ thuốc trị virus HCV. Với khả năng ức chế sự phát triển, nhân đôi và lan rộng của virus nhờ khả năng tác động tích cực đến miễn dịch. Loại thường dùng nhất là Pegylated Interferon, được dùng dưới dạng tiêm bắp hoặc tiêm ven vào trong cơ thể, không dùng dưới dạng uống vì thuốc dễ bị thủy phân trong ống tiêu hóa, giảm tác dụng.
- Thuốc Ribavirin: Kết hợp dùng thêm Ribavirin - 1 loại thuốc ức chế tổng hợp acid nucleic trong virus HCV để tăng hiệu quả chữa trị viêm gan C. Có không ít trường hợp phát hiện bệnh sớm, chỉ cần dùng kết hợp 2 loại thuốc này giúp điều trị khỏi bệnh dứt điểm. Thuốc được dùng dưới dạng viên nang hoặc viên nén, liều khuyến cáo 2 lần/ ngày. Các loại điển hình như Copegus hoặc Rebetol.
- Các thuốc thế hệ mới: Điển hình như Sofosbuvir và Ledipasvir. Đây là 2 loại thuốc thế hệ mới được Cục FDA Hoa Kỳ cấp phép lưu hành. Với khả năng dễ hấp thu, đem lại hiệu quả vượt trội tốt hơn các loại thuốc cụ, tỷ lệ điều trị thành công lên đến 93 - 99%, rút ngắn thời gian điều trị và giảm thấp nguy cơ tái phát.
Tuy đem lại hiệu quả cao, nhưng cần hết sức thận trọng vì cả 2 loại thuốc này đều gây ra tác dụng phụ khó lường cho sức khỏe như:
- Chóng mặt
- Đau đầu
- Sốt, ớn lạnh
- Suy giảm trí nhớ
- Trầm cảm
- Tăng nguy cơ thiếu máu, suy thận... đối với thuốc Ribavirin
Do đó, hãy tuân thủ tuyệt đối các chỉ định dùng thuốc của bác sĩ để đạt hiệu quả trị như mong đợi và hạn chế tối đa tác dụng phụ khó lường của thuốc.
2. Chăm sóc tăng cường chức năng gan
Bên cạnh điều trị, bệnh nhân cần thực hiện các biện pháp chăm sóc tích cực để tăng cường chức năng gan, rút ngắn thời gian điều trị.
Chế độ ăn uống:
- Ăn uống đủ chất, đặc biệt là phải có rau xanh, trái cây tươi, bắt buộc phải có rau xanh trong mỗi bữa ăn;
- Ưu tiên các loại rau có chứa chất lưu huỳnh sulfuro như hành, tỏi, bông cải xanh... nhằm hỗ trợ giải độc gan tốt hơn;
- Bổ sung đầy đủ các khoáng chất khác giúp tăng cường chức năng gan như magie, natri, sắt, đồng, kẽm, magan, kali...;
- Chia nhỏ bữa ăn hàng ngày để giảm triệu chứng buồn nôn, khó tiêu do viêm gan C;
Chế độ sinh hoạt: Tập thể dục đều đặn mỗi ngày vừa giúp tăng cường sức khỏe thể chất vừa nâng cao đề kháng tốt cho người bệnh viêm gan C. Tùy theo sức khỏe để chọn lựa bộ môn phù hợp như yoga, thiền, đạp xe, đi bộ, bơi lội... Tránh tập quá sức, gây mệt mỏi và ảnh hưởng đến chức năng gan.
Từ bỏ các thói quen xấu: Để tránh khiến gan bị quá tải, áp lực gây bệnh nặng hơn, bệnh nhân cần:
- Kiêng thuốc lá, rượu bia;
- Không tùy tiện sử dụng thuốc khi chưa biết rõ bệnh;
- Không ăn các loại thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ, cay nóng, nhiều gia vị, chứa chất bảo quản, thực phẩm đã lên nấm mốc, nội tạng động vật, (huyết, gan, tim, phổi...), thịt đỏ giàu đạm, giàu sắt khiến gan tổn thương nặng hơn;
- Không thức khuya, không làm việc quá sức;
- Tránh stress, căng thẳng quá mức gây ảnh hưởng tâm lý và thể trạng sức khỏe;
Tùy theo từng trường hợp cụ thể, phụ thuộc vào các yếu tố như phác đồ, mức độ đáp ứng của cơ thể, thể trạng sức khỏe, chăm sóc... mà thời gian điều trị viêm gan C có thể kéo dài trong vòng 48 tháng hoặc ít hơn từ 3 - 6 tháng.
Phòng ngừa
Chủ động phòng ngừa viêm gan C là cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe của bản thân khỏi những tác động tiêu cực và biến chứng khó lường. Việc phòng ngừa được chia làm 2 dạng gồm phòng ngừa lây lan cho người khác và phòng ngừa lây nhiễm cho bản thân.
Đối với bệnh nhân viêm gan C
Để tránh lây nhiễm virus HBV cho người khác, bạn cần chú ý:
Không cho bất kỳ ai mượn sử dụng chung đồ dùng cá nhân, cất giữ chúng ở phòng riêng, gọn gàng để tránh bị dùng nhầm;
Nếu có vết thương hở, trầy xước, chảy máu, phải làm sạch và quấn gạc lại ngay lập tức. Thực hiện gọn gàng tránh để máu dính vào những vật dụng xung quanh;
Không quan hệ tình dục khi đang trong chu kỳ kinh nguyệt. Chị em chú ý vệ sinh những thứ đã tiếp xúc với máu kinh thật kỹ, xử lý băng vệ sinh đúng quy định ở nơi an toàn để hạn chế nguy cơ lây nhiễm;
Dự trữ găng tay y tế bên cạnh để dễ dàng xử lý khi có vết thương bất ngờ;
Tuân thủ phác đồ điều trị, cách dùng thuốc và tái khám định kỳ theo lịch hẹn để theo dõi bệnh, điều chỉnh phác đồ phù hợp hơn;
Chị em phụ nữ đang bị viêm gan C không nên có ý định mang thai, hãy điều trị khỏi bệnh dứt điểm bệnh trước để ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm cho con;
Đối với người chưa từng nhiễm bệnh
Lưu ý những điều sau để hạn chế thấp nhất nguy cơ lây nhiễm virus viêm gan C:
Tuyệt đối không sử dụng chung đồ dùng cá nhân như bàn chải đánh răng, bấm móng tay, dao cạo râu...;
Không sử dụng chung các dụng cụ, thiết bị y tế như kim truyền, kim tiêm, dụng cụ xăm hình, đồ xỏ khuyên tai...;
Tránh thăm khám y tế hoặc xăm mình, xỏ khuyên ở những nơi không uy tín, sử dụng dụng cụ không đảm bảo vô trùng;
Quan hệ tình dục an toàn, sử dụng bao cao su, chung thủy, không quan hệ với những người chưa rõ ràng về tình trạng sức khỏe, quan hệ nhẹ nhàng, tránh thô bạo;
Duy trì lối sống lành mạnh, khoa học để bảo vệ chức năng gan, nói không với các chất kích thích, ăn uống đủ chất để giảm thiểu tổn thương gan;
Nâng cao ý thức trong việc thực hiện các biện pháp hỗ trợ tăng cường giải độc gan;
Thăm khám sức khỏe định kỳ để sớm phát hiện các bất thường, tầm soát biến chứng về gan để có hướng điều trị kịp thời, ngăn ngừa biến chứng;
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Các con đường lây nhiễm của virus HCV?
2. Nguyên nhân khiến tôi bị viêm gan C là gì?
3. Những dấu hiệu viêm gan C tôi cần theo dõi thêm?
4. Tôi cần thực hiện xét nghiệm nào để chẩn đoán viêm gan C?
5. Ý nghĩa của các chỉ số xét nghiệm viêm gan C?
6. Bệnh viêm gan C có nguy hiểm không?
7. Điều trị viêm gan C mất bao lâu thì khỏi bệnh?
8. Nếu tôi không điều trị viêm gan C thì bệnh có tự khỏi không?
9. Phương pháp điều trị viêm gan C tốt nhất tôi có thể áp dụng?
10. Loại thuốc trị viêm gan C nào tốt nhất? Có gây tác dụng phụ không?
11. Bị viêm gan C nên ăn uống như thế nào để mau khỏi bệnh?
12. Bệnh viêm gan C có tái phát sau điều trị không?
Viêm gan C là bệnh lý nhiễm trùng gan nguy hiểm. Tuy hiện nay vẫn chưa có vắc xin phòng viêm gan C, nhưng chỉ cần phát hiện bệnh sớm và áp dụng đúng phác đồ điều trị, bệnh vẫn có khả năng được chữa khỏi dứt điểm, không tái phát với tỷ lệ lên đến 90%. Do đó, hãy chủ động thăm khám ngay khi phát hiện thấy bất thường, điều trị và chăm sóc sức khỏe tích cực hàng ngày để phòng ngừa bệnh.
HỮU ÍCH:
- Bảng giá xét nghiệm viêm gan C ở bệnh viện (bảng giá chi tiết)
- Virus viêm gan C sống được bao lâu ngoài môi trường?
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!