Xét nghiệm tiểu đường khi nào cần thực hiện, cần lưu ý gì?
Hiện nay, số người mắc bệnh tiểu đường đang không ngừng gia tăng. Ước tính đến năm 2025 sẽ có khoảng 6% dân số thế giới mắc bệnh này. Việc thực hiện xét nghiệm tiểu đường là cách tốt nhất giúp phát hiện và kiểm soát bệnh kịp thời.
Thông tin về một số xét nghiệm tiểu đường cơ bản
Xét nghiệm tiểu đường là thuật ngữ dùng chung cho các phương pháp xét nghiệm y khoa giúp chẩn đoán bệnh tiểu đường. Sau đây là một số xét nghiệm được áp dụng phổ biến:
1. Xét nghiệm đường niệu
Đây là xét nghiệm giúp phát hiện bệnh tiểu đường rất đơn giản và được áp dụng khá phổ biến hiện nay. Thông thường, khi cơ thể dung nạp và chuyển hóa tốt Glucose thì sẽ ít gặp tình trạng thải Glucose ra nước tiểu.
Tuy nhiên, nếu hàm lượng Glucose trong máu ở mức cao thì trong nước tiểu cũng sẽ xuất hiện một lượng Glucose đáng kể. Điều này cho thất rằng, cơ thể đang xử lý Glucose không tốt và bạn đang có nguy cơ cao sống chung với bệnh tiểu đường.
Chỉ số đường tồn tại trong nước tiểu ở mức cho phép là khoảng từ 50 – 100 mg/dL. Dựa vào các chỉ số sau đây, bác sĩ có thể đưa ra chẩn đoán rằng bệnh tiểu đường đã ghé thăm bạn:
- Lượng Glucose trong nước tiểu vượt ngưỡng cho phép
- Lượng Ceton trong nước tiểu ở mức cao
- pH nước tiểu giảm dưới mức 5
2. Định lượng Glucose trong máu
Bác sĩ sẽ tiến hành định lượng Glucose trong máu cho bạn ở 2 thời điểm khác nhau. Đó là vào lúc đói và một thời điểm khác ngẫu nhiên.
Tại thời điểm ngẫu nhiên:
Định lượng lúc này, bác sĩ sẽ không yêu cầu bạn nhịn ăn trước đó. Bác sĩ sẽ xác định bệnh khi chỉ số đường huyết tại thời điểm ngẫu nhiên vượt mức 11,1mmol/L cùng với các triệu chứng lâm sàng đi kèm.
Trong trường hợp, chỉ số đường huyết tại thời điểm này nhỏ hơn 11,1mmol/L thì cũng chưa thể loại trừ nguy cơ bệnh xuất hiện. Bác sĩ sẽ chỉ định bạn thực hiện các xét nghiệm khác để đưa ra kết luận chính xác.
Tại lúc đói:
Để đảm bảo kết quả xét nghiệm được chính xác, bạn cần nhịn ăn từ đem cho đến sáng hôm sau, đến khi lấy máu xét nghiệm. Thời gian nhịn ăn hợp lý kéo dài trong khoảng từ 8 – 10 tiếng.
Trường hợp kết quả xét nghiệm cho thấy chỉ số đường huyết vượt 7mmol/L cùng các triệu chứng lâm sàng của bệnh đi kèm thì bác sĩ có thể đưa ra nhận định bạn mắc bệnh. Còn nếu con số này chưa tới 7mmol/L thì bác sĩ có thể lặp lại xét nghiệm này hoặc làm thêm các xét nghiệm khác.
3. Xét nghiệm dung nạp Glucose
Xét nghiệm này sẽ được bác sĩ yêu cầu khi những xét nghiệm được đề cập ở trên chưa đủ cơ sở để kết luận bệnh. Cũng giống như định lượng Glucose lúc đói, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn nhịn ăn cả đêm.
Đầu tiên, bác sĩ sẽ tiến hành lấy máu lúc đói đem đi xét nghiệm. Tiếp đến, bạn sẽ được bác sĩ cho dung nạp một lượng Glucose theo đường uống. Và sau khoảng 2 giờ lại tiếp tục lấy máu.
Bệnh tiểu đường sẽ được xác nhận khi tồn tại song song 2 kết quả sau:
- Chỉ số đường huyết trước khi nạp Glucose vượt ngưỡng 7mmol/L.
- Chỉ số đường huyết sau khi nạp Glucose vượt ngưỡng 11,1mmol/L.
4. Xét nghiệm HbA1c
HbA1c là chỉ số dùng để đo lượng huyết sắc tố trong máu có Glucose gắn vào hemoglobin (một loại protein được tìm thấy ở trong hồng cầu). Chỉ số HbA1c càng cao thì có càng nhiều Glucose gắn vào các tế bào huyết sắc tố.
Việc đo đường huyết thông thường sẽ chỉ xác định chỉ số đường huyết tại một thời điểm nhất định. Còn xét nghiệm HbA1c sẽ giúp thống kê được chỉ số đường huyết của cả 3 tháng liền kề trước đó.
Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA) phân tích chỉ số HbA1c ở 3 mức như sau:
- Mức bình thường: Dao động trong khoảng 5 – 5,7%.
- Tiền đái tháo đường: Dao động từ 5,7 – 6,5 %.
- Đái tháo đường: Từ 6,5% trở lên.
Nồng độ HbA1c ở mức quá cao cũng chính là dấu hiệu cảnh báo bệnh tiểu đường không kiểm soát được. Tình trạng này có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc các biến chứng. Điển hình như bệnh thận, tim mạch, tổn thương mắt, thần kinh…
Xét nghiệm tiểu đường khi nào cần thực hiện?
Bạn có thể thực hiện xét nghiệm tiểu đường bất cứ khi nào muốn biết về chỉ số đường huyết của cơ thể. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, việc xét nghiệm sẽ trở nên cần thiết hơn.
Các chuyên gia khuyến cáo, một số nhóm đối tượng dưới đây cần chú ý đi xét nghiệm để tầm soát bệnh tiểu đường:
- Người thừa cân, béo phì. Nhất là những người có cân nặng vượt mức 120% so với cân nặng lý tưởng.
- Tiền sử gia đình bị tiểu đường.
- Những người quá ít vận động
- Bệnh nhân huyết áp cao đang phải điều trị bằng thuốc
- Đối tượng cho hàm lượng cholesterol trong máu cao.
- Phụ nữ từng bị tiểu đường thai kỳ
- Phụ nữ mắc bệnh buồng trứng đa nang
- Đối tượng có số đo vòng bụng lớn (ở nữ là trên 80cm, ở nam là trên 90cm)
- Tiền sử mắc các bệnh tim mạch do xơ vữa động mạch
- Những người trên 45 tuổi
Đối với những người bình thường, xét nghiệm tiểu đường định kỳ mỗi năm một lần là rất tốt để tầm soát bệnh. Việc xét nghiệm đúng lúc sẽ giúp bạn kiểm soát kịp thời khi không may mắc bệnh. Đặc biệt, khi cơ thể xuất hiện các triệu chứng của bệnh thì vấn đề xét nghiệm càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Một số lưu ý khi xét nghiệm tiểu đường
Thực tế cho thấy rằng, rất nhiều yếu tố có thể làm ảnh hưởng đến độ chính xác của các xét nghiệm tiểu đường. Đây chính là nguyên do khiến cho nhiều người xét nghiệm bệnh nhiều lần nhưng không nhận được kết quả chính xác.
Để đảm bảo có được kết quả chuẩn xác nhất, bạn cần chú ý đến các vấn đề sau khi xét nghiệm tiểu đường:
- Thông báo cho bác sĩ nếu bạn đang trong quá trình sử dụng bất cứ loại thuốc điều trị nào. Bởi một số loại thuốc Tây có thể khiến cho lượng đường trong máu bị rối loạn. Điển hình nhất là các thuốc cao huyết áp, thuốc giảm đau hay thuốc chữa bệnh xương khớp.
- Cần nhịn ăn ít nhất 8 giờ đồng hồ trước khi thực hiện xét nghiệm đường huyết lúc đói.
- Tuyệt đối tránh sử dụng rượu bia, cà phê, thuốc lá hay các chất kích thích khác. Những thứ này có thể làm biến động chỉ số đường huyết khiến cho kết quả xét nghiệm sai lệch.
- Báo cho bác sĩ khi bạn gặp các triệu chứng như đau tức ngực, chân tay tê bì, mắt nhìn mờ…
Có thể thấy rằng, việc thực hiện xét nghiệm tiểu đường là hết sức cần thiết. Đặc biệt, những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao cần khẩn trương đi xét nghiệm để tầm soát. Phát hiện bệnh sớm sẽ giúp cho việc điều trị và kiểm soát trở nên dễ dàng hơn.
Bạn nên tìm hiểu thêm: Cách phòng bệnh tiểu đường qua ăn uống, sinh hoạt
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!