Ho gió là gì? – Cách nhận biết và điều trị ho gió
Một trong những dạng ho mà chúng ta thường hay mắc phải mỗi khi thay đổi thay tiết là ho gió. Thế nhưng ho gió là gì, cách nhận biết và điều trị ra sao thì không phải ai cũng biết. Bài viết này sẽ giúp bạn xác định được ho gió là gì để có biện pháp phòng ngừa và xử lý đúng cách khi gặp tình trạng này.
Ho gió là gì?
Ho là một phản xạ nhằm tống vật lạ ra ngoài để bảo vệ cơ thể. Thường kèm theo chất nhầy, dịch đờm từ đường thở nhưng đôi khi cũng kéo dài mà không có nhầy hoặc đờm. Theo tính chất cơn ho, người ta phân thành nhiều loại là ho khan, ho gió, ho có đờm…
Thực tế, không có một định nghĩa cụ thể nào về ho gió, người ta thường dùng từ này để chỉ tình trạng ho kéo dài không kèm theo đờm hoặc dịch nhầy. Thường xảy ra khi thời tiết thay đổi đột ngột khiến người bệnh mắc dị ứng hoặc cảm cúm, khi chuyển mùa từ thu sang đông hoặc xuất hiện những đợt gió mùa lạnh đột ngột.
Ho gió phần lớn không phải là bệnh mà do tác động của môi trường, khí hậu bên ngoài. Tuy nhiên nếu bị ho gió lâu ngày không khỏi, không điều trị kịp thời sẽ khiến đường hô hấp tổn thương, gia tăng khả năng mắc các bệnh nguy hiểm về đường hô hấp nhất là phổi. Nguyên nhân là loại ho này chủ yếu do phổi phải trải qua điều kiện thời tiết hanh khô, khí hậu lạnh đột ngột.
Cách nhận biết ho gió
Có thể nói, khó có thể phân biệt rõ ràng được các loại ho. Tuy nhiên, ho gió có thể dễ dàng phát hiện ngay từ giai đoạn đầu với các triệu chứng như:
- Ho khan, ho kéo dài không kèm theo đờm
- Cổ họng đau rát, khô ngứa
- Đau cơ bụng
- Người mệt mỏi, kém ăn
- Suy nhược cơ thể
Cũng có nhiều trường hợp người bệnh mắc ho gió thường xuyên muốn ho khạc nhưng không được hoặc chỉ ho khan đơn thuần. Nếu tình trạng ho gió càng kéo dài thì sẽ càng khó điều trị làm bệnh nhân suy nhược sút cân, người mệt mỏi uể oải ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và công việc.
Khi nào nên thăm khám bác sĩ?
Thời tiết thay đổi, hanh khô, rét kéo dài khiến nhiều người mắc chứng ho dai dẳng, ho tái đi tái lại do nhiễm lạnh, dị ứng thời tiết. Mặc dù ho gió thường ít nguy hiểm nhưng nếu mắc phải các triệu chứng dưới đây, người bệnh nên nhanh chóng thăm khám để được điều trị kịp thời:
- Ho kéo dài từ 4 – 8 tuần không khỏi
- Khó thở, khàn tiếng
- Chóng mặt, thay đổi giọng nói
- Đau tức ngực khi thở ra hoặc hít vào
- Đánh trống ngực, đau cơ
- Người mệt mỏi, suy nhược, mất ngủ
- Ho ra máu
Cách trị ho gió
Ho gió rất dễ chữa nếu kịp thời phát hiện và điều trị ngay từ giai đoạn đầu. Có nhiều biện pháp chữa ho gió thường được áp dụng hiện nay là:
Chữa ho gió bằng thuốc Tây
Tùy vào độ tuổi, tình trạng bệnh, các bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh sử dụng các loại thuốc ho phù hợp. Các loại thuốc Tây trị ho gió chủ yếu là thuốc giảm ho, kháng sinh, kháng khuẩn, kháng viêm. Cụ thể:
- Thuốc giảm ho: Có tác dụng ức chế trung tâm gây ho. Thường dùng là codein, dextromethorphan, pholcodine… Trong đó, pholcodin và codein có tác dụng gây nghiện nhẹ, dextromethorphan không có tác dụng giảm đau. Không dùng cho trẻ em, người suy hô hấp, hen suyễn, phụ nữ có thai và đang cho con bú.
- Thuốc kháng histamin: Được dùng trong trường hợp ho do dị ứng, kích thích có tác dụng làm dịu, giảm ho và an thần. Thường dùng là alimemazin, chlopheniramin, diphenhydramin… Các thuốc này không dùng cho người lái xe, lái máy bay, vận hành máy móc, người thực hiện những công việc cần sự tập trung cao vì dễ gây buồn ngủ.
- Thuốc tê làm giảm ho: Có tác dụng gây tê lên các ngọn dây thần kinh gây phản xạ ho thường dùng là các hoạt chất benzonatate, lidocain, menthol… dùng qua đường ngậm, hít.
Lưu ý: Thuốc trị ho cần sử dụng theo chỉ định của bác sĩ. Không nên tự ý mua thuốc khi chưa có sự chẩn đoán, kết luận bệnh từ các bác sĩ chuyên khoa. Không tự ý gia tăng liều lượng thuốc để tránh các tác dụng phụ không mong muốn.
Chữa ho bằng thuốc Đông y
Sử dụng thuốc kháng sinh liều cao trong thời gian dài không chỉ gây ra hiện tượng nhờn thuốc mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống sinh hoạt của bệnh nhân. Do đó, thay vì sử dụng thuốc Tây y, người bệnh có thể áp dụng các bài thuốc Đông y được các chuyên gia đầu ngành về tai mũi họng khuyên dùng.
Với tác dụng cân bằng âm dương, chú trọng điều dưỡng cơ thể, bồi bổ tỳ phế, thuốc Đông y vừa có khả năng điều trị tận gốc nguyên nhân gây bệnh vừa nâng cao sức khỏe mà không hề mang lại tác dụng phụ. Nếu tình trạng ho gió kéo dài không khỏi, người bệnh có thể tham khảo bài thuốc “Ích phế Chỉ khái thang”, đến thăm khám các bác sĩ y học cổ truyền để xác định nguyên nhân bệnh và có hướng điều trị phù hợp.
Chữa ho bằng phương pháp dân gian
Nếu tình trạng ho gió xảy ra ở trẻ nhỏ, hoặc bạn không muốn dùng thuốc Tây thì có thể sử dụng các bài thuốc dân gian dưới dây:
- Mật ong hấp quất: Quất rửa sạch, bổ làm đôi, bỏ hạt, thái lát mỏng cho vào bát rồi đổ mật ong ngập quất. Đem hấp cách thủy trong 15 phút thì tắt bếp. Dùng mỗi ngày 3 lần, ngậm trong miệng khoảng 5 giây rồi nuốt từ từ.
- Lá húng chanh: Lấy 1 nắm lá húng chanh rửa sạch, cho vào máy xay nhuyễn với 5 quả quất. Tiếp đó, thêm một ít đường phèn hấp cách thủy trong 20 phút. Sử dụng 2 lần/ngày đến khi hết ho thì ngưng sử dụng.
- Hoa đu đủ đực: Lấy 10 – 20g hoa đu đủ đực trộn với vài thìa mật ong, hấp cách thủy trong 20 phút. Để nguội, nghiền nát hỗn hợp này rồi thêm ít nước đun sôi để nguội uống hết trong ngày.
- Lá hẹ: Lấy 1 nắm lá hẹ tươi rửa sạch, thái nhỏ thêm ít đường phèn hấp cách thủy trong 20 phút. Sử dụng 1 lần/ngày, liên tục 3 – 5 ngày sẽ thấy chứng ho gió dần dần chấm dứt.
- Cây me đất: Lấy 1 nắm lá me đất rửa sạch, để ráo nước, giã nhuyễn với vài hạt muối, chắt lấy nước ngậm nuốt từng chút một. Thực hiện liên tục 3 – 5 ngày sẽ thấy tình trạng ho gió cải thiện đáng kể.
Lưu ý: Chỉ áp dụng trong trường hợp ho gió do dị ứng thời tiết, ho mới xuất hiện. Nếu tình trạng ho kéo dài trên 4 tuần thì cần thăm khám bác sĩ để được điều trị tránh ảnh hưởng đến phổi, phế quản.
Chăm sóc người bệnh ho gió
Ngoài việc sử dụng thuốc điều trị, người bệnh cũng cần kết hợp với các biện pháp chăm sóc sau đây để bệnh nhanh chóng thuyên giảm:
- Uống nhiều nước, đặc biệt là nước ấm
- Ăn nhiều thực phẩm có tính mát, làm ấm phổi nhanh như lê, kiwi, khế, chanh…
- Tắm nước ấm, giữ ấm cơ thể khi nhiệt độ môi trường xuống thấp
- Hạn chế các thực phẩm nhiều dầu mỡ, thức ăn nhanh, đồ ăn đóng hộp
- Hạn chế dùng các thực phẩm đông lạnh như nước đá, kem, thức ăn ướp để dùng lạnh…
- Không sử dụng rượu bia, thuốc lá, chất kích thích
- Xây dựng chế độ nghỉ ngơi hợp lý, tăng cường vận động làm nóng cơ thể
- Tránh các yếu tố gây kích thích như phấn hoa, mùi khí lạ, khói thuốc, khói than…
- Giữ ấm cổ, ngực, có thể tiến hành xông mũi để dễ chịu hơn
Phòng ngừa ho gió
Thời tiết thay đổi theo mùa là điều kiện thuận lợi để các chứng ho khan, ho gió có điều kiện phát triển. Do đó, để phòng ngừa tình trạng này, người bệnh nên:
- Giữ ấm cơ thể vào những ngày lạnh, nhất là khi thời tiết thay đổi
- Luôn vệ sinh răng miệng sạch sẽ
- Bổ sung lượng nước cần thiết mỗi ngày
- Tăng cường luyện tập thể dục thể thao nâng cao sức đề kháng
- Tránh xa môi trường sống ô nhiễm, bảo vệ tốt hệ hô hấp
- Hạn chế tiếp xúc với người đang cảm, ho
- Tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý, đảm bảo vệ sinh, tăng cường sử dụng rau củ quả trái cây tươi
Có thể bạn quan tâm
- Ho khan là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị
- Cách trị ho hiệu quả, giảm ho nhanh nhất tại nhà
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!