Tô mộc
Tô mộc (vang nhuộm, tô phượng và gỗ cây vang) có vị ngọt, hơi mặn, mặn và tính bình. Dược liệu này có tác dụng hành huyết, thông ứ trệ, chỉ thống, điều hòa kinh nguyệt và được sử dụng trong bài thuốc trị đau bụng kinh, rối loạn kinh nguyệt, bệnh trĩ mới phát, sưng dương vật, cầm máu vết thương,…
- Tên gọi khác: Vang nhuộm, gỗ vang và tô phượng
- Tên khoa học: Caesalpinia sappan L
- Tên dược: Lignum sappan
- Họ: Đậu (danh pháp khoa học: Fabaceae)
Mô tả cây dược liệu tô mộc
1. Đặc điểm thực vật
Tô mộc là loài thực vật nhỏ, có chiều cao trung bình từ 7 – 10m và sống nhiều năm. Trên thân cây thường có gai nhỏ, lá kép lông chim, mỗi cành có khoảng 12 đôi lá chét trở lên. Mặt trên lá nhẵn và mặt dưới thường có lông.
Cây có hoa màu vàng, thường mọc thành chùm và bầu hoa có phủ lông xám. Quả cứng, dài khoảng 7 – 10cm, rộng từ 3 – 4cm, có hình trứng dẹt và hạt bên trong có màu nâu.
2. Bộ phận dùng
Thân gỗ của cây được sử dụng để làm thuốc chữa bệnh.
3. Phân bố
Tô mộc mọc hoang và đường trồng nhiều ở các địa phương của nước ta .
4. Thu hái – sơ chế
Cây được thu hái chủ yếu vào mùa đông. Thân cây to sẽ được cưa thành từng đoạn và phơi khô. Khi sử dụng, chẻ nhỏ và sắc với các dược liệu khác.
5. Bảo quản
Nơi khô ráo, tránh mối mọt và nơi ẩm mốc.
6. Thành phần hóa học
Dược liệu này chứa thành phần hóa học đa dạng, bao gồm tinh dầu, acid galic, tannin, chất brazilin, sappanin,…
Vị thuốc Tô mộc
1. Tính vị
Vị mặn, ngọt, hơi cay, tính bình.
2. Qui kinh
Quy vào kinh Tỳ, Can và Tâm.
3. Tác dụng dược lý
– Theo y học cổ truyền:
- Tác dụng điều hòa kinh nguyệt, chỉ thống, giảm sưng và hoạt huyết.
- Chủ trị chứng rối loạn kinh nguyệt, đau bụng kinh, huyết trệ, kinh bế, tụ máu do chấn thương,…
– Theo nghiên cứu dược lý hiện đại:
- Tác dụng kháng vi trùng Staphylococcus, Shigella dysenteria Shiga, Shiga flexneri, Shigella Sonnei, Bacillus subtills,… Tác dụng kháng sinh của dược liệu này không bị ảnh hưởng bởi dịch vị của dạ dày.
- Ngoài ra hoạt chất brasilein trong dược liệu còn có tác dụng kháng histamine và kéo dài tác dụng của hormone tuyến thượng thận trên thỏ thực nghiệm.
- Nước sắc tô mộc có tác dụng khôi phục chức năng của tim ếch cô lập.
- Dược liệu có tác dụng giảm độc tố của một số loại thuốc như Quinin, Chlorpromazin, Nikethamid,…
4. Cách dùng – liều lượng
Có thể dùng tô mộc có dạng sắc hoặc tán bột. Liều dùng trung bình: 3 – 10g/ ngày.
Một số bài thuốc chữa bệnh từ vị thuốc Tô mộc
1. Bài thuốc trị chứng bụng đau, kinh bế và huyết trệ
- Chuẩn bị: Đào nhân, quy vĩ, ngưu tất và xích thược mỗi thứ 10g, tô mộc, xuyên khung và hồng hoa mỗi thứ 6g, hổ phách 1.5g, sinh địa 15g, ngũ linh chi và hương phụ mỗi thứ 8g.
- Thực hiện: Đem dược liệu tán thành bột mịn, sau đó trộn hồ làm thành hoàn. Mỗi lần dùng 10g, ngày uống từ 2 – 3 lần.
2. Bài thuốc trị chứng tụ máu do té ngã và chấn thương
- Chuẩn bị: Chế phàn mộc miết 4g, xạ hương 0.4g, đồng tự nhiên, huyết kiệt, một dược và nhũ hương mỗi thứ 10g, tô mộc 15g, đinh hương 2g và hồng hoa 8g.
- Thực hiện: Đem các vị tán bột, mỗi lần dùng 3 – 4g uống với rượu, ngày dùng 2 lần.
3. Bài thuốc trị bụng đau và kinh nguyệt không đều sau khi sinh
- Chuẩn bị: Tô mộc, đương quy thân, sơn tra mỗi thứ 10g, huyền hồ sách, hồng hoa 3g và ngũ linh chi 8g.
- Thực hiện: Dùng dược liệu sắc với 600ml nước, còn lại 200ml và chia thành 3 lần dùng.
4. Bài thuốc trị chứng huyết ra nhiều sau khi sinh
- Chuẩn bị: Tô mộc 12g.
- Thực hiện: Sắc với 200ml nước, còn lại 100ml và chia thành 2 lần dùng trong ngày.
5. Bài thuốc trị chứng đau bụng do huyết ứ
- Chuẩn bị: Xích thược, hồng hoa, tô mộc và đương quy.
- Thực hiện: Sắc uống mỗi ngày.
6. Bài thuốc giúp cầm máu vết thương
- Chuẩn bị: Một lượng tô mộc tán bột vừa đủ.
- Thực hiện: Đem rắc vào vết thương.
7. Bài thuốc trị bụng ậm ạch do huyết ứ
- Chuẩn bị: Đào nhân, hồng hoa và thán khương mỗi thứ 6g, xuyên khung và xích thược mỗi thứ 14g, cam thảo 4g, đương quy và tô mộc mỗi thứ 16g.
- Thực hiện: Đem dược liệu sắc với 550ml nước, còn lại 150ml và chia thành 2 lần uống. Duy trì bài thuốc trong vòng 7 ngày liên tục.
8. Bài thuốc hỗ trợ điều trị bệnh trĩ mới khởi phát
- Chuẩn bị: Ngũ bội tử, hoàng bá và sa sàng mỗi thứ 20g, tô mộc 30g và binh lang 10g. Hoặc dùng tô mộc 30g, hoàng liên 10g, hoàng đằng 20g và ngũ bội 20g.
- Thực hiện: Đun sôi với khoảng 2 lít nước trong 15 – 20 phút. Sau đó đổ nước ra thau và đợi nước nguội bớt. Sau mỗi lần đi đại tiện, rửa sạch giang môn và ngâm với nước trong 15 phút và nằm nghỉ trong 15 phút rồi mới hoạt động trở lại.
9. Bài thuốc trị đại tiện ra nước và lỵ ra máu
- Chuẩn bị: Lá phèn đen (cây đồng tiền) và tô mộc mỗi thứ 20g.
- Thực hiện: Đem các vị sắc lấy nước uống, ngày dùng 1 thang cho đến khi khỏi hẳn.
10. Bài thuốc trị sưng dương vật
- Chuẩn bị: 10g tô mộc và 1 ít rượu.
- Thực hiện: Đem dược liệu sắc với rượu, sau đó dùng uống hằng ngày.
Lưu ý khi dùng bài thuốc từ dược liệu Tô mộc
Không sử dụng dược liệu tô mộc cho phụ nữ mang thai và người không mắc bệnh do ứ trệ.
Dược liệu tô mộc có thể điều trị được nhiều chứng bệnh thường gặp như đau bụng kinh, sản dịch ra nhiều, sưng dương vật, bệnh trĩ,… Tuy nhiên khi sử dụng dược liệu, bạn có thể gặp phải một số tác dụng phụ hoặc phản ứng dị ứng. Trong trường hợp phát sinh các biểu hiện bất thường, vui lòng thông báo với bác sĩ để được hướng dẫn cách khắc phục.
Có thể bạn quan tâm:
Bình luận (1)
cay to moc ban o dau cong ty nao mua cay yo moc em co 10 tan goc to moc co loi