Bạch đàn trắng
Bạch đàn trắng là dược liệu thường được sử dụng để bào chế thuốc kháng khuẩn đường hô hấp và một số bệnh lý ngoài da. Ngoài ra, dược liệu cũng được sử dụng để chữa tiêu chảy, làm săn chắc cổ họng, niêm mạc họng và dùng trong việc điều trị một số bệnh nha khoa.
- Tên khoa học: Eucalyptus camaldulensis Dahnardt
- Họ: Sim – Myrtaceae
Mô tả dược liệu Bạch đàn trắng
1. Đặc điểm sinh thái
Bạch đàn là cây thường xanh, thân thẳng, có thể cao khoảng 20 – 30 mét. Vỏ thân cây màu xám nâu, có thể bong thành từng mảnh không đều nhau. Lá cây mọc so le, hình mác, thuôn, có dáng cong hình lưỡi liềm, đầu lá hơi nhọn,chiều dài khoảng 20 cm. Mặt trên lá màu sẫm bóng, mặt dưới nhẵn màu nhạt, mép lá nguyên. Tán lá cây thường mọc xòe rộng ra xung quanh.
Hoa mọc thành cụm ở các kẽ lá, chiều hoa khoảng 1.5 cm, có màu trắng, nhiều nhị. Quả cây phân thành 4 ô, rộng khoảng 5 – 8 mm, hạt cây nhỏ.
Mùa hoa và quả thường vào tháng 3 – 5.
2. Bộ phận sử dụng dược liệu
Lá cây và ngọn mang lá cây Bạch đàn trắng được ứng dụng để làm dược liệu.
3. Phân bố
Cây Bạch đàn trắng được tìm thấy ở nhiều nơi trên thế giới. Một số nơi trồng cây để cải thiện đất ở các vùng đầm lầy và vùng ven biển.
Bạch đàn trắng ở Việt Nam chủ yếu có nguồn gốc ở Australia. Cây được nhập từ năm 1975, có thể phát triển tốt trên nhiều loại đất khác nhau, đặc biệt là đất phèn. Do đo, dược liệu thường được tìm thấy ở các vùng đồng bằng sông Cửu Long.
4. Thu hái – Sơ chế
Bạch đàn trắng có thể thu hái quanh năm. Dược liệu có thể dùng tươi, khô hoặc bào chế thành tinh dầu đều được.
5. Bảo quản dược liệu
Tinh dầu Bạch đàn trắng cần được bảo quản trong lọ thủy tinh, màu hổ phách. Lưu trữ dược liệu ở nơi thoáng mát, tránh nhiệt độ và độ ẩm cao.
6. Thành phần hóa học
Thành phần hóa học được tìm thấy trong Bạch đàn trắng là tinh dầu với hàm lượng tương đối cao.
Vị thuốc Bạch đàn trắng
1. Công dụng của cây Bạch đàn trắng
Tinh dầu Bạch đàn trắng được sử dụng để làm thuốc hỗ trợ kháng khuẩn đường hô hấp và chữa một số bệnh ngoài da.
Là nguyên liệu chính cho chất gôm, có tác dụng điều trị tiêu chảy, dùng làm săn chắc niêm mạc họng, chống nhiễm trùng vết thương, chữa họng bị giãn và hỗ trợ cải thiện một số bệnh lý về nha khoa. Chất gôm còn được sử dụng để làm thuốc đạn, bào chế bơ ca cao.
Tinh dầu dược liệu có thể kết hợp dùng điều trị bệnh lỵ mạn tính.
Lá cây Bạch đàn có thể dùng hãm nước, làm thuốc xông hoặc pha chế thành các dạng siro Bạch đàn để chữa ho, sát trùng đường hô hấp, chữa các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp, ho hen.
2. Cách dùng – Liều lượng
Dược liệu Bạch đàn trắng có thể sử dụng ở dạng uống trong (dưới dạng siro, thuốc đã qua bào chế), thoa ngoài hoặc dùng làm thuốc xông, ngâm rửa.
Liều lượng sử dụng phụ thuộc vào bài thuốc và yêu cầu sử dụng của thầy thuốc có chuyên môn.
Bài thuốc sử dụng Bạch đàn trắng
1. Bài thuốc chữa cảm mạo, ra nhiều mô hôi, lạnh da, ngộ hàn, làm dầu thoa để phòng một số bệnh lý
Sử dụng tinh dầu Bạch đàn trắng, Hương nhu trắng, Bạc hà, Sả, Tràm trà phối hợp với nhau. Có thể phối hợp với các loại tinh dầu có tác dụng làm ấm bụng, chống lạnh như Hồi, Quế, Màng tang.
Ngoài ra, có thể kết hợp uống 10 – 15 giọt tinh dầu với nước nóng, sau đó xoa mũi, đầu, ngực, gáy và dọc 2 bên sống lưng. Sau đó đắp chăn nằm nghỉ cho ra mồ hôi để giải cảm, chống ớn lạnh, trị đau bụng, khó tiêu, rối loạn tiêu hóa, nôn mửa. Mỗi lần uống 5 – 6 giọt. Kết hợp xoa bụng dưới rốn và bụng trên mỗi ngày 3 lần để tăng cường hiệu quả.
Lưu ý: Các trường hợp cảm nắng và sốt nóng không nên dùng.
2. Bài thuốc xông chữa nóng sốt, không ra mồ hôi và không rét lạnh
Sử dụng lá dược liệu, Cúc tần, lá Tràm, củ Sả, Hương nhu, Kinh giới, Tía tô, mỗi loại một vài nắm tay. Cho dược liệu vào một nồi ro, thêm nước ngập dược liệu, đun sôi. Sau đó dùng nước này xông cho ra mồ hôi.
Sau khi xông, cần lau sạch mồ hôi, thay quần áo, kết hợp uống thuốc giải cảm và nghỉ ngơi. Sau khi ra thêm mồ hôi là được.
Bạch đàn trắng là dược liệu được sử dụng phổ biến để điều trị các bệnh lý về da, hỗ trợ làm săn chắc niêm mạc họng, điều trị viêm họng và hỗ trợ cải thiện hệ thống tiêu hóa. Mặc dù được cho là an toàn và không gây hại đến sức khỏe người dùng, duy nhiên để tránh các rủi ro không cần thiết, người dùng nên trao đổi với thầy thuốc trước khi sử dụng dược liệu.
Xem thêm dược liệu khác:
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!