Rau muống
Rau muống vị ngọt nhạt, tính mát thường được sử dụng trong Đông y để thanh nhiệt cơ thể, giải độc, nhuận tràng, kích thích hệ thống tiêu hoá, điều trị đái tháo đường,…
- Tên gọi khác: Bìm bìm nước, Tra khuôn (Campuchia)
- Tên khoa học: Ipomoea reptans (L.) Poir-Ipo-moea aquatica Forsk
- Họ: Bìm bìm – Convolvulaceae
Mô tả dược liệu Rau muống
1. Đặc điểm sinh thái
Rau muống là cây thân thảo, thường mọc bò trên mặt nước hoặc trên cạn. Thân rỗng, dày, có nhiều đốt, có rễ ở các đốt, mặt ngoài nhẵn. Thân thường không có lông vào mùa nóng và có lông vào mùa lạnh.
Lá Rau muống có hình ba cạnh, đầu ngọn, đôi khi lá có thể thon dài, hẹp. Phiến lá dài 7 – 9 cm, rộng 3.5 – 7 cm, cuống lá thường nhẵn, không có lông dài khoảng 3 – 6 mm.
Hoa thường to có màu trắng hoặc hồng tím, ống hoa màu tím nhạt. Mỗi cuống hoa có thể mọc 1 – 2 hoa. Quả Rau muống hình cầu, đường kính khoảng 7 – 9 mm, hạt có lông màu nâu, hung, đường kính hạt khoảng 4 mm. Mỗi quả thường chứa 4 hạt.
2. Phân loại
Ở Việt Nam, Rau muống thường được chia thành hai loại là Rau muống trắng và tía. Cả hai loại đều được trồng trên mặt nước hoặc trên can để thu hái dùng làm rau ăn kèm hoặc sử dụng với mục đích điều trị bệnh.
- Thông thường Rau muống trắng thường được trồng trên cạn
- Còn rau muống tía thường mọc hoang hoặc trồng dưới nước. Nên nó còn được gọi là Rau muống đồng hoặc Rau muống ruộng.
3. Bộ phận sử dụng
Sử dụng phần thân, lá non để làm thực phẩm và dược liệu điều trị bệnh rất tốt.
4. Phân bố
Rau muống thường mọc hoang và được trồng ở khắp nơi ở nước ta để làm thực phẩm và dược liệu. Người dân còn thường dùng để giải độc, giải rượu hoặc nấu nước uống cho mát.
5. Thu hái – Sơ chế
Có thể thu hái quanh năm, thường dùng ăn kèm hoặc vò nát để nấu nước. Ít khi loại dược liệu này được sơ chế, phơi khô.
6. Bảo quản
Rau muống tươi có thể rửa sạch, bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh bụi bẩn và côn trùng. Để bảo quản lâu hơn, có thể cho vào ngăn mát tủ lạnh.
7. Thành phần hóa học
Trong Rau muống có chứa một số thành phần như:
- Nước khoảng 92%
- Protit
- Gluxit
- Xenluloza
- Tro
- Muối khoáng như Canxi, Photphos, Sắt
- Vitamin C, Vitamin B1, Vitamin B2
- Caroten
- Citamin
- Chất nhầy
Vị thuốc Rau muống
1. Tính vị
Rau muống tính mát, vị nhạt, hơi ngọt nhẹ thường được dùng để thanh nhiệt, giải độc, nhuận tràng, kích thích hệ thống tiêu hóa.
2. Tác dụng dược lý
Theo y học cổ truyền, Rau muống thường được sử dụng để điều trị đái tháo đường, dùng ngoài để đắp vào các vết loét do bệnh Zona gây ra.
Ngoài dùng để ăn kèm, Rau muống có được sử dụng với một số tác dụng như:
- Làm mất tác dụng của một số loại thuốc khác
- Giải độc
- Nhuận tràng nhẹ
- Điều trị sốt, khó thở
- Điều trị một số bệnh lý về gan
- Hỗ trợ chứng thiếu máu
3. Cách dùng – Liều lượng
Rau muống có thể dùng ăn sống hoặc nấu chín. Ngoài ra, có thể vò nát nấu nước uống hoặc giã nát lấy nước đắp lên các vết thương ngoài da.
Liều dùng không cố định.
Bài thuốc sử dụng Rau muống
1. Điều trị ngộ độc
Dùng 1 kg Rau muống rửa sạch, giã nát, lọc lấy nước cốt, dùng uống. Có thể hỗ trợ cải thiện tình trạng ngộ độc nấm, lá ngón, thủy ngân. Sau khi sơ cứu, đưa người bệnh đến bệnh viện cấp cứu.
Nếu ngộ độc sắn (củ mì), sử dụng 100 g Rau muống thái thành đoạn ngắn trộn với 50 g gạo tẻ, giã nhuyễn, hòa với nước, dùng uống.
2. Điều trị đái tháo đường
Sử dụng Rau muống 60 g, Râu ngô 30 g nấu với một lượng nước vừa đủ, dùng uống. Điều trị tiểu đường, thường dùng rau muống tía (thân màu tía) hiệu quả tốt hơn loại trắng.
3. Điều trị kiết lỵ
Sử dụng 400 g thân Rau muống tươi, 4 – 6 miếng Trần bì, cho thêm nhiều nước, đun nhỏ lửa trong 2 – 3 giờ, dùng uống.
4. Điều trị đau dạ dày, ợ nóng, ợ hơi, ợ chua, nóng ruột, miệng đắng, khô, mất vị giác
Chuẩn bị Rau muống, Rau má, Cỏ mực mỗi loại 20 g, Rau sam 16 g, Trần bì 12 g. Mang tất cả sao qua chảo nóng, cho vào ấm, đổ thêm 500 ml nước, sắc đến khi còn 200 ml thì chia thành hai lần uống trong ngày, lúc đói.
5. Điều trị bí tiểu, phù thũng do bệnh thận
Sử dụng một nắm Rau muống, Rễ tranh, Râu ngô, mỗi vị 12 g sắc lấy nước, dùng uống. Mỗi ngày uống một thang.
6. Chữa chảy máu mũi, lưỡi đỏ, ù tai, chóng mặt, khát nước, tâm phiền muộn
Dùng 150 g Rau muống, 12 g Cúc hoa đun sôi với một lượng nước vừa đủ trong 20 phút, lọc lấy nước uống.
7. Chữa chứng viêm lưỡi, viêm viền môi, thiếu vitamin B12
Dùng 100 g Rau muống nấu canh với 50 g hành tươi, dùng ăn hàng ngày.
8. Điều trị lở loét, giời leo, nhiễm trùng da
Sử dụng lá cây vòi voi và ngọn Rau muống rửa sạch, giã cùng với muối dùng đắp lên vết thương.
9. Điều trị mẩn ngứa, rôm sẩy, sởi, thủy đậu ở trẻ em
Dùng một lượng Rau muống vừa phải nấu nước dùng tắm, thoa, rửa vùng da bệnh.
10. Điều mụn lở không liền da
Khi mụn lở loét, miệng vết thương lõm sâu có thể ăn nhiều Rau muống để nhanh chóng liền da, sinh thịt.
11. Điều trị mẩn ngứa do dị ứng thời tiết
Sử dụng 30 g Rau muống, 15 g Râu ngô, 10 củ Mã thầy sắc với 700 ml nước đến khi còn 300 ml thì chia thành 3 lần uống trong ngày.
Ai không nên ăn Rau muống?
Thực tế, đây là món ăn quen thuộc, tuy nhiên một số đối tượng sau không nên sử dụng:
- Người bị sỏi thận, bệnh Gout, viêm đường tiết niệu do bệnh thận, cao huyết áp
- Người bị vết thương mềm, cạn, không loét sâu không nên ăn Rau muống. Bởi vì có thể làm tăng sinh tế bào, sinh thịt dễ dẫn đến các vết sẹo lồi, vết thâm trên da.
- Bệnh nhân điều trị nội, ngoại khoa không được khuyến khích ăn Rau muống. Sử dụng nhiều có thể dẫn đến sẹo lồi trên da gây mất thẩm mỹ.
- Bệnh nhân bệnh xương khớp không nên ăn Rau muống để tránh làm tăng viêm khiến tình trạng bệnh thêm nghiêm trọng.
- Bệnh nhân điều trị bệnh bằng thuốc Đông y nói chung nên trao đổi với bác sĩ trước khi sử dụng Rau muống. Bởi nó có thể làm mất tác dụng của một số loại thuốc, đặc biệt là các vị thuốc có độc tính.
Lưu ý khi sử dụng Rau muống
Loại rau này có chứa một lượng lớn ký sinh trùng sán ruột có tên khoa học là Fasciolopsis Busk. Do đó, sử dụng Rau muống chưa rửa sạch hoặc nấu chưa chín có thể khiến sán xâm nhập vào cơ thể. Khi nhiễm sán, sán có thể neo đậu vào thành ruột và dẫn đến các triệu chứng như dị ứng da, đau bụng, chướng bụng, khó tiêu.
Ngoài ra, theo khuyến cáo của Cục Bảo Vệ Thực Vật – Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, Rau muống là thực vật dẫn đầu trong nhóm rau ăn lá có nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm. Ngoài ra, nếu sử dụng Rau muống chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cao có thể dẫn đến ngộ độc mãn tính, dãn thể miễn dịch, thậm chí là gây ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh. Do đó, khi có nhu cầu sử dụng rau, hãy chọn những nơi uy tín, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng để tránh các biến chứng.
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!