Bệnh Lang Ben

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Đỗ Thu Hiền

Bác sĩ điều trị

Lang ben là bệnh lý về da thường gặp do nhiễm loại nấm Pityrosporum ovale. Bệnh gây những tổn thương đặc trưng ngoài da, tuy lành tính không nguy hiểm nhưng rất ngứa ngáy khó chịu, làm thay đổi sắc tố da và dễ lây lan sang những vùng da. Môi trường xung quanh và các yếu tố liên quan đến nội tiết - miễn dịch đều làm tăng nguy cơ phát bệnh lang ben. 

Tổng quan

Lang ben (tên tiếng Anh là Tinea Versicolor) là bệnh nhiễm nấm ngoài da rất phổ biến, bên cạnh bệnh hắc lào. Nguyên nhân chính là do nhiễm nấm Pityrosporum ovale, thuộc chủng nấm men Malassezia. Sự tồn tại và phát triển của nấm tác động xấu đến cấu trúc lớp sừng ngoài da, làm thay đổi sắc tố da. Bất kỳ vị trí nào trên cơ thể cũng đều có nguy cơ nhiễm loại nấm này và bị lang ben, phổ biến nhất là tay, chân, lưng, ngực, cổ...

Bệnh lang ben
Lang ben là bệnh da liễu thường gặp nhất ở trẻ em, thanh thiếu niên trẻ tuổi

Loại nấm men này tồn tại và gây lang ben thường là loại cơ bản, dạng lang ben màu nâu. Ngoài ra, còn có lang ben màu trắng do giảm chức năng các tế bào sắc tố và lang ben màu đỏ do viêm.

Bệnh lang ben rất phổ biến tại Việt Nam và được đánh giá là lành tính, không gây nguy hiểm cho sức khỏe. Tuy nhiên, người bệnh vẫn cần áp dụng các biện pháp điều trị tích cực nhằm ức chế sự phát triển lây lan của nấm, giảm thấp nhất mức độ tổn thương cũng như các ảnh hưởng về mặt thẩm mỹ của làn da, sự tự tin trong giao tiếp.

Tham khảo thêm: Lang ben có lây không? Các nguy cơ lây lan và cách phòng ngừa

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Như đã nói, lang ben là bệnh da liễu xảy ra do nhiễm chủng nấm Malassezia. Loại nấm này luôn tồn tại trên da ở mức độ phù hợp, không gây hại đến hàng rào bảo vệ da. Tuy nhiên, khi gặp điều kiện thuận lợi khiến nấm phát triển quá mức và hình thành các tổn thương lang ben.

Bệnh lang ben
Sự phát triển quá mức của nấm do ảnh hưởng từ các yếu tố môi trường, thời tiết, nội tiết - miễn dịch là nguyên nhân gây ra lang ben

Có nhiều yếu tố nguy cơ khiến nấm lang ben phát triển gồm:

  • Thời tiết & khí hậu: Nhiệt độ cao và nóng ẩm là yếu tố hàng đầu khiến nấm gây lang ben phát triển.
  • Mồ hôi: Những người làm việc nặng nhọc, vận động mạnh hoặc mặc quần áo quá kín, quá chật, không thoáng mát khiến cơ thể tiết nhiều mô hôi cũng rất dễ dẫn đến các tổn thương lang ben.
  • Vệ sinh kém: Lười tắm rửa, vệ sinh cơ thể qua loa khiến làn da tích tụ chất bẩn, tế bào chết. Hoặc sử dụng nguồn nước không sạch để vệ sinh cơ thể cũng tạo điều kiện cho nấm phát triển gây bệnh.
  • Các yếu tố khác:
    • Rối loạn nội tiết tố;
    • Suy giảm miễn dịch do bệnh sởi, sau cảm cúm, điều trị ung thư bằng hóa chất, HIV/ AIDS...;
    • Suy nhược cơ thể, suy dinh dưỡng;
    • Người có cơ địa da dầu, dễ tiết chất nhờn, mồ hôi;
    • Trẻ em, người trẻ tuổi, thanh thiếu niên dễ mắc bệnh hơn so với người già;
    • Bôi kem dưỡng quá dày khiến da bí bách;
    • ...

Triệu chứng và chẩn đoán

Lang ben khi khởi phát khá rõ ràng và dễ quan sát bằng mắt thường thông qua các triệu chứng sau:

  • Xuất hiện các mảng lớn hoặc đốm nhỏ 4-5mm màu nâu, trắng, đỏ, hồng trên da, hình tròn, bầu dục hoặc đa cung;
  • Vùng da có nấm phát triển thường sáng hoặc tối màu hơn so với các vùng da khỏe mạnh xung quanh;
  • Da khô ráp, ngứa ngáy, khó chịu và bong vảy mịn, nhạy cảm hơn khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời;
  • Có cảm giác đau rát tại vùng da tổn thương, nhất là ở các lỗ chân lông;
  • Ngứa nhiều hơn khi da tiết mồ hôi và có xu hướng lan rộng theo sự phát triển của nấm;
  • Một vài trường hợp lang ben nhẹ, các đốm có thể tự mất đi khi giảm nhiệt độ hoặc tái phát trở lại khi nhiệt độ và độ ẩm cao;
  • Các vùng da dễ bị lang ben như cánh tay, bắp chân, lưng, cổ...;

Bệnh lang ben
Tổn thương da do lang ben đặc trưng với các mảng da sáng hoặc tối màu hơn so với bình thường kèm theo đóng vảy và ngứa nhẹ

Chẩn đoán bệnh lang ben được thực hiện thông qua đánh giá các triệu chứng lâm sàng vừa kể trên. Đồng thời, bác sĩ sẽ kết hợp một số xét nghiệm cần thiết để đảm bảo chẩn đoán chính xác bệnh lang ben như:

  • Cạo vảy da tại vùng da nhiễm bệnh bằng lưỡi dao mổ số 15 để làm sinh thiết, quan sát phân tích dưới kính hiển vi;
  • Kiểm tra da bằng đèn Wood, đây là loại đèn tia cực tím được sử dụng bằng cách chiếu trực tiếp lên vùng da có tổn thương. Nếu bị lang ben vùng da này sẽ có màu vàng trắng huỳnh quang hoặc vàng hơi xanh lá;
  • Soi tươi vảy da trong dung dịch kali hydroxit (KOH) 20% hoặc xanh methylen. Nếu là do lang ben sẽ thấy rõ các sợi nấm bị nứt vỡ thành từng que ngắn và hòa lẫn vào các cụm bào tử;

Tìm hiểu: Lang Ben Ở Mặt: Dấu Hiệu và Cách Điều Trị Nhanh Nhất

Biến chứng và tiên lượng

Mặc dù lang ben không phải bệnh truyền nhiễm nhưng những tổn thương ngoài da có thể lây trực tiếp thông qua tiếp xúc giữa người với người hoặc gián tiếp thông qua dùng chung vật dụng cá nhân như quần áo, khăn tắm, khăn mặt, dao cạo râu... Do đó, người bệnh cần lưu ý nên có các vật dụng cá nhân riêng, không sử dụng với người khác để hạn chế lây lan bệnh.

Bệnh lang ben
Bệnh lang ben khá lành tính không nguy hiểm nhưng lại gây mất thẩm mỹ cho làn da

Bệnh lang ben rất dễ nhầm lẫn với hắc lào, bạch biến, phong hoặc nhiều bệnh lý ngoài da khác, dẫn đến điều trị sai cách và không đạt hiệu quả như mong đợi. Do đó, cách tốt nhất chính là thăm khám tại các bệnh viện chuyên khoa Da liễu càng sớm càng tốt để chẩn đoán và có hướng điều trị phù hợp với bệnh.

Điều trị

Lang ben là bệnh lý không quá khó điều trị. Hầu hết các trường hợp bệnh đều đáp ứng tốt với phương pháp dùng thuốc bôi tại chỗ hoặc thuốc chống nấm dạng uống tùy theo mức độ tổn thương ít hay nhiều, có tái phát hay không.

1. Điều trị bằng thuốc

Các loại thuốc trị lang ben được sử dụng phổ biến trong phác đồ điều trị do Bộ Y tế quy định gồm:

Bệnh lang ben
Phần lớn các trường hợp lang ben đều phù hợp với phác đồ dùng thuốc bôi tại chỗ hoặc thuốc uống toàn thân

Thuốc bôi tại chỗ

Đối với trường hợp bị lang ben mức độ nhẹ, bạn có thể sử dụng các loại thuốc mỡ, kem bôi ngoài da hoặc dầu gội đầu không kê đơn như:

  • Thuốc chống nấm dạng bôi chứa các hoạt chất như Miconazole, Clotrimazole, Ketoconazole hoặc Fluconazole... Dùng liên tục trong vòng 2 - 4 tuần;
  • Kem hoặc gel Terbinafine;
  • Xà phòng tắm chứa hoạt chất kẽm Pyrithione (ZNP bar), bôi lên người để bọt 5 phút rồi tắm sạch lại với nước;
  • Kem dưỡng da Selenium sulfide lotion 2.5%. Bôi liên tục mỗi ngày trong vòng 1 tuần;
  • Dầu gội đầu chứa hoạt chất sulfur salicylic 2%;

Thuốc uống chống nấm toàn thân

Trường hợp bị lang ben mức độ nặng và không đáp ứng khi dùng thuốc, bác sĩ sẽ kê toa thuốc dạng uống kết hợp để kiểm soát bệnh hiệu quả hơn. Các loại được dùng phổ biến như:

  • Itraconazole: Liều dùng khuyến cáo 100 - 200mg/ ngày x 5 ngày;
  • Ketoconazole: Liều khuyến cáo 200mg/ ngày x 5 - 7 ngày;
  • Fluconazol: Liều khuyến cao 300mg/ tuần x 2 tuần;

Ngoài ra, một số trường hợp lang ben cũng có thể sử dụng thuốc Corticoid để xử lý. Corticoid có tác dụng chính là chống dị ứng, giảm đau và chống viêm, giúp giảm cảm giác ngứa ngáy khó chịu, không có khả năng diệt nấm. Do đó, chỉ được sử dụng loại thuốc này để hỗ trợ cải thiện triệu chứng, kết hợp với thuốc chống nấm để đạt hiệu quả tốt nhất.

Lưu ý quan trọng khi dùng thuốc trị lang ben chính là tuân thủ tuyệt đối các chỉ định của bác sĩ. Vì thuốc có thể gây ra các tác dụng phụ đáng lo ngại như hại gan, làm bỏng da, lột da...

Có thể bạn muốn biết: Các loại thuốc bôi lang ben hiệu quả được bán ở hiệu thuốc

2. Chăm sóc tại nhà 

Song song với dùng thuốc trị lang ben, người bệnh chú ý về cách chăm sóc da và sức khỏe hàng ngày.

  • Che chắn da cẩn thận, nhất là vùng da có tổn thương lang ben, tránh để da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời gay gắt;
  • Hạn chế những nơi có nhiệt độ cao hoặc ẩm ướt;
  • Sinh hoạt nhẹ nhàng, tránh tình trạng đổ mồ hôi quá nhiều;
  • Ăn uống khoa học, cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, nhất là vitamin khoáng chất cần thiết cho làn da;
  • Hạn chế ăn các loại thực phẩm nhiều dầu mỡ, thức ăn đóng hộp chứa chất bảo quản, nhất là các loại trái cây có vị chua vì có nguy cơ khiến bệnh nặng hơn;
  • Sinh hoạt khoa học, dành thời gian nghỉ ngơi, thư giãn, tránh làm việc quá sức, không thức khuya;

Quá trình điều trị lang ben thường kéo dài dai dẳng do bệnh dễ tái phát. Thường thì các tổn thương đốm vảy da sẽ biến mất chỉ sau vài lần bôi thuốc, nhưng phải mất nhiều tháng màu da mới trở lại bình thường.

Phòng ngừa

Lang ben là bệnh da liễu rất dễ mắc phải và dễ tái phát, nhất là khi thời tiết thay đổi. Để phòng ngừa bệnh ngay từ ban đầu, tránh những tổn thương và tính thẩm mỹ của làn da, hãy chủ động thực hiện các biện pháp sau:

Bệnh lang ben
Chăm sóc, vệ sinh và bảo vệ làn da kỹ lưỡng là cách phòng ngừa lang ben tốt nhất

  • Chủ động bôi thuốc chống nấm trước thời điểm mùa nóng hoặc mùa lạnh bắt đầu, thường là trước khoảng 1 tuần.
  • Dùng thuốc tẩy rửa da 1 - 2 tháng/ lần để ngăn chặn sự phát triển của nấm gây lang ben.
  • Giữ vệ sinh cá nhân kỹ lưỡng, tắm gội sạch sẽ mỗi ngày bằng các sản phẩm lành tính, không gây kích ứng cho làn da.
  • Tuyệt đối không dùng chung vật dụng cá nhân với người khác để tránh bị lây bệnh, như quần áo, khăn...
  • Mặc quần áo rộng rãi thoáng mát vào mùa nóng, thay quần áo sạch mỗi ngày, tránh mặc quần áo còn ẩm ướt.
  • Tránh sử dụng những sản phẩm chứa hóa chất tẩy rửa mạnh, dễ gây kích ứng da.
  • Bảo vệ làn da bằng cách giảm tiếp xúc với ánh nắng, che chắn bằng mũ, áo khoác, khẩu trang và bôi kem chống nắng hàng ngày.
  • Thường xuyên giặt giũ chăn màn, quần áo thường xuyên để loại bỏ nguy cơ phát triển nấm gây lang ben.

Tham khảo thêm: 14 Mẹo Trị Lang Ben Tại Nhà Hiệu Quả, Không Cần Thuốc

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Tại sao tôi bị lang ben? Mức độ bệnh có nặng không?

2. Bệnh lang ben có tiên lượng tốt không? Có chữa khỏi dứt điểm được không?

3. Chẩn đoán lang ben bằng phương pháp nào tốt nhất?

4. Phác đồ điều trị lang ben tốt nhất đối với trường hợp bệnh của tôi?

5. Bị lang ben dùng thuốc bôi hay thuốc uống tốt hơn? Có tác dụng phụ không?

6. Những cách chăm sóc da phòng ngừa lang ben tôi cần thực hiện?

7. Chế độ ăn uống trong quá trình điều trị lang ben?

8. Điều trị lang ben mất bao lâu?

9. Lang ben có tự khỏi không? Điều gì xảy ra khi tôi không điều trị?

10. Có cần tái khám sau điều trị không? Thời điểm phù hợp để tái khám?

Lang ben rất phổ biến, tuy lành tính nhưng lại dễ nhầm lẫn với nhiều bệnh lý da liễu khác. Do đó, bệnh nhân cần chủ động thăm khám để được chẩn đoán và tư vấn phương pháp điều trị phù hợp. Việc điều trị sớm giúp ngăn chặn các tổn thương nghiêm trọng hơn, bảo vệ, duy trì tính thẩm mỹ và sự khỏe mạnh của làn da.

Có thể bạn quan tâm: Bị Lang Ben Nên Kiêng Gì và Ăn Gì Giúp Cải Thiện Bệnh?

Chia sẻ:
Chàm Eczema Bệnh Chàm (Eczema)
Chàm (Eczema) là một trong những bệnh lý da liễu phổ biến, có tỷ lệ mắc cao ở cả trẻ em và người trưởng thành. Bệnh đặc trưng với những…
Viêm nang lông Bệnh Viêm Nang Lông
Viêm nang lông là bệnh da liễu xảy ra do…
Bệnh U nang bã nhờn
U nang bã nhờn là những khối nhỏ, thường không…
Chốc đầu (Nấm da đầu)
Chốc đầu là bệnh da liễu do da đầu nhiễm…
Bệnh viêm da cơ địa

Viêm da cơ địa là một trong những vấn đề về da liễu có tính chất mãn tính. Bệnh có…

Nấm da đầu Bệnh Nấm Da Đầu

Nấm da đầu là bệnh lý nhiễm trùng da đầu do sự tấn công của nấm, xâm nhập vào sâu…

Bệnh Dị Ứng Thời Tiết

Dị ứng thời tiết là bệnh lý xảy ra phổ biến ở cả trẻ nhỏ và người lớn. Đặc trưng…

Bệnh Gai Đen

Gai đen là bệnh lý da liễu phổ biến, chủ yếu xảy ra ở những người bị tiểu đường hoặc…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Đỗ Thu Hiền

Bác sĩ điều trị

[ads_sidebar]
Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua